Chào mừng bạn đã quay trở lại với Game Show - Ai Là Nhà Tâm Lý Tài Ba? Để tiếp tục chương trình, mình xin gửi đến các bạn một câu hỏi vô cùng thú vị Hai khái niệm "Khổ trước sướng sau" (Present focus) và "Sướng trước khổ sau" (Future focus) có lẽ là hai thuật ngữ không còn xa lạ gì với bất cứ ai trong chúng ta. Tuy nhiên, khi đưa hai khái niệm này vào trong cùng câu hỏi, bạn sẽ nhận ra rằng thật khó để trả lời mình muốn gì Vậy, đây cũng chính là câu hỏi mà mình dành cho các bạn đây Theo bạn, con người chúng ta nên "Khổ trước sướng sau" hay "sướng trước khổ sau" Hãy bình luận câu trả lời của bạn ở bên dưới bài viết này và đừng quên nhấn nút like và đánh giá 5 sao cho câu hỏi cũng như theo dõi các số phát sóng gameshow của mình theo đường link trên nhé.
Nếu nói về ý muốn thì ai cũng muốn sướng từ đầu đến cuối, không ai muốn khổ cả. Nhưng cuộc sống đã được sắp đặt rằng ta phải trải qua cải khổ. Mỗi người không ai giống nhau, có người sinh ra trong nhung lụa, hoặc luôn gặp may mắn nên tận hưởng được cái sự sung sướng nhưng rồi lại gặp một biến cố và sống trong khổ sở; lại có người lại sống trong cái khổ từ nhỏ nhưng khi lớn lên nhờ ý chí vượt qua khó khăn hoặc gặp một điều may mắn bất ngờ mà cuộc đời đổi thay sống trong sung sướng. Đối với tôi nếu được lựa chọn thì tôi sẽ chẳng bao giờ lựa chọn một giây phút khổ nào cả nhưng như đã nói là cuộc sống sẽ bắt ta phải có lúc khổ, nên tôi sẽ chọn "khổ trước sướng sau" vì có thể ban đầu là một chuỗi những sự thử thách, những ngày tháng sống khổ cực nhưng rồi đổi lại ta có trái ngọt, được sống những ngày tháng sung sướng trong nốt phần đời còn lại thay vì ta được tận hưởng cái sự sung sướng ngay từ lúc đầu để rồi đến lúc khổ đau phải luôn nhớ về quá khứ để xoa dịu hay phải tuyệt vọng, tiếc nuối những gì ta đã từng. Như thế nỗi khổ đau còn hơn gấp bội là khi ta phải đối diện với nó từ trước.
"Khổ trước sướng sau" hay "Sướng trước khổ sau" là một quan điểm rất chung chung đánh giá cuộc đời người từng trải qua. Bởi vì khổ và sướng là hai trạng thái tâm lý mà khi bạn thay đổi cách nhìn thì chính bản thân cũng thay đổi trạng thái theo. Có thể ví dụ đơn giản là, khi bạn nhìn thấy một gia đình sống trong căn nhà cũ nát, tiền bạc chẳng đủ qua ngày thì bạn sẽ cho là họ đang khổ, đến lúc sau họ có tiền có nhà mới chắc chắn ai cũng bảo là sung sướng. Có thật như vậy không? Hay những người trong gia đình đó lại nghĩ rằng "Ước gì được sống trở lại ngôi nhà cũ xưa, sớm tối vui vẻ bên nhau. Còn bây giờ anh em thù hận, cha mẹ chia lìa.." Khổ và sướng khi xét theo khía cạnh vật chất hay về tinh thần tình cảm là điều mà mỗi người cảm nhận rất khác nhau. Bạn muốn nghèo vật chất giàu tình cảm hay có cả đống tiền mà thật khổ tâm khổ trí. Nói tóm lại, theo quan điểm của mình cuộc sống vật chất không quá khốn cùng, nền giáo dục gia đình phải phép, cả nhà hòa thuận, đó là hạnh phúc. Nếu làm được điều này thì cả đời là sung sướng. Love you,
Quan điểm cá nhân thôi, mình vẫn thích "sướng trước khổ sau hơn". "Sướng trước" cứ cho là thời kì trẻ em đi, tuổi trẻ tất nhiên cần phải được vui chơi và tạo nên hồi ức tốt đẹp để sau này bị xã hội đánh đập thì còn có thứ hồi ức để xoa dịu "khổ". Với lại ai biết khi nào sẽ đăng xuất ra khỏi Trái Đất, an toàn là trên hết, lỡ mới khổ cho cố vô đến khi có thể sướng rồi thì chết ngay ngày hôm sau thì sao. Ờ, đời đôi khi nó vớ vẩn thế đó. Nếu khổ đã không thể tránh khỏi thì hãy để cho phiên bản trưởng thành gánh chịu. Với lại tuổi trẻ hưởng ưu đãi trong môi trường tốt đẹp nhất thì mới có thể trưởng thành thành một người ưu tú có thể gánh nặng "khổ" và kiên cường đi tiếp, lâu lâu có thể lật kí ức nếu nản. Nếu tuổi nhỏ gánh chịu khổ thì coi chừng chết non, cũng coi chừng tâm lý bất ổn, coi chừng bị giống mấy thằng M tự lừa mình rằng "thống khổ" là "vui sướng". Người ta nói trong nhà khổ thì con trưởng thành sớm, sẽ thành công nhưng đó là bậy đó. Mấy đứa nhà nghèo vẫn ăn cắp tiền ba mẹ để mua điện thoại xịn hay nạp tiền chơi game đó thôi. Chủ yếu là cách nuôi dạy và phản ứng của trẻ với phương pháp nuôi dạy mà thôi. Với lại trẻ em là trẻ em, mắc mớ gì phải trưởng thành sớm, việc cư xử như một người trường thành tất nhiên là trách nhiệm của người trưởng thành rồi.
