Kháng sinh và những điều cần biết

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Phoenixfire, 16 Tháng chín 2018.

  1. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Khái niệm:

    Kháng sinh còn được gọi là Trụ sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn.

    [​IMG]

    Đó là những chất thiên nhiên được gây cấy từ vi sinh vật, hoặc được tổng hợp hay bán tổng hợp hóa học. Chúng có khả năng hủy diệt hoặc làm chậm lại sự phát triển và bành trướng của vi sinh vật gây bệnh. Các chất này có thể là thuốc trụ sinh (antibiotique), các sulfa (sulfamide), thuốc diệt siêu vi (antiviraux), thuốc diệt nấm (antifongiques), chất tẩy uế (desinfectants), và các loại thuốc sát trùng (antiseptiques).

    Lịch sử

    Trước đầu thế kỷ 20, các cách trị nhiễm trùng chủ yếu dựa trên các phương pháp y học dân gian. Các hỗn hợp với các đặc tính kháng khuẩn đã được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn đã được phát hiện cách đây hơn 2000 năm. Nhiều nền văn hóa cổ, bao gồm Hy Lạp cổ đại và Ai Cập cổ đại sử dụng nấm mốc được chọn lọc đặc biệt và nguyên liệu thực vật và chiết xuất để trị nhiễm khuẩn. Các quan sát gần đây hơn được thực hiện trong phòng thí nghiệm về kháng sinh giữa các vi sinh vật đã đưa đến những phát hiện về các khánh sinh tự nhiên được tạo ra từ vi sinh vật. Louis Pasteur nhận xét, "nếu chúng ta có thể can thiệp vào sự đối lập giữa các vi khuẩn được quan sát, có thể sẽ có nhiều hi vọng lớn trong các phương pháp điều trị".

    Năm 1895, Vincenzo Tiberio, nhà vật lý học ở đại học Naples đã phát hiện rằng một loại nấm mốc (Penicillium) trong nước có hoạt động kháng khuẩn tốt.

    Sau khi hợp chất hóa trị ban đầu tỏ ra có hiệu quả, những hợp chất khác cũng được theo đuổi cùng dòng điều trị, nhưng nó không được thực hiện cho đến năm 1928, khi Alexander Fleming quan sát kháng sinh chống lại vi khuẩn từ một loài nấm trong chi Penicillium. Fleming công nhận ảnh hưởng gián tiếp từ một hợp chất kháng sinh có tên là penicillin, và các tính chất kháng sinh của nó có thể được khai thác cho phương pháp hóa trị. Ban đầu ông ta miêu tả một số đặc tính sinh học của nó, và cố gắng sử dụng các điều chế thô để trị một số trường hợp nhiễm khuẩn, nhưng ông không thể thuyết phục cho việc phát triển nó trong tương lai mà không cần sự trợ giúp của các nhà hóa học đã qua đào tạo.

     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng một 2019
  2. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Một số nhóm kháng sinh quan trọng

    Các penicillin:


    Là nhóm kháng sinh đầu tiên được phát hiện ra. Ban đầu penicillin được chiết xuất từ nấm penicillin. Bây giờ penicillin được tổng hợp nhiều từ một số loại hóa chất khác. Các dòng penicillin gồm có:

    • Penicillin cổ điển: hiện chỉ sử dụng Penicillin G và penicillin V và các dẫn chất tác dụng kéo dài như Procaine Penicillin G, Probenecid Penicillin, Benzanthine Pennicillin.
    • Penicillin A hay Aminopenicillin: là penicillin bán tổng hợp gồm có ampicillin, amoxillin...
    • Penicillin M hay Penicillin kháng enzyme penicillinase: như oxacillin, methicillin, chloxacillin...
    • Penicillin phổ mở rộng hay Penicilin chuyên trị vi khuẩn nhóm Pseudomonas: gồm 2 nhóm nhỏ là carboxypenicillin (ticarcillin) và ureidopenicillin (piperacillin)
    Các cephalosporin:

    Gồm 4 thế hệ I, II, III, IV. Thế hệ I, II chủ yếu để điều trị các vi khuẩn Gram(+); thế hệ III, IV chủ yếu để điều trị vi khuẩn Gram(-).

    Các penicillin (penicillin A) kết hợp chất ức chế enzyme βlactamase: acid clavulanic, sulbactam.

    Các monobactam: như Aztreonam

    Ngoài ra, còn có các nhóm kháng sinh sau:

    • Nhóm tetracycline: gồm tetracyclin, oxytetracycline, chlorotetracycline, doxycyclin...
    • Nhóm chloramphenicol: như chlocid, chloramphenicol...
    • Nhóm macrolide: gồm erythromycin, spiramycin, azthromycin, rovamycin, tylosin...
    • Nhóm lincoxinamid
    • Nhóm aminoglycosid
    • Nhóm quinolon: ciprofloxacin, ciprofloxacin-d8, oxolinic acid, danofloxacin, enrofloxacin, difloxacin, sarafloxacin, ofloxacin, norfloxacin...
    Các Aminosid:

    Có từ nguồn gốc vi sinh, có phổ tác dụng rộng, chủ yếu trên vi khuẩn Gram(-), theo nguồn gốc vi sinh có thể chia ra:

    • Thuốc chiết xuất từ nấm Streptomyces: Streptomicin, Dihydrostreptomycin, Kanamycin, Neomycin, Paromomycin,...
    • Thuốc chiết xuất từ Microspora: Gentamicin, Sisimicin,...
    Sau này, khi thay đổi cấu trúc của các hợp chất tự nhiên nói trên, người ta thu được các thuốc bán tổng hợp như: Amikacin, Netilmicin, Dibekacin,...

    Các Chloramphenicol (hay Phenicol):

    Nhóm này bao gồm 02 kháng sinh:

    • Chloramphenicol: thường được gọi là Chlorocid, được phân lập từ nấm Streptomyces Venezaclae, nay sản xuất bằng phương pháp tổng hợp toàn phần. Có tác dụng điều trị bệnh thương hàn và sốt phát ban do Rickettsia (là tác nhân truyền bệnh rận, chấy)
    • Thiamphenicol: là dẫn chất của Chloramphenicol, khi thay thế gốc Nitro bằng gốc Metylsulfon, dung nạp tốt hơn Chloramphenicol.
    Các Tetracyclin:

    Các Tetracyclin có hoạt phổ rộng (các vi khuẩn Gram(+) và Gram(-), Rickettsia, Xoắn khuẩn,..). Chỉ định điều trị bằng cách kết hợp với các kháng sinh khác để điều trị các bệnh: Brucella, tả, sốt định kỳ, lậu cầu, giang mai, viêm đường tiêu hoá, sốt rét,...

