Xin chào các anh chị và các bạn. Hôm nay Mộng Huyền lại chép đôi bài thơ đều tả quang cảnh nước non với cơn mưa, mà sau một hồi mây mưa vần vũ, đất trời lại hiện lên cảnh sắc trong trẻo, tươi tắn diệu kỳ. Bài đầu tiên của nhà thơ vãn Đường Thôi Đạo Dung 崔道融, tả cảnh mưa trên dòng suối. Bài thứ hai của một tác gia tiêu biểu đời Tống là Tô Thức 蘇軾, lẫy lừng vào bậc nhất với thể loại từ, tả trận mưa trên hồ mùa hạ. Cả hai nhà thơ đều có những năm du lãm miền Giang nam sơn thanh thuỷ tú. Thôi Đạo Dung từng làm huyện lệnh ở Ôn châu trước khi tránh loạn về Phúc kiến. Ông lấy hiệu là Đông Âu tán nhân 東甌散人. Còn Tô Thức, sau khi bất đồng về biến pháp ở triều đình, bị điều về Hàng châu, ông lấy hiệu là Đông pha cư sĩ 東坡居士. Giữa sơn thuỷ hữu tình, Thôi Đạo Dung và Tô Thức sống cảnh điền viên thanh đạm. Cùng thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của những vùng lân cận, thơ của hai ông có hình ảnh và giọng điệu phong phú, mượt mà. Bài thơ Khê thượng ngộ vũ kỳ nhị của Thôi Đạo Dung Nguồn: Toàn Đường thi (bản Khâm định Tứ khố toàn thư ), quyển thứ 714 Nguyên văn 溪上遇雨其二 坐看黑雲銜猛雨 噴灑前山此獨晴 忽驚雲雨在頭上 卻是山前晚照明 Phiên âm Khê thượng ngộ vũ kỳ nhị Tọa khán hắc vân hàm mãnh vũ Phún sái tiền sơn thử độc tình Hốt kinh vân vũ tại đầu thượng Khước thị sơn tiền vãn chiếu minh Dịch nghĩa Trên suối gặp mưa, bài thứ hai Ngồi xem mây đen ngậm mưa mạnh Phun tưới trước núi, chỉ mỗi nơi này còn tạnh Chợt hoảng mây mưa ngay trên đầu Thế mà trước núi, ánh nắng chiều muộn chiếu sáng Tiểu chú. Chữ sái 灑 (rưới) ở câu thứ hai có giản thể là 洒, dễ nhầm thành chữ tửu 酒 (rượu). Bài này tả cơn mưa bóng mây, tuy to ( "phun mạnh") mà thoắt đây, thoắt đấy. Vừa ngồi ung dung ở nơi tạnh ráo an toàn duy nhất xem mây đen, mưa lớn mãi đằng núi, đã phải hốt hoảng khi giông tố vụt đến ngay đầu, cùng lúc đó lại nhận ra được rằng trước núi giờ đây có ráng chiều chiếu sáng (dù ánh nắng rồi cũng tắt đi nhường chỗ cho màn đêm). Nhà thơ tả trận mưa với ý và lời ngắt quãng, nối tiếp vắt từ câu thơ này sang câu thơ khác rồi lại gián đoạn trong cùng một câu thơ gây ấn tượng dồn dập, khó lường. Người đọc vừa cảm nhận sự đổi thay bất chợt của thời tiết (và thời cuộc nữa chăng), vừa đồng cảm hai tâm trạng bất ngờ diễn ra liên tục: Hốt hoảng giữa cơn mưa gió và bừng tỉnh đón nhận ánh nắng sáng ngời ở chốn vừa mới đẫm mưa: Một thứ ánh nắng cuối ngày rực lên sau cơn mưa vừa rạng rỡ, lại dịu dàng như niềm hy vọng. Bài thơ Lục nguyệt nhị thập thất nhật Vọng hồ lâu túy thư kỳ nhất của Tô Thức Nguồn: Đông Pha toàn tập (bản Khâm định Tứ khố toàn thư ), quyển thứ 4 Nguyên văn 六月二十七日望湖樓醉書其一 黑雲翻墨未遮山 白雨跳珠亂入船 卷地風來忽吹散 望湖樓下水如天 Phiên âm Lục nguyệt nhị thập thất nhật Vọng hồ lâu túy thư kỳ nhất Hắc vân phiên mặc vị già sơn Bạch vũ khiêu châu loạn nhập thuyền Quyến địa phong lai hốt xuy tán Vọng hồ lâu hạ thủy như thiên Dịch nghĩa Tháng sáu, ngày hai mươi bẩy, ở lầu Vọng hồ (Ngắm hồ) viết lúc say, bài thứ nhất Mây đen đổ mực chưa lấp núi Mưa trắng nẩy hạt châu vào thuyền tán loạn Cuốn đất gió đến chợt thổi tan Dưới lầu Vọng hồ nước như trời. Chú thích. Vọng hồ lâu nghĩa là cái lầu để ngắm (vọng) hồ, nhưng thiết tưởng không nên hiểu đấy là một địa danh bất di bất dịch. Hai câu thơ đầu thể hiện tài năng thao lộng ngôn từ để hứng bắt cảnh tượng ngoạn mục và tái hiện cảm xúc phấn khích khác thường một cách đầy thi vị hóa, chứ không đơn thuần chỉ miêu tả một hoàn cảnh không lấy gì làm lạ lẫm. "Mây đen, mưa trắng" đã trở thành tuyệt tác của một hồn thơ nhiều lý trí mà lồng lộng men say. Hùng tráng hơn là cơn gió thình lình thốc từ mặt đất lên tận trời cao, xua tan ngay mây ám mưa rào, để rồi một quang cảnh mênh mông liền hiện ra, hay được người nhận thấy: Sắc nước hòa lẫn màu trời, lặng lẽ mà vô tận, khiến người nhìn vọng xuống và ngưỡng vọng cao xa. Cả hai bài thơ đều làm đúng thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Chúng ta thấy dáng dấp của những lời ca khoan nhặt trong những câu thơ tuân thủ niêm luật của Thôi Đạo Dung : Hắc vân hàm mãnh vũ phún sái tiền sơn / thử độc tình. Chúng ta thấy sự phân chia rạch ròi trong bài thơ của Tô Thức : câu đầu tả mây, câu thứ hai tả mưa, câu thứ ba tả gió, câu thứ ba tả toàn cảnh nước, trời. Bút pháp hai bài thơ đều phóng khoáng, giàu sức gợi : bài của Thôi thị linh hoạt về nhịp điệu, bối cảnh, bài của Tô gia đặc sắc về hoạt động, sắc thái. Thật là : thi từ hoà quyện, trong Đường có Tống, trong Tống có Đường. Quang cảnh sáng trong khi mây tan mưa tạnh kết thúc cả hai bài thơ. Nếu như sắc mây "đen" bao trùm câu thơ mở đầu, rồi cảnh mưa giông bạo liệt được khai triển liên tục sau đấy, thì mầu nắng, mầu trời, mầu nước đẹp tươi được hàm súc, khái quát trong ba chữ kết thúc mỗi bài thơ. Người ta có thể tự do mường tượng ánh nắng hồng tươi hay vàng nhạt, bầu trời, mặt nước xanh trong hoặc trắng ngần.. Khát vọng thanh bình, êm ấm cũng như tâm trạng khoan khoái, nhẹ nhàng bộc lộ khi cơn giông tố đã qua đi được khắc họa vừa mênh mang, sâu sắc, vừa bình dị, thâm trầm. Dẫu có lúc lạc quan, có hồi cam chịu, người ta vẫn nhắc nhủ một quy luật trên đời: Sau cơn mưa, trời lại sáng. Sự đột ngột của diễn biến trận mưa cũng như tâm tình người trong cuộc được hai tác giả diễn tả bằng chữ "hốt". Dường như bao phen mây mưa vần vũ, dù âm u đáng sợ, dù lạnh lẽo triền miên vẫn chỉ là một giai đoạn vụt thoáng, nhường chỗ cho thời buổi tươi sáng lâu dài: Một cảnh tượng quang đãng, thanh bình mà hùng vĩ vượt trên tất cả tao loạn tối tăm. Ảnh minh họa. Món thịt Đông pha.