Khí áp là gì? Tại sao lại có khí áp?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Spark, 23 Tháng năm 2021.

  1. Spark

    Bài viết:
    33
    Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các đặc tính của thành phần tự nhiên "Khí áp" với các nội dung chính sau:

    1. Khí áp là gì? Tại sao lại có khí áp?
    2. Các yếu tố ảnh hưởng tới khí áp.
    3. Khí áp sinh ra gió.
    4. Mô tả sự phân bố của các đai khí áp và các loại gió trên Trái Đất.

    Cùng tìm hiểu nội dung từng phần ngay sau đây nhé!

    1. Khí áp là gì? Tại sao lại có khí áp?


    Khí áp, hay còn gọi là Áp suất khí quyển, Áp suất không khí.

    Khí áp là sức nén của không khí lên bề mặt Trái Đất.

    Có khí áp vì không khí có trọng lượng. Trọng lượng của không khí tuy nhẹ (một lít không khí chỉ có trọng lượng trung bình là 1, 3g), nhưng tầng khí quyển của chúng ta rất dày (trên 60.000km), nên trọng lượng của tầng khí quyển – không khí cũng gây ra sức ép rất lớn lên bề mặt Trái Đất.

    Các đai khí áp được chia thành hai loại: Đai áp cao và đai áp thấp.

    Đai áp cao được hiểu là nơi có sức ép của không khí lên bề mặt Trái Đất lớn hơn đáng kể so với các khu vực khác.

    Ngược lại, đai áp thấp được hiểu là nơi có sức ép của không khí lên về mặt Trái Đất nhỏ hơn đáng kể so với khu vực khác.

    2. Các yếu tố ảnh hưởng đến khí áp.


    Các nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi khí áp.

    · Khí áp thay đổi theo độ cao: Càng lên cao không khí càng loãng và sức nén càng nhỏ nên khí áp giảm. Và ngược lại càng xuống thấp sức nén càng nặng dẫn đến khí áp tăng.

    · Khí áp thay đổi theo nhiệt độ: Khi nhiệt độ giảm, không khí bị co lại, trọng lượng riêng của không khí tăng dẫn đến khí áp tăng. Và ngược lại, nhiệt độ tăng, không khí nở ra, trọng lượng riêng của không khí giảm thì khí áp thấp.

    · Khí áp thay đổi theo độ ẩm: Không khí chứa hơi nước nhẹ hơn không khí khô. Khi nhiệt độ cao, hơi nước bốc lên nhiều, các phân tử nước chiếm dần chỗ của không khí khô và làm cho trọng lượng không khí giảm dần, dẫn đến sức nén giảm và khí áp giảm, điều này xảy ra ở vùng áp thấp xích đạo. Và khi độ ẩm giảm xuống, khí áp tăng cao.

    3. Khí áp sinh ra gió


    Gió là những luồng không khí chuyển động với quy mô lớn trên bề mặt Trái Đất. Nguyên nhân khiến các khối không khí này dịch chuyển là do sự chênh lệch áp suất không khí giữa các vùng khí áp. Các khối không khí này di chuyển từ vùng có khí áp cao đến vùng có khí áp thấp.


    [​IMG]

    Hiểu nôm na rằng ở các vùng khí áp cao, không khí "đặc" hơn và nặng hơn, trong khi không khí từ các vùng áp thấp lại "loãng" hơn và nhẹ hơn, nên mới xảy ra hiện tượng các khối không khí ở nơi áp cao "xâm nhập" vào khối áp thấp, tạo ra hiện tượng tự nhiên là gió.

    4. Mô tả sự phân bố của các đai khí áp và gió Tín phong, gió Tây ôn đới trên Trái Đất.



    [​IMG]

    Các đai khí áp

    Trên trái đất có 7 đai khí áp cao và thấp xen kẽ nhau

    - Hai đai áp cao ở hai cực Bắc – Nam: Do nhiệt độ không khí rất thấp, quanh năm băng giá, vì vậy không khí ở hai cực được "nén" lại rất nhiều, trọng lượng riêng của không khí cao, gây ra sức ép lớn, tạo thành khí áp cao.

    - Hai đai áp cao ở khu vực vĩ tuyến 30 – 35 độ Bắc và Nam: Do nhiệt độ vùng xích đạo cao, khiến không khí nở ra, nhẹ hơn và bốc lên cao rồi tỏa nhiều ra hai bên Nam và Bắc bán cầu, những khối không khí này di chuyển lên các vĩ tuyến cao hơn, gặp lạnh và dần co lại, nén xuống vùng không khí ở các vĩ tuyến 30 và 35 độ.

    - Hai đai áp thấp ôn đới ở khoảng vĩ tuyến 60 độ Bắc và Nam: Do không khí từ hai đai áp cao cực và áp cao chí tuyến dồn tới.

    - Đai áp thấp xích đạo: Do nhiệt độ không khí cao, không khí nở ra và bốc lên cao, tạo thành áp thấp xích đạo.


    Gió Tín phong:

    Gió Tín phong hay còn gọi là gió mậu dịch, là loại gió thổi quanh năm theo 1 chiều từ các vĩ tuyến 30 – 35 độ Bắc và Nam về xích đạo. Đây là loại gió sinh ra từ chênh lệch áp suất khí quyển giữa hai áp cao chí tuyến và áp thấp xích đạo.

    Gió Tây ôn đới:

    Là loại gió quanh năm thổi từ các vĩ tuyến 30 – 35 độ Bắc - Nam (nơi có áp cao chí tuyến) về khoảng vĩ tuyến 60 độ Bắc – Nam (nơi có áp thấp ôn đới)

    Do sự tự quay của Trái Đất, các hướng gió Tín phong và gió Tây ôn đới không di chuyển thẳng theo các đường kinh tuyến, mà cong lệch về phía tay phải ở nửa cầu Bắc và về phía tay trái ở nửa cầu Nam theo hướng chuyển động.

    Xem thêm: Vì sao các ngôi sao lại nhấp nháy?
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng năm 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...