Khi Người Ta Tư Duy - James Allen

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Gương Nga, 6 Tháng tư 2020.

  1. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Tên sách: Khi Người Ta Tư Duy

    Tác giả: James Allen

    Dịch giả: Cẩm Chi


    [​IMG]

    Đôi nét về Tác giả:

    James Allen (1864 – 1912) là triết gia nổi tiếng người Anh, từng rời bỏ công việc kinh doanh để sống cuộc đời gắn liền với viết lách và suy ngẫm. Ông là tác giả của những cuốn sách kinh điển trong thể loại duy linh và truyền cảm hứng. Nổi tiếng nhất với cuốn "As a man thinketh", James Allen còn là tác giả của một số cuốn sách khác nói về sức mạnh của tư duy như: Đường tới phồn vinh (The Path to Prosperity), Làm chủ số phận (The Mastery of Distiny), Phương pháp hòa bình (The Way of Peace)..

    Giới thiệu:


    [​IMG]

    Trí tuệ là sức mạnh để nhào nặn và chế tạo,

    Con Người là Trí Tuệ, và mãi mãi anh ta

    Lấy Tư Duy làm công cụ, đẽo gọt nên những gì anh ta muốn tạo ra

    Mang tới ngàn niềm vui, lẫn cả ngàn tội ác

    Con người suy tư bí mật, nhưng nó sẽ bộc lộ ra:

    Môi trường là tấm gương phản chiếu anh ta.


    [​IMG]

    Tôi không có ý định viết cuốn sách nhỏ này (kết quả của suy ngẫm và trải nghiệm) như một luận văn toàn diện về một vấn đề đã được đề cập quá nhiều: Sức mạnh của tư duy. Nó mang tính gợi ý nhiều hơn là giải thích, mục đích của nó là khuyến khích mọi người, cả nam lẫn nữ, khám phá và nhận thức sự thật rằng: "Con người tạo ra chính họ" nhờ công dụng của những suy nghĩ mà họ lựa chọn và khuyến khích; rằng trí tuệ là người thợ dệt cả quần áo bên trong của tính cách lẫn bộ cánh bên ngoài của môi trường. Như vậy, có thể từ trước đến nay họ dệt trong sự ngu dốt và đau khổ, nhưng cũng có thể dệt trong sự khai sáng và phúc lành.

    James Allen

    "Con người suy tư bí mật, nhưng nó sẽ bộc lộ ra: Môi trường là tấm gương phản chiếu anh ta"
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng tư 2020
  2. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Chương 1: Tư Duy Và Tính Cách

    "Con người tư duy ra sao, bản chất anh ta làm như vậy." Câu cách ngôn trên không chỉ nói lên toàn bộ một con người, mà còn đúng với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống trong cuộc sống của anh ta. Thực sự, một con người chính là những gì anh ta suy nghĩ, và tính cách con người chính là tổng thể hoàn chỉnh của tư duy.

    Cây nảy mầm từ hạt và không thể thiếu hạt, cũng giống như mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ những hạt giống bí mật của tư duy, và sẽ chẳng thể diễn ra nếu thiếu đi những hạt giống này. Quy luật trên áp dụng đúng với cả hành động "bộc phát", "không chủ tâm" cũng như những hành động cố tình, hữu ý.

    Hành động là hoa của hạt giống tư duy, còn niềm vui hay sự đau khổ là quả; như vậy những gì một người nhận được là những quả ngọt và quả đắng mà chính anh ta trồng.

    Con người phát triển có quy luật chứ không phải là một sản phẩm nhân tạo, và trong lãnh địa bí mật của tư duy, mối quan hệ nhân quả cũng chặt chẽ và tuyệt đối giống như trong thế giới vật chất hữu hình. Một tính cách cao quý như Thánh thần không phải là một đặc ân hay cơ hội, mà là kết quả tự nhiên của những nỗ lực của tư duy đúng đắn một cách bền bỉ, là hệ quả của việc ấp ủ lâu dài những tư tưởng cao đẹp như Thánh thần. Một tính cách ti tiện, độc ác, cũng theo quy trình đó, là kết quả của việc nuôi dưỡng những tư tưởng thấp hèn.

    Con người được tạo ra hay phá hủy cũng bởi chính anh ta. Trong xưởng vũ khí của tư duy, con người tự tôi rèn những vũ khí để hủy hoại bản thân. Anh ta cũng tạo ra các công cụ để xây nên những biệt thự thiên đường của niềm vui, sức mạnh và an bình. Khi lựa chọn đúng đắn và áp dụng chính xác tư duy, con người có thể vươn tới sự hoàn hảo đến thần thánh. Còn nếu hành động bất lương và suy nghĩ sai lầm, anh ta còn không bằng loài cầm thú. Giữa hai thái cực trên là bậc thang của tính cách, và con người chính là người tạo ra, là chủ nhân của chính họ.

    Trong tất cả những sự thật đẹp đẽ về tâm hồn được con người tìm ra và khôi phục trong thời đại ngày nay, không gì hứa hẹn và đáng tin hơn điều này: Con người là chủ nhân của tư duy, là người nhào nặn nên nhân cách, là người tạo ra, giũa gọt nên hoàn cảnh, môi trường và số phận.

    Là một sinh vật có năng lực, trí thông minh, tình yêu, và làm chủ tư duy của chính mình, con người nắm giữ chìa khóa của mọi hoàn cảnh và chứa đựng trong mình khả năng chuyển đổi và tái tạo, biến anh ta thành những gì anh ta muốn.


    Con người luôn là chủ, ngay cả trạng thái yếu mềm và đơn độc nhất. Tuy nhiên, trong sự yếu đuối và thoái hóa biến chất của bản thân, anh ta là một chủ nhân ngu ngốc, một quản lý tồi trong chính "ngôi nhà" của mình. Khi anh ta bắt đầu tác động lên hoàn cảnh và cần mẫn tìm tòi quy luật tạo nên con người, lúc đó anh ta trở nên một chủ nhân khôn ngoan, điều khiển năng lượng của bản thân bằng trí thông minh và dùng tư duy tạo ra thành quả. Đó mới là người chủ nhân tỉnh táo, và con người chỉ có thể trưởng thành bằng cách khám phá ra quy luật tư duy của chính mình. Khám phá này hoàn toàn dựa vào việc áp dụng, tự phân tích và trải nghiệm.

    Chỉ bằng cách tìm kiếm và đào bới thật nhiều, chúng ta mới có vàng và kim cương, và con người chỉ có thể tìm thấy mọi sự thật liên quan đến bản thân nếu anh ta đào bới sâu trong chiếc "mỏ" tâm hồn của mình. Con người sẽ chứng minh một cách xác thực rằng anh ta là người tạo ra nhân cách, nhào nặn cuộc sống và tự xây nên số phận, nếu anh ta biết giám sát, điều khiển và thay đổi tư duy, tìm ra ảnh hưởng của chúng đến bản thân, đến mọi người xung quanh và đến cuộc đời, hoàn cảnh sống của mình biết kết nối giữa nguyên nhân và hệ quả bằng việc kiên nhẫn luyện rèn và khảo sát.

    Con người tận dụng kinh nghiệm (kể cả những kinh nghiệm nhỏ nhất) cùng các sự kiện xảy ra hằng ngày như một phương tiện để tiếp thu tri thức về mình, bao gồm: Hiểu biết, trí khôn và sức mạnh. Đó cũng chính là quy luật tuyệt đối rằng: "Ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở". Lòng kiên nhẫn, trải nghiệm và sự dai dẳng không ngừng nghỉ là cách duy nhất để con người bước vào cánh cửa của ngôi đền tri thức.

