KHUYNH HƯỚNG SỬ THI VÀ CẢM HỨNG LÃNG MẠN TRONG VĂN HỌC GIAI ĐOẠN 1945-1975 (Nguyễn Đăng Mạnh) 1. Trong ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc hướng về độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, có thể nói, cả dân tộc ta đã sống với tâm lý lãng mạn – một chủ nghĩa lãng mạn thấm nhuần tinh thần lạc quan chiến thắng. Không có lòng yêu nước thiết tha và lòng tin chắc chắn ở tương lai tươi sáng thì làm sao có đủ tinh thần để vượt qua mọi thiếu thốn gian khổ, mọi thử thách nặng nề của chiến tranh: "Củ khoai củ sắn thay cơm Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng Hớp ngụm nước suối trong đỡ khát Trông trời cao mà mát tâm can.." (Tố Hữu) Đấy là những năm tháng con người tuy đứng trong gian khổ tột cùng nhưng tâm hồn lại sống trong niềm vui ấm áp của tình đồng chí, đồng bào, của tình dân nghĩa Đảng, và trong ánh sáng rực rỡ của lý tưởng, của tương lai. Chủ nghĩa lạc quan ấy tỏ ra rất vững chãi vì có cơ sở thực tế. Bởi dân tộc ta vừa trải qua một quá khứ vô cùng khủng khiếp. Chế độ thuộc địa của Pháp và phát xít Nhật hết sức tàn bạo đã dẫn tới nạn đói có tính hủy diệt: Giết chết hơn hai triệu người trong vòng ba tháng. Đảng đã phát động cuộc Cách mạng tháng Tám, cứu dân tộc ra khỏi những ngày khủng khiếp đó, mà nói như Nam Cao "có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể cho nhau nghe để mà rùng mình" (Đôi mắt). Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tuy lực lượng địch ta hết sức chênh lệch, ta vẫn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, công cuộc khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội bước đầu được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, quả có làm cho đất nước thay da đổi thịt. Xưa nhà tranh vách đất là hình ảnh tiêu biểu của làng quê ta: "Mái tranh ơi hỡi mái tranh Trải bao mưa nắng mà thành quê hương" (Trần Đăng Khoa) Giờ đây khắp nơi mọc lên nhà gạch, gọi là phong trào "ngói hóa", tạo nên tứ thơ đầy tinh thần lãng mạn của Xuân Diệu: "Ngói mới". Không phải ngẫu nhiên mà Huy Cận, vốn xưa là một hồn thơ nảo não nhất của phong trào Thơ Mới, nay nhìn đâu cũng thấy "Trời mỗi ngày lại sáng", "Đất nở hoa", "Bài thơ cuộc đời".. Còn ở Chế Lan Viên, hình ảnh "Ánh sáng và phù sa" là hình ảnh đất nước mà cũng là hình ảnh tâm hồn nhà thơ được hồi sinh và thanh xuân hóa.. [..] Nhìn thực tế dưới ánh sáng của một tương lai như thế, tự nhiên thấy thực tế đẹp hơn, sáng hơn gấp ngàn lần: "Năm năm với bấy nhiêu ngày Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều.. Dân có ruộng dập dìu hợp tác Lúa mượt đồng ấm áp làng quê Chiêm mùa cờ đỏ ven đê Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn Màu áo mới nâu non nắng chói Mái trường tươi roi rói ngói son Đã nghe nước chảy lên non Đã nghe đất chuyển thành con sông dài Đã nghe gió ngày mai thổi lại Đã nghe hồn thời đại bay cao Núi rừng có điện thay sao Nông thôn có máy làm trâu thay người.." (Tố Hữu) Phải nói rằng những điều Tố Hữu diễn tả đều là sự thật cả. Có điều sự thật ấy đã được nhân lên với kích thước cao rộng, bát ngát của tương lai mà nhà thơ gọi là "gió ngày mai", "hồn thời đại". Và chủ nghĩa lạc quan cũng được nhân lên với kích thước ấy: "Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội" (Tố Hữu) "Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành Ngói mới" (Xuân Diệu) Cảm hứng lãng mạn không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi. Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút kí, tùy bút, cả kịch bản sân khấu đều rất giàu chất thơ lãng mạn. Và nhìn chung, hướng vận động của cốt truyện, của mạch văn, của số phận nhân vật, của dòng cảm nghĩ của tác giả, hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn. Niềm tin ở tương lai là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, đã khiến dân tộc ta có thể vượt lên trên mọi thử thách, tạo nên những chiến công phi thường: "Bao người máu đã ngập lưng Dựa vào lí tưởng lại vùng đứng lên" (Lê Anh Xuân) "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước Mà lòng phơi phới dậy tương lai" (Tố Hữu) Tin chắc ở tương lai và thật sự sống với tương lai, con người đi vào chiến trường, vào mưa bom bão đạn, vẫn vui như trẩy hội: "Những buổi vui sao cả nước lên đường Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục () Sung sướng bao nhiêu tôi là đồng đội Của những người đi, vô tận hôm nay". (Chính Hữu) "Đường ra trận mùa này đẹp lắm Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây" (Phạm Tiến Duật) "Ta qua sông qua suối Ta qua núi qua đèo Lòng ta vui như hội Như cờ bay gió reo" (Tố