Khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Xunahan, 24 Tháng năm 2021.

  1. Xunahan

    Bài viết:
    69
    Hồ Chí Minh – Gần hơn một vĩ nhân

    Dù nhiều năm đã trôi qua, hình ảnh Người trong bộ đồ kaki giản dị vẫn còn in trong tâm trí những người dân đất Việt. May mắn cho những thế hệ đi sau khi mà những di tích, những kỉ vật gắn bó với Người thuở sinh thời vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn. Đến với quần thể khu di tích Hồ Chí Minh tại phủ chủ tịch (Hà Nội) để ta có thể cảm nhận sâu sắc hơn về vai trò của Người với cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

    Quần thể khu di tích Hồ Chí Minh tại phủ Chủ tịch bao gồm các địa điểm như: Lăng Bác, Nhà sàn, Nhà 54, Nhà 67, di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tọa lạc giữa trung tâm Văn hiến, dù xét về mặt tự nhiên hay văn hóa khu di tích cũng cho du khách có được cái nhìn bao quát nhất về một con người, một lối sống của một người Việt Nam điển hình và rất vĩ đại.

    Bác sinh ngày 19-5-1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội. Tên lúc nhỏ của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Cung, tự là Tất Thành.

    Tháng 6 năm 1911, trên con tàu Latouche Treville, tại bến cảng Nhà Rồng, Người rời quê hương bước chân vào con đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Người đi 30 năm ròng rã năm châu không ngừng học hỏi, rèn luyện và trưởng thành để rồi trở về mang ánh sáng tự do tới cho dân tộc. Bằng những kỉ vật còn để lại, bằng những kí ức không phai, quần thể khu di tích như nhân chứng nhắc nhở người ta về vai trò to lớn của Người với cách mạng Việt Nam.

    Khi mà cái tên Nguyễn Tất Thành vẫn còn chưa len lỏi tới được các ngóc ngách của mảnh đất Việt, thì tại một miền đất xa xôi người thanh niên ấy đã tìm ra ánh sáng cho con đường cách mạng Việt Nam: Vào giữa năm 1920, khi đang hòa mình trong cuộc đấu tranh sôi nổi của Đảng Xã hội Pháp để tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc"Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V. I. Lênin: "Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta". Cho đến tận ngày hôm nay chủ nghĩa Mác – Lenin cùng tư tưởng của Người vẫn là nguồn sáng soi rọi cho Đảng Cộng sản.

    Trong các di tích thuộc quần thể, có lẽ nhà 67 là nơi khiến ta nhận ra rõ nhất không khí ác liệt của những năm kháng chiến chống Mĩ. Tại đây đến nay vẫn còn lưu lại hai tấm bản đồ quân sự về "Bố trí không quân, hải quân địch tham chiến ở Việt Nam" và "Bố trí binh lực địch ở miền Nam" để Người theo dõi báo cáo về tình hình kháng chiến. Thiết kế bằng bê tông cốt thép vững chắc của căn nhà đã phần nào cho thấy cái cam go của cuộc chiến. Đi theo Người còn có chiếc mũ sắt, chiếc mũ đơn sơ theo người trong suốt những năm kháng chiến. Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ là nơi lưu lại nhiều nhất những tư liệu về người, bản "Tuyên ngôn độc lập" viết tay, bản di chúc được sửa đi sửa lại nhiều lần (người đặt những dòng đầu tiên khi còn ở nhà sàn).. Bằng chiếc máy đánh chữ (trên kệ sách tại Nhà sàn), bằng những chiếc điện thoại, bằng chiếc radio (do du học sinh Hung-ga-ry gửi biếu Bác – tại nhà 54) Người đã theo dõi từng bước tiến nơi chiến trường để đưa ra chỉ đạo, động viên, khuyến khích, tuyến dương.

    Dành cả tuổi xuân để tìm đường cứu nước, mang nguồn ánh sáng tự do về với quê nhà, lập ra tổ chức lãnh đạo hiệu quả và quyền lực, lãnh đạo nhân dân từng bước đòi lại quyền "tự do, bình đẳng, bác ái", luôn phấn đấu vì để "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".. Bác giữ vai trò vô cùng lớn lao với cách mạng Việt Nam.

    Đối với dân tộc Việt Nam, Người còn là tấm gương sáng về nhân cách. Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất". Tới khu di tích ta có thể dễ dàng nhận ra, trong phòng ngủ và phòng làm việc của người chỉ có những vật dụng thiết yếu nhất. Phòng ngủ của Người là một chiếc giường gỗ trải chiếu cói, mùa đông thì trải thêm nệm, một chiếc bàn, một chiếc đèn bàn và chiếc đồng hồ nhỏ.. Tại nhà 54 ta có thể thấy rõ phòng ăn của Bác, mỗi bữa cơm của Bác thường chỉ có 3 món: Một món mặn, một món nhạt, một món canh, thi thoảng có thêm món cà Nghệ quê hương. Tủ đồ của Người cũng chỉ có vài ba bộ đồ giản dị, với một chiếc mũ cối, một đôi dép cao su. Người không chỉ là lãnh tụ mà còn là một Người cha kính yêu của dân tộc.

    Thời gian xây dựng không giống nhau (trong đó nhà 54 là căn nhà trước kia của người thợ điện), kiến trúc khác biệt, nhưng mỗi địa điểm đều lưu lại những kỉ niệm về Người hết sức đậm nét: Nơi Người sống và làm việc, nơi trang trọng nhất mà Người tiếp đón các đoàn khách (Phủ Chủ tịch).. Lăng Bác là nơi mà người ta còn có thể được nhìn thấy Bác.

    Dân tộc Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ công ơn của Người. Dù thời gian có trôi thì hình ảnh người vẫn luôn được người dân tôn kính. Khu di tích Hồ Chí Minh tại phủ Chủ tịch không chỉ thể hiện cảnh quan và kiến trúc, hãy thử đến đây để tìm hiểu nhiều hơn về Bác. Tìm hiểu về công ơn của Bác với Cách mạng và Dân tộc Việt Nam là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân.
     
    Last edited by a moderator: 4 Tháng mười một 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...