    "Cây nảy mầm từ hạt và không thể thiếu hạt, cũng giống như mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ những hạt giống bí mật của tư duy, và sẽ chẳng thể diễn ra nếu thiếu đi những hạt giống này."

    -Tiếp theo Chương 2-
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng tư 2020
  3. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Chương 2: Ảnh Hưởng Của Tư Duy Tới Hoàn Cảnh

    Có thể nói đầu óc con người ví như một khu vườn, nó có thể bị bỏ không và trở nên hoang dại; nhưng dù theo cách nào, khu vườn vẫn sẽ, và vẫn phải phát triển. Nếu không có hạt giống hữu ích nào được trồng vào đó, vô vàn những hại cỏ dại sẽ rơi xuống khu vườn rồi tiếp tục lớn lên thành cỏ dại.

    Cũng giống như một người làm vườn canh tác trên mảnh đất của mình, bảo vệ nó khỏi cỏ dại để trồng những loại hoa quả anh ta cần, con người cũng phải chăm sóc khu vườn tinh thần của mình như thế: Nhổ cỏ là những suy nghĩ sai trái, vô bổ và dơ bẩn, để trồng hoa trái là những suy nghĩ đúng đắn, hữu ích và trong sạch. Nếu theo quy trình này, con người sớm hay muộn sẽ khám phá ra rằng anh ta chính là người làm vườn - chủ nhân của tâm hồn, là người điều khiển cuộc sống của chính mình. Anh ta cũng sẽ tự nhận ra những vết nhơ trong tư tưởng, và càng ngày càng hiểu rõ sức mạnh của tư duy cũng như hoạt động của các yếu tố tinh thần trong quá trình hình thành tính cách, hoàn cảnh, và số phận.

    Tư duy và tính cách là một. Tính cách chỉ có thể được tìm thấy và bộc lộ qua môi trường và hoàn cảnh, cũng giống như những điều kiện bên ngoài của cuộc sống một người luôn có mối liên hệ mật thiết với trạng thái bên trong. Nói như vậy không có nghĩa là hoàn cảnh của một người lúc nào cũng nói lên toàn bộ tính cách của anh ta, mà là những hoàn cảnh đó liên quan mật thiết đến những thành tố tư duy quan trọng trong mỗi người; cho nên nhất thời chúng ta không thể thiếu đối với sự phát triển của người đó.

    Môi trường sống nói lên con người, tuân theo quy luật tự nhiên; chính những suy nghĩ từng xây dựng nên tính cách anh ta đã đưa anh ta tới môi trường đó. Trong sự sắp đặt của cuộc sống không có cái gọi là cơ hội, mà tất cả đều là kết quả của một quy luật bất di bất dịch. Điều này đúng với cái những người cảm thấy "lạc lõng" với hoàn cảnh lẫn những người hài lòng với chúng.

    Là một sinh vật tiến hóa và phát triển, con người được bộc lộ qua nơi anh ta sống, học tập và trưởng thành. Khi anh ta học được bài học tinh thần mà một hoàn cảnh đem lại, hoàn cảnh đó sẽ qua đi và nhường chỗ cho những hoàn cảnh mới.

    Con người sẽ luôn phải vật lộn, chống chọi với hoàn cảnh nếu anh ta tin rằng mình là một sinh vật nằm trong đó và phụ thuộc vào nó. Nhưng khi anh ta nhận ra quyền năng sáng tạo của bản thân, khả năng khiến đất đai lẫn những hạt giống ẩn giấu trong con người mình - nơi phát sinh của hoàn cảnh - thì lúc đó con người mới trở thành chủ nhân đích thực của chính mình.

    Vì hoàn cảnh xuất phát từ suy nghĩ, nên chúng ta sẽ nhận ra ai đã dành thời gian nhiều tự kiểm soát và thanh lọc bản thân. Chúng ta sẽ thấy những thay đổi trong hoàn cảnh tỉ lệ chính xác với những thay đổi trong trạng thái tinh thần của mỗi người. Điều này đúng đến nỗi khi một người nghiêm túc sửa chữa những thiếu sót trong tính cách, tạo ra những tiến bộ mau lẹ và rõ rệt, anh ta sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn liên tiếp.

    Con người thu hút những thứ anh ta thầm mong ước, những thứ anh ta yêu thích và cả những thứ làm anh ta sợ hãi; con người vươn tới đỉnh cao của những khát vọng mà anh ta hằng ấp ủ; con người gục ngã khi những ước mơ bị hủy hoại, và hoàn cảnh chính là phương tiện để con người nhận ra chính mình.

    Mỗi một hạt giống tư duy được gieo hoặc được phép rơi vào trí óc con người sẽ mọc rễ trong đó, tạo thành cây, và sớm muộn sẽ ra hoa - tức là tạo ra hành động, rồi kết quả - chính là cơ hội và hoàn cảnh. Suy nghĩ tốt đẹp sẽ tạo ra quả ngon, suy nghĩ xấu tạo ra quả hỏng.

    Thế giới ngoại cảnh tác động vào thế giới bên trong của tư duy. Điều khiển hoàn cảnh, dù là dễ chịu hay khó chịu, đều là nhân tố có lợi cho mỗi cá nhân. Là người thu hoạch vụ mùa của chính mình, con người học được cả khổ đau và hạnh phúc.

    Con người đuổi theo những mong muốn, khát vọng, suy nghĩ sâu thẳm nhất và chấp nhận để cho chúng thống trị (hoặc là chạy theo ngọn lửa ma trơi với những suy nghĩ dơ bẩn, hoặc là kiên định đi theo con đường lớn với nỗ lực lớn lao, mạnh mẽ), để rồi cuối cùng sẽ đến với sự mãn nguyện và hoàn bị trong điều kiện ngoại cảnh của mình. Quy luật của sự phát triển và điều chỉnh là như nhau ở mọi nơi.

    Một người sẽ chẳng đến nhà tế bẩn hay ngồi tù vì sự bất công của số phận hay hoàn cảnh, mà bởi những suy nghĩ bợ đỡ, hèn hạ và những ham muốn tầm thường. Tương tự như thế, một con người có đầu óc trong sáng không bao giờ bỗng nhiên phạm tội chỉ vì căng thẳng hay áp lực bên ngoài; những suy nghĩ tội ác đã được bí mật nuôi dưỡng từ lâu trong tim, và khi cơ hội đến, sức mạnh lâu nay của nó mới được bộc lộ ra. Hoàn cảnh không tạo nên con người; nó chỉ tiết lộ cho anh thấy bản chất của chính mình. Chẳng có hoàn cảnh nào bỗng nhiên sa sút và khiến con người trượt vào tội lỗi, cũng chẳng có hoàn cảnh nào tự dưng trở nên tốt đẹp và đem lại hạnh phúc trọn vẹn nếu chúng ta không tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng chính đáng, vì thế con người, với tư cách một chủ nhân, một người cai trị tư duy, cũng chính là tạo hóa của bản thân và là người giũa nặn, tạo nên hoàn cảnh. Khi mới sinh ra, con người là tự nó, nhưng sau mỗi bước đi trong cuộc sống, con người hấp thu ngoại cảnh và từ đó bộc lộ bản thân. Ngoại cảnh chính là hình ảnh phản chiếu của con người: Trong sáng và nhơ bẩn, điểm mạnh và điểm yếu.

