Tên truyện: Kì nghỉ hè ngắn ngủi Thể loại: Truyện ngắn thiếu nhi Tác giả: Cỏ Cỏ - Anh Nam, sao năm nay thằng Khánh lâu về thế nhỉ, hay là năm nay nó nghỉ hè chỗ khác rồi, nó không về đây nữa? - Vớ vẩn, hôm qua bà nội nó bảo thứ hai tuần sau nó cùng bố nó về đấy, chờ thêm đi. - Thế là nó có về đúng không anh Nam? Thứ hai, vậy là còn ba ngày nữa cơ. - Có lẽ là nó phải chờ ba nó làm xong công việc trên thành phố thì mới đưa nó về quê được. Ba nó là bác sĩ, nhiều việc lắm. - Vâng anh, chắc là vậy rồi. Anh Nam và thằng Khánh năm nay cùng học hết lớp 5, năm sau là hai người chuyển sang cấp trung học cơ sở. Anh Nam nhiều hơn thằng Khánh một tuổi, nhưng vì một lần câu cá ngủ quên ở bờ ao, anh Nam không đi thi nên bị học lại một lớp. Còn tôi là Hòa, là em gái của anh Nam. Tôi bằng tuổi thằng Khánh. Hai anh em tôi ở quê cùng bố mẹ, chúng tôi sinh sống và học tập tại vùng quê thanh bình này. Thằng Khánh thì sống cùng ba nó trên thành phố, mẹ nó mất sớm từ khi nó mới chào đời, nghe nói mẹ nó sinh nó khó khăn nên bị kiệt sức không qua khỏi. Bà nội nó ở cùng quê với chúng tôi, nên chỉ khi đến kì nghỉ hè, nó mới được về quê chơi. Năm nào cũng thế, cứ đến tầm này là nó về đây rồi, nhưng năm nay nó về muộn hơn, nên anh em tôi cứ ngóng đợi, đi ra đi vào ở ngoài ngõ, rồi thì dò hỏi thông tin từ bà nội thằng Khánh, hỏi xem nó về chưa. - A.. thằng Khánh về rồi. Anh Nam ơi, thằng Khánh với ba nó về rồi. Anh mau ra đây đi. Anh Nam đang cho đàn gà ăn trong vườn vội vàng chạy ra đầu ngõ. Từ phía xa, hai đứa nhìn thấy một chiếc ô tô màu cà phê nâu đẹp ngút trời đang từ từ tiến lại dần ngôi làng. Anh Nam thúc thúc bên vai trái của tôi thì thầm: - Mày có chắc là thằng Khánh đấy không, Hòa? Tôi vừa nhìn chiếc xe đang tiến lại gần, vừa dõng dạc trả lời rất tự tin: - Em chắc chắn là nó mà, anh nhìn đi, đúng chiếc ô tô đó rồi, cái màu đó em còn nhớ như in, ô tô của ba nó là đẹp nhất cái làng này, chưa có ai về làng đi ô tô đẹp thế bao giờ cả. Tôi quay sang nhìn anh Nam, nhấc cặp lông mày tỏ vẻ câu trả lời của mình vô cùng thuyết phục, và nhiệm vụ của anh là tin vào lời tôi. - Thôi bọn mình về nhà đi, kẻo thằng Khánh nó thấy mình đứng chờ, nó lại tự kiêu, bảo là mình nhớ nó trước đấy. Chút nữa nó về đến đây, nó sẽ tự đi tìm anh em mình. Mày thấy anh thông minh không? Một kế hoạch quá hoàn hảo, mình phải nâng cao mình hơn nó chứ. Haha. Tôi gạt tay: - Không, em không thích đâu, em đứng đây chờ nó cơ. - Mày thích thì cứ chờ, tao về trước. Cẩn thận có con ma ra đây nó bắt mày thì đừng có mà gọi tao ra cứu. - Ma á, thôi em sợ lắm. Anh cho em theo về cùng với. - Thế có phải ngoan không. Đi nhanh cái chân lên. - Thì em đang chạy rồi mà. Anh Nam lúc nào cũng bắt nạt tôi. Đã biết là tôi rất sợ ma rồi mà còn cứ hù. Tôi không chỉ sợ ma đâu, mà còn sợ cả tiêm và cả máu nữa. Chiếc ô tô tiến lại gần con ngõ, từ phía nhà bà Tư-là bà nội thằng Khánh, tiếng còi xe réo inh ỏi, hai con chó nhà bà cũng chạy ra mừng quấn quýt. Chó là loài động vật rất trung thành và