Truyện Ngắn Kỉ Niệm Không Quên Về Một Lần Vận Động Học Sinh Đi Học - Thu Hương Nguyễn Thị

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Thu Hương Nguyễn Thị, 16 Tháng hai 2020.

  1. Thu Hương Nguyễn Thị Thương Quê

    Bài viết:
    95
    Kỉ niệm không quên về một lần vận động học sinh đi học

    Tác giả: Thu Hương Nguyễn Thị

    Thể loại: Truyện ngắn

    Link thảo luận - góp ý: Các truyện của Thu Hương Nguyễn Thị

    Về trường công tác không được bao lâu tôi được nhà trường giao phụ trách phổ cập xóm Hạ Thành. Đây là xóm cao và sâu nhất ở xã Tân Lập - Thanh Sơn – Phú Thọ.

    Con đường vào Hạ Thành thật khó đi. Nhất là đầu mùa mưa. Đường nhày nhụa như có ai đó vừa đổ cháo. Lại thêm độ dốc cao thấp, khúc gấp, khúc gập, lượn lờ như chú rắn oằn mình vừa bị ai đó vô tình dẫm phải.

    [​IMG]

    Thấy tôi có vẻ chồn bước anh BVM tự nguyện làm người dẫn đường hôm đó đã lên tiếng:

    - Em mới ở ngoài vào đây nên chưa quen. Cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều cái "thú" lắm. Ngày mới vào đây công tác anh cũng như em bây giờ vậy. Chính nhờ vào những cái "thú" ấy mà giữ chân anh lại đến tận bây giờ và có lẽ sẽ là mãi mãi.

    Lời anh nói tuy không phải lời hứa hẹn gì nhưng nó cũng có chút trọng lượng giúp tôi phần nào lấy lại phấn chấn.

    Đẩy xe thêm một đoạn, anh BVM gửi chiếc xe máy ở một nhà người dân không hề quen biết ngay đầu ngõ. Anh cũng chẳng đẩy xe vào nhà hay vào tới sân mà anh để xe ngay bên ngoài đường. Tôi thật sự lạ với sự lơi là với một đống của của anh mà với tôi đó là sự bất cẩn. Phải chăng những cái "thú" anh nói với tôi đang dần dần mở ra trước mắt. Cái "thú" của sự tò mò.

    Lội qua hai con suối, vượt qua một cái dốc lớn chúng tôi cũng đến được nhà em Đinh Thị Hiên - là một trong những học sinh cần vận động ra học trong đợt này. Em Đinh Thị Hiên bỏ học đã được một năm. Theo như giáo viên phụ trách xóm trước, lí do chính khiến em bỏ học là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mất sớm. Mẹ thì ốm yếu thường xuyên. Chị gái thì đi làm ăn xa. Bản thân em cũng phải nay làm thuê cái này mai làm thuê cái khác. Cốt là có người thuê và có việc làm.

    Nhìn từ bên ngoài, vẻ xơ xác, tiều tụy của ngôi nhà em Đinh Thị Hiên đã khiến những cảm thương lâu lắm không thấy ở cô gái thị xã trong tôi, dần ngấn lên qua khoé mắt. Tôi rất tò mò không biết điều gì chờ đợi tôi bên trong căn nhà kia?

    Tôi dò bước theo bước chân của anh BVM vào nhà định cất tiếng chào, thì anh ra hiệu cho tôi dừng tiếng chào lại và chỉ tay cho tôi nhìn về phía cửa sổ. Một người phụ nữ già nua với những dấu chân chim đã hằn rõ đang lật đi lật lại chiếc phong thư trước khe sáng như muốn tìm một cái gì đó. Cô con gái nằm bên cũng cố rướn mắt nhìn theo tay mẹ làm, khao khát và chờ đợi.

    - Mày mất mấy năm đi học mà không đọc được chữ nào hả con? (Người mẹ nói giọng trong) Tao muốn biết xem con chị mày nó viết cái gì trong này. Chẳng lẽ lại đi nhờ đọc thì xấu hổ cả cái mặt tao lẫn cái mặt mày! Hơn nữa nhỡ nó viết cái gì đặc biệt trong thư thì.. dấu sao nổi.

