Trong số những kỳ án mà Bao Công dám đứng ra giải quyết có liên quan rất nhiều đến lai lịch của Hoàng đế Tống Nhân Tông, đó là câu chuyện nổi tiếng "Linh miêu hoán chúa". Truyền kỳ này được rất nhiều người biết đến vì nó biểu trưng cho sự can đảm không hề khiếp sợ cường quyền của Bao Công, nhất quyết không vì cản ngại của bọn có quyền thế mà từ bỏ công lý. Đó là năm 1023, khi Thái tử Triệu Trinh lên nối ngôi thì Bao Công đã ngồi ở địa vị Tri phủ được mấy năm, nổi tiếng là thanh liêm. Vì vậy khi đất nước có thiên tai, Tống Nhân Tông liền xuống chiếu đại xá thiên hạ, đồng thời phái Bao Công đi các tỉnh xem xét dân tình, cứu tế nếu quả nơi đó dân chúng đang đói khổ. Một lần kia, Bao Công cùng tùy tùng đi ngang trấn Tang Lâm thì trời đã tối, liền quyết định dừng lại ở miếu Đông Nhạc cho mọi người nghỉ ngơi. Nhân dịp này Bao Công cũng yết thị bố cáo cho dân chúng biết nếu ai gặp hàm oan thì có thể vượt cấp dâng thư lên ông cứu xét. Qua hôm sau, chợt có một lão nhân ăn mặc rách rưới nghèo hèn đến trước cửa miếu, tay cầm lá thư và xin được gặp mặt Bao Công để tố cáo một việc quan trọng. Thấy bà lão này ốm yếu xơ xác, quân lính liền nói: - Ngươi hãy đưa thư tố cáo đây. Lát nữa lão gia thức dậy ta sẽ trình lên cho. Chẳng ngờ bà lão hừ một tiếng, gằn giọng nói: - Quan là cha mẹ của dân mà giờ này chưa ngủ dậy hay sao? Ngươi hãy vào báo là có người muốn gặp tận mặt, tố cáo một việc hết sức quan trọng đến quốc sự được không? Nghe đến hai chữ "quốc sự", tên lính cũng hơi kinh hoảng, vội dặn bà lão đợi ở ngoài, mau mau vào thưa với Bao Công. Thật ra lúc ấy Bao Công đã thức dậy từ lâu, nghe tên lính báo lại thì hơi ngạc nhiên nhưng vốn tính rất thân thiện với người dân, ông cũng chẳng nề hà đó là bà lão nghèo đói xác xơ, lập tức thăng đường rồi mời vào. Bà lão cứ cầm lá thư ở tay, không đưa lên, đôi mắt nhìn chằm chặp vào Bao Công, hình như chưa biết chắc vậy. Bao Công liền hỏi: - Nữ nhân đứng dưới kia là ai, tên tuổi là gì, muốn tố cáo oan ức gì thì mau đưa thư lên đây. Chẳng hiểu sao bà lão lại mắng chửi: - Hừ! Cái tên của ta thật khốn khiếp, chẳng đáng nói ra. Nếu ông là Bao Công thật sự thì chỉ cần nghe lời tố cáo trước đã, sau đó hãy hỏi tên tuổi của lão có được không? Bao Công nghe vậy cũng vui vẻ bằng lòng. Thế nhưng bà lão vẫn chưa dừng thái độ khó hiểu, nhìn chằm chặp vào mặt ông rồi hỏi: - Ông có thật phải là Bao Chửng? Người mà người ta đồn đại là Bao Thanh Thiên xử án hết sức công minh, không biết sợ cường quyền đấy không? Bao Công vẫn không giận, đáp: - Quả đúng bản quan đây là Bao Chửng. Nhìn mặt đen xì của bản quan, ngươi không nhận ra là Bao Hắc Tử hay sao? Nghe những lời nói nhẹ nhàng khoan dung, không nạt nộ hạch sách như các quan lại khác, bà lão hình như đã tin tưởng mấy phần, nhưng vẫn tỏ ra ngần ngại hồi lâu mới nói: - Lão đây tuổi già mắt kém, làm sao nhìn được cho rõ. Nếu ông thật là Bao Công thì phía sau cổ có một cục thịt thừa nho nhỏ. Ta sờ vào là biết ngay chân giả. Bao Công thoáng ngạc nhiên bởi cục thịt dư này hầu như rất ít người biết tới, tại sao một lão nhân già yếu ở địa phương xa xôi này lại tường tận như vậy? Bao Công liền cho phép bà lão