Review Nhạc Khoảng Lặng Phía Sau Thầy - Nguyễn Ngọc Thiện: Có Những Điều Thầy Chưa Kể

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 18 Tháng mười một 2020.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    Ngẫm cũng ngộ, phải chăng tất cả các nhạc sĩ đều có bản tính ga lăng cực cool ngầu, nên lúc nào cũng "Lady First"? Hay vì họ yêu cái đẹp mà phụ nữ luôn luôn là đại diện cho cái đẹp? Thế nên, phần lớn các bản nhạc viết về chủ đề Cha Mẹ, và cả Thầy Cô thì các bài hát về Mẹ và Cô lại phổ biến hơn, cũng như nhiều vô số kể. Còn các bài hát viết về Cha, mà nhất là viết về Thầy lại như "cà phê phin nhỏ giọt", ít người biết đến. Trong khi công ơn của đôi bên là sánh bằng nhau.

    Hoặc nếu như hỏi các bạn và cả mình nữa, bài hát nhạc trẻ/ nhạc rap nào đang thuộc top trending trong giai đoạn hiện nay thì có lẽ chúng ta ai cũng trả lời ngay được ít nhất trên dưới chục bài. Nhưng thử hỏi các bài hát về Thầy xem nào, ngoài những bài hát "Quốc dân" mà chúng ta bất khả kháng phải nghe vào các buổi lễ chào mừng ngày 20/11 tại trường hàng năm như "Bụi Phấn", "Người Thầy" ra, thì liệu chúng ta có còn biết đến bao nhiêu bài hát khác về Thầy nữa?

    Có chút bất công ở đây rồi đúng không nhỉ?

    Thế nên, hôm nay mình xin phép các Mẹ, các Cô, và các bạn được lấy lại chút chỗ đứng trong "diễn đàn trái tim" cho các người Thầy, mà chúng ta đã lỡ lãng quên, bằng việc review bài hát "Khoảng Lặng Phía Sau Thầy" mà mình vô cùng yêu thích.

    Nói đến lý do yêu thích, và cơ duyên mình biết bài hát này thì phải kể lại chút kỷ niệm năm cuối tiểu học: Như thường lệ mình hay vui đùa cùng các bạn trong giờ ra chơi, rồi đến một ngày vô tình mình nhìn thấy Thầy giáo chủ nhiệm của mình đứng lặng lẽ ở lan can tầng hai quan sát mọi thứ xung quanh, với nét mặt và đôi mắt có chút đượm buồn. Bất ngờ có, tò mò có, nhưng chỉ được vài giây thôi mình lại thờ ơ bỏ mặc, tiếp tục hòa mình vào các trò chơi thú vị còn dang dở. Và dường như cũng quên hẳn luôn khoảnh khắc đó. Mãi cho đến năm cuối cấp hai, khi mình bất chợt nghe được bài hát này thì tự dưng hình ảnh người Thầy năm ấy lại hiện lên rõ mồn một. Thật trùng hợp vì bài hát mô tả tình cảnh và cảm xúc khá giống với mình của "ngày hôm đó", nhưng mình đã không nhận ra. Và chỉ khi nghe bài hát thì mình mới thật sự thấm: Thì ra mình chưa bao giờ quên thậm chí là đã khắc sâu khoảnh khắc ấy vào trong tâm trí, chỉ là nó ở một góc nhỏ nào đó mà mình không biết mà thôi.

    "Có những giờ ra chơi

    Em xòe tay buộc gió"​

    Ở tuổi học trò ngày ngày đến trường nhiều khi là một cực hình, nhất là những hôm chúng ta phải đối mặt với các tiết học gây nhàm chán, ngáp dài ngáp ngắn thì "giờ ra chơi" chính là giây phút thiên đường luôn được mong chờ, đúng không nào các bạn? Lúc ấy thì mặc kệ sự đời, bày đủ trò để vui chơi trước đã, những cái khác tính sau. Hành động "xòe tay buộc gió" như một minh chứng cho sự hồn nhiên, vô tư, pha lẫn chút lém lỉnh của chúng ta một thời. Chính vì tăng động, thích khám phá nên chắc chắn mọi ngách ngóc trong khuôn viên trường dù có bao la rộng lớn đến cỡ nào đi nữa, cũng chẳng thể thoát khỏi tầm mắt của chúng ta. Và điều gì đến cũng đến:

    "Có lúc nào bất chợt

    Thấy thầy cuối hành lang"​

    Lạ lùng chưa? Khi vây quanh chúng ta là tiếng cười tiếng nói, tiếng la hét náo nhiệt vang vọng một góc trời, thì thầy lại làm gì ở "cuối hành lang" thế kia? Sao thầy lại không vui đùa cùng với những thầy cô khác nhỉ? Dấy lên trong lòng chúng ta lúc này đương nhiên là sự thắc mắc rồi. Nhưng chỉ dám dừng lại ở đó thôi, nào dám bước đến hỏi han. Vì sao ư? Bởi vì trong đầu mỗi chúng ta đều tự động mặc định rằng: Thầy - người với vẻ ngoài nghiêm nghị, chút lạnh lùng, khó khăn, khắt khe trên lớp hằng ngày kia - dù ở bên ngoài trường lớp đi nữa thì sẽ luôn là như vậy: Rất khó gần, khó bắt chuyện, khó tâm sự chia sẻ, càng khó giãi bày tâm tư. Không thể nào được như các Cô vừa hiền lành nhu mì vừa gần gũi thấu hiểu nữa. Các bạn gái thì âm thầm ngắm nhìn và ngưỡng mộ (nếu đó là người Thầy vừa điển trai, vừa tài giỏi). Còn các bạn nam thì có cho vàng cũng chẳng dám bén mảng đến nói với Thầy dù là nửa câu. Chung quy lại, tự chúng ta đã tạo nên một "nỗi sợ không tên" mỗi khi nhắc về Thầy. Để rồi cuối cùng, chỉ biết tiếp tục quan sát từ xa một cách lén lút:

    "Thầy đứng một mình thôi

    Vòng khói thuốc lung linh

    Đan thành làn mây trắng

    Bay vào chốn mù khơi"​

    À, thì ra Thầy tìm nơi kín đáo để có thể "một mình" hút thuốc. Mà mọi người đừng vội đánh giá một người Thầy với điếu thuốc trên tay là điều xấu xa. Bởi, Thầy cũng như bao người đàn ông khác thôi. Biết là có hại cho sức khỏe đó, nhưng hút thuốc lại là một cách để đàn ông có thể trút bỏ bầu tâm sự, giải tỏa stress và những căng thẳng phải đối mặt hằng ngày. Và Thầy cũng vậy. Thầy không thể tụm năm tụm ba như các Cô, "tám" mọi chuyện trên đời để đổi lấy sự thư thái, nên đành phải trải lòng cùng "vòng khói thuốc lung linh". Nhưng Thầy cũng rất lịch sự rồi vì tìm một góc khuất để tránh ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Chỉ tiếc là Thầy không qua được đôi mắt của các cô cậu học trò chúng mình. Tuy nhiên, một hai lần thì được, cớ sao lại nhiều lần thế kia hỡi Thầy:

    "Có những giờ ra chơi

    Em không còn vô tư

    Khi thấy thầy in bóng

    Hun hút cuối hành lang"​

    Một mình mãi không cảm thấy cô đơn sao Thầy? Tại sao khi trong lớp, Thầy có các cô cậu học trò tíu tít bên cạnh, với đủ mọi thể loại câu hỏi cắc cớ, ngu ngơ về bài học về cuộc sống, đều được Thầy nhẫn nại giải thích hướng dẫn tường tận, kỹ càng từng chút một thì giờ đây vào giờ ra chơi, xung quanh Thầy cũng từng ấy cô cậu học sinh, thậm chí có thể còn nhiều hơn, nhưng Thầy lại phải "in bóng hun hút cuối hành lang"? Phải chăng sự vô tư thường ngày của chúng em đã trở thành sự vô tâm? Và giờ đây khi "em không còn vô tư" nữa, thì liệu có thể giúp gì được cho Thầy không? Chúng em thật sự cảm thấy lo lắng rồi Thầy ạ!

    "Thầy nghĩ gì thầy ơi

    Có bụi phấn rơi rơi

    Rơi rơi bạc tóc thầy

    Rơi rơi bạc nếp nhăn"​

    Phải, "Thầy đã nghĩ gì thế?", đó chính xác là câu hỏi trong đầu mình vào cái ngày của hai mươi năm về trước, khi bắt gặp Thầy giáo chủ nhiệm lớp đứng một mình ở lan can tầng hai của trường. Sự tò mò ấy đã kéo dài dai dẳng đến tận bây giờ. Có phải Thầy đã nghĩ về tương lai của những cô cậu học trò thân yêu? Hay nghĩ về phương pháp cách thức giảng dạy làm sao cho hiệu quả nhất, để học sinh có thể tiếp thu nhanh nhất? Hay đơn giản chỉ là Thầy đang nghĩ về cuộc sống, về những nỗi niềm cá nhân của riêng bản thân Thầy?

    Khác hẳn hoàn toàn với bài hát "Người Thầy" của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, cho chúng ta thấy rõ được những cơ cực trong cuộc sống hàng ngày của Thầy qua hình ảnh: "Giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy", "lặng lẽ đi về dưới mưa", "chiếc áo xưa sờn đôi vai", hoặc "tóc xanh bây giờ đã phai", thì ở đây những nỗi nhọc nhằn, những tâm tư tình cảm đó, Thầy không thể dễ dàng thốt ra thành lời, mà cứ thế đè nén từng chút từng chút một trong tận đáy lòng. Và chúng ta cũng chẳng thể nào thấy được.