    - Thế.. hay là ầm đưa đây con cất đi. (Cô con gái ngây thơ lên tiếng) Đợi hôm nào chị con về thì đưa chị ấy đọc là mẹ biết ngay chị ấy nói gì trong thư thôi mà.

    - Kể thì.. cũng chẳng còn cách nào. Thôi đành vậy.

    Tôi xuýt bật cười thành tiếng bởi những lời ngây thơ nhưng đầy chân thật của hai mẹ con Hiên. Nhưng ý thức đã kịp ngăn hành động vô duyên của tôi lại. Ngay trong phút ấy tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Những buồn rầu và sự nản chí như khối đá đeo đẳng tôi từ chiều vô vớ rời tôi.

    - Cháu chào cô và chào em. (Anh BVM cất tiếng chào, tôi cũng ngại ngần chào theo).

    - Cháu.. chào cô.

    Tôi và anh lần tìm chỗ ngồi mà không chờ lời mời của nhà chủ.

    - Cậu.. là.. (Người phụ nữ chỉ tay vào mặt anh BVM nói) à tôi nhận ra rồi. Cậu là giáo viên trường THCS Tân Lập. Cậu vào nhà tôi mấy lần để vận động cái hai nó đi học. Nhưng kết quả.. cậu thấy rồi đấy. Để thay vào việc đi học nó nhận lời người ta đi làm. Vậy cậu còn vào nhà tôi để làm gì nữa?

    Nghe những lời đó tôi cảm thấy như có một luồng gió thổi qua làn tóc làm gáy tôi mát lạnh. Tôi đờ người. Cố gắng dõi theo như một khán giả hâm mộ. Anh BVM tỏ ra rất chuyên nghiệp trong việc ứng phó với những trường hợp đặc biệt trong công tác phổ cập này.

    - Dạo này công việc của nhà trường khá nhiều, nên cháu không có lúc nào vào thăm cô và em được. Dạo này cô và các em có khoẻ không?

    - Cảm ơn cậu đã có lòng hỏi thăm. Nhờ trời sức khoẻ tôi cũng tàm tạm.

    - Cháu xin giới thiệu với cô đây là cô giáo Hương mới về nhận công tác tại trường cấp II xã ta. Cô giáo được nhà trường phân công vận động em út nhà ta ra trường tiếp tục học.

    - Học! Học! Lại vẫn là học! Học cũng chẳng để làm gì. Đấy con gái cả tôi cũng có cần học đâu mà vẫn có tiền gửi về nhà. Nó còn viết cả thư nữa. Đây này! (Người phụ nữ giơ mạnh bức thư ra trước mặt như để chứng minh cho chúng tôi). Tôi nói có sai bao giờ.

    Nhìn lá thư được cầm ngược với vẻ đầy tự tin của người phụ nữ già hơn trước tuổi rất nhiều kia tôi ngờ ngợ hiểu ra phần nào những cái "thú" mà anh BVM muốn nói với tôi. Cái "Thú" của sự cảm thương.

    - Vậy cô có thể nói cho cháu biết trong thư em nhà ta viết gì không ạ?

    - Trong thư.. em.. nó.. viết.. viết.. mà tôi việc gì phải nói với cậu. Nói gì thì cái bụng của tôi và con tôi biết, không khiến cái bụng anh quan tâm. Xin anh miễn cho!

    Anh BVM mỉm cười. Anh nhanh chóng chuyển chiêu thức vận động mới. - Cháu kể cho cô và em nghe một câu chuyện. Năm ngoái ở ngần quê cháu, một gia đình cũng có hoàn cảnh như nhà cô bây giờ. Cậu con trai đi làm thuê viết thư về cho mẹ và em báo là mình ốm rất nặng, bảo mẹ và em nhờ người xuống Hà Nội đón về. Nhưng người mẹ và em không biết chữ, đã cất lá thư đi chờ anh về đọc. Một ngày, hai ngày, rồi ba, bốn ngày trôi qua, người con trai ngày một ốm nặng mà không thấy người nhà lên đón. Đến khi..