được tới gần, trật cổ áo ra sờ vào phía sau. Bà lão run run lấy tay mò mẫm, sau khi sờ trúng cục thịt thừa thì liền mừng rỡ la lên: - Quả là Bao Công thật rồi! Bao Công tưởng đâu bà lão sẽ quỳ mọp xuống như mọi người rồi thưa lên những oan ức đã gặp. Chẳng ngờ bà lão đang tiện đứng gần liền đưa tay tát luôn hai cái vào hai má của Bao Công khiến quân lính và bọn nha lại đều xanh mặt sợ hãi, hồi hộp chờ đợi cơn thịnh nộ của đại quan. Thật ra Bao Công cũng hơi tức giận vì bất ngờ nhưng rất mau trấn tỉnh lại được, trầm giọng hỏi: - Thật ra ngươi là ai? Tại sao lại dám đánh quan lại của triều đình? Bà lão không hề sợ sệt, nói nho nhỏ: - Ta đã nói đây là quốc sự. Việc này chỉ có ta và ngươi được biết mà thôi. Hãy mau cho tả hữu lui ra ngoài rồi ta kể cho nghe. Thấy bà lão đổi giọng xưng hô, tỏ ra là người trên chứ không còn giữ dáng điệu dân thường nữa, Bao Công bắt đầu nhận ra có lẽ đó là việc rất quan trọng, bằng lòng cho tả hữu lui hết ra ngoài. Khi biết trong miếu không còn ai, bà lão chợt khóc to một hồi, sau đó mới nức nở nói: - Ngươi đã làm quan từ khi Hoàng đế hiện nay còn là Thái tử thì chắc phải biết ta là ai. Ta chính là Lý Tài nhân, con của Tiết Độ sứ Lý Tông Hoa đây! Cái tên này nghe rất quen bởi Bao Công đã nhiều lần vào cung nhưng nhất thời không thể xác nhận. Ông còn đang ngỡ ngàng suy nghĩ thì Lý Tài nhân hình như đang mơ màng đến việc xưa kia, nói rất nhỏ: - Năm lên 13 tuổi, ta được phụ thân đưa vào Thái Thanh viện tu hành, lấy pháp danh là Kim Quán đạo cô. Những tưởng cuộc đời mai một thanh xuân ở nơi thâm u ấy, chẳng ngờ một hôm Hoàng đế (tức Tống Chân Tông Triệu Hằng) đến thắp hương. Nhìn thấy ta có chút nhan sắc nên đem lòng thương yêu, lập tức đưa về cung phong làm Tài nhân. Ta cùng Hoàng đế mặn nồng biết bao thắm thiết, vì vậy đã hoài thai ngay từ tháng thứ hai. Lúc đó Lưu Quý phi cũng hoài thai, theo lời ngự y thì có lẽ cả hai sẽ sinh cùng ngày cùng tháng. Ta không hề để ý đến chuyện đó, chẳng ngờ đâu.. Lý Tài nhân chợt thở dài ảo não. Càng nghe càng hồi hộp vì biết sẽ có chuyện tày đình xảy ra, Bao Công cũng không hối thúc, chờ một lúc thì Lý Tài nhân nén cơn xúc động, nói tiếp: -.. Ta không ngờ rằng Lưu Quý phi sinh hạ không vuông tròn, công chúa vừa mới ra đời thì đã tắt thở. Lúc đó ta hết sức vui mừng vì đã hạ sinh một hoàng tử nên không đề phòng chút nào, ngu dại để bọn thái giám toa rập với Lưu Quý phi bắt con trai của ta đi mất, thế vào đó là xác một con mèo nhỏ. Việc ám muội này không qua mắt được tên thái giám Trương Viện Tử, vì vậy ta toan tính đi tố cáo thì Lưu Quý phi biết trước, lén sai người giết chết Trương Viện Tử. Nói tới đây Lưu Tài nhân khóc ngất một hồi, mãi sau mới nói tiếp được: - Không hiểu vì sao khi nhìn mặt con thì đó không phải là hoàng tử hay công chúa mà là xác một con mèo mới chết, còn ướt đẫm máu me. Ta vì sinh ra một con mèo nên bị bọn tay chân của Lưu Quý phi tung tin là hồ ly, rốt cuộc không làm sao minh oan nổi, phải chịu bị giam vĩnh viễn nơi lãnh cung. Cũng may khi con ta lên ngôi Hoàng đế đã xuống chiếu đại xá thiên hạ, ta nhân dịp này mới ra khỏi lãnh cung, lưu lạc đến đây làm nghề ăn xin qua ngày. Bao