Theo quan điểm của mình thì mình chọn khổ trước sướng sau. Bởi vì nếu đã sướng trước rồi sau này nếm mùi đau khổ chỉ một nhưng mình sẽ nếm ra mười luôn. Mình thà chưa biết mùi vị sung sướng nếm đau khổ trước rồi sau này chịu được khổ rồi mình sẽ không sợ khổ nữa. Đã quen chứ đau khổ rồi mà không còn khổ nữa thì mình sẽ thấy vui sướng gấp bội.
Mình không có những lời hoa mỹ để phân tích nhiều, chỉ dám để lại những dòng viết chủ quan của bản thân. Theo mình, dù "Sướng trước khổ sau" hay "Khổ trước sướng sau" thì ít nhiều gì đều sẽ để lại vài hối tiếc. Vì thế, mình vẫn thích tận hưởng khoảng thời gian hiện tại và tạo nên nhiều niềm vui, kỷ niệm đẹp. Sống hết mình, yêu hết mình cho hiện tại và không hối tiếc về sau. * * * Nếu bạn và mình có điểm chung hãy ghé nhà mình, cùng sống hết mình với Đông Bích Hàn Trùng
Những câu đó đều chỉ đang biện minh cho cuộc sống chỉnh bản thân mà thôi. Thực sự chả ai có thể biết được bản thân mình sẽ ra sau trong tương lai.
Nếu là ở hiện tại, và chúng ta có quyền được lựa chọn việc khổ trước sướng sau hay sướng trước khổ sau thì chắc chắn mình sẽ lựa chọn khổ trước sướng sau. Có nhiều lý do khiến mình đưa ra lựa chọn này: Thứ nhất, tuổi trẻ là khoảng thời gian tốt nhất để phấn đấu, phạm phải sai lầm, thu lấy kinh nghiệm, và tạo dựng sự nghiệp cho mình. Cái quan trọng nhất chúng ta có khi chúng ta còn trẻ là nhiệt huyết, sự kiên trì và thời gian, chúng ta không sợ sai, không sợ thất bại và sẵn sàng làm lại từ đầu khi gặp thất bại. Khi nghĩ về tương lai, chúng ta có động lực, có mục tiêu để phấn đấu, nói cách khác, chúng ta có một ngọn hải đăng để dẫn đường cho cuộc sống. Thế nên, chúng ta có niềm tin nhằm vượt qua mọi vất vả để đạt được thành tựu. Thứ hai, tuổi già là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, để chiêm nghiệm lại cuộc đời. Không ai muốn rằng khi về già rồi mà mình vẫn phải vất vả cực nhọc để mưu sinh, làm việc quần quật trong khi những người cùng tuổi đã được sum vầy bên con cháu. Lúc đó, tâm lý của chúng ta sẽ là sự chán chường và mệt mỏi. Còn chưa kể, tuổi trẻ chỉ lo ăn chơi và tận hưởng, thì lấy đâu ra thời gian và tiền bạc để chăm sóc cho đời sau, thế nên khả năng cao là đời sau của cũng sẽ chịu bất hạnh vì có bố mẹ không quan tâm, không chăm sóc. Và, như một hệ quả tất yếu, chúng ta không chăm lo cho đời sau của chúng ta, thì chúng ta lấy quyền gì để yêu cầu tụi nhỏ chăm sóc mình khi về già, trong trường hợp đó, khả năng cao là tuổi già bơ vơ sẽ không còn là viễn cảnh. Thứ ba, sướng trước khổ sau, tức là chúng ta chọn việc ăn chơi ngủ nghỉ vào lúc mạnh khỏe, và nai lưng ra làm việc khi đau ốm về già. Không có một nhà tuyển dụng nào muốn có một nhân viên ốm đau dặt dẹo, đi làm hai bữa nghỉ ba bữa vì ốm đau cả. Thế nên, việc phấn đấu khi còn trẻ, tóc còn xanh và máu còn nóng sẽ tốt hơn lúc về già. Và, cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, nếu bạn chọn sướng trước khổ sau, tức là không làm việc, mà chỉ tận hưởng cuộc sống, thì bạn lấy đâu ra nguồn lực (thường là tài chính) để thỏa mãn những hoạt động tận hưởng đó. Trừ khi, nhà bạn rất giàu, ba mẹ cho bạn tiền để bạn ăn chơi nhảy múa, nếu không, thì bạn