Tác phẩm: Khi không gọi chú là anh! Tác giả: Hồng Mến Đừng gọi anh là chú, anh học xong đại học rồi đi bộ đội, em cũng học cấp ba rồi nên gọi chú sẽ kì lắm đó. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về chú. Khi ấy, tôi đã ngập ngừng định gọi chú bằng anh nhưng rồi lại thôi. Quê tôi xóm nghèo, người dân lao động vất vả nhưng ai cũng ấm áp tình người. Từ khi đơn vị chú đến không khí trong làng lúc nào cũng rộn nhịp, đường làng sạch sẽ. Đặc biệt, đâu đó có các chị thanh niên dịu dàng, duyên dáng và có cả những chuyện tình thôn quê chớm nở. Nhà tôi rộng nên có chú và hai chú cùng đơn vị ở nhờ. Bố tôi là bộ đội từ chiến trường trở về nên bố và các chú có vẻ hợp về lối sống, quan điểm và chí hướng. Từ ngày có các chú chúng tôi vui hơn, nhất là những hôm đi học về muộn hay đi làm về muộn thì nhà cửa, công việc đều tinh tươm. Tôi, anh tôi và cả em gái đều học cấp ba. Nhà chúng tôi ở gần trường, những lúc rảnh chúng tôi cùng các chú đá cầu và kể chuyện huyên thuyên, đặc biệt anh tôi giới thiệu cho các chú làm quen với các bạn gái lớp anh nên các chú có vẻ hào hứng với anh tôi lắm. Năm ấy chúng tôi học quân sự, chú mải miết làm tặng tôi lựu đạn và cái cài lá ngụy trang thật đẹp. Tôi tự hào với đám bạn cùng khối lắm. Là con gái nhưng tôi luôn chơi các trò chơi của bọn con trai. Thỉnh thoảng các bạn trong lớp trọ học gần nhà đến nhà tôi chơi, họ gọi tôi là anh như một thằng con trai khiến các chú ngạc nhiên và để ý. Buổi chiều hôm ấy chú được nghỉ, chú theo chúng tôi đi hái chè. Quê tôi đi hái chè thật vui, cứ hai người hái chung một luống, cả đám người ríu rít nói cười và đưa tay thoăn thoắt hái những búp non. Chú thủ thỉ với tôi: "Anh chưa bao giờ gặp một ai đặc biệt như em: Ngang bướng, tinh nghịch, thông minh và trong sáng. Anh gọi em là thỏ ngọc hay giọt sương xanh, em thích tên nào?". Tôi cười im lặng ngại ngùng: Chú lại trêu cháu. Sau này chú gọi tôi là giọt sương xanh. Tôi ngắm mãi những giọt sương long lanh trên lá chè non mỗi buổi sáng sớm đi hái chè và thích cái tên ấy. Một buổi sáng sớm khi tôi chuẩn bị đi học, chú đến bên tôi đưa cho tôi một phong thư và nói: Giọt sương xanh à! Anh có một điều hỏi em, lúc nào rảnh em trả lời cũng được. Anh xin nghỉ phép ba ngày về thăm nhà rồi lại trở lại. Chú đi rồi tôi hồi hộp bóc phong thư và bất ngờ vì chữ chú viết thật đẹp. Tôi chưa bao giờ thấy chữ ai đẹp như vậy. Trong trang giấy chú viết: "Vì điều kiện anh và em không có thời gian trò chuyện bên nhau nên anh muốn hỏi em mọt điều: Em quan niệm như thế nào về tình bạn, cái đẹp và sự hiểu biết". Tôi chẳng nhớ tôi đã trả lời chú như thế nào về cái đẹp và sự hiểu biết, riêng về tình bạn tôi đã lấy quyển sách giáo dục công dân lúc đó tôi đang học và chép nguyên bài học tình bạn trong sách vào rồi đưa cho chú. Sáng hôm sau chú cứ nhìn tôi tủm tỉm cười, còn tôi thì không hiểu gì cả. Khi tôi đi học chú lấy tay cốc nhẹ vào cái trán dô của tôi và nói: Nhỏ ngốc thật! Tôi ngượng ngùng, cười nhẹ rồi chống chế: Ai bảo chú cứ hỏi em! Tôi vụt chạy ra cổng cùng các bạn nhưng vẫn nghe được câu nói của chú: A! Em rồi nhé! Lũ chúng tôi có thói quen ai cũng chọn cho mình một quyển sổ thật đẹp rồi ghi lại những điều mình yêu thích và đưa cho bạn bè ghi lưu bút. Bạn của chú đã viết một bài thơ thật dài kỉ niệm tôi. Cuối bài thơ có lời chú thích: "Anh thay lời của thằng bạn anh đó". Sau này bài thơ ấy được chuyền tay đám bạn bè tôi và theo tôi vào trường chuyên nghiệp. Đơn vị chú luyện tập phải hành quân đi xa hôm sau mới về, khi về nhà chú bảo có quà cho giọt sương xanh. Quà của chú là một chiếc hộp nhỏ, tôi mở quà hương ổi thơm lừng, những