nhiêu uất ức bấy lâu nay dồn nén trong lòng nhưng ta tuyệt đối không dám hở môi cho ai, biết rằng chỉ có ngươi, người không sợ trời không kiêng đất mới có thể giải nỗi oan tình này cho ta mà thôi. Việc này vô cùng trọng đại nên Bao Công cũng thoáng sợ hãi, hỏi lại: - Việc có thật hay không? Ai có thể làm chứng được? Nếu sơ suất thì ta và bà có thể bị tru di ba họ đấy. Bà lão tự nhận là Lý Tài nhân gật đầu nói: - Tuy Trương Viện Tử đã chết, hoàn toàn không có nhân chứng nhưng tất cả mưu mô đều do tên thái giám Quách Hòe cầm đầu. Chỉ cần làm sao bắt hắn phải khai ra là mọi việc sáng tỏ ngay. Bao Công nghe vậy ngần ngừ nói: - Nếu thật sự do tay của Quách Hòe thì chắc chắn hắn sẽ không bao giờ khai thật. Việc điều tra này sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên nếu như bà quả là Lý Tài nhân thì phải biết rõ Hoàng đế khi mới sinh ra có đặc điểm như thế nào thì bản quan mới dám tin tưởng. Lý Tài nhân ung dung đáp ngay: - Khi mới sinh ra, hai tay Thái tử nắm chặt, cung nữ phải khéo léo nắn nhẹ rồi mở ra, thấy tay trái có hai chữ "Sơn hà", tay phải có hai chữ "Xã tắc". Như thế đã rõ chưa? Bao Công nghe xong biết chắc đây là Lý Tài nhân, lại là mẫu thân của Hoàng đế hiện tại thì thất sắc, vội đỡ bà lão ngồi lên ghế, rồi quì xuống thưa: - Xin Nương nương tha tội cho Bao Chửng này không biết nhìn người. Lý Tài nhân đang lúc hy vọng, tràn trề vui sướng, không chấp nhất chút nào, đỡ Bao Công dậy rồi muốn hỏi ngay kế sách để điều tra sự việc. Ông không vội vã, sai người đưa Lý Tài nhân đi tắm rửa, thay quần áo mới rồi mở tiệc chúc mừng trước khi bí mật đưa về Đông Kinh. Bao Công suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để có thể sáng tỏ mọi điều, chỉ cần một chút sơ sẩy hay phạm thượng đến tôn nhan là mất đầu như chơi. Do vậy ông trằn trọc suốt đêm mới nghĩ ra một phương cách. Hôm sau Bao Công vào chầu liền tâu với Hoàng đế Tống Nhân Tông: - Thần theo lệnh hoàng thượng đi công cán nhiều nơi, nhờ ân đức của hoàng thượng nên mọi việc đều trôi chảy hoàn tất, nhân dân hết lời ca tụng. Thế nhưng lúc về đến trấn Tang Lâm thì gặp một việc rất lạ. Đó là giữa đường có một đạo nhân dáng vẻ nghèo đói gầy gò, mặc hoàng bào rách nát, theo lời người dân kể lại thì đã khóc đến 3 ngày 3 đêm, cứ lẩm bẩm trong miệng là "Sơn hà Xã tắc nghiêng đổ mất rồi". Hạ thần thấy việc này nghiêm trọng nên dừng xe hỏi tại sao thì đạo nhân ấy trả lời: "Sơn hà xã tắc hiện nay không phải là chân Thiên tử thì tất phải nghiêng đổ mà thôi". Trả lời xong đạo nhân ấy bỏ đi ngay, tìm mãi không gặp được nữa, vì vậy chẳng biết chuyện này đúng hay sai. Trong lòng thần hết sức phân vân nên mới bạo gan kể lại chuyện này cho bệ hạ nghe. Tống Nhân Tông nghe vậy cười nói: - Bọn đạo sĩ thường hay lắm chuyện, thích nói hoang đường để lừa bịp người nhẹ dạ đó thôi. Khanh cứ yên tâm, trẫm sinh ra đã có hai chữ "Sơn hà" và "Xã tắc" trong lòng hai bàn tay thì là chân Thiên tử, nào phải giả Thiên tử mà hiền khanh phải lo lắng? Bao Công liền xin được Tống Nhân Tông ban ân sủng cho xem hai lòng bàn tay. Khi đọc rõ hai chữ "Sơn hà" và "Xã tắc" rồi, ông giả vờ ngần ngại, tâu: - Quả hoàng thượng là chân