    Chính vì có duyên có nợ với nghề, nên Thầy phải mang trên mình trọng trách cao cả là "đào tạo con người", rồi phải luôn giữ chừng mực trong mọi việc, phải sống thanh cao trong sạch, để người đời không chê trách. Nhưng mọi người ơi, chúng ta quên mất một điều rằng: Suy cho cùng Thầy vẫn là một con người bình thường. Thầy cũng phải có những lúc vui buồn thất thường, cũng phải có những mối lo toan về cơm áo gạo tiền, cũng có những người thân và gia đình riêng cần chăm sóc, hoặc phải là trụ cột cho một mái ấm nào đó. Thế nên, xin đừng đặt quá nhiều gánh nặng và kỳ vọng lên đôi vai của Thầy!

    Và Thầy ơi, xin đừng nghĩ ngợi gì thêm nữa! Những bụi phấn mỗi ngày Thầy phải nhận lấy chưa đủ làm bạc tóc, bạc nếp nhăn của Thầy hay sao? Dù Thầy có nghĩ gì đi nữa, thì Thầy vẫn có chúng em - những lớp học sinh mới cũ - luôn bên cạnh Thầy.

    "Thầy nghĩ gì thầy ơi

    Có bụi phấn rơi rơi

    Rơi rơi bạc tóc thầy"​

    Một đoạn lời nhạc nhưng được lặp lại đến hai lần. Lần một là sự hiếu kỳ, nhưng lần hai này là sự quan tâm, muốn được thấu hiểu, muốn cùng chia sẻ và thông cảm của người học trò đối với người Thầy của mình. Và dường như đó còn là sự tiếc nuối, giống như mình đã từng tiếc nuối: Vì sao lại không đến bên Thầy hỏi han, an ủi vào lúc ấy, để rồi bây giờ điều đó cứ ám ảnh mình suốt.

    "Em nhớ mãi thầy ơi

    Em nhớ mãi thầy ơi"​

    Nhớ cái lần cả lớp đến nhà thăm khi Thầy bệnh, căn nhà nhỏ bé đơn sơ nằm chen chúc trong một con hẻm chật hẹp. Đồ đạc trong nhà cũ kỹ, và Thầy sống chỉ một mình. Đúng hơn là Thầy sắp cưới vợ, mà vợ tương lai của Thầy cũng từng là Cô giáo chủ nhiệm năm lớp bốn của bọn mình. Bây giờ nghĩ lại tình cảnh của Thầy lúc ấy, mình mới chợt hiểu vì sao Thầy lại hay đứng một mình trầm ngâm vào những giờ ra chơi, và mình cũng đã thầm biết được thầy nghĩ gì rồi. Đồng lương giáo viên thời đó đâu có là bao, nên cuộc sống mưu sinh hằng ngày trở nên khó khăn quá, phải không Thầy nhỉ? Vậy mà Thầy luôn là người không bao giờ tiếc khi phải bỏ tiền của mình ra, để đóng học phí cho những bạn có hoàn cảnh neo đơn trong lớp.

    Nhớ buổi liên hoan chia tay năm cuối tiểu học, khi cả lớp cứ một mực năn nỉ Thầy phải nhận xét cá tính, ưu khuyết của từng thành viên trong lớp xem có đúng hay không? Cứ tưởng sẽ làm khó và bắt phạt được Thầy, ai ngờ Thầy nói vanh vách từng đứa một, toàn "trúng tim đen". Đến lượt mình, các bạn thì bảo mình hiền ngoan, còn Thầy thì phán một câu xanh rờn: "Cô nương này đúng là hiền ngoan nhưng mà cũng ma lanh lắm. Đừng tưởng tôi không biết, dù không cầm đầu nhưng tất cả các trò quậy phá bất thường, không giống ai trong lớp này đều là từ ý tưởng của cô mà ra". Trong khi cả lớp cười rần rần, hò reo tán đồng thì mình "đơ", "sượng" và "quê khó huề" cả một thế kỷ luôn. Nhưng không hiểu sao len lỏi trong tim mình lại là một cảm giác ấm áp rất khó tả. "Thì ra Thầy không khó gần như đã nghĩ, ngược lại còn rất tâm lý. Ai bảo Thầy không quan tâm và thấu hiểu, chẳng phải Thầy luôn tỏ tường mọi việc, mọi tâm tư của chúng em, dù chẳng cần phải nói nhiều như các Cô. Và đằng sau sự nghiêm khắc, cứng rắn đó là tình cảm dịu dàng bao la vô bờ bến".