sẽ phải nai lưng ra làm để chi trả cho những hoạt động đó. Và lúc đấy, bằng cách này hay cách khác, bạn không còn phải là sướng trước khổ sau hoàn toàn, mà đang là vừa sướng vừa khổ. Tuy nhiên, những luận cứ mình đưa ra ở trên cũng chỉ là trong quá khứ, dạo gần đây, mình dường như đang có sự thay đổi trong suy nghĩ, mình không còn quá tập trung chú trọng toàn bộ thời gian vào việc phấn đấu cho tương lai xa nữa, thay vào đó, mình phấn đấu và tận hưởng cuộc sống cùng lúc. Ngày xưa, khi quyết định đi du lịch chỗ nọ chỗ kia, hay mua sắm xa xỉ phẩm cho bản thân, mình sẽ phải cân nhắc đắn đo dữ lắm, kiểu, mình làm như vậy là đang phung phí tiền bạc, rồi sẽ thành thói quen, gây hại cho tương lai, vân vân và mây mây. Nhưng, phải nói rằng các bạn người Nhật đã cho mình cái nhìn đa dạng hơn về tuổi trẻ. Các bạn ấy đi học, dành thời gian đi làm thêm, để dành tiền đầu tư, và một phần nhỏ để du lịch và trải nghiệm những nền văn hóa khác. Có bạn thì dành rất nhiều tiền kiếm được vào sở thích cá nhân, rồi sau đó lại kiếm tiền từ chính những sở thích đó. Cuộc sống của các bạn ấy đa dạng và nhiều màu sắc, mình cảm nhận được sự tự hào khi các bạn ấy kể lại những trải nghiệm mà các bạn ấy đạt được từ lúc còn là học sinh cấp ba. Và mình nhận ra rằng, chẳng quan trọng là khổ trước sướng sau, hay sướng trước khổ sau, tại sao chúng ta không cân bằng cả hai quan điểm đó. Vì thực tế, ta chẳng phải đang sống trong quá khứ, cũng không biết tương lai sau này sẽ thế nào, thay vì nai lưng ra làm việc đầu tắt mặt tối để hi vọng đến một tương lai đầy đủ, thì hãy cân bằng giữa việc mình làm ra tiền, mình tiêu tiền, nhưng đồng thời cũng tiết kiệm tiền. Mình làm ra tiền, là khó khăn khổ sở, không có một công việc nào không cần mồ hôi rơi xuống cả, mình vất vả, nhưng mình có tiền, có kinh nghiệm, có thành tựu. Mình tiêu tiền, đi du lịch, trải nghiệm những điều mới lạ, tiêu dùng cho sở thích của mình, xây dựng những mối quan hệ bền chắc. Và mình tiết kiệm tiền, đó là sự định hướng cho tương lai xa, dù tươi sáng hay mù mịt, ít nhất mình đã có sự chuẩn bị. Thế nên, quan điểm hiện giờ của mình không phải là sướng trước khổ sau, hay khổ trước sướng sau, cuộc sống với mình là sự cân bằng giữa tương lai và hiện tại. Mình đang cố gắng sống một cách tốt nhất, để nhỡ nếu một ngày mình có biến mất trên cõi đời, thì mình vẫn sẽ hài lòng vì mình đã có một cuộc đời đáng nhớ.
Thật ra trên cuộc đời này chả có cái gì gọi là sướng và gọi là khổ cả, đơn giản là vì chúng ta gán ghép cho nó như vậy mà thôi. Nghĩ kĩ nghe, nếu còn trẻ bạn lăn lộn khổ sở về già lại bệnh tật triền miên thì cái gì gọi là sướng, cái gì gọi là khổ. Bảm chất của vấn đề nằm ở cách nhìn nhận của chúng ta có câu "Tâm Sinh Tướng" thật chất là để miêu tả cái này. Con người chúng ta vốn không có sướng khổ, chỉ cần bản thân cảm thấy thoải mái, dù sống trong gia cảnh khốn khó cũng thoải mái nhàn hạ. Còn người mà đã khổ, dù sống trong nhung lụa cũng khổ sở như thường. Không phải hiển nhiên mà ngày đó Đức Phật lựa chọn từ giả vương đô, vứt bỏ tước vị thái tử để một lòng cầu đạo. Vì ngài hiểu "trong tâm có phật, tứ phương là phật." "trong tâm có ma, phật cũng hóa ma."