    [​IMG]

    Anh BVM cố tình dừng lời kể lại để nắm bắt sắc thái của người mẹ.

    - Khi.. làm sao? (Người phụ nữ sốt ruột hỏi vội) - Cuối cùng người con trai ấy sao? Cậu mau kể đi. Người con trai ấy cuối cùng có sao không?

    - Đến khi.. nhà chủ biết được thì đã vội đưa cậu ta đi viện. Cũng may.. chủ nhà tốt bụng. Chứ, nếu nhà chủ không tốt thì.. chắc chắn người con trai ấy không có cơ hội sống xót.

    - Tôi.. (Nét âu lo dâng đầy trên khuôn mặt người phụ).

    Tôi hiểu điều gì đang làm xáo trộn cảm xúc của người mẹ không đọc được những dòng thư con gái ở xa viết về. Chỉ một chiêu thức đơn giản anh BVM đã làm hồi tỉnh ý thức của một con người phụ nữ còn nhiều thiện cận với cuộc sống mỗi ngày đang một đổi thay.

    - Cậu và cô đây hãy đọc thư dùm mẹ con tôi (Người mẹ cầm phong thư run run. Những giọt nước mắt đã ứ đầy khoé mắt). Tôi hứa từ bây giờ sẽ cho em Hiên đi học đầy đủ. Tôi cũng không cần con tôi học cao. Tôi chỉ cần con tôi đọc được thư của chị nó viết về là tôi yên tâm rồi.


    [​IMG]

    Tôi và anh BVM trở ra về khi chiều đã sầm tối. Những ngôi nhà lá đã lập loè trong ánh đèn dầu leo lắt. Nhìn từ dưới nhìn lên trông như những con đom đóm khổng lồ nấp dưới những lùm cây cỡ lớn. Tôi bắt đầu phấn chấn với những bước chân mò mẫm. Con đường trơn nhầy và đá lởm chởm khiến tôi thích thú. Ra tới đầu ngõ. Chiếc xe vẫn đó. Một mình. Như không ai biết đến sự xuất hiện của nó ở khoảng không rộng lớn và vắng vẻ này.

    Anh BVM vừa rắt xe vừa nói với tôi những lời khẳng khái: - Nếu như em kêu cứu ở đây, thì cả xóm, cả làng sẽ ra giúp em. Nhưng nếu như em để bất cứ thứ gì ở đây dù giá trị lớn đến đâu thì nó sẽ mãi ở nguyên chỗ đó. Bởi những đức tính tốt đẹp ấy mà anh yêu quý và tôn trọng người dân và cuộc sống nơi đây.

    Tôi hiểu những tâm sự của anh và tôi cũng hiểu được phần nào cuộc sống của những người dân Tân Lập cũng như những bản chất tốt đẹp của họ. Nhưng cái làm tôi thấu hiểu hơn là sự thiệt thòi vì không biết chữ. Và làm thế nào để cho tất cả những người dân, những em nhỏ còn chưa biết chữ kia hiểu về điều đó. Trách nhiệm của mỗi giáo viên vùng cao vì thế mà càng thêm gánh nặng. Phải chăng, nhận thức được vai trò to lớn của người thầy mà tôi thấy yêu nghề hơn. Gắn bó sâu sắc hơn với các em vùng sâu vùng xa.

    Đã bảy tám năm trôi qua kể từ cái lần tôi và anh BVM đi vận động học sinh ra học lần đầu tiên ấy, tôi đã vận động không biết bao học sinh, gặp không biết bao hoàn cảnh, đã dùng không biết bao chiêu thức, nhưng hình ảnh về người phụ nữ và chiêu thức anh BVM dùng trong lần đầu nhận công tác đi phổ cập ấy khiến tôi nhỡ mãi. Tôi luôn tự khuyên mình: Hãy biết cảm thương và chia sẽ với mọi hoàn cảnh. Và hãy hành động theo đúng nghĩa của hai chữ "vận động" để cuộc đời này không còn em nhỏ hay người dân nào thiệt thòi vì không biết chữ.


    (Thu Hương Nguyễn Thị)
     
    Lãnh Y thích bài này.
    Last edited by a moderator: 16 Tháng hai 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...