HÔM NAY KHÔNG PHẢI ĐI HỌC là câu nói mà theo tác giả là nó chạm đến tinh thần của cuốn sách Khơi nguồn sáng tạo. Nó giúp giải phóng sức sáng tạo, giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, tự do như một đứa trẻ mong đến ngày nghỉ để đi chơi, để không phải đến trường. Tôi nhớ là cảm giác nghe được thông báo hôm nay lớp nghỉ vì.. cảm giác đó thật tuyệt. Tôi tin là các bạn cũng ít nhiều có cảm xúc giống tôi. Tuy nhiên, đó không phải là điều mà tôi muốn nói đến ở đây. Nào bây giờ hãy cùng tôi điểm qua một số nét chính về tác giả Jack Foster nhé! Trong phần cuối của cuốn sách Khơi nguồn sáng tạo , đôi nét về tác giả có cập đến cuộc đời của Jack Foster trước khi bước vào ngành quảng cáo khi ông còn là một thanh niên 18 tuổi nghịch ngợm và tinh ranh. Những việc làm của ông đã khiến ông bị công ty sa thải và kể từ đó ông đã nỗ lực để tìm ra những ý tưởng khiến cho ông không bị sa thải. Và sau này ông đã thành công và trở thành một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tiếp thị- Quảng cáo- Truyền thông. Là một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và sự đột phá, Jack đã giúp hàng trăm công ty có được những quảng cáo hấp dẫn, thú vị, giúp các công ty lớn mạnh và được nhiều người biết đến như Carnation, Mazda, Sunkist, ARCO, Ngân hàng Liên bang Fist.. Ông đã từng là nhà văn, nhà sáng tạo, giám đốc sáng tạo và giảng viên và ông đã nhận hàng chục giải thưởng trong ngành quảng cáo, trong đó có giải "Người sáng tạo nhất trong năm" do Câu lạc bộ Sáng tạo Los Angeles trao tặng. Cuốn sách Idealship - How to get ideas flowing in your workplace (Khơi nguồn sáng tạo) xuất bản năm 1995, là một trong những cuốn sách đầu tay và cũng là một trong những cuốn sách hay nhất của tác giả viết về việc truyền lửa và tiếp thêm năng lượng cho đứa con cảm xúc - yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng thành quả công việc của bạn. Cuốn sách được tác giả trình bày ngắn gọn, rành mạch theo năm phần, mỗi phần lại được tác giả chia ra thành từng mục nhỏ giúp người đọc đỡ cảm thấy nhàm chán. Nói chung thì cuốn sách này cũng không phải sách luận và là nói đến các phương pháp, các phương thức mà chính tác giả đã làm để khơi nguồn cảm xúc cho các nhân viên trong phòng sác tạo của mình bằng cách tin tưởng họ và làm họ tin tưởng vào chính mình từ đó đạt đến sự sáng tạo vô hạn. Phần I tác giả giúp chúng ta hiểu thế nào là khơi nguồn sáng tạo và vai trò cũng như tác dụng của việc tạo nên một môi trường làm việc đầy tính sáng tạo, tự do và vui vẻ. Phần II tác giả chỉ ra hai cách thức để trở thành một người sáng tạo đó là giúp mọi người nghĩ tốt hơn về mình và tạo môi trường làm việc vui vẻ. Để đạt được hai mục đích trên, ông đưa ra sáu điều mà bạn có thể làm, bảy điều một tổ chức có thể làm và mười tám chiến lược bạn có thể thực hiện trong các phần III, IV, V để tạo nên sự khác biệt. Khi đọc những ý tưởng mà Jack đưa ra chúng ta sẽ thấy tư duy của ông mới lạ thế nào và chúng ta thử nhìn nhận và đánh giá xem cách thức chúng ta đang làm khác như thế nào. Tôi lấy ví dụ, tác giả có nói đến mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới đó là từ trước đến nay thì hầu hết nhà quản trị đều chọn phong cách quản trị mà duy trì khoảng cách với nhân viên của mình để thể hiện uy nghiêm và duy trì quy tắc, trật tự nơi làm việc. Tuy nhiên, ở đây tác giả bác bỏ hết những thứ đó và nói rằng không thể xa rời nhân viên của mình như vậy được. Chẳng ai chịu làm kẻ ngốc mà nghe theo một người xa lạ. Khi đã có khoảng cách thì khó lòng truyền cảm hứng cho ai được, kể cả cho những tên ngốc. Kể cả khi những kẻ điều hành xa lạ thành công thì đó cũng không phải thành quả có được nhờ tài năng và công sức của họ. Những cách mà tác giả đưa ra đã được chính ông áp dụng đối với nhân viên của mình à không là những người bạn cùng phòng làm việc của ông thì đúng hơn. Những cách thức đó tưởng dễ nhưng dễ không tưởng nếu bạn chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Tuy nhiên, tác giả không khuyến khích các bạn làm theo y hệt như những gì ông đã làm mà tác giả hi vọng những gì ông đưa ra là để các bạn tham khảo và biến nó thành của riêng mình nghĩa là các bạn làm những điều để tạo cảm hứng sáng tạo theo cách của riêng bạn và chỉ cần bạn tuân thủ những nguyên tắc cốt lõi. Với cách lý giải rất tự nhiên và giản dị, không cầu kỳ về ngôn từ mà vẫn đạt được sự sâu sắc mà một tác phẩm cần có, tác giả đã làm cho cuốn sách thực sự rất dễ hấp thụ, dễ đọc và không hề nhàm chán. Đương nhiên, Jack Foster cũng trích dẫn một số câu nói hay và nổi tiếng của những người thành đạt để chứng minh cho những gì mà tác giả đã nói. Trong đó có một câu mà tôi rất thích, nó như này: Không có gì hoàn hảo cả. Mọi thứ trên thế giới đều có thể hoàn thiện hơn nữa. Không bao giờ ta biết được bức tranh nào vĩ đại nhất, bản nhạc nào tuyệt nhất và bài thơ nào hay nhất - Lincoln Steffens. Đó mới chính là điều chúng ta muốn đạt đến great chứ không chỉ là good. Cuốn sách Khơi nguồn sáng tạo thật sự là một cuốn sách hay khơi nguồn cảm hứng cho chúng ta, khiến chúng ta biết rằng niềm vui và sự tin tưởng chính là hai thứ vũ khí lợi hại nhất. Và đây cũng là cuốn sách đưa tôi tới với các bạn ngày hôm nay. Nếu có thể hãy tìm đọc cuốn sách này, tôi sẽ còn quay lại và review cho các bạn những cuốn sách hay và bổ ích khác nữa.