Review Sách Kinh Thánh Của Một Người - Cao Hành Kiện

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi SeaPearl1311, 16 Tháng một 2023.

  1. SeaPearl1311 Núi, nước và mây trời...

    Bài viết:
    15
    Kinh Thánh cứu rỗi hồn ai?

    Cao Hành Kiện được biết đến như một người viết văn, dịch giả, kịch tác gia, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc. Ông, một trong những văn nghệ sĩ, đấu tranh, cổ vũ cho quyền tự do sáng tác văn nghệ. Vì vậy, ông bị buộc phải rời quê hương, trở thành một nhà văn lưu vong. Tại Pháp, ông thử nghiệm với nghề viết kịch. Và vở "Bus Stop" (Trạm xe buýt) đã cho thấy bộ mặt giả dối của chế độ. Xe buýt không bao giờ đến đã làm nổi bật hai bộ mặt: Hứa hẹn cao đẹp và chờ đợi mòn mỏi. Nắm bắt được nhu cầu tìm hiểu về Trung Quốc của thế giới phương Tây ông dẫn ra lịch sử như để nói một mạch ngầm ảnh hưởng đến căn tính dân tộc. Tài năng đôi khi chỉ là một sự phù hợp và may mắn. Tuy nhiên, với vinh dự nhận giải thưởng Văn học có giá trị nhất thế giới phải kể thêm nhiều yếu tố khác nữa. Thôi thì, ta hãy để "Kinh Thánh của một người" kể đôi nét đặc trưng làm nên "chân dung nghệ thuật" của Cao Hành Kiện.

    Tác phẩm này thuộc loại sách viết về những tổn thương, buồn đau mà chính trị phủ lên hồn người. Giải Nobel Văn học mà tác giả nhận được tuyệt nhiên trở thành một lập luận gây chú ý khiến độc giả đi tìm các tác phẩm của ông. Phải nói, cuốn sách rất kì lạ, ngay từ tựa đề, ta đã thấy sức hút của nó. Cấu trúc dòng hồi tưởng khơi dậy những hỗn loạn, hoang mang về cách sống của con người, tình huống lịch sử, bầu không khí Cách mạng Văn hóa trong vòng phán ánh của tính dục - ý tưởng ẩn dụ mang tính phản kháng.. Tất cả đã hợp sức xé toạc bức mành văn hóa nói lên những ám ảnh quỷ quái mà lòng tham và quyền lực gây ra.

    [​IMG]

    Kinh Thánh của riêng Cao Hành Kiện mời chúng ta đọc nhận thức của nhân vật trung tâm - người kể chuyện - hóa thân của tác giả. Ông đặt đôi mắt trên thân phận ngoại lai, kẻ lưu đày quốc tế ở hiện tại (cuốn sách được viết vào những năm 1990) để nhớ về những ngày còn ở Trung Quốc với giọng văn đa cảm: Cáu gắt, sợ hãi, khó chịu, chán chường.. Cuốn sách gọi về thời thơ ấu, một gia đình có kiểu sống tư sản, trước khi Cộng sản lên nắm chính quyền năm 1949 (tác giả chưa được 10 tuổi). Những trang tiếp theo chuyển sang những rắc rối mà gia đình ấy phải gánh chịu trong suốt nhiều năm - Mao lên nắm chính quyền và hậu quả đáng sợ của việc này. Văn cách tác phẩm nhắc về cụm từ này rất nhiều, cho ta thấy bóng lưng của của chuỗi chiến dịch chính trị cực đoan này tác động như thế nào đến hoàng thổ? Dẫu là ai từ người hùng (nhân vật chính), người tham gia đấu tố cho đến những nạn nhân bị phán xử dưới các tầng địa ngục. Giữa hồi ức và cuộc sống thực tại tồn tại những khoảng trống như trải qua một giai đoạn phục hồi dần dần sau cơn thần kinh phân liệt.