cũng nhớ rất lâu nữa. Ông trời ban cho tụi nó một khả năng rất nhạy bén, chúng có thể biết đâu là âm thanh của người nhà dù xa cách bao ngày đi chăng nữa. Từ trên xe, Khánh và ba nó bước xuống, đem theo cả bao nhiêu thứ về cho bà, nào là bếp từ, quần áo, máy sấy tóc, bánh kẹo, nồi cơm điện.. trong khi đó, anh em tôi chỉ biết đứng nép ở một góc tường nhìn trộm vào. Thằng Khánh bước xuống xe với chiếc ba lô màu đen. Năm nay nó có vẻ cao hơn, trắng hơn, và còn đẹp trai hơn nữa. Nhưng hình như vẫn thấp hơn anh Nam của tôi. - Anh Nam ơi, sao Khánh nó cứ thích dùng toàn đồ đen nhỉ? Anh nhìn xem, từ quần áo, balo, giầy toàn màu đen xì xì. Tôi cười khúc khích - Mày chẳng có tí nghệ thuật nào cả, ai bảo màu đen thì xấu. Tranh tao vẽ có bức cũng toàn màu đen mà người ta vẫn tranh nhau đấy thôi. Thôi đi vào nhà, kẻo nó nhìn thấy thì xấu hổ lắm. Anh Nam của tôi là một người có năng khiếu về hội họa và nghệ thuật. Anh vẽ đẹp lắm, tranh của anh còn bán được cho mấy bọn trong lớp nữa cơ. Anh ấy chỉ biết vẽ là giỏi thôi, chứ học thì dở ẹc à. Ba mẹ tôi la suốt. Mỗi lớp một là anh học tốt nhất, được học sinh giỏi. Nghe ba mẹ tôi kể thì anh thành thạo đọc chữ sớm nhất trong lớp. Nhưng từ khi bị học lại vì cái lí do ngớ ngẩn kia, anh tôi chẳng thèm chăm chỉ học nữa, nên điểm số cứ mức trung bình đều đều. Hạng cuối lớp bao giờ cũng là của anh tôi. Nhưng tôi biết, nếu chăm chỉ thì chắc chắn là anh hơn tôi rồi, mẹ tôi cũng bảo tôi thế mà. Anh Nam ước mơ làm họa sĩ nên ba mẹ tôi cũng không bắt ép nặng nề phải học giỏi, đứng hạng nhất như tôi. Còn tôi thì đó lại là một gánh nặng, lúc nào cũng phải cố gắng học để được đứng hạng cao trong lớp. Tôi có ước mơ trở thành một cô giáo tốt bụng, dạy giỏi và được học sinh yêu quý. Nên vấn đề điểm số cũng không làm tôi căng thẳng nhiều. Tôi biết là ba mẹ thương tôi nên mới khắt khe với tôi về vấn đề học tập, để tôi có tương lai tốt hơn, vì vậy tôi luôn cố gắng hết mình để ba mẹ vui lòng. Còn thằng Khánh thì nó chưa kể với tôi về ước mơ của nó bao giờ cả. Đã qua giờ cơm trưa, không khí xung quanh thật tĩnh lặng, mặt trời chiếu xuống ngày càng nắng gắt hơn, cùng với tiếng ve râm ran ầm ĩ cả khu làng. Những chú chim cũng ngừng hót để nghỉ ngơi, đàn gà trong vườn rủ nhau ra nằm phơi nắng. Tôi nằm trên võng vuốt ve chú mèo mướp, nó thích nằm trong vòng tay và được tôi vuốt ve. Loài mèo coi vậy mà làm nũng giỏi phết đấy. Cứ như em bé nũng nịu đòi bế vậy. Tôi cũng đâu có ki bo gì mà không vuốt ve bộ lông của chú, rồi mát xa nhẹ lên đầu, chắc nó sảng khoái lắm. Bỗng có tiếng gọi ngoài cổng: - Anh Nam thối ơi, Hòa Mít ơi, hai người đâu rồi, có ai ở nhà không? Anh Nam quay phắt sang tôi tỏ vẻ đắc trí. - Mày thấy chưa, nó tìm bọn mình rồi đấy, tao đã bảo rồi mà. Tôi chạy ra: - Khánh Rồ, là cậu đấy à, cậu về đây nghỉ hè đúng không? - Thấy bạn về mà không ra đón tiếp gì cả. Thấy nhớ tên tớ là tớ mừng rồi. - A quên mất, vào đi, anh Nam ở trong nhà đó. Thằng Khánh xách một túi kẹo to bự qua nhà tôi. - Quà nhé. - Ôi