Khi Cảm Xúc Vượt Quá Giới Hạn Thể loại: Tản văn Tác giả: Đông Tàn [Thảo luận - Góp ý] - Tuyển Tập Sáng Tác Của Các Tác Giả Bang Land of Oblivion Có một giai đoạn dài nó rơi vào trạng thái vượt quá giới hạn của cảm xúc. Đó là lúc nó chẳng còn biết buồn vui hay tức giận. Là lúc thay vì phải bật khóc nó lại nhoẻn miệng cười, lẽ ra nó phải giận dữ, hét ầm lên, hay ném cái gì đó vào tường như thường lệ thì nó lại im lặng. Phải chăng lúc đó nó đã quá mệt mỏi với những cảm xúc, trái tim nó đã mất dần đi sự nhạy cảm. Mọi thứ đối với nó chỉ là sự thoáng qua. Nó chẳng bận tâm đến điều gì và cũng chẳng cần ai bận tâm đến nó. Lúc đó nó thấy cuộc đời nó có quá nhiều điều ngoài ý muốn và đang dần dần trở thành điều hiển nhiên. Nó chấp nhận mọi thứ với một tiếng thở đầy trống rỗng. Đôi lúc nó hay làm quá cảm xúc của chính mình. Bị bỏng nhẹ nhưng nó lại hét ầm lên, khóc lóc um trời. Không phải vì đau, nóng, rát, thật ra thì cũng đau đấy, nóng đấy, rát đấy, nhưng nó làm quá lên chỉ vì muốn ai đó quan tâm nó, dỗ dành nó thôi. Nhưng khi nó chỉ còn lại một mình thì nó tự hỏi: Khóc cho ai xem? Hét có ai hay? Nó ôm lấy vết thương, nghe phần da thịt đang đỏ lên kia nóng rát, đau nhói. Nó muốn khóc để xua đi cơn đau rát nhưng nước mắt chẳng thể rơi, đành lặng lẽ cười, cười cho cơn đau qua nhanh. Nếu một ngày nào đó nó lại bỏng, chắc nó sẽ chỉ nhoẻn miệng cười bởi có gì to tát đâu, đâu phải lần đầu. Nó quen rồi. Một hôm nó lạc đường, xe buýt chuyến cuối đã đi mất, trong túi chẳng còn mấy đồng nhưng điện thoại vẫn đầy pin. Nó muốn gọi cho ai đó, một người nào đó có thể đến đón nó về, nhưng nó dò hết cái danh bạ dài dặt rồi đành ngậm ngùi cất điện thoại vào trong. Trong rất nhiều số lưu trong điện thoại nó không tìm thấy tên ai cả. Nó muốn gọi về cho cha nhưng nó sợ lại làm cha lo lắng, mẹ phát hoảng. Nó muốn gọi cho bạn bè nhưng nó sợ nhận được một lời từ chối. Nó cứ bước đi trên đường một cách không rõ ràng. Chiếc giày thường ngày vốn quen thuộc lại đang làm đau nó, đôi chân thường ngày chống đỡ cho nó lại sắp không trụ nổi. Nó ngồi gục giữa đường. Nó chợt muốn như một đứa trẻ, ngửa mặt lên trời khóc thật to, thật thật to. Nhưng may mắn sao nó đã không làm điều đó. Một đứa trẻ khóc to vì nó biết có người yêu thương nó đang ở kề cận bên nó. Chỉ cần người thương nó nghe thấy tiếng nó khóc sẽ chạy đến ôm lấy nó. Nhưng giờ đây, xung quanh nó chẳng có ai quen. Cho dù nó khóc đến lạc giọng cũng sẽ chẳng có ai ôm nó. Có thể nó sẽ nhận được vài cái nhìn thương hại, hay những lời xì xầm, những tiếng cười chê. Nó đứng lên và đi tiếp. Nó cứ đi và cứ cười. Nó không hiểu sao nó lại cười. Có cái gì đáng cười. Thì ra là đời nó buồn cười đến thế. Cuối cùng, nó vẫn có thể tự đi đến nơi cần đến, tìm được chuyến xe cuối cùng khác để có thể về nhà, dù là đường vòng. Nó ngồi trên xe buýt, tựa đầu vào cửa sổ nhìn ra trời đêm lạnh lẽo. Trong chiếc xe chỉ có nó, bác tài xế và cô tiếp viên. Cả ba đều im lặng, chỉ có tiếng radio đều đặn chuyện