Truyện Ngắn Làm Con Không Dễ - Thập Tam Cửu Nguyệt

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Thập Tam Cửu Nguyệt, 1 Tháng sáu 2020.

  1. Làm Con Không Dễ

    [​IMG]


    Tác giả: Thập Tam Cửu Nguyệt

    Thể loại: Truyện ngắn


    Link thảo luận - góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Thập Tam Cửu Nguyệt

    Đây là một câu chuyện buồn, có thể là sau khi bạn đọc câu chuyện này sẽ cảm thấy nhân vật chính có chút trách móc, có chút hờn giận ai oán. Nhưng nó là cảm xúc thật, là từng trải ít nhiều, cho đến một ngày nhân vật chính chợt nhận ra "Thật ra cuộc đời không có gì là dành cho cô cả!"

    Cửu Nguyệt sinh ra trong một gia đình bình thường, những năm đầu cuộc đời cô trải qua vô cùng bình yên dưới sự chăm sóc chu đáo có phần hơi nghiêm khắc của mẹ và sự.. lạnh lùng của cha.

    Mẹ cô lúc nào cũng nói với cô:

    "Ông ấy rất thương con, chỉ vì phải lo toan nhiều việc nên không thể dành nhiều tình cảm cho con cái. Con biết không, ngày con sinh ra đời cha đã rất vui, ông ấy đã chạy khắp bệnh viện để khoe khoang rằng mình đã có một cô công chúa rất dễ thương."

    Nhưng mãi sau này Cửu Nguyệt mới biết, câu chuyện là thật nhưng đối tượng không phải là cô mà là chị của cô. Ông ấy đúng thật rất vui mừng nhưng sự vui mừng lúc đó hay kể cả bây giờ cũng không dành cho cô.

    Năm cô bước vào lớp năm, những tưởng nó cũng sẽ là những ngày tháng bình thường tiếp theo, nhưng sóng yên hình như đã lâu, cũng đã đến lúc giông bão tới rồi! Cha mẹ Cửu Nguyệt bắt đầu cãi nhau, có khi còn đụng tay với nhau, Cửu Nguyệt trong thứ ánh sáng mang tên gia đình đó, từng ngày phải lắng nghe những câu mắng chửi của cha dành cho mẹ, hay những lời oán thán trách móc của mẹ dành cho cha.

    Và đương nhiên, chuyện gì đến cũng sẽ phải đến. Buổi sáng hôm đó, mẹ Cửu Nguyệt đến đánh thức cô, buột tóc cho cô, hôn lên trán cô – việc mà hầu như đã rất lâu rồi bà không còn làm nữa. Đưa Cửu Nguyệt đến trường, nhưng người mẹ lại không rời khỏi như thường lệ, bà đứng đó vẫy tay với Cửu Nguyệt, vẫy tay rất lâu, rất lâu. Cửu Nguyệt bước vào lớp học, nhìn ra, mẹ cô vẫn đứng đó.

    Sau buổi học, Cửu Nguyệt được cha đón về nhà, mâm cơm trên bàn đã nguội lạnh, không khí im lặng đến kỳ lạ. Chị của Cửu Nguyệt bước ra từ trong phòng, hai mắt đẫm lệ, nắm tay dắt Cửu Nguyệt vào phòng. Chỉ chưa đầy năm phút sau, tiếng khóc từ bên trong truyền ra, vang dội khắp nơi. Tiếng khóc xé lòng đó, Cửu Nguyệt sau khi nghĩ lại vẫn cảm thấy có lẽ cực hạn của con người không hề nằm ở sự kiên trì, hay sự nỗ lực mà là sự đau thương.

    Không có mẹ bên cạnh, buổi sáng Cửu Nguyệt sẽ thức trễ, tóc của cô cũng không ai buột lại cả, cha phải đi làm nên Cửu Nguyệt sẽ tự đi bộ đến trường. Một tháng, một năm, rồi năm năm, buổi sáng không có mẹ đánh thức chị hai sẽ dùng chiếc điện thoại cũ của cha để gọi cô dậy, tóc không có người buộc Cửu Nguyệt đã dùng kéo tự cắt ngắn nó lại. Mọi chuyện sẽ không có gì là lớn lao nếu như nó có thời gian để thích ứng.

    Năm thứ sáu từ khi mẹ đi, Cửu Nguyệt trở thành một thiếu nữ, cùng năm đó cha cô đưa một người phụ nữ về:

    "Đây là Thùy Trang, từ nay dì ấy sẽ ở đây, chăm sóc cho mấy đứa!"