    Con người không đạt được những thứ mà họ cần, mà đạt được những gì tương xứng. Những ý tưởng, sở thích, tham vọng của họ luôn bị cản trở, nhưng những suy nghĩ và mong muốn sâu thẳm nhất luôn được nuôi nấng bởi loại thức ẵn riêng, sạch sẽ hoặc là bẩn thỉu. Con người bị trói buộc bởi chính bản thân anh ta; suy nghĩ và hành động là những người quản ngục của số phận - khi con người hèn hạ chúng sẽ bỏ tù; xong khi cao quý chúng là những thiên thần của tự do, giải phóng. Con người không nhận được những gì anh ta mong muốn và cầu nguyện mà nhận được những gì xứng đáng với công sức bỏ ra. Những mong ước, nguyện vọng chỉ được đáp ứng khi chúng hài hòa với suy nghĩ và hành động của con người.

    Nhưng nếu như vậy thì dưới ánh sáng của chân lý, cái gọi là "đấu tranh chống lại hoàn cảnh" có nghĩa như thế nào? Thực chất nó có nghĩa là: Trong khi liên tục chống lại một tác động bên ngoài, con người vẫn không ngừng nuôi dưỡng, bảo quản nguyên nhân của nó bên trong. Nguyên nhân đó có thể dưới dạng một thói hư tật xấu mà con người ý thức được, hoặc một điểm yếu mà chúng ta không nhận ra. Nhưng dù dưới hình thức nào đi nữa thì nó cũng ngoan cố ngăn cản những nỗ lực của chủ nhân, do đó đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục.

    Con người lúc nào cũng hăng hái cải thiện hoàn cảnh, nhưng lại không sẵn sàng cải thiện bản thân; và vì thế họ vẫn bị bó buộc. Một người không chùn bước trước khó khăn sẽ không bao giờ thất bại trong việc thực hiện mục đích anh ta đã đề ra. Điều này đúng với cả thế giới tự nhiên và thế giới tinh thần. Những người chỉ có một mục tiêu duy nhất là sự giàu có phải sẵn sàng hi sinh rất nhiều trước khi đạt được mục đích. Vậy nếu anh ta muốn có cuộc sống khỏe mạnh, cân bằng thì sẽ còn phải hi sinh những gì?

    Bản tính tự phụ, kiêu căng khiến con người muốn tin rằng: Đức hạnh đem lại đau khổ; nhưng thực ra chỉ đến khi loại bỏ triệt để những suy nghĩ dơ bẩn, cay độc và bệnh hoạn thì con người mới có được vị thế để hiểu và tuyên bố như vậy, rằng sự đau khổ là hệ quả của những phẩm chất tốt - chứ không phải của những phẩm chất xấu xa của anh ta. Và trên đường đến với sự hoàn hảo tối cao này (tất nhiên là một khoảng thời gian rất rất dài) anh ta sẽ nhận ra từ ý thức và từ cuộc sống quy luật vĩ đại lúc nào cũng đúng, theo đó, không bao giờ có thế lấy ơn trả oán, hoặc lấy oán trả ơn. Có được những kiến thức đó, khi nhìn lại quá khứ mù quáng và ngu ngốc của mình, con người sẽ biết cuộc sống luôn được sắp đặt một cách thích đáng, và tất cả những kinh nghiệm trước kia, dù tốt hay xấu, đều là những thành quả công bằng của bản thân - một thực thể đang tiến hóa nhưng chưa hoàn chỉnh.

    Suy nghĩ và hành động tốt không bao giờ tạo ra kết quả xấu; còn suy nghĩ và hành động xấu không bao giờ đưa đến kết quả tốt đẹp. Điều này không có ý nghĩa nào khác ngoài "trồng cây gì hái quả nấy, gieo nhân nào, gặt quả nấy." Con người hiểu và còn sử dụng quy luật ấy trong thế giới tự nhiên; thế nhưng, ít ai hiểu được ý nghĩa của nó trong thế giới tinh thần (mặc dù ở đây cơ chế hoạt động của nó cũng đơn giản, rõ ràng và hoàn toàn tương tự). Thế nên, con người chẳng mấy khi chịu hợp tác với nó.

    Sự đau khổ bao giờ cũng là hệ quả của những suy nghĩ sai lầm theo chiều hướng lệch lạc nào đó. Đó là chỉ số cho thấy một người đã không còn đồng điệu với chính anh ta, với quy luật của sự sống. Tác dụng duy nhất và quan trọng nhất của sự đau khổ là để thanh lọc, đốt cháy tất cả những thứ gì vô dụng và ô uế. Sự đau khổ sẽ kết thúc đối với những ai thuần khiết, vàng nguyên chất không sợ lửa, cũng như một con người hoàn toàn trong sạch và được khai sáng chẳng bao giờ phải chịu khổ đau.

    Khi một người phải đối mặt với nỗi đau khổ cũng chính là khi tinh thần anh ta thiếu hài hòa. Trong khi việc một người luôn gặp những điều phúc lành là kết quả của một tâm hồn hòa hợp. Hạnh phúc là thước đo của những suy nghĩ đúng đắn, chứ không phải của cải; còn sự đau khổ là thước đo của những suy nghĩ sai lầm, chứ không phải những thiếu thốn về vật chất. Một người có thể giàu có nhưng sống trong đau khổ, và một người cũng có thể nghèo đói nhưng lại luôn hạnh phúc, vui tươi. Hạnh phúc và giàu có chỉ đi đôi với nhau khi của cải được sử dụng một cách khôn ngoan và đúng đắn. Còn những người nghèo khó chỉ rơi vào tình trạng bất hạnh khi anh ta tự cho rằng số phận của mình là một gánh nặng, được tạo ra do tạo hóa bất công.

    Sự nghèo túng và buông thả là hai thái cực của bất hạnh. Chúng đều không tự nhiên và là kết quả của sự rối loạn thần kinh. Một người không bao giờ đạt được trạng thái viên mãn khi anh ta không hạnh phúc khỏe mạnh và giàu có; chúng là kết quả của sự điều hòa giữa bên trong một con người với môi trường sống bên ngoài.

    Một người chỉ bắt đầu thực sự làm người khi anh ta ngừng than vãn, chửi rủa, và bắt đầu tìm kiếm sự công bằng ẩn giấu để điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Anh ta thích ứng tâm trí theo nhân tố điều chỉnh đó, anh ta thôi buộc tội người khác như thể họ là những nguyên nhân tạo ra hoàn cảnh của bản thân, mà tự phát triển mình với những suy nghĩ mạnh mẽ và cao quý. Anh ta thôi đấu tranh với hoàn cảnh mà sử dụng chúng như sự hỗ trợ để tiến bộ nhanh hơn, và như một công cụ để khám phá sức mạnh và khả năng tiềm ẩn trong con người mình.

    Luật lệ là nguyên tắc chủ yếu trong vũ trụ, chứ không phải sự hỗn độn, công bằng là linh hồn và cốt lỗi của cuộc sống, chứ không phải bất công. Đạo đức là sức mạnh đúc nặn và thúc đẩy trong thế giới tâm hồn, chứ không phải sự suy đồi. Vì vậy, con người chỉ còn cách tự điều chỉnh bản thân cho đúng đắn của vũ trụ. Và trong quá trình sửa đổi này, anh ta sẽ phát hiện ra rằng: Khi anh ta đang chuyển hướng tư duy tới những sự việc và con người xung quanh, những sự việc và con người đó cũng sẽ hướng về phía anh ta.

