Review Sách Kinh Thương Yêu Của Đức Phật - Chơn Định Giới Thiệu

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Chơn Định, 1 Tháng mười 2024.

  1. Chơn Định

    Bài viết:
    19
    [​IMG] Kinh Thương yêu

    Giới thiệu

    Đời sống vốn đầy dẫy những bất mãn khổ đau đến từ bên ngoài và bên trong mỗi người. Những lúc buồn phiền bởi hoàn cảnh hay chỉ bởi giận hờn ai đó, tôi thầm niệm bài kinh "Thương yêu" như một cách chữa lành thân tâm. Nguồn năng lượng mà bài kinh mang tới rất dễ chịu.

    "Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

    Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.

    Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

    Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

    Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

    Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

    Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

    Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

    Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh." (Thích Nhất Hạnh dịch).

    Kinh "Thương yêu" tên gốc là Metta Sutta, dịch từ tạng Pali. Trong Tiểu Bộ kinh (Khuddaka Nipàta), Metta Sutta xuất hiện ở tập 1 (Khuddakapàtha: Tiểu Tụng), là kinh thứ 9, được ngài Thích Minh Châu dịch là "Kinh Lòng Từ", và ở tập 5 (Sutta Nipàta: Kinh Tập), là kinh số 8 ở chương 1, Phẩm Rắn (Uragavagga), được ngài Thích Minh Châu dịch là "Kinh Từ Bi". Bài viết của chúng tôi dựa vào bản dịch của thiền sư Nhất Hạnh.

    1. Thực tập tâm từ để bảo vệ môi trường

    Bạn sẽ hỏi: Một bài kinh dạy về yêu thương thì liên quan gì đến môi trường? Chúng tôi xin được trả lời, liên quan rất nhiều. Bạn đừng nghĩ môi trường (bao gồm không khí, nước, ánh sáng, tất cả những sinh vật khác, và cây cối) chỉ là vật vô tri, tồn tại hiển nhiên để phục vụ con người. Nhờ môi trường, chúng ta có mặt, và nhờ chúng ta, môi trường mới hiện hữu. Con người và môi trường sống tồn tại trong mối quan hệ tương tức, hỗ trợ nhau, nương tựa vào nhau. Đó là lí do vì sao chúng ta phải biết ơn môi trường, thương yêu môi trường, bảo vệ môi trường. Nếu hủy diệt môi trường nghĩa là chúng ta hủy diệt chính mình.

    Bạn thấy không, hành tinh chúng ta rất xinh đẹp:

    Nam mô Bồ Tát Thanh Lương Địa

    Mẹ của trần gian của mọi loài

    Chúng con xin hướng về chiêm ngưỡng

    Ngôi sao xanh biếc giữa lưng trời

    (Bài kinh ca tụng đất Mẹ - Thích Nhất Hạnh)

    Vậy mà ngày nay, những trận thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra ngày càng dồn dập và khủng khiếp. Đại dịch Covid toàn cầu đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh của nhân loại. 18, 5 triệu ha rừng đã bị cháy ở Canada vào năm 2023 do biến đổi khí hậu. Bão Boric mới đây đổ bộ vào Trung Âu và Đông Âu gây ngập lụt kinh hoàng. Bão Yagi vẫn còn để lại đau thương cho Việt Nam. Zimbabwe sắp giết 200 con voi để giải quyết nạn đói do hạn hán chưa từng có.. Chỉ cần vào Google và gõ một trong các từ như động đất, sóng thần, hạn hán, bão, lũ lụt, cháy rừng, dịch bệnh.. là sẽ có những con số hủy diệt khổng lồ. Không những thế, chiến tranh và những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đang đẩy hành tinh chúng ta vào tình trạng bất an hơn bao giờ hết. Thực trạng đó đưa ra lời cảnh báo: Chúng ta đã làm gì môi trường?

    Theo Phật giáo, thế giới bên ngoài phản ánh nội tâm bên trong. Môi trường là một phần tâm thức chúng ta. Sự cuồng nộ của thiên nhiên và sự độc ác của con người đã cho thấy con người ngày nay đang thiếu tình thương một cách khủng khiếp. Vì thiếu tình thương mà chúng ta tàn hoại môi trường và hủy diệt đồng loại. Trong bối cảnh đó, Kinh Thương yêu là một bản kinh cầu nguyện cho tất cả mọi người và mọi loài tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

    "Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông". Đây là những diều kiện cần để có được an lạc. Khi nào bạn cảm thấy bạn chưa đủ hạnh phúc, hãy tự hỏi mình đã có đủ những đặc điểm trên đây chưa. Hơn thế, muốn có hạnh phúc, người đó cần phải "không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười". Tức là không phạm vào một trong các điều ác: Sát sanh, trộm cướp, tà hạnh, nói láo, uống rượu. Trên nền tảng đó, hành giả đi đến niệm rải tâm từ đến cho mọi loài chúng sanh.