    Một người xa lạ, tại sao lại đến ở phòng của mẹ, tại sao lại xâm nhập vào cuộc sống của gia đình cô? Cửu Nguyệt không thích người phụ nữ đó, cô không thích cách dì ấy luyên thuyên mọi chuyện trong gia đình với bên ngoài, cô không thích cách dì ấy xử sự như mọi chuyện điều do dì ấy làm.

    Nhưng rồi.. một ngày bạn sẽ nhận ra, cảm tính đôi khi còn lý trí hơn cả thực tế. Nhưng cha Cửu Nguyệt thì không nghĩ như thế, trong mắt ông ấy, dì Thùy Trang rất đảm đang, quán xuyến hết mọi việc trong nhà nhưng không kêu ca gì cả, thân thiện hòa đồng với mọi người xung quanh, còn lo lắng cho con cái của ông rất chu đáo. Thật là một người phụ nữ tốt, hiếm gặp khó tìm!

    Cha Cửu Nguyệt cứ u mê như thế, hai năm sau đó mọi chuyện lại không yên bình như thế, dì Thùy Trang có nhiều lúc lại kiếm chuyện vô cớ, dì ấy muốn chạy chiếc xe mắc tiền nhất trong nhà để về quê, dì ấy muốn tiền bạc phải do dì ấy quản. Cha không chịu nổi, trong khoảng thời gian dài, cuối cùng ông ấy đã đưa đơn ly hôn. Cuộc hôn nhân mười bảy năm với mẹ kết thúc trong sự vụn vỡ tình cảm, cuộc hôn nhân chưa đầy hai năm lại kết thúc trong sự phân chia không điều.

    Khi người bên ngoài gặp Cửu Nguyệt, cứ năm người sẽ có một người nói với cô:

    "Cha con xài phụ nữ hao thật đó!"

    Mọi chuyện lại quay trở về trạng thái ban đầu, cha Cửu Nguyệt luôn luôn bận việc, chị hai thì ngày càng học lên cao. Đối với Cửu Nguyệt không biết từ bao giờ, việc ở nhà một mình lại khiến cho cô cảm thấy rất yên tâm, rất tốt và.. cô thích như thế!

    Năm Cửu Nguyệt thi đại học, cô rất muốn học chuyên ngành ngôn ngữ Nhật, nhưng do không có kinh phí, cùng nhiều điều kiện khác. Cửu Nguyệt quyết định chọn ngành Môi trường của một trường phía Tây và ngành Điện tử của một trường kỹ thuật trong vùng. Nhưng cha Cửu Nguyệt lại muốn cô phải học ngành xây dựng, vì cha cô nghe người ta nói "Con gái xây dựng rất thiếu, chỉ cần học nhất định sẽ có việc làm", thế là ông ấy đến trường mà Cửu Nguyệt thi đậu làm ầm ĩ một trận, vì Cửu Nguyệt đã đưa phiếu điểm cho họ.

    Cửu Nguyệt vào Đại học Kỹ thuật học chuyên ngành Điện tử công nghiệp, từ đó cha cô cũng không quan tâm đến chuyện học hành của cô nữa. Khi bước vào trường Đại học, Cửu Nguyệt đã đăng ký học tiếng Nhật nhưng không nói cho cha cô biết, cho đến khi cô thi và lấy được bằng tiếng Nhật, Cửu Nguyệt đã hớn hở về khoe với cha cô, nhưng ngược lại với suy nghĩ của cô:

    "Học hành là chuyện của mày, liên quan gì đến tao, muốn học cái gì là tùy mày!" Là những lời là Cửu Nguyệt nhận được.

    Cùng năm Cửu Nguyệt đậu Đại học, mẹ cô cũng quay trở lại, nhưng bà không về nhà mà ở nhà của bà ngoại cách đó không xa. Cũng trong ngày hôm đó, mẹ Cửu Nguyệt gọi điện cho cô, thấy cô có vẻ buồn, bà hỏi và Cửu Nguyệt kể cho bà nghe mọi chuyện. Khi biết Cửu Nguyệt đã học và thi đậu, mẹ Cửu Nguyệt đã rất vui mừng, liên tục khen con gái rất giỏi, kêu cô hãy giữ vững niềm tin và học cao hơn nữa. Ngày hôm sau bà lén cha cô đưa cô đi ăn món cô thích nhất!

    Cha Cửu Nguyệt sau khi biết chuyện thì rất tức giận, hôm đó ông đã mắng chửi Cửu Nguyệt rất thậm tệ, nó làm cô nhớ đến những lời mà cha cô đã nói với mẹ cô trước khi ly hôn:

    "Loại đàn bà đê tiện như cô ngoài đường thiếu hay sao? Không có cô vẫn có tá người bên ngoài muốn vào ngôi nhà này.