Thiên tử. Rất tiếc rằng chữ "vương" có bộ "thảo" ở đầu mà thôi. Bao Công cố ý đặt điều là có bộ "thảo" ở đầu để ám chỉ mẫu thân của Hoàng đế đang phải chịu cảnh bần hàn như kẻ thảo dân. Toàn bộ quần thần nghe Bao Công tâu vậy thì đều giật mình kinh sợ bởi tội phạm thượng khi quân khó tha thứ được. Quả nhiên Tống Nhân Tông nổi cơn lôi đình, đập tay xuống ngai vàng, quát lớn: - Thái tổ Hoàng đế xuất thân nơi quyền quý, lấy nhân nghĩa làm gốc mới giành được thiên hạ, truyền ngôi từ đó đến nay ai ai cũng ca tụng. Trẫm là dòng dõi của Thái tổ, tại sao ngươi lại dè bỉu là Vương có bộ "thảo" ở đầu? Thái tổ Hoàng đế triều Tống mà Tống Nhân Tông vừa nhắc tới là Triệu Khuôn Dẫn, một người kiêu hùng vũ dũng, khôn ngoan tài lược, đã dựng lên vở kinh "Trần Kiều binh biến" lật đổ ngai vàng của nhà Hậu Chu, kiến lập triều Tống khá thịnh trị, kéo dài nhiều năm, được người dân Trung Hoa khen ngợi. Nhân Tông nhắc tới Thái tổ tức là đã hết sức tức giận. Vì vậy ai cũng tưởng Bao Công sẽ quỳ mọp xuống xin tha tội chết, ngờ đâu ông vẫn bình tĩnh như thường, lại còn nói nho nhỏ: - Bệ hạ cho mình là chân Thiên tử, thế sao không biết mẫu thân của mình là ai? Nghe câu nói lạ lùng này, Tống Nhân Tông giảm bớt giận dữ, đáp luôn: - Hoàng mẫu của ta là Lưu Thái hậu, hiện đang ở cung Triêu Dương, ai cũng biết rõ, sao ngươi lại dám nói là trẫm không biết? Từ trước tới nay trẫm rất kính trọng khanh là người công minh chính trực, không hiểu tại sao lại hồ đồ phạm thượng đến vậy, nếu không giải bày được thì e rằng trẫm khó dung thứ nổi. Bao Công liền cúi người, nói lớn: - Hạ thần e rằng không phải như vậy. Hạ thần nghe rằng hoàng mẫu của bệ hạ hiện nay đang phải ăn xin từng miếng cơm ở trấn Tang Lâm mà bệ hạ ngồi trên ngai vàng không biết gì hết thì giang sơn xã tắc có thể nghiêng đổ chẳng sai. Trong số bá quan văn võ có người biết đó là sự thật, bệ hạ chưa tin thì cứ tra hỏi sẽ rõ ngay. Nếu hạ thần sai lời thì xin đưa đầu chịu tội, không oán thán nửa lời. Thái độ ung dung của Bao Công làm cho Tống Nhân Tông cũng phải bất ngờ, do vậy lửa giận vơi đi gần hết. Hoàng đế lại vốn biết Bao Công nghiêm chính, không bao giờ nói bừa bãi, chắc hẳn đây phải là việc rất hệ trọng nên nén giận hỏi: - Như vậy là thế nào? Ai trong triều biết rõ hoàng mẫu của trẫm hơn cả trẫm? Bao Công đáp thẳng luôn: - Đó là Quách Hòe, thái giám thân cận của Lưu Thái hậu. Một đại thần là Vương Thừa tướng cũng không thể bỏ qua việc hệ trọng như vậy, lập tức tiến ra tâu: - Theo hạ thần thì Bao Hắc Tử có ý định phanh phui chuyện gì rất hệ trọng, liên quan cả đến bệ hạ. Nếu có thực thì chắc chắn Quách Hòe là người thân tín trong tam cung lục viện, am hiểu rõ nhất những ẩn tình, xin bệ hạ cứ gọi hắn đến hỏi thử xem phản ứng ra sao rồi hãy kết tội Bao Hắc Tử chưa muộn. Tống Nhân Tông nghe vậy liền xuống lệnh triệu Quách Hòe đến, nôn nóng hỏi luôn: - Ai là hoàng mẫu thật sự của trẫm? Trước mặt bá quan văn võ ngươi cứ nói thật ra đi. Quách Hòe không hề lộ chút bối rối nào, mau mắn tâu ngay: - Lưu Thái hậu chính là mẫu thân của bệ hạ! Việc này rõ ràng cả thiên hạ cũng biết. Hạ thần hết sức thắc mắc tại sao bệ hạ lại hỏi như thế. Chắc chắn