Hữu) Tóm lại, cảm hứng lãng mạn là đặc trưng của giai đoạn văn học 1945 – 1975 xét trên nét chủ đạo của nó. 2. Trong giai đoạn văn học này, cảm hứng lãng mạn có sự kết hợp rất đẹp với khuynh hướng sử thi, tạo nên những hình tượng chói lọi, những giọng điệu hào hùng, nhất là từ cao trào chống Mỹ (1965 – 1975). Cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt đã đặt mỗi người Việt bình thường nhất vào tình huống không thể không trở thành anh hùng. Và mỗi cá nhân, một cách tự nhiên, đều cảm thấy hết sức gắn bó với cộng đồng và có ý thức nhân danh cộng đồng mà suy nghĩ và hành động. Lúc này, những gì thuộc về cái tôi riêng đều bị xem là nhỏ mọn, tầm thường. Con người luôn đứng trước những vấn đề có tầm cỡ lịch sử: Tổ quốc còn hay mất, độc lập tự do hay nô lệ, ngục tù? Câu hỏi ấy khiến mọi công dân biết tự trọng đều phải dẹp đi tất cả mọi lợi ích cá nhân, hy sinh tất cả kể cả tính mệnh của mình: "Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ như chồng Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông.." (Chế Lan Viên) Ra đời và phát triển trong không khí lịch sử đó, văn học giai đoạn 1945 – 1975 là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân vật trung tâm của nó là những con người đại diện cho giai cấp, dân tộc, thời đại, những con người sống chết với cộng đồng và kết tinh một cách chói lọi những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Tố Hữu nhìn chị Trần Thị Lý không phải là một cá nhân, mà là một con người của dân tộc và nhân loại, với "trái tim vĩ đại" không phải "đập cho em" mà "cho lẽ phải trên đời, cho quê hương em, cho Tổ quốc, loài người". Nhà thơ không gọi tên nhân vật mình là Trần Thị Lý, mà là "Người con gái Việt Nam". Ấy là thời mà cái cá nhân, cái riêng tư cơ hồ mất vị trí trong cảm quan thẩm mỹ, cái thời mà Chế Lan Viên gọi là "Những năm toàn đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt", và nhà thơ cũng nhìn Tổ quốc mình không phải bằng con mắt cá nhân mà bằng "con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa", nghĩa là con mắt của lịch sử dân tộc, hay nói như Xuân Diệu viết về Tố Hữu: "Con mắt của lịch sử nhập vào đôi mắt của anh". Những anh Núp của Nguyên Ngọc, chị Út của Nguyễn Thi, ông Tám xẻo đước của Anh Đức, bà mẹ đào hầm của Dương Hương Ly.. đâu phải là những cá nhân. Đó là "Đất Nước đứng lên", là những "Người mẹ cầm súng", là sự vùng dậy của "Đất", là sức mạnh vô tận của "Đất quê ta mênh mông".. Còn Lê Anh Xuân thì hình dung anh giải phóng quân hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất như một tượng đài hùng vĩ hiện lên trên cái nền bát ngát của không gian Tổ quốc và thời gian những thế kỉ. Người chiến sĩ ấy là ai? Không cần biết. Anh không để lại tên tuổi, địa chỉ gì hết. Vì anh là biểu tượng của giải phóng quân, hơn nữa là "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ".. Các nhà lý luận thường nói đến khoảng cách sử thi giữa nhà văn và nhân vật anh hùng. Do khoảng cách ấy, giọng văn sử thi thường trang nghiêm và thiên về ngợi ca với thái độ chiêm ngưỡng đầy cảm phục, và ngôn ngữ, hình ảnh sử thi thiên về vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng. Ấy là hình ảnh hùng vĩ của cụ Mết trong "Rừng xà nu" hô vang núi rừng Tây Nguyên: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo". "Đốt lửa lên! Đốt lửa lên!". Và cả làng Xô Man ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng.. Ấy là hình ảnh chị Út Tịch trong "Người mẹ cầm súng", "Bà Hồng ông Cống nắm tay nhau đánh giặc mù trời". Ấy là hình ảnh Trần Thị Lý trong thơ Tố Hữu: "Em là ai cô gái hay nàng tiên Em có tuổi hay không có tuổi Mái tóc em đây hay là mây là suối Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông".. Ấy là hình ảnh tình yêu chiến thắng cái chết của Nguyễn Văn Trỗi trong thơ Lê Anh Xuân: "Bốn bên cái chết bủa vây Chẳng cây, chẳng lá, chẳng mây, chẳng trời Mà thơm hơn cả hoa tươi Mà xanh hơn cả da trời đã xanh Tình yêu vào khám tử hình Chấn song sắt cũng trổ cành đơm hoa".. [..] Trong giai đoạn văn học này, khuynh hướng sử thi không chỉ thể hiện ở những thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, kí sự, truyện kí hay những bản trường ca. Nó chi phối cả đến những bài thơ ngắn, thậm chí nhiều bài tứ tuyệt: "Chống gậy lên non xem trận địa Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây Quân ra khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy" (Hồ Chí Minh) "O du kích nhỏ dương cao súng Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu Ra thế! To gan hơn béo bụng Anh hùng đâu cứ phải mày râu". Chuyên văn