thích quá Toàn là những loại kẹo chúng tôi thích, còn có cả bim bim, thạch dừa và socola nữa. Ở quê lấy đâu ra cái giây phút được ăn cả đống to như quả núi thế này. Đúng là một ngày may mắn và tuyệt vời. Chúng tôi bóc kẹo ra ăn thật ngon miệng. Trong lúc đang ăn, anh Nam hỏi thằng Khánh: - Khánh Rồ, lần này mày về đến khi nào lại đi? - Đã bảo em là Khánh Gu Gồ (Google) mà, anh cứ gọi Rồ thế? - Haha, gọi Rồ cho nhanh, chứ gọi như kia méo cả miệng. Gu với Gồ cái gì. Tao chả hiểu. Buổi đầu tiên gặp lại nhau của chúng tôi thật vui vẻ và hạnh phúc, cũng một năm rồi chúng tôi không gặp nhau và cũng không liên lạc với nhau, nhưng dường như đứa nào cũng vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm, nhớ như in những câu thoại ngày xưa. Như thể chúng tôi chưa xa nhau bao giờ vậy. Chúng tôi gọi thằng Khánh là Khánh Rồ, gọi anh Nam là Nam Thối, còn tôi là Hòa Mít bởi vì tôi hay khóc nhè, mít ướt. Thằng Khánh đáp lại: - Ba cho em ở với bà nội một tháng. Vì tháng sau phải học bổ trợ để thi chuyển cấp anh ạ. - Một tháng? Hai chúng tôi há hốc mồm tỏ vẻ ngạc nhiên và đồng thanh cùng một lúc. Chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa có phần không thích chút nào. Vì năm nay nó đã về muộn rồi thì lại còn đi sớm. Vậy là thời gian chúng tôi bên nhau lại bị rút ngắn tận một nửa. Vì một tháng thì ít quá, trước đây toàn hai tháng hoặc hai tháng rưỡi mà. Sáng hôm sau, chúng tôi rủ nhau ra sân bóng của làng chơi. Vì chỉ có chỗ đó mới rộng rãi và chơi được nhiều trò. Đúng lúc gặp mấy bọn trong xóm cũng ở đó, thằng Đức, thằng Thiện, và cái Mai. Tụi nó cũng thích thằng Khánh nên nhìn thấy nó, cả bọn hò hét ầm ĩ cả lên, cứ như thể được gặp người nổi tiếng vậy. Kể ra thì cũng gần giống người nổi tiếng thật. Nó thông minh, học giỏi, lại đẹp trai, tốt bụng, tính tình thì không chê vào đâu được, luôn lễ phép tử tế với mọi người. Kì nghỉ hè năm trước, nó giúp thằng Đức củng cố lại kiến thức môn toán và tiếng anh vì Đức bị ngã gãy chân nên không đến trường được, kiến thức bị rơi vãi đi nhiều. Thế là năm nay Đức được học sinh giỏi, nên nó biết ơn Khánh lắm. Lại một lần khác nó giúp tụi kia tìm cách làm cho quả bóng bàn bị bẹp trở lại hình dạng ban đầu bằng cách để quả bóng bàn vào nước nóng, theo tính chất vật lí, quả bóng gặp nhiệt độ cao, không khí trong quả bóng nở ra, lấp đầy phần bị nõm, và tròn trịa trở lại. Nhờ vậy mà chúng nó thắng kèo với bọn xóm bên và giành được 100 viên bi, được coi là một kho báu khổng lồ của bọn trẻ chúng tôi, người sở hữu 100 viên bi đó thì chỉ có thể là "đại gia" mà thôi. Để ăn mừng sự gặp mặt trùng hợp này, chúng tôi rủ nhau cùng chơi trò "giải phóng". Luật lệ của trò chơi này rất đơn giản. Chúng tôi sẽ kẻ các vạch đích của các cấp, chia làm hai đội A và B. Ví dụ đội A được đi trước thì đội B phải đứng dàn trận theo vạch đích. Rồi lần lượt người của đội A phải chạy được từ cấp 1 đến cấp 3 và quay trở lại cấp 1 mà không bị người đội B chạm vào người thì sẽ thắng. Tôi, anh Nam Thối và Khánh