đã có kẻ nào gièm pha định lăng nhục quốc thể đây. Tống Nhân Tông nghe xong lửa giận lại bùng lên, đã toan hạ lệnh đem Bao Công ra pháp trường xử trảm về tội khi quân phạm thượng. Thế nhưng thấy ông vẫn ung dung, chẳng hề tỏ ý lo lắng gì, Vương Thừa tướng liền tâu: - Bất cứ vụ án nào cũng đều xảy ra đôi bên nói trái ngược nhau. Hiện Bao Hắc Tử nói khác mà Quách Hòe xác nhận khác thì cần phải điều tra thêm cho rõ ràng. Theo ý hạ thần thì bệ hạ cứ theo trình tự, đưa Quách Hòe sang Tây Đài Ngự sử thẩm vấn rồi sau đó trình lên bệ hạ sau cũng chưa muộn. Tống Nhân Tông vốn là người anh minh, nghe vậy liền chuẩn tấu, sai Ngự sử Đại phu là Vương Tài phụ trách việc thẩm tra Quách Hòe, còn Bao Công thì được về phủ, bởi Quách Hòe là người bị tố cáo. Nghe tin này, Lưu Thái hậu lập tức sai tên thái giám thân tín nhất, đem rất nhiều vàng bạc đến mua chuộc Vương Tài. Rốt cuộc Vương Tài tối mắt, chỉ lấy lời khai qua loa rồi thả Quách Hòe ra, cùng với tên thái giám của Lưu Thái hậu bày tiệc linh đình ăn uống. Ngay khi ba tên gian thần ấy đang ngồi uống rượu phè phỡn nơi phủ Ngự sử, cười nói huênh hoang thì chợt có một tráng hán mặt mũi đen đũi nhưng quần áo theo lối nhà quan khá sang trọng, xông vào nói lớn: - Ta là Tiết Độ sứ nơi biên cương, rất ít khi có dịp về triều báo công. Hôm nay thấy nơi đây có tiệc tùng linh đình nên mạo phạm vào xin chút rượu thịt được không? Vương Tài rất tức bực, nhìn kỹ người này có nét quen quen nhưng lúc đó đã uống khá nhiều nên không sao nhớ nổi. Hắn đang lúc hứng chí không muốn bị người khác quấy nhiễu nên cau mặt nói với tả hữu: - Cho hắn mấy bát rượu, uống xong cho thêm mấy quan tiền rồi đuổi đi khuất mắt ta mau. Tiết Độ sứ hay không cũng mặc kệ, ta không thèm giao du với bọn này làm gì cho thêm phiền phức. Thế nhưng tráng hán kia uống xong ba bát rượu thì đã tỏ vẻ khá say, nằm lăn ra trước thềm kêu rầm lên: - Đại quan nhận đút lót của người không tra cứu là chuyện nhỏ, Thiên tử không biết đến mẫu thân của mình mới là chuyện lớn lao. Trời ôi! Có ai giải oan khuất này cho ta không? Vương Ngự sử nghe vậy thoáng kinh sợ, mắng mấy câu rồi lập tức sai quân sĩ đưa tráng hán ra hậu viên treo lên chờ giải quyết sau. Bọn quân sĩ tuân lời, còn đang giằng co thì chợt có quân vào báo tin là Bao Công đang tới, xin gặp mặt Ngự sử bàn chuyện cơ mật. Vương Tài nghe vậy cả sợ bởi chưa làm xong văn án đã cùng với phạm nhân uống rượu, vội vã đưa Quách Hòe tạm trở lại ngục thất. Thế nhưng khi Vương Tài ra cửa đón thì chỉ thấy bọn tả hữu của Bao Công đang đứng chờ mà thôi. Vương Tài kinh ngạc hỏi: - Các ngươi nói là Bao Hắc Tử đến đây sao chẳng thấy? Bọn này ngơ ngác đáp: - Chúng tôi nghe lệnh là Bao tướng công đang bàn việc cơ mật ở phủ Ngự sử, nay đến đón về mà thôi. Vương Ngự sử cố nói là không hề thấy Bao Công đến nhưng bọn tả hữu nhất định không chịu, xông luôn vào trong nhà tìm kiếm. Khi ấy tráng hán bị treo trong vườn liền kêu ầm lên, bọn tả hữu chạy đến, nhận ra đó chính là Bao Công thì kinh hoảng nói: - Chết rồi! Sao Ngự sử lại treo Bao tướng công của chúng tôi lên cây thế này. Kêu xong, bọn tả hữu lập tức trèo lên tháo dây thả Bao Công xuống. Hóa ra Bao