Khái quát tác giả tác phẩm văn 12

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 19 Tháng mười một 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    TÂY TIẾN

    Là một người nghệ sĩ đa tài, Quang Dũng đã chạm vào địa hạt thơ ca bằng những nét chữ rất riêng, rất tinh tế. Thơ ông vừa hồn nhiên lại vừa chứa lấy cái vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, đậm đà chất lãng mạn, và nói như Nguyễn Đình Thi, đó là thứ thơ khiến người ta "tìm ra một dòng nước mát lành giữa khốc khô cuộc chiến oanh liệt". Tây Tiến là bài thơ chảy ra từ nguồn mạch ấy, được tác giả viết vào năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ đã rời đơn vị cũ. Là một trích đoạn của tập Mây đầu ô, bài thơ khiến người ta cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến cùng những vẻ đẹp rất đỗi hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây hiện lên trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình.

    MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ TÂY TIẾN VÀ NHÀ THƠ QUANG DŨNG:

    1. Nhận xét về Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến, có ý kiến cho rằng: "Một ngọn hút đầy tài hoa vừa khắc họa được cái dữ dội, hào hùng lại vừa diễn tả được cái tươi mát, sâu lắng, đau thương mà không hề bi lụy".

    2. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng Viện Văn học cũng từng nhận xét: "Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng.. Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn," Tây Tiến "cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó."

    3. Nhà thơ Vân Long nhận xét: "Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ" Tây Tiến "hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức do biết mình được đón nhận một chân lý lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn".

    VIỆT BẮC

    Như một cánh chim bảo bão của văn học cách mạng, Tố Hữu trở thành nhà thơ của lí tưởng cộng sản, là con chim đầu đàn của nền văn học "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Thơ ông mang đậm khuynh hướng thơ trữ tình chính trị, nổi bật lên hơn cả là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Điều đặc biệt hơn nữa, đọc thơ ông, người ta cảm nhận được một màu sắc dân tộc đậm đà, với chất giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, thấm đượm dư vị của Huế ca. Bài thơ Việt Bắc được nhà thơ viết vào tháng 10/1954, khi cán bộ rời căn cứ địa Việt Bắc trở về thủ đô, giã từ mảnh đất mấy mươi năm qua "một lòng một dạ nghĩa quân dân". Đoạn trích đã toát lên vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên - cuộc sống - con người và khung cảnh kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc được tái hiện trong nỗi nhớ tha thiết và tình cảm sâu nặng của nhà thơ.

    MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀVIỆT BẮC VÀ TỐ HỮU

    1. "Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý".

    (Chế Lan Viên - Lời nói đầu tuyển tập thơ Tố Hữu )

    2. "Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực. Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc, chính là người nông dân nghèo khổ".

    (Chặng đường mới của chúng ta, 1961, Hoàng Trung Thông)

    4. "Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca".

    (Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy, Văn học, 1959, Đặng Thai Mai)

    ĐẤT NƯỚC

    "Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm, tôi mường tượng ra một phong cách thơ giàu chất suy tư, với những xúc cảm lắng đọng, tâm tự như vượt thoát khỏi trái tim để hòa chung vào lòng cuộc chiến sôi nổi của dân tộc". Một nhà thơ nào đó đã từng tâm sự như vậy: Phải! Một lời tâm sự nhưng thật chí lí làm sao, thật đúng với bức chân dung tinh thần của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn trích Đất nước được rút ra từ trường ca Mặt đường khát vọng - một tác phẩm được nhà thơ viết năm 1971 khi còn ở chiến khu Trị - Thiên. Tác phẩm trở thành dòng chảy của những suy tư, tình cảm tha thiết, lắng đọng của nhà thơ về "đất nước" trong một cách nhìn tổng quan và toàn diện nhất. Ở đó, người đọc được sống trong một đất nước thu nhỏ "trên trang sách, với tư tưởng" Đất Nước của Nhân dân "chứa đựng nét độc đáo của nhà thơ trưởng thành cách mạng.

    MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀĐẤT NƯỚC LÀ NGUYỄN KHOA ĐIỀM:

    1. Có ý kiến cho rằng:" Chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn thơ Đất Nước được sử dụng vừa quen thuộc vừa mới lạ ".

    2. Bàn về đoạn thơ Đất Nước, có ý kiến cho rằng:" Trong đoạn thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng thể hiện hình ảnh Đất nước gần gũi, giản dị. Đó là cách để đi vào lòng người, cũng là cách nhà thơ đi con đường riêng của mình không lặp lại người khác "

    3. Bàn về Đất Nước trích từ Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, có ý kiến cho rằng:" Tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại" là tư tưởng chủ đạo, chi phối cả nội dung và hình thức chương V của bản trường ca này ".

    4. Nói về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm từng tâm sự:" Đất nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại của những anh hùng, nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân ".

    SÓNG

    " Tâm hồn em như một cánh chuồn/ Tưởng đâu yếu đuối/ Nhưng lại mạnh mẽ - cứng cỏi - đời thường nơi bão giông ". Là một nhà thơ nữ, ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, Xuân Quỳnh tự định hình cho mình một gương mặt thơ riêng. Đó là thơ của một tâm hồn nhạy cảm, giàu khát vọng; vừa tươi trẻ, nồng nhiệt, vừa chứa đựng nhiều âu lo, suy tư, dự cảm. Thi sĩ của" Hoa cỏ may "này đã bao lần đưa người đọc vào một địa hạt thơ giàu nữ tính, với tiếng nói trào dâng của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu mà chân thực, da diết khát vọng nhưng cũng rất đỗi giản dị đời thường. Bài thơ Sóng rút ra từ tập thơ Hoa dọc chiến hào, viết năm 1967, đó là tiếng lòng nồng nhiệt, với những khát khao tự nhận thức của người phụ nữ trong tình yêu.

    MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀSÓNG VÀ XUÂN QUỲNH:

    1." Xuân Quỳnh viết bài này "bợm" thật! ".

    ( Nhà thơ Vũ Cao, Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội)

    2." Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở ".

    ( GS. TS Trần Đăng Suyền)

    3." Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ, hết sức tự nhiên, bài "Sóng" thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ"

    (Nhà thơ Việt Nam hiện đại, GS. Phong Lê chủ biên)
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...