    Bằng chứng cho sự thật này có thể được tìm thấy ở bất cứ ai, do đó bạn có thể dễ dàng tìm được nó thông qua việc xem xét nội tâm một cách hệ thống và tự phân tích bản thân. Hãy để một người thay đổi tư duy tận gốc, và người đó sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng mà nó tác động lên điều kiện vật chất của anh ta. Con người tưởng rằng tư duy là bí mật, nhưng không phải vậy. Nó nhanh chóng được kết tinh thành thói quen, và thói quen cô đúc lại thành hoàn cảnh. Những suy nghĩ tàn bạo kết tinh thành thói quen rượu chè nhục dục, và chúng tiếp tục cô đúc lại thành hoàn cảnh bệnh tật và nghèo đói. Những suy nghĩ ô uế dù ở dạng thức nào cũng đều kết tinh thanh thói quen yếu đuối và lộn xộn, sau đó cô đúc lại thành hoàn cảnh bất lợi, buồn phiền. Suy nghĩ sợ hãi, nghi ngờ và do dự kết tinh thành thói yếu hèn, nhu nhược và không quyết đoán, rồi chúng cô đúc thành thất bại, nghèo khổ và lệ thuộc. Những suy nghĩ lười biếng kết tinh thành thói quen hèn kém, bẩn thỉu, lọc lừa, rồi cô đúc thành hoàn cảnh nhơ nhuốc, ăn mày ăn xin. Những suy nghĩ thù ghét và chỉ trích kết tinh thành thói quen buộc tội và hung bạo, sau đó cô đúc lại thành sự ngược đãi và tổn thương. Những suy nghĩ ích kỷ dù ở dạng thức nào cũng sẽ kết tinh thành thói quen đòi hỏi cho bản thân, sau đó cô đúc lại thành những hoàn cảnh túng quẫn, khốn cùng.

    Mặt khác, mọi suy nghĩ tốt đẹp đều kết tinh thành thói quen lịch thiệp và tử tế, rồi thói quen đó cô đúc lại thành sự ôn hòa, vui vẻ. Những suy nghĩ trong sáng kết tinh thành thói quen điều độ và biết tự kiểm soát bản thân, rồi những thói quen đó cô đúc lại thành sự thư thái, yên bình. Những suy nghĩ dũng cảm, tự tin và quyết đoán kết tinh thành những thói quen mạnh mẽ kiên cường, từ đó cô đúc thành sự thành công và sự tự do tự tại. Những suy nghĩ mạnh mẽ kết tinh thành thói quen gọn ghẽ, cần cù chịu khó, từ đó cô đúc thành cuộc sống vui vẻ dễ chịu. Những suy nghĩ hào hiệp vị tha kết tinh thành thói quen lịch thiệp, từ đó cô đúc thành cuộc sống yên ổn, an toàn. Những suy nghĩ yêu thương nhân từ sẽ cô đúc thành sự thịnh vượng chắc chắn, dài lâu và giàu có thực sự.

    Một dòng suy nghĩ nhất định tồn tại trong đầu chúng ta, thì dù là tốt hay xấu, nó cũng luôn ảnh hưởng lên tính cách và hoàn cảnh. Một người không thể trực tiếp lựa chọn hoàn cảnh cho mình, nhưng có thể chọn cách tư duy, và chắc chắn từ đó sẽ tạo nên hoàn cảnh. Tự nhiên giúp con người hiện thực hóa những suy nghĩ mà anh ta nuôi dưỡng nhiều nhất, và các cơ hội đến sẽ nhanh chóng khiến cho những suy nghĩ cả tốt lẫn xấu thể hiện ra bên ngoài.

    Hãy để con người vơi bớt những suy nghĩ tội lỗi, rồi thế giới sẽ dịu dàng hơn và sẵn sàng giúp đỡ anh ta. Hãy để con người vứt bỏ những suy nghĩ yếu ớt và ủy mị, rồi cơ hội sẽ đến từ khắp mọi nơi để trợ giúp cho ý chí quyết tâm của anh ta. Hãy để con người nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp, và chẳng khó khăn nào có thể khiến anh ta tủi thẹn, khốn cùng. Thế giới này là chiếc kính vạn hoa kỳ ảo, và sự kết hợp đa dạng của màu sắc trong mỗi thời điểm nối tiếp nhau trong cuộc đời chính là bức tranh sắc sảo phản ánh những tư duy không ngừng nghỉ của bạn.

    "Con người lúc nào cũng hăng hái cải thiện hoàn cảnh, nhưng lại không sẵn sàng cải thiện bản thân."

    -Tiếp theo Chương 3-
     
  4. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Chương 3: Tác Động Của Tư Duy Tới Sức Khỏe Và Cơ Thể Con Người

    Thân thể là nô lệ của đầu óc. Nó tuân theo sự vận hành của trí não, dù là cố tình hay vô thức. Dưới mệnh lệnh của những suy nghĩ phi pháp, thân thể nhanh chóng chìm sâu vào mục nát và hủ bại; còn khi được kiểm soát bởi những suy nghĩ tươi vui, tốt đẹp, nó được khoác lên một lớp áo đẹp đẽ, trẻ trung.

    Khỏe mạnh hay ốm yếu, cũng giống như hoàn cảnh, đều bắt nguồn từ tư duy. Những suy nghĩ yếu ớt sẽ được thể hiện bằng một cơ thể yếu ớt. Người ta đã thấy những suy nghĩ lo sợ có thể giết chết một người nhanh như đạn, và chắc chắn nó vẫn đang tiếp tục giết hàng ngàn người nữa, cho dù chậm chạp hơn. Những ai sống trong nỗi lo bệnh tật rồi sẽ sinh ra bệnh tật. Sự lo lắng nhanh chóng đốn ngã cả cơ thể, mở đường cho bệnh tật tấn công; trong khi những suy nghĩ nhơ bẩn, ngay cả khi không được nuông chiều về mặt thể chất, thì cũng sẽ nhanh chóng hủy hoại tinh thần.

    Những suy nghĩ tốt đẹp, trong sáng, vui tươi tạo nên cơ thể khỏe mạnh và uyển chuyển. Là một công cụ dẻo dai và tinh tế, cơ thể người phản ứng lại trước mọi suy nghĩ tác động lên nó, và từ đó những thói quen tư duy sẽ tạo ra những tác động riêng, tốt xấu khác nhau.

    Con người sẽ tiếp tục mang trong mình dòng máu vẩn đục và độc hại, một khi họ còn sản sinh ra những suy nghĩ dơ bẩn. Cùng với một trái tim sạch là một cuộc sống và một cơ thể sạch. Một tâm hồn ô uế tạo ra một cuộc sống nhơ bẩn và một cơ thể đồi bại. Tư duy là khởi nguồn của hành động, của cuộc sống và những gì biểu thị ra ngoài; hãy làm cho nguồn nước thật sạch trong, và tất cả sẽ cùng trong sạch.

    Khi ai đó thanh lọc những suy nghĩ của mình, anh ta không còn thèm muốn những đồ ăn có hại cho sức khỏe.

    Những suy nghĩ trong sạch tạo ra thói quen trong sạch. Những người được cho là thánh thiện, nhưng không biết thanh lọc cơ thể của mình thì không thể gọi là thánh thiện. Những ai biết củng cố và thanh lọc tư duy không cần phải bận lòng đến những thứ xấu xa.

    Nếu muốn hoàn thiện thân thể, hãy quan tâm đến trí óc. Nếu muốn làm mới thân thể, hãy làm đẹp cho tinh thần. Những suy nghĩ hiềm ác, ghen tị, thất vọng và chán nản lấy đi của cơ thể sức khỏe và vẻ duyên dáng, yêu kiều. Một khuôn mặt cáu kỉnh không phải tự nhiên mà có; nó được tạo thành từ những suy nghĩ chua cay. Những nếp nhăn hình thành bởi sự điên rồ, giận dữ và tự phụ, kiêu căng.