    Các Aminoglycosid:


    Aminoglycosid là kháng sinh có hoạt phổ kháng khuẩn hẹp, tác dụng mạnh hơn trên gram âm hiếu khí, nhóm này hầu hết được thải trừ qua thận. Độc tính trên thận (gây hoại tử ống thận cấp) và thính giác (gây ù tai, điếc) nếu dùng kéo dài các thuốc của nhóm như: gentamycin, novomycin......các thuốc này hầu hết không hấp thu qua đường tiêu hóa, nếu dùng điều trị nhiễm khuẩn toàn thân thì phải dùng dạng tiêm.

    Các Lincosamid
     
    Last edited by a moderator: 17 Tháng chín 2018
  3. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Cơ chế tác động của kháng sinh



      • Ức chế quá trình tổng hợp vách của vi khuẩn (vỏ) của vi khuẩn. Các nhóm kháng sinh gồm có penicillin, bacitracin, vancomycin. Do tác động lên quá trình tổng hợp vách nên làm cho vi khuẩn dễ bị các đại thực bào phá vỡ do thay đổi áp suất thẩm thấu.
      • Ức chế chức năng của màng tế bào. Các nhóm kháng sinh gồm có: colistin, polymyxin, gentamicin, amphoterricin. Cơ chế làm mất chức năng của màng làm cho các phân tử có khối lượng lớn và các ion bị thoát ra ngoài.
      • Ức chế quá trình sinh tổng hợp protein.
        • Nhóm aminoglycosid gắn với receptor trên tiểu phân 30S của ribosome làm cho quá trình dịch mã không chính xác.
        • Nhóm chloramphenicol gắn với tiểu phân 50S của ribosome ức chế enzyme peptidyltransferase ngăn cản việc gắn các acid amin mới vào chuỗi polypeptide.
        • Nhóm macrolides và lincoxinamid gắn với tiểu phân 50S của ribosome làm ngăn cản quá trình dịch mã các acid amin đầu tiên của chuỗi polypeptide.
      • Ức chế quá trình tổng hợp acid nucleic.
        • Nhóm refampin gắn với enzyme RNA polymerase ngăn cản quá trình sao mã tạo thành mRNA (RNA thông tin)
        • Nhóm quinolone ức chế tác dụng của enzyme DNA helicase làm cho hai mạch đơn của DNA không thể duỗi xoắn làm ngăn cản quá trình nhân đôi của DNA.
        • Nhóm sulfamide có cấu trúc giống PABA (p aminobenzonic acid) có tác dụng cạnh tranh PABA và ngăn cản quá trình tổng hợp acid nucleotid.
        • Nhóm trimethoprim tác động vào enzyme xúc tác cho quá trình tạo nhân purin làm ức chế quá trình tạo acid nucleic.
    Bởi vì quá trình kháng kháng sinh của vi khuẩn ngày càng trở nên phức tạp và theo diễn biến ngày càng nguy hiểm, nên việc tìm kiếm các loại kháng sinh mới đang là vấn đến được ưu tiên cấp bách đối với các nhà phát triển thuốc. Việc nghiên cứu và đưa ra thị trường một loại thuốc mới mất rất nhiều thời gian do đó việc sử dụng hợp lý các loại kháng sinh đang có hiện tại là một vấn đề đang được nhắc đến trong nhiều hoạt động điều trị hiện hay.
     
    Last edited by a moderator: 17 Tháng chín 2018
  4. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Hiện tượng kháng kháng sinh là gì?

    Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn không bị diệt bởi thuốc kháng sinh, chúng vẫn tồn tại, sinh sản ra những thế hệ con cháu không có tính cảm ứng (sensible) với 1 hay với nhiều loại thuốc kháng sinh nào đó.

    Tại sao hiện tượng nhờn thuốc có thể xảy ra?

    [​IMG]

    Có rất nhiều nguyên nhân, như sử dụng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi, không đúng cách, không tôn trọng liều lượng và thời gian trị liệu cũng như không chịu uống cho hết số thuốc như bác sĩ đã kê toa. Ngoài ra việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi thú y, canh nông và ngư nghiệp cũng góp phần không nhỏ trong sự hình thành của hiện tượng kháng kháng sinh ở người. Cuối cùng là vấn đề dùng các chất diệt khuẩn (nettoyant antibactérien) để chùi rửa quá thường xuyên, không đúng chỉ dẫn cũng có thể giúp sản sinh ra những dòng vi khuẩn có tính kháng thuốc. Y, nha, dược sĩ, thú y sĩ và bệnh nhân đều có trách nhiệm trong vấn đề kháng kháng sinh.

    Kháng thuốc xảy ra như thế nào?

    Vi khuẩn tiếp nhận tính kháng thuốc từ nhiều ngõ. Từ các vi khuẩn khác có mang sẵn tính chất này, hoặc do hiện tượng ngẫu biến (mutation) tự nhiên. Phải chăng đây là 1 hiện tượng thiên nhiên nhằm để bảo vệ sự sống còn của một sinh vật? Tính đề kháng được gắn trên di thể (gène) của vi khuẩn, hoặc cũng có thể nằm trong những đơn vị phụ thuộc của nhiễm sắc thể (chromosome), gọi là những plasmides. Đây là những vòng DNA cực nhỏ và di động. Khi vi khuẩn chết đi, các plasmides này sẽ được thải vào môi sinh, và từ đó nhiễm vào các vi khuẩn khác. Còn đối với siêu vi (virus), khi sinh sản (gọi là làm réplication), chúng cần phải xâm nhập vào vi khuẩn để trích lấy plasmides và đem truyền sang cho những vi khuẩn khác.

    Tại sao vi khuẩn kháng được thuốc?

    Hiện tượng kháng thuốc có thể xảy ra theo một trong những cơ chế sau đây.

    1. Làm thay đổi mục tiêu tác động (site d'action) của thuốc trên vi khuẩn. Ví dụ làm thay đổi protein trên vi khuẩn mà thuốc Pénicilline sẽ bám vào để tác động. (Penicilline vs Streptococcus pneumoniae).
    2. Vô hiệu hóa thuốc bằng enzyme bêta lactamase. (Penicilline vs Staphilococcus aureus).
    3. Làm giảm độ thẩm thấu của màng tế bào vi khuẩn nên thuốc không tác động được. (Gentamycine vs Pseudomonas aeroginosa).
    Một số vi khuẩn kháng thuốc tại Canada
    • Staphylococcus aureus kháng Methicilline
    • Enterococcus kháng Vancomycine
    • Klebsiella pneumoniae / beta lactamase à spectre étendu (BLSE) résistants.
    • Eschericia coli /BLSE résistants.
    • Salmonella
    • Shigella
    • Gonocoques kháng Fluoroquinolone.
    • Streptococcus pneumoniae résistant à la Pénicilline (SPRP)
    • Tuberculose résistante à l'Isoniaside et à la Rifambine.
    Sự sang nhượng tính kháng thuốc: Hiện tượng đáng ngại. (tranfert de résistance)

    Có bằng chứng cho thấy vi khuẩn mang tính kháng thuốc có thể vượt hàng rào chủng loại (barrière d'espèce) để truyền tính này sang cho những vi khuẩn của 1 chủng loại khác, thí dụ vi khuẩn gốc ở thú vật truyền tính đề kháng sang cho vi khuẩn gốc ở người chẳng hạn. Ngoài ra, cũng cần nói thêm là đa số thuốc kháng sinh bên thú y đều có cùng 1 cơ cấu hóa học như những thuốc đồng loại bên người. Bởi lý do này, cho nên khi 1 vi khuẩn đề kháng với 1 loại thuốc thú y thì nó cũng có thể đồng thời đề kháng với các loại thuốc cùng nhóm bên người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng chín 2018
  5. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Thuốc kháng sinh nhìn từ phía y khoa
    Năm 1954 Hoa Kỳ chỉ sản xuất có 2 triệu cân thuốc kháng sinh. Ngày nay số sản xuất đã tăng vọt lên trên 50 triệu cân/ năm. Theo The Centers for Disease Control& Prevention (CDC) Hoa Kỳ cho biết, có thể nói là có trên 50% toa kháng sinh do bác sĩ kê cho bệnh nhân đều không cần thiết và không xác đáng vì được kê ra để chữa trị những bệnh do virus như ho hen cảm cúm. Được biết là thuốc kháng sinh chỉ có công hiệu để trị những bệnh cảm nhiễm do vi khuẩn gây ra mà thôi. Cơ quan Y tế Canada cũng đưa ra một nhận định như trên. Ngày nay, một số lớn vi khuẩn không còn cảm ứng với các loại thuốc kháng sinh cũ thường được sử dụng từ trước tới nay.

    Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, tác nhân của viêm phổi và viêm màng não đã không còn cảm ứng với Pénicilline và 1 số thuốc khác. Vancomycine là kháng sinh đặc trị vi khuẩn Staphylococcus aureus, giờ thì nó không còn hữu hiệu nữa. Các vi khuẩn như Enterococcus faecalis, Mycobacterium tuberculosis, Pseudomonas aeruginosa đều đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh. Tử vong của bệnh lao phổi trước đây đã giảm thiểu ở các quốc gia Tây phương, nay có khuynh hướng gia tăng trở lại. Cơ quan Y Tế Thế giới (OMS) cho biết các chủng vi khuẩn bệnh lậu mũ (gonorrhea) gốc Á châu và Phi châu ngày nay đã thấy xuất hiện khắp thế giới. Tình trạng nhiễm trùng hậu giải phẫu tại các bệnh viện Canada là một vấn đề thật đáng ngại, trong đó nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus là 1 trong nhiều loại vi khuẩn thường gặp nhất. Gần đây Clostridium difficile, vi khuẩn gây viêm ruột xảy ra trong các bệnh viện cũng có gia tăng lên nhiều.

    Thuốc kháng sinh nhìn từ phía thú y
    Thuốc kháng sinh dược dùng để phòng và trị bệnh gia súc, nhưng phần lớn trên 90 % thuốc được sử dụng như những chất kích thích tăng trưởng (growth promoting) trong chăn nuôi và ngư nghiệp. Thuốc kháng sinh được trộn vào thức ăn hỗn hợp với những nồng độ thật thấp (sous thérapeutique) để giúp thú mau lớn và tăng trọng nhanh. Kỹ nghệ nuôi cá salmon vùng ven biển Vancouver, Canada cũng áp dụng phương pháp này. Việc sử dụng quá bừa bãi thuốc kháng sinh từ mấy chục năm nay đã làm phát sinh ra rất nhiều chủng vi khuẩn mang tính kháng thuốc. Vi khuẩn Salmonella đã đề kháng cùng một lúc với thuốc Ampicilline, Chloramphenicol, Streptomycine, và Tétracycline. Vào cuối thập niên 90, tại Anh quốc vi khuẩn Salmonella typhimurium DT 104 đã hoành hành dữ dội trong chăn nuôi. Một thời gian sau đó, người ta đã phát hiện những vi khuẩn này ở người và điều tai hại nhất là chúng đã đề kháng với nhiều loại thuốc kể cả với thuốc Trimethoprim sulfa và Fluoroquinolone. Năm 1985, tại Californie trên 1000 người đã ngã bệnh vì ăn phải hamburger có nhiễm khuẩn Salmonella newport đề kháng với nhiều loại thuốc.... Ngày nay các vi khuẩn thông thường của đường ruột như Entérobacter, Campylobacter, và E.coli 0157: H7 (bệnh Hamburger) cũng đã đề kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh.