    Anh ta - nhân vật chính ưa thích tự do chính trị và tự hỏi làm thế nào để trở thành chính mình - ý nghĩa của cái tựa "Kinh Thánh của một người" : Anh ta tự viết Kinh Thánh, không giúp đỡ ai ngoài việc giúp chính mình. Anh ta là Thượng Đế - quan điểm sáng tạo - ý chí của con người (được phe phản động hưởng ứng, tín nhiệm trong việc lật đổ những mưu đồ chính trị phân tán, đê hèn). Anh ta cũng là phàm tục (khao khát cuộc sống bình yên, phút giây khoái lạc lúc gần gũi đàn bà, chửi tục khi nhậu say, nương theo chiều gió để tồn tại - Lục bí thư). Giữa cuộc sống và nghệ thuật cần được tự nhiên thể hiện như thế. Lời mời tham gia các sự kiện quốc tế và các cái tên như Hương Cảng, New York, Đức, Ý.. trong đối sánh với Đại Lục đã nêu lên vấn đề mưu sinh và tư tưởng (nơi dân chủ thì khó tìm việc - kẻ xa lạ, thiếu mối quan hệ, ít vốn ngoại ngữ, nơi gần gũi thì bị đàn áp bằng chính sách bần nông, độc đoán, bảo thủ, sống lam lũ đói kém, cái chết lúc nào cũng chầu chực ngoài cửa). Điều này khiến anh ta loạn trí ngay thời khắc sung mãn nhất - tuổi trẻ. Đi đâu cũng vấp phải đấu tranh sinh tồn hay cuộc sống chẳng có gì khác ngoài việc ăn uống, giao phối, bảo vệ mình và làm việc. Tuy nhiên, anh nhận ra thời đại khủng bố văn hóa ấy đã sai lầm nghiêm trọng, dù muộn màng khi nói ra điều đó nhưng ngay cả khi thừa nhận, thú tội trong chính tâm tưởng mình - trí nhớ, anh vẫn không được thanh thản tháo chạy sau khi "tranh luận" (đoạn kết bất lực, trong 36 kế chạy vẫn là thượng sách hay tác giả đang nhận thấy cuộc sống đang trở nên vô nghĩa).

    Ta thấy chất chủ nghĩa hiện đại châu Âu rất đặc trong tác phẩm này. Cao cho ta thấy cuộc sống không diễn ra theo trật tự trước sau, đặc biệt là trong phép hư cấu mà văn học sử dụng nó nêu cao tinh thần tự ý thức - thời gian mang tính vật lý đã trở thành thời gian hữu hạn của một kiếp người, nó chồng chéo, hỗn độn cho thấy khao khát đối thoại không ngừng của quá khứ với hiện tại, hiện tại và quá khứ (xuất thân, hành trạng của nhân vật chính - quý tử, bạch diện thư sinh, một người đàn ông trên những chiếc giường, cho đến thân phận cải tạo, đã phải luồn cúi, đấu trí bao phen mới có thể sống sót và tư cách chứng nhân của hiện tại). Hồi ức thật chất cũng chỉ là nỗ lực lấp đầy cuộc sống từ quá khứ cho đến hiện tại và tiếp diễn ở tương lai vậy. Cách mạng văn hóa Trung Quốc là một phông màn ấn tượng đã ban phát tinh thần thời đại cho bước chân cá nhân của tác giả. Ta bắt gặp một phụ nữ Do Thái, gốc Đức, sinh ra ở Ý, học Hán văn đương ở Hồng Kông - nơi cô gặp anh, một nhà viết kịch đang dàn dựng tác phẩm của mình. Hình mẫu của nhân vật nữ này cho ta thấy cô ta đang cố gắng thoát khỏi bộ mặt thực dụng của phương Tây, hướng đến hiện tại, khẳng định rằng quá khứ phải được ghi nhớ, tôn vinh, hiểu rõ. Và anh cũng gặp các người quen của anh trong chuyến du hành đó. Thông qua đó, ta thấy tiểu sử của anh thông qua các đối tác nhục cảm của anh, cuộc sống trước đây của anh ở Trung Quốc. Các khớp nối mạch cảm xúc này rất dễ khiến ta hoang mang và tưởng như câu chuyện cứ tiếp diễn như vậy không ngừng cứ nhớ rồi dằn vặt, ám ảnh, phủ nhận rồi lại nghĩ ngợi.. Điểm nhìn của anh đặt trên cơ thể người (đàn bà, người thân, cán bộ, bạn bè, người dân - xác chết) và dường như nó không chịu chi phối của bộ não, nó được dẫn dắt bằng bản năng, năng lượng của các giác quan (hành động sinh tồn bầy đàn - đấu tố, đánh đến cùng, hạ gục, không cho cơ hội phản pháo, lúc nào cũng lo sợ kẻ thù rình rập cái bóng, tiếng gõ cửa, không dám nói những gì mình nghĩ, chỉ nói theo sách đỏ và ý muốn của cán bộ chung quanh mình, làm việc gì cũng "đóng cửa cài then".. Không khí như đạo tràng của quỷ, chỉ tồn tại cái chết, tiếng khóc than, dụng cụ tra tấn (súng điện, bàn tay của kẻ nhanh trí, thâm độc, quyền lực) và quần chúng đói khát cuồng nộ, xé xác nhau. Họ chỉ biết tùng quyền mà không tự hỏi tại sao hay phải đoàn kết lại mà tự cứu lấy mình. Họ bị tra tấn về mặt thể xác và tinh thần được hình tượng hóa qua các xác chết dập nát, máu me be bét nên đã mất hết sức phản kháng. Bản năng hoang dã được gọi về và họ sống cho chất con vì không thể làm gì khác hơn.