    Tôi biết một bà cụ chín mươi sáu tuổi nhưng khuôn mặt sáng bừng và ngây thơ như thiếu nữ. Tôi biết một người đàn ông tuổi chưa đến trung niên nhưng những đường nét đã trở nên thiếu hài hòa. Trường hợp thứ nhất có được là do tính tình ngọt ngào, vui vẻ; trong khi trường hợp thứ hai là kết quả của sự giận dữ và bất mãn.

    Để có được không gian sống êm ái và lành mạnh, bạn phải mở cửa ra cho không khí và ánh nắng tràn ngập căn phòng. Tương tự như thế, một cơ thể khỏe mạnh và sắc mặt rạng rỡ, hạnh phúc, yên bình chỉ có được khi bạn cho phép đầu óc tràn ngập những suy nghĩ vui vẻ, lương thiện và thanh thản.

    Khuôn mặt của người già hằn lên những nếp nhăn của sự cảm thông, của những suy nghĩ thánh thiện và lành mạnh; trong khi với một số người, đó là nếp nhăn của giận dữ. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra điều đó. Với những người sống đạo đức và chính trực, tuổi già đến với họ một cách êm ái, bình thản và dịu dàng như mặt trời buổi hoàng hôn. Mới đây thôi, tôi đã chứng kiến một nhà triết học ra đi trên giường bệnh, ông chỉ già nếu xét về tuổi tác. Và ông từ giã cõi trần cũng nhẹ nhàng và bình thản như chính cuộc đời ông.

    Không thầy thuốc nào giúp xua tan bệnh tật hiệu quả bằng suy nghĩ vui tươi; cũng chẳng có gì giúp an ủi, xua tan bóng đêm của sự buồn đau tốt bằng lòng thiện chí. Sống mòn trong những ý nghĩ xấu xa, nghi ngờ, cay độc và ghen tị cũng là tự giam hãm bản thân trong một nhà tù do chính mình tạo dựng. Nhưng nếu nghĩ tốt về mọi thứ, vui vẻ với mọi thứ, và kiên nhẫn học hỏi, tìm ra mặt tốt đẹp trong mọi vật xung quanh, thì những tư tưởng bao dung đó chính là cánh cổng dẫn đến thiên đường; và khi mỗi ngày sống trong những suy nghĩ bình yên hướng tới vạn vật bên ngoài, bạn sẽ luôn thấy lòng thanh thản.

    "Nếu muốn hoàn thiện thân thể, hãy quan tâm đến trí óc. Nếu muốn làm mới thân thể, hãy làm đẹp cho tinh thần"


    -Tiếp theo Chương 4-
     
  5. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Chương 4: Tư Duy Và Mục Đích

    Chúng ta chỉ có được sự thông minh hoàn bị khi tư duy gắn liền với mục đích. Với phần lớn chúng ta, tư duy được phép "trôi nổi" trên đại dương bao la của cuộc đời. Sống không mục đích là một thói xấu, là tội lỗi, và sự vô định đó không được phép tiếp diễn nếu ai đó muốn dẹp sạch hết nhưng tai ương và hủy diệt.

    Những người không có một mục đích trọng tâm nào trong cuộc đời thường dễ vướng vào những lo toan vụn vặt, muộn phiền, sợ hãi, và tự thương hại bản thân; tất cả chúng đều thể hiện sự yếu hèn và dẫn tới khổ đau, thất bại và mất mát, chẳng khác gì những lầm lỗi cố ý của con người (dù con đường thực hiện khác nhau). Đó là sự yếu hèn không thể tồn tại được trong một thế giới nơi sức mạnh luôn được đề cao.

    Con người cần phải hình thành trong tâm trí một mục tiêu chính đáng, và lập ra kế hoạch để hoàn thành nó. Anh ta cần coi mục tiêu này là trung tâm của mọi suy nghĩ trong đầu. Nó có thể tồn tại ở dạng một lý tưởng tôn giáo, hoặc là một vật trần tục, tùy thuộc vào bản chất của anh ta vào thời điểm đó. Dù nó là gì thì anh ta cũng nên nhanh chóng tập trung sức mạnh của tư duy và mục tiêu mà anh ta đã đặt ra. Anh ta cần coi mục tiêu này là nhiệm vụ tối cao và phải cống hiến bản thân để đạt được nó, mà không được phép để tư duy lơ đễnh, sa đà vào những ham muốn, khát khao và ngộ nhận nhất thời.

    Đây là cách dễ nhất giúp bạn tự kiểm soát bản thân và thực sự tập trung tư tưởng. Ngay cả khi anh ta thất bại hết lần này đến lần khác trên con đường tới đích (thất bại là điều không thể tránh cho đến khi anh ta vượt qua được những yếu kém của chính mình), thì tính cách mạnh mẽ là thước đo cho thành công thực sự của anh ta, và đây sẽ là điểm xuất phát mới cho sức mạnh và thành tựu của anh ta sau này.

    Những người không chuẩn bị cho mình một mục đích lớn lao nào cần phải thay đổi suy nghĩ, để hoàn thành nhiệm vụ của họ một cách hoàn hảo nhất, cho dù công việc đó có vẻ tầm thường đến đâu. Chỉ bằng cách này, những suy nghĩ của họ mới tập trung lại, tạo cơ hội cho năng lượng và lòng quyết tâm được phát triển. Khi đã làm được điều này, thì chẳng có gì là không hoàn thành. Một linh hồn yếu ớt nhất nếu tự nhận biết được yếu điểm của mình và tin tưởng rằng: Sức mạnh chỉ có thể phát triển bằng nỗ lực và luyện tập, thì ngay lập tức có thể phát huy được sức mạnh của nó. Khi đó, nỗ lực, sẽ không ngừng được cộng dồn, và cuối cùng sẽ tạo thành một quyền năng vô biên. Giống như một người thể chất yếu ớt có thể luyện tập cẩn thận và kiên nhẫn để trở nên khỏe mạnh, một người với suy nghĩ nhu nhược cũng có thể luyện tập bằng cách tư duy đúng đắn để bồi dưỡng tinh thần.

    Chấm dứt tình trạng bạc nhược, không định hướng và bắt đầu tư duy có mục đích nghĩa là bạn đã bước vào thế giới của kẻ mạnh, những người coi thất bại là một phần trên chặng đường tới thành công, những người biết tận dụng mọi điều kiện để phục vụ cho mục đích của mình, và những người biết suy nghĩ cứng rắn, nỗ lực không mệt mỏi, và hoàn thành mục đích một cách vẻ vang.

    Đề ra được mục tiêu, một người cần xác định trong đầu một con đường thằng tới đích, không nhìn ngang nhìn dọc. Hoài nghi và sợ hãi cần phải được ngăn chặn hoàn toàn. Chúng là những nhân tốt gây chán nản, bẻ gãy những nỗ lực và khiến chúng cong oằn, vô dụng. Những suy nghĩ nghi ngờ và sợ hãi không thể giúp bạn đạt được bất cứ thứ gì. Chúng luôn dẫn đến thất bại. Mục tiêu, năng lượng, sức mạnh, và tất cả những suy nghĩ cứng rắn đều biến mất khi sự hoài nghi, sợ hãi và hoang mang xuất hiện.

    Ý chí con người bắt nguồn từ tri thức rằng chúng ta làm được! Ngờ vực là sợ hãi là kẻ thù lớn nhất của tri thức rằng chúng ta làm được! Ngờ vực và sợ hãi là kẻ thù lớn nhất của tri thức, và ai nuôi dưỡng chúng thay vì tiêu diệt chúng sẽ bị cản trở trên mọi bước đi. Ngược lại, những ai đã chinh phục được sự hồ nghi và sợ hãi thường không bao giờ thất bại. Mọi suy nghĩ của anh ta đều chứa đựng sức mạnh, và tất cả khó khăn đều được đương đầu một cách dũng cảm và vượt qua. Các mục tiêu của anh ta đều được lên kế hoạch một cách hợp lý, rồi chúng ra hoa và đem về trái chín, thay vì rơi xuống đất từ khi vẫn còn xanh.