    Ăn thịt chứa chất tồn dư kháng sinh có hại không?
    Câu hỏi này thường được mọi người nêu ra. Trên lý thuyết chúng ta nên tránh dùng thịt có chứa chất tồn dư (résidu) kháng sinh. Thực tế rất khó thực hiện, ngoại trừ trường hợp mình tự nuôi lấy súc vật để làm thịt. Thịt có tồn dư kháng sinh có thể gây hại cho sức khỏe như:

    • Gây dị ứng. Ví dụ Penicilline sẽ chuyển thành acide Pénicilline là 1 chất dị ứng (allergène), tuy nhiên cũng rất hiếm thấy xảy ra.
    • Tạo ra những chủng vi khuẩn mang tính kháng kháng sinh sau này.
    • Một vài loại thuốc kháng sinh trong chăn nuôi bị nghi ngờ là có thể gây ung thư (carcinogène). Thuốc kháng sinh Carbadox (Mecadox) thường được sử dụng để trị tiêu chảy ở heo con và cũng đồng thời giúp chúng không bị mất sức giảm cân trong lúc lẻ bầy. Thuốc cho thấy gây ung thư ở chuột trong phòng thí nghiệm, bởi vậy để ngừa nguy cơ này ở người dùng thịt heo, thời gian ngưng thuốc Carbadox trước khi gởi heo đi hạ thịt phải trên 42 ngày để thịt không còn chứa chất tồn dư. Một số Quốc gia như Anh và Úc châu đã cấm sử dụng. Bộ Y tế Canada mới đây cũng ra quyết định cấm bán Carbadox.
    Phải chăng tất cả vi khuẩn đều có hại ?
    Thật ra không phải vi khuẩn nào cũng đều có hại cả. Có loại vi khuẩn hiền sống trong ruột và trên da của chúng ta. Chỉ có những loại vi khuẩn xấu mới làm chúng ta bệnh. Khoa học gọi chúng là những pathogènes. Khi chúng ta sử dụng các chất diệt khuẩn để chùi rửa, tất cả vi khuẩn tốt lẫn vi khuẩn xấu sống trên da đều bị diệt hết. Nếu chỉ dùng savon thường để rửa thì vi khuẩn tốt không hề hấn gì nhưng ngược lại vi khuẩn xấu sẽ dễ dàng bị loại đi. Vậy tốt nhất là nên xài savon loại thường và tránh bớt việc dùng các loại savon diệt khuẩn (savon antibactérien). Đây là 1 trong nhiều cách để ngăn chận phần nào sự xuất hiện của những vi khuẩn kháng thuốc.

    Ai ít sử dụng kháng sinh thì khỏi phải lo sợ hiện tượng nhờn thuốc?
    Vấn đề ở đây không phải là bệnh nhân kháng thuốc, nhưng chính vi khuẩn mới thật sự là đối tượng nhờn thuốc. Vi khuẩn kháng 1 loại thuốc nào đó khi chất này không đủ sức để diệt được nó. Vi khuẩn mang sẵn tính kháng thuốc có thể nhiễm vào môi sinh, vào nguồn nước cũng như vào bất luận 1 loại thức ăn thức uống nào đó. Vấn đề thịt chứa chất tồn dư kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc. Luật thú y Canada đã quy định rõ rệt thời gian bắt buộc phải ngưng chữa trị súc vật (période de retrait, withdrawal period) bằng kháng sinh truớc khi gởi đến nhà máy để hạ thịt. Thời gian này dài hay ngắn tùy theo loại thuốc sử dụng. Test thử nghiệm (Cast test, Stop test, DSSP) sự hiện diện của chất kháng sinh trong thịt vẫn thường được thực hiện thường xuyên tại lò sát sinh.

    Phương pháp duy nhất làm dịu bớt triệu chứng đau cổ họng và các cơn ho kéo dài lâu ngày là nên uống kháng sinh?
    Trong thực tế phần lớn trường hợp trên lúc bị cảm cúm đều có nguyên nhân là virus, cho nên uống kháng sinh không có hiệu quả được. Bác sĩ có thể chẩn đoán tác nhân gây bệnh, do virus hay do vi khuẩn Streptococcus bằng cách cho thử nghiệm và cấy vi khuẩn (làm culture). Các cơn ho kéo dài lâu ngày 2-3 tuần thường là do virus gây ra (ví dụ viêm phế quản do siêu vi, bronchite virale). Bác sĩ có thể cho chụp hình X ray và kê toa kháng sinh nếu cần. Chỉ có bác sĩ mới có thẩm quyền chuyên môn cho phép uống hay không cần uống kháng sinh.

    Những người ăn chay, không ăn thịt thì không phải lo ngại đến hiện tượng kháng thuốc?
    Điều này sai. Các loại vi khuẩn gây bệnh có mang sẵn tính kháng thuốc có thể đã hiện diện trong rau củ hoa quả rồi. Phân súc vật là nguồn lây nhiễm chính.

    Nếu nấu thịt cho thật chín có nghĩa là tôi sẽ loại được tất cả vi khuẩn mang tính kháng thuốc?
    Không hoàn toàn đúng như vậy. Sự nấu chín không đồng nghĩa với sự tiệt trùng (stérilisation). Một số vi khuẩn sống sót vẫn có thể làm hại ta như thường. Bên cạnh vấn đề vi khuẩn, thịt cũng có thể chứa các chất tồn dư kháng sinh nữa.

    Toa ghi rõ uống 4 viên kháng sinh 1 ngày, nhưng ta chỉ cần uống 2 viên là đủ rồi?
    Không nên làm như vậy. Cần phải tôn trọng liều lượng và thời gian trị liệu. Khoảng cách giữa các liều uống có mục đích đảm bảo trong máu lúc nào cũng phải có 1 nồng độ thuốc cần thiết. Việc không tôn trọng liều lượng sẽ làm trị liệu không kết quả và có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc sau này... Bệnh nhân cần uống cho đúng cách, đúng liều, uống liên tục cho đến khi hết thuốc. Đây là điều tối quan trọng để bảo vệ sức khỏe không những cho riêng cá nhân mình, mà còn cho cả những người trong gia đình và cho cả súc vật nuôi trong nhà nữa.

