Tác phẩm: Kí ức tuổi thơ Tác giả: Tiểu Đan Link thảo luận - góp ý: [Thảo luận - Góp ý] Các tác phẩm của Tiểu Đan Hi, xin chào các bạn, lại là Đan đây! Trước khi vào với câu chuyện của mình, các bạn hãy nhắm mắt lại rồi ráng nghĩ xem lần cuối cùng mình cùng lũ bạn thời thơ ấu đi thả diều là khi nào? Lần cuối cùng họ đi chảy ổi, chảy cam hay cả xoan đào nữa, là khi nào? Rồi những lúc cùng họ chơi đuổi bắt, trốn tìm, nhảy dây.. là khi nào? Các bạn không nhớ đúng không? Đương nhiên rồi, vì chúng ta giờ đã trưởng thành, sống cuộc sống hiện đại, sung túc, làm gì còn những trò ấy nữa? Sao hôm nay sáng quá, sáng tới nao lòng, chợt ngước mắt lên nhìn chúng, nhìn qua loa thì thấy chúng đứng yên, nhưng chăm chú một chút sẽ thấy chúng rung động, như sắp rơi xuống vậy, tự hỏi trong lòng, những ngôi sao ấy liệu có phải tượng trưng cho một người, liệu một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành một trong số chúng? Chợt rưng rưng nhớ về những ngày tháng tuổi thơ đầy vui vẻ, dữ dội. Được bố mẹ bao bọc chẳng lo nghĩ chuyện gì hết, ngày trời mưa bão, nằm gọn trong vòng tay của bà nội, nghe bà kể chuyện, mất điện thì bà quạt cho, lòng thì mong chờ bố mẹ mau chóng đi làm về. Mình còn nhớ bà kể chuyện Tấm Cám hay cả chú Cuội nữa, rồi hỏi: "Sau này mày lớn lên mày có tiền rồi, mày sẽ mua cho bà cái gì?" Lúc ấy mơ hồ lắm, chỉ biết trả lời: "Con mua cho bà cái nón, mua cho bà chục bánh cuốn hay con mua cho bà đôi dép.." Đến lúc lớn lên, đúng là chẳng dễ dàng gì nhỉ? Lúc bấy giờ nhiều trò chơi lắm, nào là nhảy dây. Hai đứa cầm hai bên, một đến ba đứa nhảy ở giữa nếu dây dài, hay thả diều, cả lũ chạy đua nhau xem diều ai lên nhanh hơn. Rồi chảy xoan đào, chảy ổi, xoài nhà hàng xóm, chỉ sợ bị phát hiện rồi họ báo bố mẹ, mình lại bị ăn mấy cái gậy vào chân. Trường học ở gần nhà thì đi bộ, ở xa thì đi xe đạp, cùng lai nhau đi học, cặp sách thì đứt quai, vẫn phải khâu vào để đeo tiếp, lái xe trên con đường đất, hôm mưa thì đường lầy, chỉ sợ ngã, bùn dính đầy chân, bánh xe, giờ nhớ lại, đúng là khả năng lái xe của mình cũng không tồi nhỉ? Đã bao lâu rồi không được mẹ gọi câu quen thuộc: "Ra đây tao chải đầu cho". Hay: "Đi chợ cùng mẹ không?" Không có đúng không? Giờ lớn rồi, cũng dần dần không còn thói quen chờ quà của mẹ khi đi chợ về nữa. Trưởng thành rồi, phải tự gánh vác mọi việc thôi. Xã hội thì phát triển, đâu còn đường đất mà đi, đâu còn chiếc cặp rách cũ kĩ vẫn phải vá vào nữa? Cũng đâu còn cùng lũ bạn chơi đùa như xưa? Các bạn có giống mình không? Hồi nhỏ chỉ chờ đến giờ chiếu bộ phim Cô dâu 8 tuổi, rồi cả nhà quây quần bên nhau xem, có khi còn có mấy ông bà hàng xóm sang xem cùng, ti vi bị mất hình hay nhiễu thì ra sau nhà quay ăng - ten. Mình chợt nhận ra, giờ điện thoại đã là vật bất li thân rồi, mình còn không nhớ nổi đã bao lâu mình chưa xem lại cái kênh mà hồi xưa ngày ngày ngồi trông ngóng nữa có lẽ vì thời thế thay đổi, công việc học tập bận rộn, nên chẳng còn mảy may nghĩ đến nữa. Cũng lâu rồi chẳng còn cùng mẹ đi chợ, lũ bạn mỗi đứa một phương, giờ có muốn gặp cũng khó. Mình biết, nhung nhớ quá khứ là một chuyện không tốt, nhưng ai lại không nhớ tới những ngày tháng bình yêu không ồn ào, không khói bụi, chỉ có người với người, cùng nhau tạo ra những trò độc nhất vô nhị, giờ chắc những trò ấy đã đi vào dĩ vãng rồi, quay về làm sao được? Cái giá của việc trưởng thành là đánh đổi tuổi thơ, lúc nhỏ thì chỉ mong lớn lên thật nhanh, đến lúc lớn rồi thì có muốn quay về cũng không được. Vậy nên, dù cho thế nào cũng phải trân trọng từng giây phút tuổi thơ khi còn có thể, đến lúc quá muộn rồi, phải gánh vác quá nhiều thứ rồi mới nhận ra, mới luyến tiếc. * Mình viết còn rất nhiều thiếu sót, nếu ai cùng suy nghĩ với mình thì để lại một comment nhé, cũng đừng quên góp ý để mình hoàn thiện bài viết hơn! * Hết*
Có lẽ ta phải dành cả đời để hoài niệm về tuổi thơ - một khoảng thời gian không dài nhưng muốn quay lại cũng chẳng thể được. Ta mất cả đời để chống chọi với cuộc sống đáng sợ này. Cái dáng vẻ đa màu đa sắc nhưng lại có những góc khuất mà ta phải trải qua ta mới có thể hiểu được. Và mỗi khi mệt mỏi, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, ta lại lặng lẽ đặt chiếc điện thoại xuống, nhìn ra khung cửa sổ, hoài niệm về những kí ức tuy ngây ngô đơn giản nhưng lại là liều thuốc chữa lành vết thương ta mãi mãi lưu giữ trong tim! Ôi tuổi thơ, phải làm cách nào để thôi nhung nhớ?