Khoảnh khắc chờ tết, đợi tết và tết về Tác giả: Tống Thị Thanh Link thảo luận - góp ý: [Thảo luận - Góp ý] Các tác phẩm sáng tác của Thanhtt Cuối năm bao giờ cũng là thời khắc làm con người bâng khuâng nhiều nhất. Nếu tính theo lịch tây thì năm mới đang cận kề. Theo quan niệm phương Đông, người Việt Nam ăn tết Nguyên Đán, những ngày khởi đầu của tháng giêng sau tháng chạp là bắt đầu của mùa xuân, cụ thể mùng một, mùng hai, mùng ba tết, ba ngày tết. Tết đầu tiên mà tôi hình dung về khái niệm là vào năm ba, bốn tuổi gì đấy, tôi được mặc áo mới và vào quê ngoại chơi, mọi người đều dành cho tôi lời ngợi khen về chiếc áo năm mới. Tôi đã thấp thỏm chờ đợi rất lâu để tết sang năm lại mặc áo mới vào quê ngoại để được những lời khen ngợi. Tết đó, tôi diện chiếc áo có họa tiết nhỏ màu đỏ! Dù kinh tế gia đình tôi không khá giả nhưng hầu như năm mới nào tôi cũng có quần áo diện tết, thông lệ đấy vẫn là quan niệm tôi giữ đến tận bây giờ. Những năm tôi nhỏ, bánh kẹo rất xa xỉ. Thường thấy nhất là hàng kem mút vào hè, kẹo kéo đổi bằng sắt vụn và dép rách, kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo ông sư hay sang hơn là bánh khảo gói trong giấy ni lon màu đỏ bán ở các cửa hàng tạp hóa. Bánh kẹo do nhà máy sản xuất không phải lúc nào tôi cũng được ăn vì đồng tiền làm ra rất quý và khó. Phổ biến nhất là kẹo hương dừa và bánh quy. Các nhãn hiệu ấy bây giờ vẫn còn sản xuất mặt hàng này. Bố tôi đi dạy học về và nhặt được gói kẹo hương dừa như thế. Tôi rất mừng vì có gói kẹo. Tôi giở ra ăn và phát hiện là đất thó được nặn thành viên kẹo và gói lại y như sản phẩm từ nhà máy đưa ra. Cách đùa tai quái này làm tôi nảy ra ý định trêu lại những đứa trẻ khác. Nếu có kẹo hương dừa tôi bóc ra ăn nhưng cố gắng để lại các nếp gấp sẵn có của giấy gói kẹo rồi tạo hình lại như cũ và đem ra đường thả chơi. Đã có đứa trẻ nhặt kẹo giấy của tôi và mừng hụt. Tôi rất thích nhưng ngẫm nghĩ nếu mình làm vậy hóa ra đánh vào sự đói khát và thèm muốn của con người, tôi đã không chơi trò kẹo giấy bọc không khí nữa. Tết đến mới là dịp tôi được ăn kẹo bánh thỏa thích không những thế còn là những món kẹo và bánh ngon nữa. Nhưng nếu tập trung trong ba ngày tết thì không ăn được nhiều bánh kẹo mà hết tết lại muốn ăn các bánh kẹo này. Thế là, cứ khách đến chơi tết nhà tôi ra về, tôi lại lấy một nắm kẹo từ đĩa kẹo tiếp khách còn thừa lại khá nhiều và bỏ vào chiếc túi để dành ra giêng của tôi. Tôi đã được ăn kẹo tết nhiều hơn và lâu hơn vì thế. Ngày đấy, quan niệm tất cả là để dành cho ba ngày tết vẫn còn. Chỉ đến tết người ta mới làm các món bánh nếp, chè lam, bánh rán, nấu các món chân giò nhồi thịt, làm nem (chả giò), gói nem chua, nướng cá ao để dành, nấu đông, ninh măng khô.. Chè lam là món bánh được làm nhiều nhất. Nguyên liệu để làm chè lam là bột nếp, lạc rang, mật mía, gừng. Mật mía thì không khó ở quê tôi. Làng tôi và các làng lân cận đều là đất trồng mía, thời nhà Nguyễn, hàng năm, người dân quê tôi lại đem mía "đường trèo", một giống mía ngon, đặc sản để tiến vua. Bộ nếp sau khi rang lên và nghiền mịn sẽ được trộn vào với nước mật nấu đặc cùng lạc rang và nước gừng. Hỗn hợp sau đó được nặn thành hình tựa như chiếc chống chày giã cua mà ngày trước ông bà mình hay dùng. Mọi người cất giữ bánh bằng cách bao bên ngoài bằng lớp áo bột mỏng, để nguội và cất kín chờ dịp tết đem ra cắt thành từng miếng nhỏ để đãi khách. Tôi đã được ăn chè lam của nhiều gia đình ở quê tôi. Các năm ấy, năm nào mẹ tôi cũng làm chè lam. Chè lam không dẻo quá cũng không quá cứng, bùi và ngon, phảng phất hương gạo, mật, lạc, nước gừng. Tôi vẫn cố gắng để giữ món bánh chè lam. Mật mía không sẵn như ngày tôi còn bé vì bây giờ không ai kéo mật, nấu mật mà bán cây cho nhà máy. Cây mía không còn trồng đại trà ở quê tôi nữa. Tôi mua mật của các bà ngoài chợ thị xã. Đánh cá ao cũng không còn là tục lệ vào cuối năm để chuẩn bị tết ở quê tôi nữa. Cuối năm, đánh cá ao, biết tết đang đến rất gần rồi. Mẹ tôi mua cá từ trước tết, làm sạch và nướng lên. Thực phẩm bấy giờ không đa dạng, nấu được món ăn ngon không phải dễ. Cá ao được mẹ tôi kẹp bằng thanh luồng tươi nhỏ, nướng khô trên than củi để dành làm món ăn ba ngày tết. Nem chua cũng là món ăn của ngày tết. Tết đến mẹ tôi lại gói nem. Cách gói nem chua cũng khác với món nem là món ăn truyền thống, một biểu tượng của đất Thanh Hóa. Món nem này thịt và bì thái to bản trộn cùng thính gạo rang và gia vị là ớt tươi cùng lá ổi. Nem chua là món ăn không thiếu được trong mâm cỗ ngày tết của nhiều người dân dải đất phía bắc miền trung. Lì xì, niềm háo hức của tôi năm mới đến. Mệnh giá tiền lì xì chỉ từ hai trăm, năm trăm đồng rồi một nghìn đồng, hai nghìn đồng cho tới cao hơn. Tôi luôn kiểm kê món tiền mừng tuổi của mình một cách rất cẩn thận. Đấy là món tiền riêng và tôi có toàn quyền chi tiêu một cách phù hợp. Lì xì, gia tài của tuổi nhỏ. Mưa xuân bay bay trong không gian là mùa xuân về. Những hạt mưa xuân chấm li ti đậu trên tóc, trên quần, trên áo, thời tiết điển hình của xuân. Nắng xuân la đà trên đồi, trên cánh đồng, con đường. Tết dân tộc trong tôi là khái niệm như thế. Manh áo mới, bánh chè lam, cá nướng của mẹ, nem chua, số tiền lì xì.. Người phương Tây ăn tết theo lịch dương, tết Nguyên Đán, những ngày tháng chạp giáp tết luôn là nỗi đợi chờ, mong đợi của những người con! Hết.