Tâm sự Khi là dân học khối xã hội…

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Phương Giang 2028, 1 Tháng mười 2023.

  1. Phương Giang 2028

    Bài viết:
    4
    Khi là "dân" học khối xã hội, thậm chí còn là "dân chuyên Sử", mình từng chứng kiến ánh mắt từ ngạc nhiên, chững lại đến ái ngại của người khác khi hỏi mình thi đậu trường chuyên lớp nào.

    Khi là "dân" học khối xã hội, mình nghe nhiều hơn một lần những lời bàn tán "Chắc nó học tệ Toán, Lý, Hóa lắm", "thi khối gì không thi, sao lại chọn khối C"..

    Khi là "dân" học khối xã hội, mình biết nhiều người sẽ cho rằng mình dại vì khối C thật sự rất ít sự lựa chọn vào những trường đại học danh giá, vào những ngành "hot" như Kinh tế, Công nghệ thông tin, Y dược.. Và vì tâm lý chung, "học khối tự nhiên, tương lai sẽ có việc làm, sẽ có thu nhập cao"..

    Mình đồng ý khi người khác nói mình "dại". Vì đôi khi, chính mình vẫn có suy nghĩ như vậy, vào trước đây.

    Cứ nhìn vào thực tế xã hội những năm qua sẽ rõ, trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và nền kinh tế từ trước khi có đại dịch Covid 19 tăng trưởng vượt bậc, cùng với đó là sự lên ngôi của tri thức thực dụng đã kéo theo xu hướng học các ngành như Kinh tế, Ngân hàng, Y dược, Ngoại ngữ.. Thêm vào đó, cơ hội việc làm của những bạn tốt nghiệp từ các ngành thuộc khối khoa học xã hội có sự chênh lệch rõ ràng so với các ngành đến từ khoa học tự nhiên hoặc ngoại ngữ. Với tâm lý sợ khó xin việc nên khi người trẻ tìm hiểu thị hiếu của xã hội, thấu hiểu hoàn cảnh xã hội để có cho mình những lựa chọn khác nhau nhằm mở rộng cơ hội của bản thân sau khi tốt nghiệp là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hơn nữa, nhiều người vẫn quan điểm rằng chương trình học khối xã hội thường khá nặng, thiên về ghi nhớ kiến thức nên khiến học sinh cảm thấy e dè khi lựa chọn. Đó là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh và học sinh. Với mình, những quan điểm ấy của học sinh, phụ huynh, thậm chí là nhà trường không phải là không có cơ sở.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với việc đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục các cấp, khối khoa học xã hội đã dần lấy lại ưu thế sau nhiều năm "tụt hạng thê thảm". Có được điều này là do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác nhau. Chẳng hạn như việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, giảm tải một số nội dung thiên về con số, số liệu.. trong môn Lịch sử; bỏ cách học "sao chép văn mẫu" để đạt điểm cao trong môn Ngữ văn.. Hay như việc sách giáo khoa được biên soạn theo hướng cô đọng, súc tích song vẫn đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, tỷ lệ thí sinh lựa chọn khối xã hội, thậm chí lựa chọn môn Lịch sử để xét tuyển làm điều kiện xét tốt nghiệp THPT "ngang ngửa" so với khối tự nhiên. Ngành sư phạm Lịch sử là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất với 28, 58 tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Bởi lẽ, bắt buộc lựa chọn một trong hai khối thi là một trong những điều kiện tiên quyết để xét tốt nghiệp trung học. Trong khi đó, cấu trúc đề thi thay đổi theo hướng trắc nghiệm nên các môn xã hội nên được đánh giá "dễ thở" hơn rất nhiều. Từ đó đã dẫn đến sự "rộng cửa" đại học cho rất nhiều thí sinh.. Nói như vậy để hiểu rằng, học các môn xã hội hay tự nhiên đều có những cơ hội ngang nhau – đều là hành trang quan trọng để bước vào đời nếu chúng ta thật sự chăm chỉ và quyết tâm, chứ không thể mặc định rằng học giỏi xã hội thì sẽ không học tốt các môn tự nhiên!

    Nói tóm lại, lựa chọn học các ngành khoa học xã hội hay tự nhiên là tùy thuộc vào nguyện vọng mỗi người. Vì điều đó còn liên quan đến khả năng, tố chất, sở thích, thậm chí là xu thế của xã hội tại mỗi thời điểm. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trước khi bước vào giảng đường đại học, kể cả sau khi tốt nghiệp đại học để vào đời thì hành trang theo chúng ta trước tiên và quan trọng nhất vẫn là những bài học về đạo đức, về giá trị làm người.. Chính chúng sẽ theo ta suốt cuộc đời, soi đường dẫn lối để ta biết cách đối nhân xử thế, nuôi dưỡng giá trị tâm hồn, mà những điều này có được, phụ thuộc rất lớn vào việc chú trọng đến các giá trị nhân văn – đa số đến từ các bài học thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn mà chúng ta từng bỏ quên! Vì dẫu sao, là con người hay đất nước thì trước hết phải có nền tảng tinh thần và đạo lí mới có thể tạo nên nền móng cho sự phát triển lâu dài. Và quan điểm của bản thân mình đã dần thay đổi so với trước đây..
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...