    Kháng sinh còn dư trong lọ có thể để dành sử dụng lại sau này, hoặc để cho người khác?
    Không nên. Điều quan trọng là phải uống thuốc như toa đã ghi mới có thể hết bệnh được. Uống không hết thuốc, một số vi khuẩn vẩn có thể còn sống sót và trở nên kháng thuốc sau này. Tình trạng bệnh của mỗi người mỗi khác. Mỗi loại kháng sinh đều có chỉ định đặc biệt để trị một hay nhiều loại vi khuẩn nào đó. Đem thuốc dư của mình cho người khác là không đúng. Thuốc dư, thuốc cũ quá thời hạn sử dụng không nên vứt bỏ vào thùng rác, và cũng không cho vào toilette vì chúng có thể làm ô nhiễm nguồn nước và có thể làm xuất hiện tính kháng thuốc ở 1 số vi khuẩn sống trong môi trường. Cách tốt nhất là đem thuốc cũ đến các dược phòng để nhờ họ gởi đi hủy bỏ 1 cách an toàn.

    Chúng ta không nên lo sợ tình trạng kháng kháng sinh vì có rất nhiều loại thuốc trên thị trường?
    Điều này không hoàn toàn đúng. Các loại vi khuẩn gây bệnh không những chỉ đề kháng với một thứ kháng sinh, nhưng chúng cũng có thể kháng cùng 1 lúc với nhiều loại thuốc khác nhau. Số thuốc kháng sinh trong kho tàng trị liệu sẽ trở nên khan hiếm và đắt tiền hơn.

    Kết luận
    Hiện tượng kháng kháng sinh là một hiểm họa chung của nhân loại. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này một cách đơn thuần cục bộ được, mà phải tìm một giải pháp chung cho cả thế giới. Mọi người đều nhìn nhận là cần nên áp dụng các biện pháp như, giáo dục dân chúng, ban hành những luật lệ gắt gao để kiểm soát việc sử dụng và lưu hành thuốc kháng sinh, cánh tân hóa các bệnh viện, mở mang chuồng trại, cải tiến kỹ thuật chăn nuôi để giảm thiểu sự sử dụng kháng sinh trong việc phòng chống bệnh tật. Nhưng tất cả những điều vừa kể đều chỉ là ảo tưởng nếu không có một quyết tâm chính trị thật sự mạnh mẽ đi kèm. Chuyện không đơn giản đâu...
     
  6. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Làm thế nào để sử dụng kháng sinh một cách hiệu quả?

    4 cách để sử dụng kháng sinh một cách hiệu quả

    Kháng sinh là thuốc dùng để điều trị hoặc phòng ngừa nhiễm khuẩn bằng cách ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn - một loại vi sinh vật đơn bào. Các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp gồm có "bệnh tiêu chảy ở khách du lịch - traveler's diarrhea" (thường do khuẩn E. coli - Escherichia Coli - nhóm vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của con người và động vật. Có nhiều loại E. coli nhưng có thể nói phần lớn là vô hại gây ra), nhiễm khuẩn "staph" (thường do khuẩn Staphylococcus aureus gây ra), và "viêm họng liên cầu khuẩn" (do nhóm vi khuẩn Streptococcus gây ra). Trong khi đó, bạn có thể mua kem kháng sinh ở dạng không kê toa thoa ngay tại chỗ bị thương ở hầu hết các hiệu thuốc, loại thuốc kháng sinh uống cần có đơn thuốc của bác sĩ. Nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ về cách uống kháng sinh để điều trị bệnh đúng cách và tránh các tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.

    Phần 1: Lên kế hoạch sử dụng uống thuốc kháng sinh

    1. Chỉ uống kháng sinh được kê riêng cho bạn

    [​IMG]

    Bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh và liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe, cân nặng và loại vi sinh vật gây nhiễm khuẩn. Điều này giúp hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ. Vì vậy, không nên uống kháng sinh không được kê riêng dựa vào bệnh lý cụ thể.

    • Hãy để bác sĩ đưa ra quyết định về phương án điều trị. Bệnh nhiễm trùng do nhiều loại vi sinh vật gây ra, bao gồm vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng và nấm như nấm men. Kháng sinh được kê đơn để điều trị nhiễm khuẩn không giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng khác.
    • Không dùng kháng sinh được kê đơn cho người khác.
    2. Cung cấp cho bác sĩ và dược sĩ thông tin về thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng đang sử dụng

    [​IMG]

    Thuốc chữa bệnh dạng kê đơn hay không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược, nguyên liệu tự nhiên, đồ uống chứa cồn hoặc thậm chí cả vitamin tổng hợp đều có thể tương tác với thuốc kháng sinh. Do đó, hiệu quả của thuốc kháng sinh hay các loại thuốc khác có thể bị ảnh hưởng nếu không cho bác sĩ biết rõ bạn đang uống thuốc gì.

    • Cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng hoặc gặp vấn đề gì khác thường với thuốc chữa bệnh, bao gồm cả kháng sinh.
    • Một số loại thuốc kháng sinh có thể khiến thuốc chữa bệnh được chuyển hóa chậm hoặc nhanh hơn bình thường. Kháng sinh có thể khiến thuốc trong cơ thể được hấp thụ kém hơn. Ngược lại, thuốc chữa bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ kháng sinh. Vì vậy, thông tin về thuốc chữa bệnh bạn đang uống có thể giúp bác sĩ quyết định lựa chọn loại thuốc kháng sinh.
    • Một số thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân giải hoặc chuyển hóa đồ uống chứa cồn. Điều này có thể gây ra triệu chứng khó chịu như buồn nôn, nôn mửa và đau đầu. Vì vậy, không nên tiêu thụ đồ uống chứa cồn khi uống kháng sinh.
    3. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm thuốc kháng sinh

    [​IMG]

    Hướng dẫn sử dụng thuốc bao gồm những thông tin quan trọng như cơ chế hoạt động của thuốc, tác dụng phụ tiềm ẩn và tương tác giữa kháng sinh với các thuốc khác. Dược sĩ sẽ cung cấp tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm khi kê đơn thuốc. Hãy liên hệ trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có thắc mắc về thông tin trên tờ đơn. Bác sĩ là người luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho bạn.

    4. Đọc kỹ nhãn trên chai thuốc

    [​IMG]

    Hãy đọc kỹ thông tin về liều lượng (mỗi lần nên uống bao nhiêu kháng sinh) và tần suất uống kháng sinh (nên uống bao nhiêu lần mỗi ngày).