    Cô mà muốn đem theo đứa con nào rời khỏi đây, tôi sẽ giết đứa đó!"

    Và giờ đây, những thứ mà cô được nghe lại là:

    "Mày là giống cho gì vậy?

    Mày dám phản tao hả?

    Thứ như mày ra xã hội sẽ không thể làm nên chuyện gì đâu!

    Nếu mày chịu cưới một ông già sắp chết tao sẽ cho mày một trăm triệu, còn mấy thằng choi choi thì một đồng tao cũng không đưa ra."

    Thời khắc đó cứ như là mơ đối với Cửu Nguyệt, cô đã phải nhìn lại người đứng trước mắt mình rất nhiều lần và tự hỏi:

    "Con người có thể thay đổi như thế sao? Có chắc câu tục ngữ" Hổ dữ không ăn thịt con "là đúng chứ!"

    Cửu Nguyệt chỉ biết khóc, không biết cô đang khóc vì điều gì, vì cuộc đời quá bất công, vì cuộc sống quá khó khăn, vì điều gì cô cũng không biết.

    Cả cuộc đời cha Cửu Nguyệt chỉ sống để chứng minh mà thôi!

    Khi mẹ Cửu Nguyệt rời đi, cha cô muốn chứng minh không có người phụ nữ ông vẫn có thể lo lắng mọi chuyện chu toàn. Khi trong gia tộc vì tranh chấp có hay không cho ông một mảnh đất, cha Cửu Nguyệt vì muốn chứng minh ông không hề cần miếng đất đó, ông có thể có những mảnh đất to hơn rộng hơn thế. Chẳng những bản thân ông muốn chứng minh, ông cũng muốn con cái cũng phải chứng minh, ông lúc nào cũng truyền dạy tư tưởng "Phải chứng minh cho người bên ngoài biết, tụi bây không có mẹ nhưng vẫn học giỏi, vẫn sống tốt!"

    Có nhiều lúc Cửu Nguyệt như bị nghẹt thở vì những lời nói của ông, phải gánh trên vai áp lực còn lớn hơn cả áp lực khi cô phải đấu tranh với mọi người ngoài xã hội. Đôi lúc Cửu Nguyệt chỉ muốn ngồi yên một chỗ, không muốn làm gì cả, không muốn lo lắng gì cả. Liệu mọi chuyện cũng sẽ giống như cô, cứ bình bình yên lặng trôi qua mà không ảnh hưởng gì đến ai cả hay không?

    Ai đó có thể thấy, gia đình này thật hạnh phúc.. cho dù mất đi một mảnh ghép nó vẫn hoàn hảo đến lạ. Nhưng sự hoàn hảo là gì? Là không chút tỳ vết, là không có gì phải chê bai, chế giễu, hay hoàn hảo là phải tạo một vỏ bọc để che giấu mọi chuyện thật.. HOÀN HẢO.

    Cửu Nguyệt rất thích tiền, cô muốn kiếm thật nhiều tiền, cô muốn trở nên giàu có. Cô muôn thoát ly khỏi nơi này, cô muốn đi ra khỏi sự giả tạo này! Cửu Nguyệt cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy thất vọng, cảm thấy dường như tất cả những điều tốt đẹp trên thế giới điều bị thượng đế thiên vị, không chừa cho cô một chút nào cả.

    Và, khi Cửu Nguyệt bước vào năm ba Đại học, cha cô lại dẫn thêm một người phụ nữ nữa về, cha Cửu Nguyệt nói với cô rằng "Mày phải tự hào vì cha đã cưới được một người vợ làm cô giáo!". Lúc đó, Cửu Nguyệt thật sự muốn thét lên với ông rằng:

    "Con phải tự hào như thế nào đây! Tự hào vì cha đã cưới được thêm một người vợ nữa, tự hào vì có được một người nữa đồng ý bước vào nhà này. Nếu là điều đó thì thật đáng tự hào!"

    Ngày sau hôm khi cưới người phụ nữ thứ ba về nhà, cha Cửu Nguyệt đã dạy bảo cô rằng:

    "Buổi sáng phải thức dậy nấu nước, pha trà, làm cơm cho cha và dì, đó mới là người làm con. Dì phải đi làm với cha, con phải ở nhà làm đồ ăn để sẵn đó, để cho người ta không nhìn vào đánh giá."

    Có đôi khi Cửu Nguyệt lại nhằm tưởng mình đang sống ở thời phong kiến địa chủ, mà người gia trưởng đó.. là cha?