Rồ một đội. Thằng Đức, cái Mai, thằng Thiện một đội. Chơi 2 ván mà chúng tôi thua cả hai, tụi kia nó chạy quá nhanh, lại lượn lách giỏi, làm tôi không đuổi kịp, xong còn bị lừa mắc bẫy để nó chạy thoát còn tôi thì phạm luật nữa. Anh Nam tức lắm, la tôi cả buổi. Chúng tôi xin ra ngoài họp đội. Anh Nam lên cho tôi một kế hoạch tóm gọn cái Mai, thằng Khánh kẹp thằng Đức, còn thằng Thiện cứ để anh Nam xử lí. Sang ván thứ ba, chúng tôi quyết phải giành được vị trí quán quân, tinh thần người nào người đấy hừng hực như lửa, sẵn sàng chiến đấu. Khi khẩu hiệu: "Bắt đầu" được hô lên thì bỗng từ phía cây bàng góc bên trái sân có một bọn gồm năm thằng to khỏe đi lại gần, chúng nó chắc tầm tuổi anh Nam tôi, hoặc lớn hơn vài tuổi. Chúng nó đòi trả sân chơi, và bắt tụi tôi phải trả một trăm nghìn đồng cho nó vì chơi mà không xin phép. Tôi thấy thật nực cười, vì đây là sân bóng của làng tôi, là của chung, của công cộng, không ai có quyền sở hữu riêng cả, tất cả mọi người đều được dùng vui chơi. Đã vậy, chúng nó lại còn ở xóm bên nữa. Nhưng vì bên đó đang sửa sang lại nhà văn hóa nên tạm dùng sân để chứa nguyên vật liệu. Do vậy bác trưởng thôn xóm tôi cho chúng nó qua bên này chơi. Không ngờ chúng nó lại dám làm vậy với chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi không nghe và phản kháng lại. Tôi lại còn nói nhiều và dẫn chứng các lí lẽ, chứng cớ để chứng minh là tụi nó sai và phải xin lỗi chúng tôi. Vốn dĩ tôi là đứa lắm lời, nhất là các cuộc phản biện ít người có thể thắng được tôi, ba tôi còn mua nhiều sách cho tôi đọc nữa, nên tôi có nhiều góc nhìn để phân tích. Nói thẳng ra là tôi nói câu nào cũng đúng, nên bọn nó không cãi được. Nhiều lúc anh Nam còn bảo tôi nên làm luật sư thì hơn, làm cô giáo uổng lắm. Cãi anh nhem nhẻm. Nhưng vì bọn nó kiếm cớ gây sự trước nên đâu dễ làm hòa với chúng tôi. Rồi một trong năm thằng bước ra đứng sát mặt tôi uy hiếp, nếu không nộp tiền thì phải đi hái trộm ổi nhà bà Năm về cho tụi nó ăn. Tôi không làm. Ở cùng với anh Nam nên tôi cũng học được anh một vài cú đá kinh điển do anh tự chế, dùng nó để đá mông tôi, đau lắm. Cùng lắm thì tôi đá cho tên đó một cú để nó không còn nghĩ tôi là con gái mà bắt nạt. Tôi đã có ý định đó và chuẩn bị thực hiện. Nhưng Khánh Rồ lại bước gần và xin giảng hòa tiếp. Không ngờ tên to béo đó lại nhổ một bãi nước bọt vào giữa mặt Khánh Rồ. Đến đây, chúng tôi không còn kiềm chế được nữa. Đặc biệt là anh tôi. Anh Nam vốn là người nóng tính, anh thường xuyên gây lộn với bạn bè. Vì thành tích học tập của anh toàn hạng cuối nên bị một số bạn xa lánh, bắt nạt, đôi khi còn chọc ghẹo, xúc phạm anh. Ba mẹ tôi thường xuyên phải lên gặp ban giám hiệu để xử lí những chuyện như vậy. Có lần vì bị bạn kia xúc phạm quá giới hạn, anh đã ném một viên gạch vào đầu bạn đấy, khiến cậu ta chảy máu và phải nhập viện. Từ lần đó ba tôi đã cảnh cáo anh Nam, nếu còn đánh nhau, gây lộn với bạn bè thì ba tôi sẽ không dám nhận là ba anh Nam nữa, ba sẽ cho anh nghỉ học và ba sẽ không