    Bất cứ khi nào nhân vật chính nhớ lại quá khứ của mình, anh ta sử dụng ngôi thứ ba số ít, anh ấy - để nói về chính mình. Liên quan đến trải nghiệm hiện tại của mình anh ta dùng từ bạn. Kỹ thuật này hay ở chỗ nó chỉ ra bản chất rời rạc của con người hiện đại. Và ranh giới giữa người kể chuyện giả tưởng và trải nghiệm đời thực của tác giả như một sợi chỉ giăng ngang. Cao phân tách các khuôn mặt của một con người, có tính chất giả tưởng. Hành động này biểu thị mong mỏi khám phá thế giới vô thức của con người - một nét bi quan, phi nhân văn hóa (không phải vô cảm trước nỗi đau của con người mà là cho thấy bộ mặt chung của sự tồn tại). Mâu thuẫn đã có sẵn trong thế giới của con người - tinh thần và thể xác, giải phóng được mình thì thế giới cũng được hòa bình vậy. Và nếu dành riêng một câu hỏi liệu Cao Hành Kiện thuộc phe tả hay hữu? Thì có câu trả lời rằng ông thuộc về tay thuận, tay tiến bộ. Cộng sản đã tạo ra Cách mạng văn hóa và tác giả viết về nó như một sai lầm trong đường lối vận hành cuộc sống. Từ sự thật cuộc đời của ông cho đến nội dung phản ánh - tính dục (lối sống không nghi kị cảm xúc), yêu thích thế giới tri thức phương Tây ta thấy ông thuộc phe hữu - tư sản. Nhưng ngay trong nhân vật Lưu bí thư cuối đời ở ẩn, luyện thuốc nhưng bệnh chết và cái kết bỏ lửng (trốn chạy) ta thấy tác giả thuộc phái hư vô, mất niềm tin chế độ, sợ hãi bản chất của con người, mong muốn được giải thoát. Mầu nhiệm tôn giáo không thể cứu nổi con người nếu con người vẫn ích kỉ tư lợi - cái nhìn trân trọng đối với thiên nhiên và cuộc sống nông nhàn đã dẫn ta đến một lối sống dung hòa nguồn gốc, trở về đúng bản chất - con người cũng sinh ra cùng với thiên nhiên, càng phân biệt, hơn thua càng khổ đau. Và chung quy cũng chỉ vì cái sống mà chà đạp cái yêu - đồng loại và quyền lợi cá nhân.

    Cách viết thậm chí là nội dung phản ánh không có gì mới hay phải nói là phổ biến quá mức. Nhưng ta phải thừa nhận nhân vật của quyển tiểu thuyết này là những vòng xoay mật mã và các con số ấy không thuộc về lĩnh vực toán học hay thần bí nó chính là sự dí dỏm vì tự chế giễu một cách rất duyên dáng. Thân xác đàn bà, dục vọng của đàn ông có thể tầm thường, ghê tởm. Vì thế nó trở thành nỗi ám ảnh mang tên giá trị gia tăng của bá quyền và mưu cầu hạnh phúc của cá nhân. Thật tình mà nói, Cao Hành Kiện ơi, xin ông đừng viết về vết thương một cách tuyệt vời như thế nữa! Nhưng có lẽ, phải cảnh tỉnh con người về sự nguy hại mà lòng tham hiện ra qua việc xem "hình dung và ý chí" của chính chúng ta như thế giới. Chúng ta không được sinh ra vì chúng ta đáng được như vậy. Chúng ta khổ vì lựa chọn cái khổ cho mình và người khác. Và khi chúng ta đối diện với thế giới tư cách thật sự của chúng ta mới hiện ra - chính như những gì Cao Hành Kiện đã viết vậy.

    "Kinh Thánh của một người" phải niệm làm sao? Thiết nghĩ, đây là kinh đọc vào ngày chấm dứt cuộc sống sinh vật này. Ăn năn về chính lầm lỗi của mình và nhận ra đúng sai chính là câu kinh sám hối đủ sức thanh tẩy một con người. Cuộc sống vốn đã ích kỉ nhưng nếu ta cứ hèn kém chấp nhận sống chung với nhơ bẩn thì chẳng có kì tích hay nền văn minh nào cả. Xa rời thực tế chẳng câu kinh nào còn giá trị hay nếu không có thử thách chẳng biết anh hùng là ai. Lịch sử thật chất là một lò luyện con người và nó là một một kẻ "ăn thịt người" cho đủ số để đổi thay.

    Và có lẽ, trong những dòng viết cuối cùng, tác giả đã giải thích ý nghĩa của tựa đề, không phải là tự do, mà là nhận thức về bản thân và thúc giục mình truyền tải nó đến mọi người. Đây là cách có thể giải phóng chúng ta. Nếu có một cái gì đó độ dẫn ta trong cách viết của cuốn sách này, thì cũng có một cái gì đó diễn tả tinh thần phấn khích trong quá trình đọc nó.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...