    • Kháng sinh có nhiều dạng: viên nang, viên nén, viên nén nhai được và dạng lỏng. Tuy nhiên, dạng lỏng thường được kê đơn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
    • Liều dùng có thể là 1-2 viên nén/viên nang mỗi lần hoặc có thể không đều đặn. Chẳng hạn như: thuốc kháng sinh Zithromax (kháng sinh azalide ức chế protein vi khuẩn) cần được uống hai liều trong ngày đầu và một liều trong những ngày sau.
    • Tần suất uống kháng sinh được hiểu là thời gian 24 tiếng, uống mỗi 12 tiếng được hiểu là 2 lần mỗi ngày hay uống 4 lần/ngày được hiểu là mỗi 6 tiếng.
    Phần 2: Uống kháng sinh

    1. Cần theo dõi để biết khi nào cần uống liều tiếp theo

    [​IMG]

    Hãy đặt chuông báo hoặc đánh dấu trên lịch. Việc lên lịch uống kháng sinh để dễ theo dõi cùng các hoạt động hàng ngày như đánh răng hoặc đi ngủ.

    2. Lên lịch uống kháng sinh gần bữa ăn chính và bữa phụ

    [​IMG]

    Tờ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ sẽ cho biết nên uống kháng sinh sau khi ăn hay uống khi đói. Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ một số loại kháng sinh. Mặt khác, thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa đau bụng do những loại kháng sinh khác. Vì vậy, thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng sẽ lưu ý cho bạn biết cách uống kháng sinh.

    3. Cho bác sĩ biết nếu gặp khó khăn trong việc uống kháng sinh

    [​IMG]

    Không được tự ý bỏ uống kháng sinh chỉ vì không thể nuốt viên thuốc lớn hoặc thuốc dạng lỏng có vị khó chịu, kháng sinh là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh dạng khác hoặc kê một loại kháng sinh mới dành cho bạn.

    4. Không bỏ liều kháng sinh

    [​IMG]

    Trường hợp quên uống, bạn nên uống ngay khi nhớ ra. Bên cạnh đó, bạn nên chờ nếu liều quên gần với liều tiếp theo. Sau đó, tiếp tục thực hiện lịch uống kháng sinh như bình thường.

    • Liên lạc với bác sĩ nếu quên nhiều liều hoặc uống nhiều hơn liều chỉ định trong ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nên làm gì.
    • Bỏ liều khiến bạn không thể duy trì nồng độ kháng sinh trong cơ thể cho việc chữa bệnh, vi sinh vật sẽ không bị ức chế hoặc tiêu diệt đúng cách.
    5. Không uống kháng sinh quá liều

    [​IMG]

    Việc uống kháng sinh quá liều sẽ làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ. Hãy liên lạc với bác sĩ để tiếp nhận chăm sóc y tế nếu vô tình uống quá nhiều kháng sinh.

    • Không uống nhiều kháng sinh hơn liều được kê đơn trong đơn để bù lại liều quên.
    • Trong hầu hết các trường hợp, việc uống kháng sinh quá liều không gây triệu chứng nghiêm trọng nhưng có thể gây đau bụng và tiêu chảy.
    6. Uống hết liều kháng sinh được kê đơn

    [​IMG]

    Ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn, việc không uống hết liều kháng sinh cũng có thể gây kháng thuốc hoặc triệu chứng tái phát. Điều này có thể khiến bạn phải uống kháng sinh tiếp để chữa bệnh.

    • Việc uống hết liều kháng sinh giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu diệt vi khuẩn. Nếu dừng uống kháng sinh sớm sẽ khiến vi khuẩn không được loại bỏ hoàn toàn. Vi khuẩn sống sót là những vi khuẩn mạnh và khó bị kháng sinh tiêu diệt nhất. Những vi khuẩn này còn có thể thay đổi hoặc biến đổi, khiến kháng sinh trở nên kém hiệu quả khi đối phó với chủng khuẩn mới. Vi khuẩn kháng kháng sinh là vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu sử dụng kháng sinh đúng như được kê đơn sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng này.
    Phần 3: Đối phó với tác dụng phụ

    1. Báo cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ khi uống kháng sinh

    [​IMG]

    Những tác dụng phụ thường gặp gồm có đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và nhiễm trùng âm đạo. Vì vậy hãy đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm để biết tác dụng phụ cụ thể của thuốc kháng sinh. Trao đổi với bác sĩ về mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Hơn nữa, bác sĩ có thể sẽ đổi thuốc kháng sinh cho bạn.

    • Đau bụng, tiêu chảy, nhiễm trùng âm đạo và nấm miệng (mảng nấm trắng trên miệng) xuất hiện do kháng sinh tiêu diệt lợi khuẩn hay vi khuẩn bình thường cùng với vi khuẩn có hại. Các tác dụng phụ này cần được điều trị bằng loại kháng sinh khác hoặc thuốc khác. Có thể bác sĩ sẽ đề xuất sử dụng probiotic, ví dụ probiotic trong sữa chua hoặc thực phẩm chức năng để bù lại số lượng "lợi khuẩn".
    • Kháng sinh có thể ảnh hưởng đến thận, tai, gan và dây thần kinh ngoại biên (dây thần kinh không nằm trong não hoặc cột sống). Vì vậy, hãy báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng đau bụng, ù tai hoặc ngứa ran.
    2. Liên lạc với bác sĩ nếu gặp triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng

    [​IMG]

    Nếu kháng sinh khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng, hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng hoặc thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 khi ra ngoài để giảm nguy cơ cháy nắng. Một số loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc trong nhóm tetracycline, có thể gây phản ứng quang độc tính, tức da không chịu được ánh nắng. Hãy liên lạc với bác sĩ nếu gặp triệu chứng sau khi uống kháng sinh:

    • Cháy nắng quá mức
    • Ngứa ran trên da
    • Da phồng rộp sau khi tiếp xúc với ánh nắng
    • Da đổi màu
    • Lột da (da bong tróc)
    3. Gọi ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào

    [​IMG]

    Hãy cẩn thận với những dấu hiệu như ngứa, phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở. Gọi ngay cấp cứu 115 nếu nghi ngờ gặp phản ứng phản vệ - dạng dị ứng nghiêm trọng nhất – để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Triệu chứng phản ứng phản vệ gồm có:

    • Chóng mặt
    • Mất nhận thức
    • Khó thở
    • Sưng lưỡi và đường hô hấp
    • Da xanh xao
    • Phản ứng phản vệ có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong khi huyết áp tụt và suy tim.
    4. Báo ngay cho bác sĩ nếu triệu chứng không cải thiện hoặc trở nặng hơn

    [​IMG]

    Đôi khi, thuốc kháng sinh được kê đơn không phải là loại dùng để chống lại vi sinh vật gây hại trong cơ thể. Nếu triệu chứng bệnh không cải thiện khi dùng kháng sinh, hãy thông báo ngay cho bác sĩ. Dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng được điều trị không đúng cách gồm có sốt, ớn lạnh hoặc khó chịu (mệt mỏi). Vết thương trên người có thể bị đau, sưng đỏ, nóng hoặc chảy mủ.