Công hóa trang rất tài tình, đến như Vương Tài cũng không nhận ra. Theo quan hàm thì Bao Công còn cao hơn Vương Tài nên hắn sợ đến xanh mặt, quì xuống vái lạy xin tạ tội. Bao Công không thèm để ý đến hắn, sai tả hữu lục soát toàn nha phủ, rốt cuộc tìm được số vàng ngọc trân châu rất lớn mà Lưu Thái hậu đã sai đem tới hối lộ. Bao Công liền mắng Vương Tài: - Cẩu quan kia! Ngươi đã làm tới chức Ngự sử, phụ trách việc thẩm vấn làm án, thế mà tham lam đi nhận đút lót, toan tính việc làm sai lệch vụ việc thì đã phạm vào tội nặng. Ta sẽ tâu với hoàng thượng chém đầu ngươi làm gương cho các đại quan khác mới được. Nhân lúc hỗn loạn ấy, tên thái giám thân tín của Lưu Thái hậu đã mau lẹ chuồn ra cửa sau trốn về cung. Tuy Bao Công không bắt được y nhưng số vàng ngọc đã đủ để làm tang chứng, liền tâu trình lên Tống Nhân Tông. Hoàng đế lập tức cho gọi tên thái giám này đến đích thân hạch hỏi: - Tên nô tài khốn khiếp kia! Ngươi theo lệnh ai mang số vàng ngọc lớn lao như vậy đến phủ Ngự sử? Hối lộ để toan tính việc gì thì mau khai ra ngay. Trước mắt Hoàng đế và Bao Công, tên thái giám sợ đến mất vía, không dám giấu diếm, khai rõ đó là lệnh của Lưu Thái hậu, nhờ Vương Ngự sử làm văn án xác nhận Quách Hòe khai đúng sự thật. Tống Nhân Tông nghe xong buâng khuâng hồi lâu rồi mới thở dài nói: - Thái hậu nếu thật là hoàng mẫu của ta, tại sao lại phải dùng số vàng ngọc lớn lao như thế đi hối lộ? Chắc chắn trong chuyện này có nhiều bí ẩn và lời tâu của Bao khanh có lý do của nó vậy. Bây giờ trẫm giao Quách Hòe cho khanh thẩm vấn, mau mau tìm ra sự thật cho trẫm. Bao Công cúi đầu bái tạ, tuân lệnh trở về phủ Ngự sử đưa Quách Hòe đến công đường của phủ Khai Phong mở cuộc thẩm vấn. Thế nhưng Quách Hòe quả là tên to gan lớn mật, dù Bao Công dùng đủ mọi khảo hình vẫn nhất định không khai nhận có chuyện mờ ám. Bất đắc dĩ Bao Công phải giam hắn vào đại lao, tìm mưu kế để hắn tự cung khai. Sau khi mưu tính xong, Bao Công gọi hai tên tả hữu là Đổng Siêu và Bách Bá dặn dò: - Các ngươi phải làm như thế này.. cho ta. Đổng Siêu và Bách Bá vốn rất ít khi xuất đầu lộ diện như Triển Chiêu và Tứ Hổ nên Quách Hòe cũng không biết mặt, chỉ tưởng là hai tên quân coi ngục bình thường. Đổng Siêu và Bách Bá đem rượu thịt đến, lén lút nói với Quách Hòe: - Chúng tôi là tay chân của Thái hậu, được lệnh vào đây bàn với công công vài lời. Nghe vậy Quách Hòe hơi yên tâm, nhân lúc đang đói khát liền cùng ngồi với Đổng Siêu và Bách Bá ăn uống. Đổng Siêu liền ghé tai Quách Hòe nói nhỏ: - Nương nương đã biết việc này rồi, đang tìm cách cứu ngươi ra đó. Vì vậy dù đau khổ đến mấy cũng nhất định đừng khai nhận gì hết. Sau khi thoát nạn Nương nương sẽ trọng thưởng. Nương nương phải sai bọn ta tới đây bí mật cho ngươi biết. Quách Hòe chẳng ngờ đó là mưu của Bao Công, mừng rỡ đáp: - Hai ngươi thật là cứu tinh của ta. Hai ngươi cố gắng nhẫn nại làm việc dưới quyền của tên Bao mặt sắt kia ít lâu, lúc nào xong việc ta sẽ tâu với Nương nương đưa vào cung, tha hồ ăn sung mặc sướng. Quách Hòe vừa dứt lời thì đột ngột Đổng Siêu và Bách Bá đứng phắt dậy, chỉ tay vào mặt hắn mắng chửi: - Chúng ta đã nghe ngươi nói rõ ràng rồi. Chúng