bao giờ mở miệng khi thấy anh. Tôi biết anh Nam là một đứa con hiếu thảo, trọng tình trọng nghĩa, anh có khó tính, lạnh lùng, đánh nhau, cãi nhau với người ngoài nhưng không bao giờ làm vậy với người thân trong gia đình và những người bạn anh yêu quý. Trong những lời đe dọa, thì anh ấy sợ nhất là ba không bao giờ nói chuyện với mình nữa. Anh từng tâm sự. Anh có thể mất cả hộp bi này, hoặc những bức tranh phải vẽ 1 tháng mới xong kia là toàn bộ tài sản của anh. Chứ anh không bao giờ để mất đi mối quan hệ với ba mẹ, với người thương yêu được. Từ đó anh luôm kiềm chế bản thân, không còn gây lộn nữa, đôi khi anh còn cười và chẳng thèm quan tâm chúng nó nói gì. Anh mặc kệ. Nhưng hôm nay, trước hành động đó, Khánh Rồ là người bạn mà anh tôi trân trọng, anh còn quý nó hơn cả tôi, bị xúc phạm, bị một tên xóm bên nhổ nước bọt vào mặt không lí do. Làm sao anh có thể bỏ qua được đây. Anh Nam nhào vào, đấm cho tên béo kia tới tấp. Khánh Rồ cũng xông pha nhảy vào cuộc chiến. Tôi vô cùng bất ngờ vì Khánh Rồ trước giờ luôn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, một hình tượng con nhà người ta mà ba mẹ tôi hay nhắc lại có ngày nhảy vào đánh nhau với một bọn lớn hơn tuổi mình. Có lẽ anh Nam muốn bảo vệ, đòi lại công bằng cho Khánh, còn Khánh thì muốn giúp anh Nam một tay và tiện thể dạy bọn chúng một bài học nhớ đời, hoặc bọn chúng đã hành động đi quá giới hạn của cậu ấy. Thằng Đức, thằng Thiện cũng nhanh trí nhảy vào giúp sức. Tôi và cái Mai thì hả lòng hả dạ, nhưng chúng tôi là con gái chỉ dám đứng nhìn. Chợt anh Nam có vẻ nhớ ra lời ba dặn. Anh hô lớn: - Các anh em, chuyển phương án hai. Chỉ có bọn cùng xóm tôi mới hiểu đó là khẩu ngữ gì mà thôi. Tôi và cái Mai càng khoái chí nhảy vào. Phương án hai của anh Nam đó là cù léch bọn nó, cù ở lách, cù ở chân, cù ở bụng, ở rốn. Chúng nó bị làm cho cười không ngớt được mồm, cười sặc sụa, cười đến mức không thở được nữa. Anh Nam bảo phải xin lỗi mới tha cho. Tất nhiên là chúng nó đâu còn cách nào khác nên phải xin lỗi chúng tôi một cách miễn cưỡng. Sau đó, cả bọn chúng tôi nghỉ ngơi dưới gốc cây bàng, kể lại câu chuyện lúc nãy với khuôn mặt hớn hở, rạng rỡ. Thằng Đức chạy đi mua cho mỗi đứa một que kem ăn mừng chiến thắng. Nhà nó giàu lắm nên nó khao chúng tôi một bữa, cũng là để cảm ơn Khánh Rồ và anh Nam Thối. Ở làng, thằng Đức ga lăng tử tế thì ai cũng biết. Anh Nam bị xước chảy máu ở tay và ở chân một xíu vì nhào vào đầu tiên, còn lại những người khác chỉ bị bầm dập nhỏ, sưng một chút. Rồi tôi thấy Khánh Rồ bỏ trong túi quần ra một băng gạc nhỏ. Nó bảo là của ba nó cho, vì ba nó là bác sĩ nên có nhiều lắm. Nó đưa cho tôi để tôi băng lại cho anh Nam. Nó tiếp lời: - Em chưa đánh nhau bao giờ cả, nếu ba em biết thì sẽ không cho em ở đây chơi với mọi người nữa đâu. Ba em rất nghiêm khắc, nên mọi người giữ bí mật cho em nhé. Nhưng em vui lắm, lần đầu được trở thành người chính nghĩa, dạy cho bọn người ỷ mạnh bắt nạt kẻ yếu một bài học. Anh Nam giỏi thật, nghĩ ra một kế