    Phần 4: Sử dụng kháng sinh dạng kem

    1. Vệ sinh vết thương nhỏ trước khi thoa kem

    [​IMG]

    Sát trùng thật kỹ vết thương cắt nhỏ, vết trầy xước hoặc bỏng nhẹ trước khi thoa kem kháng sinh và nên thoa kem lên khi da khô, sạch.

    • Rửa sạch vết cắt hoặc trầy xước dưới vòi nước đang chảy. Có thể rửa bằng nước và xà phòng nhưng tốt nhất không nên dùng xà phòng để tránh gây kích ứng da. Dùng nhíp nhỏ gắp bỏ mảnh vỡ dính trên da (nếu có).
    • Đối với trường hợp bỏng nhẹ, hãy rửa với nước mát trong vòng 10-15 phút. Sau đó, dùng khăn sạch thấm khô nước. Không chà xát mạnh để tránh làm tổn thương da hoặc gây kích thích.
    2. Thoa kem kháng sinh hoặc thuốc mỡ không kê đơn lên vết cắt và trầy xước
    [​IMG]

    Kháng sinh dạng kem chưa được chứng minh có tác dụng giúp vết thương nhỏ lành nhanh hơn. Tuy nhiên, kem kháng sinh có thể ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách tạo rào chắn giữa vết thương và môi trường bên ngoài, khiến vi trùng khó xâm nhập vào vết cắt hoặc trầy xước.

    • Chỉ cần thoa một lớp kem mỏng. Kem kháng sinh hoặc thuốc mỡ sẽ ngăn không cho băng gạc dính vào vết cắt hoặc vết trầy xước.
    • Kem kháng sinh không kê đơn phổ biến gồm có polymyxin B sulfate (Polysporin), bacitracin và thuốc mỡ triple antibiotic (Neosporin).
    • Ngưng sử dụng kem kháng sinh nếu bị phát ban.
    • Không thoa kem kháng sinh không kê đơn lên vết cắt sâu, vết đâm, vết côn trùng cắn hoặc bỏng nặng.
    3. Thoa kem kháng sinh lên vết bỏng nhẹ

    [​IMG]

    Vết bỏng nhẹ cấp độ 1 có thể điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh, giúp dưỡng ẩm cho vết bỏng và ngăn ngừa nhiễm trùng.

    • Silver sulfadiazine là kem kháng sinh phổ biến được kê đơn trị bỏng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê một loại kháng sinh khác, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
    4. Làm theo hướng dẫn sử dụng trên thuốc hoặc hướng dẫn của bác sĩ

    [​IMG]

    Không thoa nhiều kem kháng sinh nhiều hơn chỉ dẫn. Tránh thoa quá 3 lần mỗi ngày.

    5. Tránh thoa kem kháng sinh lên vết thương phẫu thuật

    [​IMG]

    Trừ khi được sự hướng dẫn của bác sĩ, nếu không, bạn không nên thoa kem kháng sinh lên vết thương sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, kem kháng sinh có thể cản trở quá trình lành lại của vết thương. Ngoài ra, kem kháng sinh cũng có thể gây viêm da tiếp xúc – tình trạng da đỏ, đau và bị kích ứng.

    • Làm theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, thoa kem kháng sinh lên vết thương do phẫu thuật.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng chín 2018
  7. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Tìm hiểu thêm về 5 nguyên nhân khiến kháng kháng sinh ở VN ở mức cao

    Nhiều người lo ngại nếu cứ sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay sẽ đến lúc chúng ta chết trên đống thuốc vì theo thống kê 70% Người dân Việt Nam có hiểu hiện nhờn thuốc kháng sinh

    5 Lý do dẫn tới tình trạng này là:

    Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh là người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, sử dụng kháng sinh bừa bãi. Một số bệnh lý không cần kháng sinh người ta vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc

    Nguyên nhân thứ hai, theo BS Cấp cho biết việc kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh

    Đôi khi có bệnh lý nếu như được thầy thuốc theo dõi sát, bệnh nhân khám thường xuyên thì họ sử dụng kháng sinh thế hệ nhẹ, theo dõi không đỡ mới cho kháng sinh thế hệ cao

    Tuy nhiên, bác sĩ e ngại không theo dõi được ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân nên cho kháng sinh mạnh ngay từ đầu

    Không những thế, bản thân người nhà bệnh nhân sốt ruột, bệnh không đỡ đổi bác sĩ, hoặc gây sự với bác sĩ vì thế để an toàn thầy thuốc vẫn phải dùng quá lên 1 tý

    Nguyên nhân thứ ba, là nguy cơ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn trong môi trường cũng trở nên kháng kháng sinh, khi gây bệnh cho người trở thành vi khuẩn kháng kháng sinh

    [​IMG]
    Vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.

    Nguyên nhân thứ tư, tình trạng lây chéo dẫn tới 1 bệnh nhân có 1 vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác.Những bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc là họ cách ly làm ngăn chặn lan rộng vi khuẩn kháng thuốc

    Nguyên nhân thứ năm, Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc.

    Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng các kháng sinh thế hệ “cũ” (như Cephalosporin thế hệ 1,2) thì Việt Nam đã sử dụng tới những kháng sinh thế hệ “mới” (như cephalosporin thế hệ 3,4)

    Chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân

    Tổ chức Y tế thế giới đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu

    Biện pháp hạn chế kháng thuốc:

    Để hạn chế việc vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, nên sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, theo 6 nguyên tắc sau đây:

    Chỉ dùng kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm vi khuẩn (không dùng kháng sinh để điều trị bệnh do virus gây ra. Đối với vi nấm đã có kháng sinh dùng riêng cho chúng).