quả ổi rừng nhỏ đánh thức giác quan ăn uống của tôi, còn trang giấy kia. Tôi mở trang giấy vẽ bông hồng đỏ thắm và lời thơ: "Chẳng hiểu vì sao tôi thấy buồn Phải chăng vì thiếu bóng hình em Ơi cô gái nhỏ hồng trinh trắng Rung động bao lần những trái tim!" Tôi nhận ra dòng chữ quen thuộc ấy! Tôi nhớ ngày đơn vị chú chia tay. Cả xóm tôi thút thít khóc và thương nhớ. Xóm vắng lặng, buồn hiu. Nhà tôi cũng thế, bố mẹ và cả anh em chúng tôi chẳng ai nói ra nhưng tất cả cứ như vừa đánh mất một điều gì đó thật thiêng liêng. Tôi lặng lẽ đến trường ngồi kể cho đám bạn nghe chuyện các chú chuyển đi. Vào đầu tiết học khi mở cặp sách tôi bất ngờ thấy một phong thư thật dày, là thư của chú. Cả buổi học tôi mong được về nhà để đọc thư của chú. Trưa ấy tôi đã đọc và cả tối về học xong bài tôi cứ đọc đi đọc lại những dòng chữ chú viết. Có lẽ tôi đã đọc cả những gì ngoài phong thư. Bỗng dưng tôi thấy nhớ chú. Tôi muốn gọi chú là anh! Thời gian lặng lẽ trôi đi, thỉnh thoảng tôi nhận được thư của chú, thư nào chú kể chuyện của chú, kể chuyện quê hương chú có dòng sông xanh và con đò sớm chiều đưa khách sang sông, chú còn nhắc tôi phải gắng học mai này chú đón về quê chú để được đi đò. Mùa đông năm ấy miền bắc lạnh và mưa nhiều. Một buổi chiều anh em tôi cùng bố đang nhổ mạ cho mẹ cấy chạy đồng. Bỗng chú xuất hiện trong trong chiếc áo sơ mi trắng- màu mà tôi thích. Chúng tôi reo mừng vui như thể gặp lại những người thân yêu của mình sau bao năm xa cách. Chú ở lại nhà tôi hai hôm rồi tạm biệt về quê. Trong hai hôm ấy tôi đi học cả ngày nên không có thời gian trò chuyện cùng chú, chú viết cho tôi rất nhiều, tôi đọc mà bộn bề cảm xúc: Bối dối, ngượng ngùng, lo sợ, bồi hồi. Tối đó chú xin phép bố tôi để được trò chuyện với mấy anh em tôi, vì mai chú về quê. Chú tặng tôi chiếc khăn tay và cuốn sổ chú viết cho riêng tôi. Tôi thấy chú cứ ngập ngừng, e ngại rồi nhìn tôi. Tôi sợ ánh mắt ấy – ánh mắt đắm đuối với bao điều thiết tha, tôi tránh ánh mắt đấy. Tôi có cảm giác chú đã dùng hết sự mạnh mẽ lúc bấy giờ để nói cùng tôi: "Em là người duy nhất anh cảm thấy mình không nên đánh mất trong cuộc đời này. Anh cũng chưa từng muốn ở bên ai nhiều đến như vậy. Hãy tin ở anh và trao anh niềm tin nhé!". Tôi chẳng thể nhớ cảm giác của mình lúc ấy, nhưng câu nói của tôi với chú thì tôi chẳng thể nào quên. Chú cứ huyên thuyên. Tôi học chuyên nghiệp. Vẫn những lá thư của chú nhẹ nhàng đến bên tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn bắt chú kể cho tôi nghe về quê hương, con đò, bến sông nơi quê chú để tôi đưa vào trang viết của mình.. Sau này, học tập, cuộc sống sinh viên và những bạn bè mới khiến tôi ít có thời gian viết thư cho chú. Những lá thư chú viết cho tôi cũng thưa dần, thưa dần. Khi tôi bước vào là sinh viên năm ba cũng là lúc chú bước vào cuộc sống mới. Cuộc sống đã cho tôi hiểu thế nào là niềm tin đối với một người và thế nào là dành niềm tin cho một người. Một chiều thu, ngồi một mình trong kí túc, tôi mang những cuốn sổ cũ ra xem. Bất chợt trên tay tôi có cuốn sổ ngày ấy. Tôi mở đến trang cuối cùng chú viết cho tôi, ngồi đọc lại rồi tôi viết: Gửi chú! Có thể em là đặc biệt, là duy nhất, nhưng em không phải là cuối cùng. Em cũng chỉ là một người con gái, vô tình chú gặp trong đời, vô tình xúc động, vô tình mãnh liệt, vô tình thương nhớ. Rồi trải qua cơn mê ấy, tỉnh lại, bỗng nhiên, chú chẳng còn ở đây nữa.. vô tình mình lãng quên nhau từ bao giờ.. Rồi gấp cuốn sổ lại trong hành trang kỉ niệm. Ra trường công việc cuốn tôi đi nơi miền đất lạ. Có những ngày chú trở về trong kí ức nơi tôi, rồi nhẹ nhàng theo quên lãng êm trôi. Hồng Mến