Nhắc đến tác giả Chương Đặng, có lẽ chúng ta không còn xa lạ. Anh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, hiện đang sống ở California, Hoa Kỳ và là chủ của chuỗi nhà hàng và quán cà phê có phong cách mới lạ. Anh đã có tên tuổi trong ngành thiết kế thời trang và bùng nổ với cuốn sách "Bầu cua tôm cá - Ăn và yêu" ra mắt năm 2020. Cuốn sách "Khi em chạm phải một nỗi buồn" không phải là lời chỉ dạy của một người thành công, mà đơn giản là lời nhắn nhủ, tâm tình của một người đi trước dành cho những bạn trẻ đang chông chênh giữa cuộc đời. Anh hiểu được thế giới của gen Z chúng tôi và len lỏi vào đó. Nhiều bạn trẻ đang sống và khát khao được thể hiện chính mình, nhưng chưa có kỹ năng thể hiện chính mình và giải quyết vấn đề. "Con người chúng ta, đàn ông hay đàn bà gì cũng vậy, vẫn phải chịu sự phán xét của thế gian, và gia đình nào cũng mang áp lực uốn nắn con cái mình theo tiêu chuẩn của cộng đồng mà họ sinh sống!" Những phán xét ngoài kia làm cho bạn chùn bước, sợ mọi người cho là kẻ lập dị. Nhiều bạn chọn cách an toàn, đi theo số đông. Cái tôi chìm trong lấn át xã hội, dần dần, bạn sẽ không thể đưa ra chủ kiến nào nữa. Bạn phải học cách giao tiếp, nói ra ý kiến của mình, thế giới cần sáng tạo và đổi mới. Kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày nay. Nếu bạn ngại giao tiếp, bạn sẽ nhạt nhòa dần. Không cần gượng ép mỗi lần giao tiếp với người khác đều phải mỉm cười hay chủ động bắt chuyện, điều đó giống như bạn đeo mặt nạ lên mặt, che lấp bạn. Bạn nghĩ đơn giản thôi, giao tiếp là con đường kết nối giữa người với người, chỉ cần giao tiếp theo cách tự nhiên, chân thành nhất. Chân thành là mấu chốt của giao tiếp, là ý nghĩa của cuộc đối thoại ấy. Bởi vậy, cứ sống cho thật với chính mình nhé. Giao tiếp phải kèm theo phép lịch sự. Khi nói chuyện trực tiếp bạn hãy nhìn vào mặt đối phương. Trong những buổi tiệc ngồi, nếu cảm thấy không muốn uống rượu hay nước thì hãy lấy tay che cách miệng ly một khoảng để ra dấu cho phục vụ hiểu. Ngoài ra, đừng bao giờ đưa tiền mà không nhìn vào mặt người khác. Bởi vì, điều này thể hiện thái độ khiếm nhã. "Những nơi sang trọng, bạn cần theo sự sắp xếp và quy trình phục vụ của họ, thông qua người phục vụ của họ, người giám sát và quản lý nhà hàng. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi những gì cần trao đổi nhã nhãn nếu bạn muốn được việc, chứ không thể ra lệnh, hống hách, một nơi thật sự sang trọng có những luật bất thành văn để cách ly những người có cung cách không phù hợp". Phép lịch sự thể hiện nhân cách của con người. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, điện thoại thông minh ra đời. Ai cũng có cho mình chiếc điện thoại thông minh, và tham gia vào mạng xã hội. Nhiều người còn tạo nhiều tài khoản để giãi bày tâm tư. Nhưng, mạng xã hội có tầm ảnh hưởng quá lớn đến giới trẻ, làm họ quên mất đời thực. Theo tác giả, "đặt chân lên đôi giày của người khác" để mạng xã hội không trở thành một cái lồng nhốt cuộc sống thực tế vẫn đang diễn ra. Chỉ là khuyên nhủ, không ép buộc phải nghe theo. "Nếu em không đồng quan điểm với tôi, không sao cả; sẽ không có cuộc chiến nào hết, không có buồn phiền hay sụp đổ. Tôi sẽ già đi, và em sẽ lớn lên. Khi em bằng tuổi tôi, em sẽ hay hơn tôi. Chúng ta cứ vui vẻ với nhau thì hơn". Nhưng, con người thường dành nhiều thời gian vào mạng xã hội. Nó không kiếm ra tiền hay giúp trau dồi kiến thức. Sao không ra ngoài kia tìm những việc bổ ích hơn? Cuộc sống còn nhiều điều đáng để làm và đáng để tận hưởng. Mây bay trên không trung vẫn hòa tan vào bầu trời, ánh nắng gay gắt đến cuối ngày cũng nhường lại cho màn đêm, hoa nở tươi đẹp đến mấy rồi cũng tàn. Cuộc sống là như vậy, có hợp ắt có tan. Đó là quy luật của tự nhiên. Niềm vui trong quá khứ trở thành hồi ức đẹp, còn nỗi buồn dai dẳng trong tim trở thành kinh nghiệm cho ngày sau. Lời thề non hẹn biển tan vào mây, câu hứa khi xưa chẳng thể giữ được. Không có duyên cũng chẳng thể trách trời. Ai rồi cũng có cuộc sống riêng. "Yêu cũng được, mà không yêu cũng chẳng sao! Hoa hồng rồi cũng rơi cánh, chocolate tan chảy, và nến cũng tắt những giọt sáp sau cuối. Tình yêu cũng vậy, tan vào hư vô của đời sống con người buồn vốn hữu hạn và nhiều biến động". Tạo hóa cho con người gặp gỡ rồi nảy sinh tình cảm, nhưng không được lụy. "Khi em chạm phải một nỗi buồn" bao gồm hơn 50 câu chuyện khác nhau, mỗi câu chuyện đều xoay quanh đời thường, về người già, trẻ nhỏ, cách người ta đối xử với nhau ở đời, cách người ta vui, cách người ta đối mặt với muộn phiền. Chương Đặng có cái nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Thế hệ nào cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình. Ai cũng mang nỗi niềm riêng, đôi lúc mông lung mơ hồ, ngớ ngẩn. Anh Chương Đặng tìm niềm vui cho mình từ những thói quen nhỏ, là "Thêm 30 giây vào mọi thứ" để quan sát màu nắng, ngắm nhìn bầu trời cao, mặt đất hiền hòa. Bấy nhiêu thôi đủ cho một tâm hồn vụn vỡ khép lại, đủ cho một trái tim nhiệt huyết chuẩn bị bước vào đời tiếp thêm sức mạnh. Khi chạm đến một nỗi buồn, ta học được cách tự mình vượt qua. Khép lại trang sách cuối cùng, trong tim tôi còn đọng lại âm vang, một chút dịu dàng, một chút chân tình. Anh hướng con người đến thiện lương, giúp ta hiểu được nhiều thứ, trau dồi bản thân và thoải mái với cuộc sống hiện tại. Thế gian vội vã, hãy dành thời gian để yêu thương, trân trọng người bên cạnh mình.