sách hay cực. Cù léc chúng nó mà sướng cả tay. Cũng may là không ai bị thương. - Anh mày sau này thành họa sĩ nổi tiếng đấy, bị thương làm sao được. Cả bọn chúng tôi cười khoái chí. Tôi hỏi: - Thế còn Khánh Rồ, cậu có ước mơ gì không? - Có chứ, sau này lớn lên, tớ sẽ là bác sĩ như bố tớ. Tớ sẽ chữa bệnh và cứu sống mọi người, để ai lớn lên cũng có mẹ, có ba. Từ nhỏ tớ đã chỉ ở với ba, còn mẹ tớ thì ở trên cao nhìn xuống tớ thôi. Ba tớ nhớ mẹ tớ, hôm qua ba khóc, bà nội tớ cũng khóc. Tớ chưa gặp mẹ bao giờ, mẹ tớ cũng vậy. Cả bọn chúng tôi im lặng, thời gian như thể đang bị dừng lại ở khoảnh khắc này. Khánh nhìn xuống đôi dép tổ ong của mẹ tôi cho nó mượn. - Tớ thích món bánh cá của mẹ cậu. Tất cả chúng tôi đứng hình, trên tay cầm những que kem ăn dở đang chảy nước dưới cái nắng của mùa hè oi ả. Không đứa nào nói câu gì, chúng tôi nhìn nhau. Tôi chỉ ước lúc này có một bà tiên hiện ra và giải cứu chúng tôi. Ban cho chúng tôi một điều ước. Khi ấy, tôi sẽ ước mẹ thằng Khánh còn sống và đưa nó chơi, làm bánh cá cho nó ăn, hát ru cho nó ngủ giống mẹ chúng tôi vậy. Tiếng ve lại càng to hơn và rõ hơn, làm rung động cái không khí đang tĩnh lặng ấy. Cái Mai vỗ vai an ủi Khánh, chúng tôi cũng lại gần, đứa xóa đầu, đứa nắm tay, đứa phe phẩy quạt. Anh Nam: - Thì có sao chứ. Nhưng mày có người ba giỏi giang, tốt bụng, yêu thương mày. Có bà nội quý màu như cục vàng. Có bọn tao làm bầu làm bạn. Ai mà ăn hiếp mày, tao xử lí hết. Mai qua nhà tao, mẹ tao làm bánh cá cho mày ăn được chưa. - Cả nhà tao nữa, qua nhà tao xem Dorraemon, xem Cônan, xem siêu nhân - Cậu qua nhà tớ ăn táo, câu cá nhé - Cậu biết bó vải không? Mai qua nhà tôi thu hoạch vải nha, vui lắm. Bầu không khí yên ắng bỗng lại trở lên sôi nổi, ồn ào cùng tiếng cười vui vẻ của chúng tôi. Mặt trời từ đằng xa lặn xuống, to dần, mờ dần rồi biến mất trong hoàng hôn. Một ngày mới lại kết thúc. Tiếng ve lại bắt đầu râm ran. Các cô các bác cũng làm xong công việc đồng áng trở về nhà. Một tháng trôi qua thật nhanh chóng, vừa mới ngày nào gặp lại nhau mà hôm nay Khánh đã phải chia tay chúng tôi về thành phố học rồi. Chúng tôi thật lòng chẳng muốn để nó đi chút nào. - Ê Rồ, định cứ thế về à? Nó cười - Cầm lấy - Gì đấy anh Nam? - Tranh tao vẽ tặng mày đấy, nhìn giống không? Đây là tao, quá đẹp trai đúng không, còn đây là mày, tuy thấp hơn tao nhưng tao cứ vẽ cho bằng tao đấy, còn đây là cái Hòa, nó cứ đòi tao vẽ nên tao mới vẽ. Chứ cho nó vào chỉ tội cho bức tranh. Haha - Cái anh này. Ứ chơi với anh nữa. - Em cảm ơn anh - Năm sau có về không? Năm sau nhớ về tiếp đấy nha, về sớm một chút. Năm sau đi đá bóng và nướng cá tiếp nhá. Ba thằng Khánh bước tới, ông xách vali của nó lên xe và tạm biệt chúng tôi. Chiếc ô tô xa dần, xa dần rồi mất hút ở khoảng chân trời. Chúng tôi lại xa nhau và chờ đến kì nghỉ hè năm sau. Có lẽ lúc ấy, chúng tôi lại vẫn quậy phá, vẫn trẻ con, vẫn ngây ngô, vẫn ham ăn như bây giờ. Và Khánh Rồ cũng lại đem về mấy loại kẹo ngon cho tôi và anh Nam Thối. - Hết -