    Ngay từ đầu, chỉ nên dùng kháng sinh có phổ hẹp. Nên làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh cho phù hợp với cơ địa và căn bệnh.

    Khi đã chọn được kháng sinh thì phải dùng đủ liều lượng và đủ thời gian.

    [​IMG]
    Uống thuốc cần theo đúng liều, đủ lượng mới đem lại kết quả tốt nhất

    Nếu không tuân thủ thì bệnh không những không khỏi mà còn làm cho vi khuẩn kháng lại kháng sinh.

    Luôn đặt khâu tiệt trùng lên hàng đầu để tránh tình trạng lây lan chéo.

    Cách chọn kháng sinh:

    Chọn kháng sinh phổ hẹp. Dựa vào đặc tính dược động học và đặc tính của từng loại thuốc.

    BS có thể kê kháng sinh thích hợp cho căn bệnh thường gặp, có chỉ định điều trị từ trước.

    Phối hợp các thuốc kháng sinh

    Những loại bệnh nhiễm trùng như đa chấn thương, viêm tủy xương, lao thì nên phối hợp kháng sinh. Đối với vi khuẩn đa kháng thuốc thì cần kết hợp các thuốc kháng sinh.

    Tuy nhiên, khi phối hợp kháng sinh cần lưu ý: Phối hợp phải đúng, không có tương tác bất lợi. Phải tuân thủ theo đúng chỉ định và khuyến cáo của BS.
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng chín 2018
  8. Phoenixfire Silence is the most powerful scream!

    Bài viết:
    287
    Kháng sinh là các thuốc giết vi khuẩn (vi sinh mầm bệnh gây nhiễm trùng). Nhưng đôi khi không phải tất cả vi khuẩn đều ngừng phát triển hoặc chết. Những vi khuẩn mạnh nhất có thể phát triển và lây lan. Người ta có thể bị nhiễm bệnh lại. Lần này vi sinh mầm bệnh khó bị giết hơn. Càng sử dụng nhiều kháng sinh, thì vi sinh mầm bệnh càng tăng đề kháng. Điều này có thể làm cho một số bệnh rất khó kiểm soát. Nó có thể làm cho quý vị bệnh lâu hơn và phải đến khám bác sĩ nhiều hơn. Quý vị có thể cần phải dùng thuốc mạnh hơn.

    Vi khuẩn và virus là hai loại vi sinh mầm bệnh chính. Chúng gây ra hầu hết các bệnh.

    Kháng sinh có thể giết vi khuẩn, nhưng không có tác dụng với virus.

    Virus gây ra:
    • Cảm
    • Ho
    • Đau họng
    • Cúm
    • Chảy nước mũi
    • Viêm xoang
    • Viêm phế quản
    • Nhiễm trùng tai

    Những bệnh này thường tự hết. Hỏi bác sĩ xem điều quý vị có thể làm để cảm thấy khỏe hơn.
    • Nếu bị nhiễm virus, dùng kháng sinh không phải là kế hoạch hay.
    • Kháng sinh không có tác dụng với virus.
    • Nếu dùng kháng sinh khi không cần thiết, thì thuốc có thể không còn tác dụng khi quý vị cần.

    Tôi Làm thế nào để Bảo đảm Kháng sinh là Biện pháp Điều trị Tốt nhất cho Tôi?

    Phải khôn khéo trong việc sử dụng kháng sinh.

    Cần biết rằng kháng sinh có thể giúp điều trị nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn mà không phải là virus. Những điều quý vị có thể làm để bảo đảm kháng sinh sẽ có tác dụng khi cần:
    • Luôn hỏi bác sĩ của mình xem kháng sinh có phải là biện pháp điều trị tốt nhất hay không.
    • Không sử dụng kháng sinh được kê toa cho bệnh khác hoặc cho người khác.
    • Hãy bảo vệ bản thân khỏi vi sinh mầm bệnh. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và dòng nước sạch.
    • Chủng ngừa vắc-xin cúm và vắc-xin khác khi cần.

    Những câu quý vị có thể hỏi bác sĩ:
    • Tại sao tôi phải cần kháng sinh?
    • Tác dụng phụ của kháng sinh này là gì?
    • Tôi có thể làm gì để tránh tác dụng phụ?
    • Tôi dùng kháng sinh này như thế nào? Tôi có phải dùng kháng sinh vào thời gian cụ thể trong ngày không? Tôi có phải dùng kháng sinh cùng với bữa ăn không?
    • Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi dùng kháng sinh với các thuốc khác, loại thực phẩm cụ thể hoặc với rượu?
    • Tôi có cần giữ kháng sinh này trong tủ lạnh không? Có hướng dẫn bảo quản đặc biệt nào không?

    Nếu cần dùng kháng sinh, thì luôn phải báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ của quý vị biết về các thuốc hoặc các chất bổ sung khác mà quý vị đang dùng.
    Bảo đảm phải nói về mọi dị ứng với thực phẩm hoặc thuốc và mọi vấn đề về sức khỏe của quý vị.
    Và bảo đảm bác sĩ phải biết là quý vị mang thai hoặc định mang thai.

    Khi bác sĩ của quý vị kê toa kháng sinh:
    • Luôn phải dùng liều chính xác như trên nhãn. Nếu nhãn thuốc khuyên dùng vào giờ giấc cụ thể, thì phải làm như vậy.
    • Dùng thuốc cho hết thời gian quý vị được chỉ định. Bảo đảm phải dùng hết thuốc, ngay cả khi quý vị cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày.
    • Đừng bao giờ dùng kháng sinh mà không có toa. Nếu quý vị còn kháng sinh thừa từ lần trước, thì không dùng lại kháng sinh đó. Kháng sinh thừa có thể không có tác dụng với vấn đề làm cho quý vị bị bệnh.
    • Dùng kháng sinh mà quý vị không cần sẽ không giúp cho quý vị cảm thấy khỏe hơn, không chữa khỏi bệnh hoặc không ngăn ngừa được việc lây cho người khác. Nhưng dùng kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ không tốt. Tác dụng phụ thông thường là buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...