Ký ức Tết xưa Thương Minh Châu Tết nguyên đán là phong tục truyền thống của tổ tiên, ông cha ta để lại từ ngàn đời nay. Mỗi một năm qua đi là biết bao nhiêu thay đổi không chỉ với con người mà cả với vạn vật, vũ trụ! Và dù năm nào cũng có tết, đón tết nhưng chắc chắn chẳng có tết nào giống với tết nào! Cuộc đời mỗi con người là hành trình trải qua bao nhiêu cái tết, bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu trải nghiệm vui, buồn, sướng, khổ.. và có lẽ những cái tết khi còn là những đứa trẻ luôn giữ một góc sâu đậm trong ký ức. Bởi vậy, có nhiều tác phẩm nghệ thuật đã nói thay tâm tư luyến nhớ về một cái tết đã xa, đã qua.. Ví dụ như: "Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa" đây là tên một bài hát, chỉ một cái tên thôi cũng chứa đựng cả tâm sự, lỗi lòng không chỉ của nhạc sĩ mà còn là tiếng lòng chung của nhiều người, nhiều đời, nhiều thế hệ. Tôi sinh năm 1990, một thời tuổi teen chúng tôi gọi nhau là thế hệ 9X. Ngoảnh đi ngoảnh lại, thoắt cái 9X cũng đã toàn người trưởng thành, đã va vấp, bươn chải với cuộc sống. Người đầu thế hệ cũng đã gần 30 tuổi, trẻ nhất cũng đã 20 tuổi. Sớm thì người cũng xây dựng gia đình, có con cái, lo toan mọi chuyện, muộn thì cũng đã học cao đẳng đại học hoặc đi làm. Chẳng phải cái tuổi lông bông vô tư vô lo vô nghĩ, được bao bọc hoàn toàn trong vòng tay bố mẹ. Mỗi khi dịp tết đến, có cơ hội quây quần bên gia đình, bạn bè, người thân, kiểu gì chẳng có dăm ba câu chuyện ngày xưa đón tết thế này thế nọ.. rồi cười phá lên, chọc ghẹo đùa nhau về mộ thời ngô nghê như thế, thoáng có chút luyến tiếc nhớ nhung! Thời gian là tấm vé một chiều không khứ hồi, mà ký ức là điều duy nhất giúp chúng ta quay ngược thời gian để trở về và sống lại một thời đã qua. Tết đang đến rất gần, khiến tôi hoài niệm về một thời niên thiếu với những cái tết thiếu thốn vật chất nhưng đậm sắc màu cổ truyền dân tộc! Một trong những thứ mà tôi không thể nào có lại, hay được trải qua thêm một lần nào nữa đó chính là không khí chuẩn bị đón tết. Ngày đó, tôi vẫn còn là một đứa trẻ! Tôi mong ngóng đếm từng ngày đến ngày được nghỉ học. Dường như không khí rộn ràng, háo hức nhất là mấy ngày trước tết. Bố mẹ, anh chị sẽ quét dọn nhà cửa, quét mạng nhện, vứt những đồ không cần thiết, sắp xếp gọn gàng đồ đạc, khiến ngôi nhà sạch sẽ và tươi mới hơn. Mẹ tôi cắt hoa giấy, những tờ giấy mỏng có màu một mặt, chỉ có vài màu cơ bản, mẹ cắt hình hoa rồi dán các bông hoa lại với nhau thành một dây để chăng lên thành hình chữ X trang trí trần nhà. Rồi đến khâu chuẩn bị gói bánh chưng. Bố tôi sẽ cắt tàu dừa lấy lá dừa làm khuôn, mẹ chặt tàu lá chuối cho chúng tôi lau rửa. Chuẩn bị đồ gói bánh, đỗ, thịt lợn, gạo nếp. Tôi, anh và chị thì mỗi đứa tranh nhau bắt bố mẹ gói cho bánh chưng nhỏ xíu! Xong xuôi là phần luộc bánh. Chất đầy củi ở bếp, mấy mẹ con tôi nằm ngủ luôn cạnh bếp than hồng rực, ấm áp để trông nồi bánh. Phải luộc nguyên đêm mới được vớt bánh! Chủ yếu là mẹ tôi và bố tôi thay phiên nhau trông nồi bánh, thêm củi, thêm nước. Còn chúng tôi thì lăn ra ngủ khì. Sáng dậy đã thấy bánh được vớt đặt trên một cái bàn, đè lên bởi miếng