    Trong cuộc đời của Cửu Nguyệt tính đến tận bây giờ, cô đã làm nhiều chuyện có đúng có sai, có hối hận có mãn nguyện, nhưng chuyện mà Cửu Nguyệt đã làm và cảm thấy cô sẽ không hối hận đó chính là phản đối lại cha cô. Cửu Nguyệt đã không nói chuyện với ông ấy gần nửa năm nay, cho dù ông ấy có mắng chửi, có ném đồ vào người cô, có làm gì nữa thì Cửu Nguyệt chỉ ngồi yên đó.. không làm gì cả.

    Dạo gần đây, Cửu Nguyệt bắt đầu sáng tác truyện trên mạng, đó là một công việc cô rất yêu thích. Cửu Nguyệt không còn một mình trong căn phòng im lặng đó nữa, thay vào đó tâm trí cô bay bổng với những nhân vật cô tự vẽ nên. Cô có thể ngồi hàng giờ liền để đánh máy chứ không phải là ngơ ngẩn nghĩ về cuộc đời.

    Có lẽ đối với cô, mọi thứ dường như vẫn còn chừa lại cho cô chút ít. Đặc biệt, mẹ Cửu Nguyệt sau khi biết cô viết ra những câu chuyện đã rất hào hứng, bà ấy không dùng điện thoại được quen thuộc, nhưng vẫn dành hàng tiếng để tìm kiếm câu chuyện của cô, nói cho cô nghe bà cảm thấy thế nào khi đọc nó. Ban đầu Cửu Nguyệt cảm thấy không quen khi mẹ cô đòi xem những câu chuyện đó, nhưng khi mẹ cô nói "Mẹ còn ở đây, con phải nói cho mẹ nghe chuyện con muốn làm và chuyện con đã làm được."

    Hơn hai mươi năm cuộc đời có lẽ đối với Cửu Nguyệt, nó không hường phấn như cô tưởng tượng, nó không u ám như cô mặc định. Mà.. nó chỉ thiếu người tô màu thôi, lời khó nghe nhất cô cũng đã nghe thì ngại gì nghe thêm nhiều lần nữa. Đối với Cửu Nguyệt, nước mắt có lẽ không dùng để khóc thương, không dùng để thể hiện rằng mình đang đau khổ nhường nào, mà là giọt nước chảy vì sự hạnh phúc cực hạn cô sẽ được cuộc đời này ban tặng.

    Làm cha mẹ rất khó, nhưng làm người con không phải còn khó hơn sao. Chúng sẽ phải bắt đầu những ngày tháng ngây thơ ban đầu bằng sự chính chắc của người lớn, cho dù bạn vẽ lên trước mặt chúng khung cảnh đẹp đẽ như thế nào, thì điều ẩn sâu bên trong đó cũng sẽ có ngày bị thời gian vạch trần.

    Khi người lớn đang từng ngày dành thời gian cho sự nghiệp, cho bạn bè, cho những thứ mà lúc nào họ cũng nói "Sau này con cũng sẽ như thế!", thì không phải họ nên chịu trách nhiệm cho đứa con của họ nhiều hơn sau. Nó còn tương lại rất dài, rất dài phía trước, nếu hành trang bạn đưa cho nó chỉ là sự trải nghiệm mà bản thân nó tự cảm nhận thì đó thật sự là sự vô tâm đáng trách.

    Con người thật sự rất kỳ lạ, họ theo đuổi nhiều thứ, cố gắng để đạt được đỉnh cao của mọi chuyện nhưng họ sẽ dần quên mất bản thân mình làm điều đó để làm gì.

    Cha Cửu Nguyệt nói với những người bạn rằng:

    "Tao muốn tạo dựng một cơ ngơi để cho con cái không phải khổ sở về sau, để cho nó có chỗ dựa cho tương lai, ít nhất là luôn thấy nụ cười của nó chứ không phải sự khổ sở khi không có mục đích"

    Nhưng khi có cơ ngơi trong tay, ông ấy lại quên mục đích mình làm chuyện đó. Cha Cửu Nguyệt đã có được thứ ông ấy muốn và đương nhiên thứ ông ấy mất cũng không bao giờ tìm lại được nữa.

    Đừng vô tâm với những đứa trẻ, hãy khen ngợi khi thấy chúng có sự cố gắng, hãy yêu thương chúng khi thấy chúng đang thất vọng, hãy quan tâm chúng khi thấy chúng bế tắc. Cho dù không có cơ ngơi hay sự nghiệp lớn mạnh, nhưng chắc chắn bạn đã có một thứ mà ai cũng lỡ đánh mất.

    "Hãy quan tâm con hơn, cha nhé!"
     
    Bụi, LoBeThiên hi thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...