    Tư duy gắn chặt với mục đích sẽ trở thành sức mạnh sáng tạo. Kẻ nào hiểu được điều này nghĩa là đã sẵn sàng để vươn lên cao hơn, mạnh mẽ hơn những ngập ngừng, do dự và cảm xúc lên xuống thất thường. Kẻ nào làm được điều này nghĩa là đã trở thành người nắm giữ sức mạnh tinh thần của bản thân một cách thông minh và ý thức.

    "Chấm dứt tình trạng bạc nhược, không định hướng và bắt đầu tư duy có mục đích"

    -Tiếp theo Chương 5-
     
  6. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Chương 5: Nhân Tố Tư Duy Thành Công

    Tất cả những gì một người đạt được và không đạt được đều là kết quả trực tiếp của tư duy của chính anh ta. Trong một thế giới được sắp xếp theo trật tự rất công bằng, nơi sự mất thăng bằng đồng nghĩa với thất bại và phá hủy hoàn toàn, thì trách nhiệm của mỗi cá nhân phải là tuyệt đối. Điểm mạnh và điểm yếu, sự trong sạch và dơ bẩn của mỗi người đều là sở hữu của chính anh ta, chứ không thuộc về ai khác. Chúng được anh ta tạo nên, chứ không phải ai khác, và chúng chỉ có thể thay đổi dưới tác động của anh ta, vĩnh viễn không phải là ai khác. Hoàn cảnh cũng vậy. Đau khổ hay hạnh phúc đều được tạo thành bên trong con người. Tư duy làm nên con người; khi tiếp tục tư duy, anh ta tiếp tục tồn tại.

    Một người mạnh mẽ không thể giúp một con người yếu đuối, trừ khi anh ta sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp, và ngay cả khi đó, kẻ yếu cần phải tự mình trở nên mạnh mẽ. Anh ta phải tự mình cố gắng, phát triển thứ sức mạnh mà anh ta ngưỡng mộ ở người khác. Không ai khác ngoài anh ta có thể thay đổi hoàn cảnh của chính mình.

    Người ta thường xuyên nghĩ và nói rằng: "Rất nhiều người trở thành nô lệ cho một tên áp bức; hãy căm ghét kẻ áp bức!" Nhưng ngày càng nhiều người có xu hướng đảo ngược câu nhận định này và nói: "Một người trở thành kẻ áp bức bởi có quá nhiều người cam chịu làm nô lệ. Hãy xem thường những tên nô lệ."

    Sự thật là kẻ áp bức và những tên nô lệ đang hợp tác với nhau mà không biết, và, trong khi bên ngoài có vẻ xung đột với nhau, nhưng trên thực tế họ lại đang làm khổ chính mình. Một nhận thức tuyệt đối hiểu được quy luật về sự yếu hèn của kẻ bị áp bức và sức mạnh được kẻ áp bức sử dụng không đúng chỗ. Một tình yêu tuyệt đối nhận ra nỗi đau mà cả hai đối tượng này phải chịu đựng, nên không kết tội một bên nào; một lòng thương cảm tuyệt đối bao dung đối với kẻ áp bức và bị áp bức. Kẻ chiến thẳng sự yếu đuối và đẩy lùi những suy nghĩ ích kỷ cá nhân sẽ không thuộc về một tầng lớp nào cả. Chẳng phải áp bức, cũng không phải nô lệ. Anh ta được tự do.

    Một người chỉ có thể đứng lên, chinh phục và giành được những gì anh ta muốn bằng cách tư duy tích cực. Bằng không, nếu từ chối suy nghĩ tích cực hơn, anh ta sẽ mãi mãi yếu đuối, khổ sở và hèn mọn.

    Trước khi một người đạt được bất cứ thành quả nào, dù đó là mục tiêu lạc thú hay vật chất, anh ta luôn phải nâng tầm suy nghĩ của mình vượt lên trong những đam mê mù quáng của phần "con" trong con người anh ta. Để thành công, anh ta không cần thiết phải vứt bỏ hết mọi thú tính hay thói ích kỷ cá nhân, nhưng anh ta cần phải hi sinh một phần trong chúng.

    Nếu suy nghĩ đầu tiên của một người là những mong muốn ác độc thì anh ta không thể suy nghĩ sáng suốt, và cũng không thể lập kế hoạch một cách cẩn trọng và hệ thống. Anh ta không thể tìm thấy và phát huy những khả năng tiềm tàng của bản thân, và sẽ thất bại trước bất kỳ nhiệm vụ nào. Nếu không dũng cảm để bắt đầu kiểm soát tư duy của chính mình thì người đó không thể quán xuyến được công việc và đảm nhận những nhiệm vụ lớn lao. Anh ta không thể hành động độc lập hay đứng một mình, mà bị giới hạn bởi những suy nghĩ mà anh ta lựa chọn.

    Không có thành tựu hay tiến bộ nào đạt được mà không phải trả giá, và thành công về mặt vật chất của một người có được là nhờ anh ta biết từ bỏ cách tư duy xác thịt, hoàn thiện trí óc trong quá trình phát triển các kế hoạch, củng cố lòng quyết tâm và tinh thần tự lực. Càng suy nghĩ tích cực, anh ta càng thành công hơn, và những gì anh ta đạt được càng dài lâu và thiêng liêng hơn. Đời không dung túng cho những kẻ tham lam, lừa lọc và độc ác.. mặc dù nhìn bên ngoài, đôi khi chúng ta tưởng cuộc sống bất công. Những người trung thực, hào hiệp và đạo đức sẽ nhận được sự ưu ái. Tất cả những người thầy lớn của mọi thời đại đều truyền đạt điều này theo những cách khác nhau, và để chứng minh tính đúng đắn của nó cũng như hiểu nó, con người phải liên tục hoàn thiện để bản thân trở nên tốt đẹp hơn bằng cách tư duy tích cực.

    Những thành tựu về trí tuệ là kết quả của những suy nghĩ dâng hiến cho việc kiếm tìm tri thức hay vẻ đẹp trong tự nhiên. Những thành tựu đó đôi khi có thể có mối liên hệ với sự phù phiếm và tham vọng, nhưng chúng không phải là hệ quả của những tính cách đó, mà là sản phẩm tất yếu của những nỗ lực dài lâu và miệt mài, và của những suy nghĩ trong sáng, vị tha.

    Những thành tựu về tôn giáo là tuyệt đỉnh của những khát vọng thiêng liêng. Những ai liên tục sống với những ý nghĩ cao thượng, xuất sắc, luôn chú ý tới bất cứ thứ gì vị tha, thuần khiết, chắc chắn sẽ có được phẩm chất cao quý và thông thái, sống trong hạnh phúc và sự kính trọng, nể phục của người đời. Điều đó chắc chắn như mặt trời chính ngọ và mặt trăng tròn vạnh đêm rằm.

    Thành tựu dù ở dạng nào cũng là đỉnh cao của nỗ lực, và là vương quyền của tư duy. Nhờ sự trợ giúp của những suy nghĩ tự chủ, cương nghị, thuần khiết, chính đáng và có định hướng tốt đẹp rõ ràng, con người ta đi lên. Với sự can thiệp của những suy nghĩ thú tính, lười nhác, ô uế, mục nát và hỗn loạn, con người ta đi xuống.