ta chính là người của Bao Tướng công sai đến đây, hãy mau khai sự thật ra đi kẻo tan da nát thịt, hối cũng không kịp đấy. Quách Hòe giật bắn cả người, suy nghĩ một chút thì biết ngay mình đã trúng kế của Bao Công. Bây giờ đã lỡ lời, có hai nhân chứng xác nhận thì không khai cũng không xong, chỉ thêm tan da nát thịt vô ích mà thôi. Vì vậy sau cùng Quách Hòe chấp nhận khai toàn bộ sự thật. Đổng Siêu và Bách Bá không bỏ lỡ cơ hội, lập tức viết lời khai rồi bắt Quách Hòe điểm chỉ vào. Ngày hôm sau, Bao Công nhận được tờ khai của Quách Hòe thì rất mừng, mau lẹ đem vào cung cho Tống Nhân Tông xem xét. Thế nhưng khi Hoàng đế sai người điệu Quách Hòe vào để tự mình minh xác những lời khai thì hắn lập tức phản cung, kêu khóc: - Tâu bệ hạ, đó là vì Bao Hắc Tử đã khảo dữ quá, thần chịu đau đớn không nổi nên mới khai bừa theo lời của ông ta. Thần biết rằng hoàng thượng anh minh, thể nào cũng thẩm tra lại lần nữa nên mới chịu nhục mà khai sai sự thật, bây giờ trước mặt hoàng thượng, thần đoan chắc Lưu Thái hậu chính là mẫu thân của hoàng thượng không sai. Tống Nhân Tông vô cùng lúng túng, hết nhìn Quách Hòe lại quay qua nhìn Bao Công. Ai cũng tưởng lần này Bao Công sẽ thất thế, không ngờ rằng ông đã minh trí đoán trước thể nào Quách Hòe cũng lật lọng trước mặt Hoàng đế. Vì vậy Bao Công thản nhiên nói: - Bệ hạ cứ giao hắn cho hạ thần. Hạ thần sẽ treo hắn lên cây trong vườn công phủ, trước sau gì mọi việc cũng sáng tỏ mà thôi. Tuy không tin tưởng lắm nhưng Tống Nhân Tông không còn cách nào khác, đành phải chuẩn tấu. Bao Công liền sai Đổng Siêu và Bách Bá đưa Quách Hòe về phủ trước, ông ở lại nói nhỏ với Tống Nhân Tông.. Không biết vì quá bận rộn hay là vì Bao Công muốn nhờ đến tối uy hiếp tinh thần của Quách Hòe mà mãi đến canh ba đêm ấy mới bày án thư ra ngay chỗ Quách Hòe bị treo để thẩm vấn. Trước tiên Bao Công cho bày hoa quả làm lễ trời đất, thế nhưng vừa mới cúi đầu lạy mấy cái thì tự nhiên cuồng phong ở đâu nổi lên dữ dội, cát bay đá chạy hết sức kinh khủng, không còn thấy trăng sao đâu cả. Quách Hòe tối tăm cả mắt mũi, chợt có cảm giác như bị hai người nào đó kè hai bên bắt giải đi. Trận cuồng phong này kéo dài khá lâu, đến khi chấm dứt thì Quách Hòe mới mở mắt ra được. Không thấy thì thôi, khi thấy mình đang quỳ giữa sân thì Quách Hòe thất kinh hồn vía. Hắn lén nhìn ra hai bên, có tới mấy chục quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa cầm vũ khí sáng lòa, phía trên là Diêm vương oai vệ với đôi mắt trợn trừng, mặt mày hung dữ giống hệt những bức tranh mô tả địa ngục mà hắn từng đã thấy, hai bên có các phán quan mặt mày hung dữ ngồi nhìn chằm chằm vào tội nhân dưới sân như muốn ăn tươi nuốt sống thì hắn lại càng chết ngất cả người. Chợt Diêm vương quát lớn: - Các ngươi kiểm điểm xem đã có mặt đầy đủ chưa, để bản Diêm La bắt đầu tiến hành việc tra khảo tên Quách Hòe vô nhân này. Một phán quan mặt mũi đen xì, mặt mũi còn hung hãn hơn cả Diêm vương, chợt bước ra tâu: - Tên Quách Hòe này vẫn còn số mệnh sống thêm mấy năm nữa, xin Đại vương đừng làm trái với mệnh trời. Đại vương có tra khảo thì cũng xin nhẹ tay một chút kẻo hắn chết tại đây thì thật khó