trò. Nó nhắm hờ mắt, thở ra nhè nhẹ. Sau này, mỗi lần lạc, nó chẳng còn hoảng loạn hay cố tìm ai đó trong danh bạ để gọi. Nó có thêm một thói quen lạ, hễ lạc đường là lại tắt điện thoại. Vào một buổi sáng sớm nào đó, nó nhận được điện thoại báo tin ông nó mất. Nó chỉ dạ dạ rồi tắt điện thoại. Ba giờ sáng, nó ngồi xếp quần áo chuẩn bị về quê. Khi trời sáng nó vẫn thản nhiên đến lớp. Hết tiết nó xuống phòng giáo vụ xin một tờ giấy nghĩ phép về quê để dự đám tang ông. Thầy giáo đã không ký vào giấy xin phép cho nó. Nó không nói thêm gì, bình thản cầm tờ giấy bước ra khỏi phòng. Nó không nhớ nó ném tờ giấy đó ở đâu. Nó chỉ nhớ nó nhắn lại với đứa bạn mấy lời rồi đi về quê. Nó về đến nhà, nhìn thấy ông nằm đó, trong chiếc quan tài lạnh. Nó lặng lẽ thấp mấy nén nhang rồi quỳ lạy tiễn biệt ông. Nó vào nhà chào hỏi mọi người, phụ giúp mọi người trong nhà, sắp xếp bớt được việc nào hay việc ấy. Từ lúc ông đổ bệnh đến mất chóng vánh chỉ có vài tháng nên ai trong gia đình đều đau lòng, khóc đến ngã quỵ. Nhưng nó vẫn bình thản, một giọt nước mắt cũng chẳng rơi. Có lẽ vì thế mà thầy giáo đã không ký vào giấy xin phép của nó, cũng vì thế mà bạn bè chỉ ừ ừ cho có thôi chứ có đến mười phần chẳng tin lời nó bởi chẳng có đứa nào chia buồn với nó cả. Khi mọi việc đã dần ổn thỏa, nó ngồi một mình bên quan tài của ông, đốt những tờ giấy màu vàng mà người ta gọi là tiền vàng âm phủ. Đêm đen kịch, tiếng mũi, tiếng côn trùng râm rang. Nó tựa đầu vào quan tài của ông mà khóc. Nó có trái tim mà, nó thương ông mà, thương nhiều lắm. Nó chẳng biết làm sao để nói cho ông biết nó thương ông nhiều đến nhường nào. Nó khóc đến khi tiếng gà ngoài kia cất tiếng gáy. Nó nhường vị trí ngồi cạnh quan tài lại cho một đứa em khác rồi lặng lẽ vào trong. Căn nhà của ông chẳng mấy rộng, người người vẫn đang bận rộn chuẩn bị cho tang sự, nhưng nó lại cảm thấy lạc lõng đến vô cùng. Nó lủi thủi bước trong thứ ánh sáng mơ hồ khi trời vừa hửng sáng. Nó chợt tủi thân đến cùng cực. Nhưng rồi nó lại quẹt nhanh nước mắt, gắn lên một gương mặt bình thản đến lạnh lùng. Sẽ chẳng có nỗi đau nào, đau hơn nỗi đau của nó ở hiện tại. Nó trải qua rất nhiều thứ tồi tệ, để rồi vào một ngày nào đó, khi chuyện tồi tệ lại xảy ra với nó, nó lại nhoẻn miệng cười: "Điều tệ nhất mày cũng vượt qua được, điều này có xá gì." Nó nói thế thôi chứ nó chẳng nhớ điều nào mới là điều tệ nhất. Có khi điều nó đang trải qua mới là điều tệ nhất. Rồi nó lại bảo với nó rằng: "Chẳng có điều nào tệ hơn có thể đến nữa đâu." Nó cứ xoay vòng như thế. Nó cứ thế mạnh mẽ đối diện với cuộc đời. Phải chăng khi quen với cái đau thì người ta không còn khóc nữa, quen với những chuyện bực mình thì không còn bực nữa, đã quen với một mình sẽ chẳng còn cảm thấy cô đơn, quen với sự chay lì thì trái tim thôi nhạy cảm, quen với mọi thứ quá bất ngờ thì chẳng còn biết sốc là gì? Quen quá rồi thì bắt đầu nhàm chán? Nhàm chán rồi thì xem như không, không có chuyện gì nữa cả? Nó lại nhoẻn miệng cười. Hết.