    "Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi". Đây là câu kinh có giá trị chữa lành rất lớn. Tâm niệm này đem đến an lành cho chính bản thân và cho mọi người xung quanh. Chỉ cần mỗi người sống trong tâm niệm này thì thế giới sẽ hòa bình. Sẽ không có chiến tranh, đổ máu hay giết chóc.

    "Nguyện cho tất cả các sinh vật trên Trái Đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

    Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn."

    Đây là tâm niệm thương yêu bình đẳng, nền tảng cho một môi trường sống hòa bình và an toàn tuyệt đối. Thế giới chúng ta đang sống được thiết lập trên nguyên tắc cá lớn nuốt cá bé. Nhưng đức Phật đã dạy mọi sinh mạng đều bình đẳng. Nếu áp dụng lời đức Phật dạy vào nếp sống của con người hiện tại, Trái Đất sẽ được cứu rỗi. Dẫn theo bài "Ăn uống bền vững: Mối quan hệ giữa việc ăn chay đối với môi trường" của trang kingfoodmart.com thì: "Một trong những ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất của ngành chăn nuôi động vật là lượng lớn khí nhà kính được thải ra môi trường. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), ngành chăn nuôi tạo ra lượng khí nhà kính như metan và CO2 lớn hơn cả ngành giao thông. Việc chăn nuôi động vật cũng dẫn đến tình trạng nạn phá rừng, ô nhiễm nước và cạn kiệt tài nguyên. Khi ăn chay, chúng ta giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm động vật, từ đó giảm lượng khí nhà kính được thải ra môi trường. Một lượng lớn đất, nước và thức ăn cần thiết để nuôi các con vật sẽ được tiết kiệm. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lượng rừng bị phá hủy để tạo ra đất canh tác hoặc đáp ứng nhu cầu chăn nuôi.". Như vậy, nếu tôn trọng sự sống của mọi người và mọi loài thì các con vật sẽ không bị giết để ăn thịt, môi trường sẽ được cải thiện và chiến tranh cũng sẽ kết thúc vì: "Xưa nay trong một bát canh, Oán sâu như biển hận thành non cao, Muốn hay nguồn gốc binh đao, Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thâu".

    "Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài. Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một thứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán và căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.". Đức Phật dạy chúng ta hãy thương yêu mọi người và mọi loài như một người mẹ thương yêu đứa con duy nhất của mình. Trong tình thương đó, hạnh phúc sẽ xuất hiện. Về cả hai phía. Hận thù sẽ không có cơ hội gieo rắc khổ đau cho ta và người:

    Hận thù diệt hận thù

    Đời này không thể có

    Từ bi diệt hận thù

    Là định luật ngàn thu

    (Pháp Cú 5)

    Hạnh phúc không ở nơi nào đó xa xôi bên ngoài chúng ta. Hạnh phúc nằm ở trong trái tim biết yêu thương của mỗi người. Từ yêu thương đến hành động là rất ngắn. Nếu yêu thương môi trường bằng trái tim của một người mẹ, chúng tôi tin rằng bạn đã biết làm gì để bảo vệ môi trường. Chỉ có tình thương mới làm xuất hiện những phép màu để chúng ta tự cứu lấy mình và cứu lấy hành tinh của chúng ta.

    Internet cho phép chúng ta tự trang bị những kiến thức đầy đủ nhất để bảo vệ môi trường. Nếu bạn không có điều kiện để thực hiện những việc to lớn, thì hôm nay bạn nghĩ điều lành, nói điều lành, làm việc lành, đó cũng là cách để môi trường sống của bạn và tôi trở nên trong lành hơn.

    2. Lợi ích của tâm từ

    Kinh Tăng chi bộ, chương Mười một pháp, phẩm Tùy niệm, đức Phật dạy tâm từ nếu được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn.. có mười một lợi ích: "Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm định được mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám, nếu chưa thể nhập thượng pháp (A – la – hán quả), được sanh Phạm thiên giới". Những người xuất gia nếu tu tập tâm từ sẽ không uổng phí cơm của đàn việt: "Nếu chỉ trong khoảnh khắc búng móng tay, này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo tu tập từ tâm.. tác ý từ tâm; vị ấy, này các Tỳ-kheo, được gọi là vị Tỳ-kheo trú Thiền tịnh không có trống không, làm theo lời dạy bậc Ðạo sư, là người làm theo giáo giới, ăn đồ ăn khất thực của xứ không có uổng phí. Còn nói gì những người làm cho sung mãn từ tâm ấy" (Kinh Tăng chi bộ, chương Một pháp, phẩm 6 - Búng móng tay).

    3. Kết luận

    Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: "Nếu bạn muốn mình hạnh phúc, hãy thực hành từ bi. Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thực hành từ bi". Dù bạn theo tôn giáo hay không, tình thương vẫn luôn là điều thiết yếu để có cuộc sống hạnh phúc. May mắn thay, chúng ta luôn tìm được nó, ngay trong trái tim mỗi người. Cùng nhau sống với tâm yêu thương, bạn và tôi sẽ hàn gắn lại những đổ vỡ trong ta và xung quanh ta, để xây dựng một thế giới mát mẻ, xanh tươi, trong lành, bình an và hạnh phúc.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...