    Một người có thể đi lên đỉnh cao của thành công trên thế giới, ngay cả đối với những quan niệm kiêu kỳ trong vương quốc của tâm linh, nhưng cũng có thể suy đồi và trở nên yếu kém, khốn cùng khi cho phép những tư tưởng ngạo mạn, ích kỷ và thối nát chiếm lĩnh tâm hồn.

    Chiến thắng giành được nhờ tư duy đúng đắn chỉ có thể được duy trì bằng sự canh chừng, cảnh giác. Rất nhiều người trở nên bất cẩn và buông thả khi đã được thành công, nên thất bại nhanh chóng quay về với họ.

    Tất cả mọi thành tựu, dù trong kinh doanh, trong thế giới vật chất hay tinh thần, đều là kết quả của tư duy có định hướng rõ ràng, và bị chi phối bởi cùng một quy luật, theo cùng một phương thức giống nhau. Điểm khác biệt duy nhất là những mục tiêu hướng tới.

    Để đạt được thành tựu nhỏ, một người chỉ cần hi sinh chút ít; để đạt được thành tựu lớn, anh ta phải hi sinh nhiều, và để có được thành công tột đỉnh, sự hi sinh là vô cùng lớn lao.

    "Tất cả những gì một người đạt được và không đạt được đều là kết quả trực tiếp của tư duy"

    -Tiếp theo Chương 6-
     
  7. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Chương 6: Viễn Cảnh Và Lý Tưởng

    Những kẻ mơ mộng là những người cứu giúp thế gian. Vì thế giới hữu hình được duy trì bởi thế giới vô hình, nên con người, trải qua tất cả những thử thách, tội lỗi và những việc làm nhơ nhớp, được nuôi dưỡng bằng những viễn cảnh đẹp đẽ mà kẻ mộng mơ trong họ vẽ ra. Nhân loại không bao giờ quên những kẻ mộng mơ, nó không thể để cho những lý tưởng của họ héo tàn mà chết; nó sống trong chúng, và biết rằng chúng là những sự thật mà một ngày nào đó nó sẽ nhìn thấy và thấu hiểu.

    Các nhà soạn nhạc, điêu khắc, họa sĩ, nhà thơ, người sáng lập, nhà hiền triết - họ là những người tạo nên thế giới tương lai, là những kiến trúc sư của thiên đường. Thế giới tươi đẹp bởi họ từng sống. Không có họ, nhân loại sẽ lụi tàn.

    Những ai nuôi dưỡng một viễn cảnh đẹp đẽ, một lý tưởng cao cả trong tim, đến một ngày sẽ biến nó thành hiện thực. Columbus nuôi nấng viễn cảnh về một thế giới khác, và ông đã tìm ra nó. Copernicus nuôi dưỡng lý tưởng về đa thế giới và một vũ trụ rộng lớn hơn, và ông cũng tìm ra nó. Đức Phật trông thấy viễn cảnh về một thế giới tâm linh đẹp đẽ không gợn một vết nhơ cùng sự thanh thản tuyệt đối, và ngài đã bước vào thế giới đó.

    Hãy nuôi dưỡng những viễn cảnh và lý tưởng, nuôi dưỡng những khúc nhạc rộn rã trong tim, cái đẹp hình thành trong đầu, hay vẻ yêu kiều trong những tư tưởng thuần khiết nhất của bạn. Bởi xung quanh chúng, tất cả những điều kiện thuận lợi và môi trường tốt đẹp sẽ tự phát triển; đối với chúng, nếu bạn giữ vững lòng trung thành thì sau cùng chắc chắn thế giới của bạn sẽ hình thành.

    Có khát khao sẽ đạt được, có mong ước sẽ thành công. Liệu có phải những ước mơ hèn kém, nhỏ nhặt nhất của con người sẽ nhận được sự ban ơn hậu hĩnh nhất, còn những khát vọng thuần khiết nhất sẽ chết yểu vì thiếu dưỡng chất nuôi chúng lớn lên? Đó không phải là Quy Luật. Một điều kiện như thế không bao giờ tồn tại "Có yêu cầu sẽ được đáp ứng".

    Hãy mơ những giấc mơ lớn, và bạn mơ như thế nào, bạn sẽ trở thành như vậy. Viễn cảnh là lời hứa hẹn về hình ảnh con người bạn trong tương lai; còn lý tưởng là lời tiên tri về những gì bạn sẽ khám phá ra sau này.

    Thành tựu lớn nhất bao giờ cũng bắt đầu bằng một ước mơ; giống như cây sồi ngủ trong quả đấu; như con chim trong quả trứng chờ đợi để chui ra. Và trong viễn cảnh tươi đẹp nhất của tâm hồn là một thiên thần đang tỉnh giấc và động đậy. Giấc mơ là hạt giống của hiện thực cuộc đời.

    Hoàn cảnh của bạn có thể không phù hợp, nhưng chúng sẽ không tồn tại mãi mãi, chỉ cần bạn có một lý tưởng và cố gắng để đạt được nó. Trong nội tại bạn không thể tiến lên, nếu bên ngoài bạn cứ chôn chân tại chỗ. Có một thanh niên sống trong sức ép của nghèo đói và công việc nặng nhọc. Giam mình suốt thời gian dài trong một công xưởng độc hại; không được học hành và cũng chẳng có tay nghề. Nhưng anh ta mơ về những thứ tốt đẹp hơn. Anh ta nghĩ đến trí tuệ, tay nghề, sự lịch thiệp và vẻ đẹp. Anh ta hình thành, vẽ ra trong đầu một điều kiện sống lý tưởng. Sự tự do và tầm nhìn xa rộng chiếm lấy chàng trai nghèo đói; liên tục thúc giục anh ta hành động và anh ta sử dụng mọi thời gian rảnh rỗi và mọi phương tiện để ngấm ngầm phát triển sức mạnh và nguồn lực của bản thân. Nhanh chóng, đầu óc anh ta thay đổi đến mức công xưởng đó không còn giữ chân anh ta được nữa. Nó trở nên khác biệt với hệ tư tưởng của anh ta quá mức, đến nỗi bị hất ra rìa cuộc sống của anh ta, giống như người ta vứt lớp quần áo bên ngoài sang một bên. Và khi có được những cơ hội phù hợp với sức mạnh đang lớn dần trong mình, anh ta rũ bỏ nó hoàn toàn. Nhiều năm sau đó, chàng trai trẻ đã trở thành một người đàn ông trưởng thành. Anh ta trở thành người sai khiến sức mạnh của trí óc, có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới và có quyền lực không ai sánh bằng. Anh ta nắm trong tay những trách nhiệm lớn lao; tiếng nói của anh ta có thể thay đổi những cuộc đời; đàn ông và phụ nữ đều dựa vào những lời nói của anh ta để hoàn bị nhân cách. Giống như ánh mặt trời, anh trở thành trung tâm của ánh sáng mà vô số con người và số phận quay quanh. Chàng trai ấy giờ đây chính là viễn cảnh của thời trẻ. Anh ta có được nó nhờ lý tưởng.

    Và độc giả trẻ tuổi, rồi bạn cũng sẽ nhận ra viễn cảnh (chứ không chỉ là một ước muốn tĩnh tại) trong tim mình, dù nó nguyên sơ hay đẹp đẽ, hay là sự hòa trộn của cả hai. Bởi bạn sẽ luôn hướng về những gì bạn thầm yêu thích, và bạn sẽ nắm trong tay những thành quả chính xác tạo ra từ những suy nghĩ của chính mình, dù nó nguyên sơ hay đẹp đẽ, hay là sự hòa trộn của cả hai. Bởi bạn sẽ luôn hướng về những gì bạn thầm yêu thích, và bạn sẽ nắm trong tay thành quả chính xác tạo ra từ những suy nghĩ của chính mình. Bạn sẽ nhận được đúng những gì xứng đáng; không hơn, không kém. Dù hoàn cảnh hiện tại của bạn như thế nào, bạn đều có thể thất bại, dậm chân tại chỗ hay tiến lên tới những suy nghĩ - viễn cảnh và lý tưởng của bản thân. Bạn sẽ trở nên nhỏ bé như những dục vọng chi phối con người, hoặc trở nên vĩ đại như niềm khát vọng thống lĩnh bên trong bạn.