    [​IMG]

    Có thể thấy lời của bài hát rất mộc mạc, đậm chất thơ nhưng lại vô cùng ý nghĩa, và dạt dào tình cảm của người nhạc sĩ muốn gửi gắm vào. Và người nhạc sĩ đó không ai khác chính là Nguyễn Ngọc Thiện. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ có lượng bài hát về Thầy Cô nhiều nhất, như Ngày Đầu Tiên Đi Học, Bông Hồng Tặng Mẹ Và Cô, Nhớ Ơn Thầy Cô.. Có một điều thú vị về nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện mà có lẽ ít ai được biết đến chính là: Ông sinh vào ngày 20/11/1951, ngay ngày Nhà Giáo Việt Nam luôn. Phải chăng vì thế mà cậu bé năm xưa đã bén duyên với âm nhạc, để rồi bây giờ sáng tác ra những bài hát tôn vinh Thầy Cô vô cùng thành công, như một định mệnh được sắp đặt sẵn?

    [​IMG]

    Còn tiết tấu bài hát thì chậm rãi êm dịu. Giai điệu mở đầu cứ như một bản tình ca, sau đó dường như lại có pha chút âm hưởng của dân ca đương đại, nghe rất du dương, sâu lắng. Có không ít ca sĩ đã thể hiện bài hát này như Đoan Trang, Hồng Anh.. Nhưng mình lại có ấn tượng đặc biệt với nhóm Mắt Ngọc. Và theo mình nhóm Mắt Ngọc là thể hiện thành công nhất bài hát này. Đơn giản là vì mình nghe nhóm Mắt Ngọc hát bài này đầu tiên. Đùa thôi chứ thật ra là có nguyên nhân hết cả, cụ thể như vào thời điểm nhóm hát bài này thì họ còn khá trẻ, gần với lứa tuổi học trò nên sẽ đồng điệu với bài hát hơn, dễ truyền tải cảm xúc đến người nghe hơn. Chất giọng trong trẻo, có chút nhí nhảnh tinh nghịch của nhóm đã thổi được vào bài hát sự tươi sáng, hồn nhiên nhưng cũng không kém phần tha thiết. Chưa kể đến cách xử lý bài hát của nhóm rất khéo léo và tinh tế, bởi với một đứa "mù nhạc lý" như mình, thì mình thấy bài này khá khó hát vì tone rất phức tạp, lúc thấp lúc cao, đôi chỗ lại cần phải có sự luyến láy thì mới tạo ra được nét đặc trưng riêng của bài hát. Thế mà tất cả đều được từng thành viên trong nhóm Mắt Ngọc thể hiện rất tốt. Nhất là những đoạn lên tone, giọng họ thanh cao vút, trong, vang và sáng mà lại không hề chói tai, có thể chạm được đến trái tim người nghe. Đó cũng phần nào lý giải được vì sao nhóm Mắt Ngọc đã từng là nhóm nhạc thần tượng một thời của thế hệ 8x, với phong cách trình diễn, và gu thời trang đa dạng, nhiều màu sắc.

    [​IMG]

    Ấy chà, bao nhiêu đây chắc đủ rồi, nếu nhiều quá không khéo các bạn lại cho rằng mình nói ngoa, hoặc quá phóng đại. Vì dù gì đây cũng chỉ là cảm nhận của riêng bản thân mình thôi. Thế nên, các bạn hãy nghe thử bài hát Khoảng Lặng Phía Sau Thầy (Trình bày: Nhóm Mắt Ngọc) của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nha, để có một cái nhìn mới ở một khía cạnh khác về người Thầy - đó là nội tâm, là những điều chất chứa sâu thẳm trong tâm hồn, những điều mà thầy chưa kể bao giờ. Và để xem giữa mình và các bạn có cùng tần số cảm xúc không nhé!

    Reviewer: Nhật Thiên Thanh

    P/s: Gửi tặng Thầy giáo chủ nhiệm Lớp 5E trường Tiểu Học Bắc Hải - Quận 10 - Niên học 1999-2000, với lời nhắn: "Cảm ơn Thầy đã khơi dậy tiềm năng và hướng dẫn chỉ bảo cho niềm đam mê viết lách của cô bé năm nào, biến cô bé từng chỉ được ba - năm điểm cho môn Văn, từng phải học thuộc lòng các bài Văn mẫu mỗi khi đi thi, trở thành cô nữ sinh lớp chuyên Văn ở thời cấp hai - cấp ba. Và hiện tại vẫn đang tiếp tục theo đuổi niềm đam mê viết lách đó! Cũng như xin lỗi Thầy vì đã lỡ hẹn cho lời hứa năm nào là sẽ về thăm Thầy vào mỗi năm. Nhưng Thầy mãi trong tim em, đó là điều chắc chắn! Chúc Thầy luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. Em chỉ mong có thế thôi ạ!".
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng mười một 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...