gỗ và mấy hòn gạch để ép bánh. Chúng tôi mỗi đứa lấy một cái bánh chưng nhỏ háo hức cầm đi khoe với bọn trẻ con hàng xóm. Phiên chợ ngày tết, mẹ tôi đi chợ bằng xe đạp và không cho chúng tôi đi theo vì còn phải chở đồ. Tôi nhớ, tôi chạy theo mẹ ra tận cổng và khóc đòi theo nhưng không kịp theo xe mẹ, chỉ dặn với mẹ nhớ mua quà cho con, rồi mong ngóng mẹ về. Chợ quê nghèo, quà cũng chỉ là cái bánh rán, bánh mỳ, hay ít bỏng, khúc mía, thế mà khi mẹ về ba đứa chạy ra ríu rít: "A mẹ về!". Chúng tôi tranh nhau lục xem mẹ có quà gì, mẹ mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới mặc chơi tết. Chúng tôi chỉ được ướm thử thôi, phải đến tết mới được mặc, quần áo mới để nguyên không giặt, đến lúc mặc vẫn có mùi vải mới, để còn đi khoe khoang với các bạn hàng xóm rằng mình có quần áo mới. Mẹ sắp hoa quả, bánh trái đặt lên ban thờ, sắp xếp ban thờ sao cho thật đẹp mắt. Mâm ngũ quả chủ yếu là cây nhà lá vườn, chuối xanh, quất, bòng, bánh, kẹo. Mẹ tôi xay thóc nếp, nấu cơm và ủ lấy rượu để uống tết. Còn cốm rượu chúng tôi được ăn. Cốm rượu nếp vừa ngọt vừa thơm, cứ ăn vào nhiều cũng say. Tôi ăn cốm rượu xong theo bố đi chơi, ngày đó chắc tóc tôi thưa, nên đỏ tận chân tóc, ai hỏi bố tôi đều nói là tôi say cốm rượu! Đêm giao thừa, bố mẹ gọi mấy chị em dậy bắn pháo hoa. Cái pháo hoa cây, giống như một khúc gậy, bắn một lần được rất nhiều quả, không nhiều màu sắc và hình dạng như bây giờ. Nhà nào có điều kiện thì dùng pháo nổ. Ngập trời là tiếng đùng đoàng và pháo hoa. Đến khi tiếng pháo nổ thưa dần, pháo hoa cũng hết, chúng tôi mới đi ngủ. Sáng mồng một tết, mẹ gọi ba chị em tôi dậy. Mẹ đổ ra chậu thau một nồi nước rau mùi già thơm nức, mẹ lấy khăn sấp nước rau mùi rồi rửa mặt cho ba chị em, để một năm mới thơm tho, sạch sẽ. Mẹ lấy quần áo mới cho chúng tôi mặc và chúng tôi theo bố đi chúc tết. Cái ngày ấy, trẻ con ngố lắm, chỉ đi theo người lớn chứ chẳng biết chúc tết là gì. Rồi nhận được những đồng tiền mừng tuổi, 100vnd, 200vnd, 500vnd, 1000vnd, và sộp nhất là 2000vnd. Có cả mừng tuổi bằng kẹo, bánh nữa. Nhưng chủ yếu là tờ 100vnd và 200vnd (ngày đó, 200vnd được 1 mớ rau muống to. Tôi nhớ rõ vì tôi hay được đi theo mẹ đi chợ bán rau. Hai mẹ con đi bộ, tôi lẽo đẽo theo mẹ, mẹ gánh rau, hai mẹ con đi từ sớm tinh mơ khi trời còn chưa sáng để kịp đến chợ nhận chỗ). Đi chúc tết, mỗi đứa chúng tôi vơ đầy kẹo nhét vào đủ túi mang về rồi đưa hết tiền mừng tuổi cho mẹ. Những ngày tết, là những ngày chúng tôi được ăn nhiều bánh kẹo nhất, được ăn những món ngon, và ít bị đánh với mắng nhất! Tết cũng là lúc cả gia đình mới quây quần bên nhau đông đủ, vì bố tôi hay đi làm xa, đến tết mới về. Bây giờ, khi đã trưởng thành, mỗi khi tết đến, tôi không còn sự háo hức, nôn nóng chờ đợi đón tết như ngày nào mà xen lẫn trong tôi là bao nhiêu cảm xúc vui buồn lẫn lộn! Tôi ước gì được một lần thôi, trở về với cái tết đầm ấm ngày ấy. Cái tết có bố mẹ còn trẻ lắm, có anh chị em tôi còn giành nhau từng cái bánh chưng con, nhưng sẵn sàng bênh nhau khi đánh nhau với lũ trẻ hàng xóm. Ở đó, có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, vui vẻ quây quần bên nhau!