nói với thiên đình. Quách Hòe nghe vậy rất mừng, biết rằng chưa thể chết ngay được nên nén sợ hãi, run run thưa: - Tất cả việc này đều do Lưu Thái hậu sai xử, tội thần chỉ thi hành mà thôi. Nếu như Đại vương giúp hóa giải được nạn này thì sau khi về trần, tội thần sẽ tâu với Nương nương lập trai đàn cúng tế, làm công quả thật lớn đền ơn. Như thế có được không? Diêm vương cười nhạt, nói: - Ngươi đã xuống địa ngục mà vẫn còn trả giá được thì thật to gan. Thế nhưng số mệnh của ngươi chưa tuyệt thì ta cũng nương nhẹ cho. Hãy khai ra mọi việc rồi ta sẽ tha cho về dương thế. Quách Hòe không ngờ tới Diêm vương cũng thích ăn hối lộ nên mừng rỡ khai toàn bộ sự việc, không giấu diếm chút nào. Diêm vương sai phán quan ghi chép thật cẩn thận, bắt Quách Hòe điểm chỉ vào xác nhận. Mọi việc tưởng đâu xong xuôi êm thắm, Quách Hòe đang hớn hở chờ lệnh tha về thì chợt vị Diêm vương đứng bật dậy, lột cái mặt nạ hung dữ ra, chỉ mặt Quách Hòe mà mắng: - Tên cẩu nô tài kia! Ngươi nhìn xem ta có phải là Diêm vương hay không? Trẫm là Thiên tử Đại Tống mà ngươi không nhận ra hay sao? Còn phán quan mặt mũi đen xì kia chính là Bao khanh chứ chẳng phải là ai khác. Ngươi đã điểm chỉ vào tờ khai, bây giờ còn chối cãi được nữa không? Nghe vậy Quách Hòe chẳng còn hồn vía nào nữa, cứ phục xuống lạy như tế sao, tự biết rằng có nói gì đi nữa cũng bằng thừa. Nhân Tông cũng không thèm hỏi gì thêm, cởi bỏ áo mũ Diêm vương, truyền lệnh hồi giá về cung, đồng thời hạ chỉ sai Bao Công mau mau đưa Lý Nương nương đến gặp mặt cho thỏa tình mẹ con xa cách bấy lâu nay. Khi trời sáng, mọi việc đã thu xếp xong, Tống Nhân Tông thiết triều trọng thể, lấy kiệu vàng đón Lý Tài nhân từ phủ Khai Phong vào cung trùng phùng. Hoàng đế sai quần thần văn võ đứng hai bên kính cẩn chào đón hết sức long trọng. Nhìn thấy mẫu thân sắc mặt tiều tụy, hai mắt lờ đờ không nhìn thấy đường, Tống Nhân Tông vô cùng cảm xúc, rơi nước mắt khiến quần thần cũng phải khóc theo. Càng đau đớn bao nhiêu, hoàng đế càng căm hận Lưu Thái hậu bấy nhiêu, đã hạ chiếu cách chức của bà ta mà còn muốn trừng trị thật nặng mới cam tâm. Bao Công liền tâu: - Dù phạm tội gì đi nữa, bậc Thiên tử cũng như bậc mẫu nghi thiên hạ đều được ban ân chết toàn thây, vì vậy trừng trị đánh đập là sai với vương pháp từ trước tới nay. Theo hạ thần thì bệ hạ chỉ nên ban cho Lưu thị một dải lụa là xong. Riêng Quách Hòe là kẻ bày mưu đặt kế xúi giục làm bậy, khiến cho mẫu tử xa lìa thì tội ác cao như núi, phải ném vào vạc dầu giữa chợ làm gương cho mọi người mới xứng đáng. Tống Nhân Tông tuy vẫn còn tức hận nhưng biết những lời can gián của Bao Công chính đáng, lập tức chuẩn tấu. Thế là vụ án bí mật này đã được Bao Công sử dụng liên tiếp mấy kỳ mưu vạch rõ, quả xứng dáng với danh hiệu "Đệ nhất phán quan". Từ đó trở đi Tống Nhân Tông càng tin tưởng Bao Công, thăng cho ông thêm chức hàm để đủ quyền lực đối phó với những vụ án xảy ra trong cung đình. Cũng vì việc giả làm Diêm Vương này mà nhân gian đồn đại là Bao Công "ngày xử án dương thế, đêm xử án Diêm La". Thật sự những lời đồn đại ấy nhuốm màu sắc mê tín dị đoan, mang ý nghĩa đề cao tài xử án của Bao Công hơn là sự thật.