    Những kẻ không biết suy nghĩ, ngu dốt và biếng nhác chỉ nhìn thấy tác động hiển nhiên trước mắt của sự việc mà không nhận thấy bản chất của chúng, nên họ nói về vận may, số phận và cơ hội. Nhìn thấy một người trở nên giàu có, họ nói: "Anh ta mới may mắn làm sao!" Thấy người khác có trí tuệ hơn người, họ thốt lên: "Hắn quả là được tự nhiên ưu ái!" Và để ý thấy phẩm chất thánh thiện cũng như tầm ảnh hưởng rộng rãi của một người, họ nhận xét rằng: "Cơ hội lúc nào cũng đến với anh ta!" Họ không nhìn thấy những gian nan, thất bại và nỗ lực mà những người này phải trải qua trước khi đạt được những thành tích đó. Họ không biết những người kia phải hi sinh như thế nào và nỗ lực bền bỉ ra sao, không biết đến những niềm tin mà những người đó phải bám vào để có thể vượt qua những chướng ngại vật và nhận ra viễn cảnh trong tim. Họ không biết đến những khi tăm tối, những cơn đau tim; mà chỉ nhìn thấy ánh sáng và niềm vui, rồi gọi đó là "may mắn". Họ không nhìn thấy chặng đường dài gian khổ mà chỉ thấy một mục tiêu dễ chịu và gọi đó là "số đỏ". Họ không hiểu được cả quy trình mà chỉ nhận thức được kết quả tạo ra, và kết luận rằng đó là "cơ hội".

    Trong mọi vấn đề của con người đều có nỗ lực và kết quả. Sức mạnh của nỗ lực là thước đo kết quả, chứ không phải sự đổi thay. Lộc trời, sức mạnh, vật chất, tài sản về trí tuệ và tâm linh đều là thành quả của những cố gắng hết mình. Chúng là những tư tưởng được hoàn thành, là những mục tiêu đạt được, và là những viễn cảnh được hiện thực hóa. Hãy để cho viễn cảnh hiện hữu trong đầu và lý tưởng ngự trị trong tim; bạn sẽ xây dựng cuộc sống bằng chúng đạt được chúng trong tương lai.

    "Những ai nuôi dưỡng một viễn cảnh đẹp đẽ, một lý tưởng cao cả trong tim, đến một ngày sẽ biến nó thành hiện thực"

    -Tiếp theo Chương 7-
     
  8. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Chương 7: Sự Thanh Thản

    Sự thanh thản trong tâm hồn là một trong những món đồ trang sức quý giá nhất của trí khôn. Đó là kết quả của những nỗ lực tự kiểm soát bản thân một cách lâu dài và kiên nhẫn, sự tồn tại của nó là một chỉ số biểu thị sự chín chắn của kinh nghiệm, và vượt lên trên những kiến thức thông thường về các quy luật và vận hành của tư duy.

    Con người có thể trở nên điềm tĩnh khi anh ta hiểu được rằng bản thân anh ta là một thực thể tiến hóa nhờ tư duy. Khi hiểu được người khác thông qua tư duy, phát triển một trí tuệ đúng đắn và nhìn ra mối quan hệ bên trong giữa các sự vật, sự việc dưới tác động của luật nhân quả một cách rõ ràng, anh ta không còn phải bực bội, cáu kỉnh, lo lắng và buồn đau, mà giữ được trạng thái điềm nhiên, kiên định và thư thái.

    Một người điềm tĩnh đã học được cách kiểm soát bản thân, nên cũng biết thay đổi chính mình cho tương thích với mọi người, và một người sẽ sùng kính sức mạnh tinh thần của anh ta. Họ cảm giác rằng họ có thể học hỏi từ anh ta và dựa vào anh ta. Một người sống càng thanh thản thì thành công, ảnh hưởng và sức mạnh của anh ta càng lớn. Ngay cả những thương nhân bình thường cũng sẽ thấy công việc kinh doanh của mình ngày càng phát đạt khi họ phát triển được tinh thần tự chủ và thư thái, bởi mọi người sẽ luôn muốn làm ăn với một người có thái độ và cách cư xử đúng mực.

    Một người mạnh mẽ và điềm tĩnh luôn được yêu quý và kính trọng. Anh ta giống như một thân cây tỏa bóng trên một vùng đất khô cằn, hay một tảng đá vững chắc làm nơi nương nấu khi trời mưa bão. Ai lại không yêu một trái tim thanh thản, yên bình, một tính cách ngọt ngào, một cuộc sống thăng bằng, ổn định? Dù trời mưa hay nắng, hay dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không thể ảnh hưởng đến những người có được những phúc lành trên, bởi họ luôn điềm tĩnh và thanh thản. Tính cách đĩnh đạc tuyệt vời đó mà chúng ta gọi là thanh thản chính là bài học cuối cùng của văn minh. Đó là hoa của cuộc sống, là quả của tâm hồn. Nó quý giá như trí khôn và được thèm khát hơn cả vàng ròng. So với một cuộc sống thanh thản thì việc chỉ biết kiếm tiền trở nên tầm thường biết bao. Một cuộc sống chìm trong biển cả bao la của chân lý, sâu bên dưới những con sóng và tránh xa những cơn giông tố, bão bùng, một sự thanh bình vĩnh cửu!

    Chúng ta chứng kiến xung quanh mình những người sống trong cảnh chua cay, những kẻ hủy hoại tất cả những gì ngọt ngào và đẹp đẽ bằng những cơn thịnh nộ, những kẻ hủy hoại sự điềm tĩnh trong nhân cách và phát triển một tính tình tồi tệ! Câu hỏi đặt ra là: Có phải đa số con người đều hủy hoại cuốc sống và đánh mất hạnh phúc của chính mình chỉ vì thiếu đi tự chủ? Có mấy người chúng ta gặp mà có được sự thăng bằng tuyệt vời trong cuộc sống, nét đặc trưng của một nhân cách vẹn toàn?

    Vâng, lòng người luôn dậy sóng với những đam mê không kiểm soát, luôn âm ỷ với những nỗi đau vô bờ, và gục ngã bởi những lo lắng và ngờ vực. Chỉ những người khôn ngoan, những người mà suy nghĩ của họ được kiểm soát và thanh lọc, mới có thể khiến cho sóng gió và bão lòng tuân theo lệnh anh ta.

    Hỡi những tâm hồn giông tố, dù ở đâu và sống trong hoàn cảnh nào, bạn cũng cần phải biết điều này:

    Trong đại dương cuộc đời, hòn đảo của phúc lành luôn mỉm cười và bờ biển đầy nắng lý tưởng của bạn luôn chờ bạn đến. Hãy giữ chắc tay trên bánh lái của tư duy. Thâm tâm bạn sẽ nghe theo người chỉ huy; nếu anh ta đang ngủ, hãy đánh thức anh ta dậy. Tự chủ là sức mạnh. Tư tưởng đúng đắn là chủ quyền, sự điềm tĩnh là nội lực. Hãy nói với trái tim bạn rằng: "Hãy thanh thản. Tĩnh tâm."

    "Sự thanh thản trong tâm hồn là một trong những món đồ trang sức quý giá nhất của trí khôn."


    -Hết-
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...