Xế chiều, một vị khách nam trẻ tuổi thung thăng vào tiệm: - Em ơi, có bán phở không em ơi? - Dạ không anh ơi. Đoạn, anh đi ra, mình ngớ người. Anh đẹp trai, bảnh tỏn, lẽ nào dòng chữ "TIỆM - BÁNH MÌ - BÁNH NGỌT" to tổ chảng trước cửa trong thoáng chốc đã làm anh quên mất tiếng mẹ đẻ? Tặc lưỡi. Thôi thì.. xem như hôm đó "bỏ túi" thêm một kiểu khách hàng vào danh sách đối phó, về sau còn có cách mà tùy cơ ứng biến. Đó chỉ là một trong những tình huống tréo ngoe mà mình gặp phải khi đi mần. Mình khi đó là nhân viên của một tiệm bánh nhỏ nhưng khá hút tiếng tại Đà Lạt, vì lẽ đó nên phần đông khách hàng tới lui là khách du lịch: Ta có, Tây có, Bắc có, Nam có, đâu cũng có tuốt. Những anh thanh niên ăn bận chải chuốt, những chị thanh niên mắt xanh, môi đỏ tạt vô nom là biết khách du lịch liền. Có những ngày, khách tới tiệm giao tiếp lịch sự, cư xử dễ chịu: "Em ơi, cho chị abcxyz.. Ôi cảm ơn em nhiều lắm.. blabla!", đang giận hờn mà nghe cũng thấy mát dạ, mát lòng. Rồi, vô sau thì chờ, đông thì xếp hàng, thấy gián không nhảy dựng lên mà giơ chân đạp cái "bẹp" một phát, rồi móc giấy tém con gián bỏ vào sọt rác. Thấy thương gì đâu. Gặp khách như vậy, thiếu điều muốn tặng luôn ổ bánh mì ăn lấy thảo chứ hổng muốn lấy tiền. Nhưng, không thiếu những "thượng đế" khiến phận nhân viên "ứ ừ" lời. Hôm nọ, trời độ, nên tiệm đông bất thường. Đang loay hoay than ế lấy ế để, đám đông ùa vào khiến ba, bốn đứa nhân viên quắn quéo tay chân. Đứa này chạy lẹ tới khu thanh toán, ôm cái máy tính đứng nguyên đó cho chắc ăn, đứa kia xỏ xỏ đôi bao tay chuẩn bị tinh thần ai kêu bánh mì thì mổ cho lẹ, đứa còn lại tăng tăng chạy ra ngoài, chỉ chỏ cho khách biết đậu xe đúng chỗ, chứ không một hồi trật tự nó hốt đi, mất xe, mấy anh chị lại buồn rầu. Khách la oang oang khiến cái tiệm như cái chợ. Khách còn hổng chịu xếp hàng khiến con bé thu ngân mò mò không biết món này của vị nào, món kia tính chưa sao lại nằm bài hãi ở kia. Nó tính tiền mà dòm khổ sở hết sức, cũng thấy thương ké dùm. Có chị khách vào hỏi một câu ngây thơ: "Em ơi, bánh mì xá xíu có gì ở trỏng?". Tôi trả lời: "Dạ, bánh mì xá xíu có xá xíu ở trỏng". Lỡ mà nói bánh mì xá xíu ở trỏng có gà cay là phi logic liền. Phải trước đó chị hỏi bánh mì xá xíu ngoài xá xíu có gì ở trỏng, tôi sẽ nói: "Dạ có thêm rau ngò, dưa leo, đồ chua, rau răm, sốt, ớt, chị không ăn được gì em không bỏ cái đó vô". Tức á! Tiệm được cái tâm lí nên đầu tư hẳn mấy tấm bảng to đùng hướng dẫn khách lấy khay, gắp để lấy bánh ở chỗ nào, rồi tính tiền chỗ nào. Nhưng mà không hiểu sao khách cứ: "Em ơi, lấy chị chiếc bánh này. Em ơi, lấy chị chiếc kia đi, chị hổng ưng chiếc này nữa". Mình cũng lịch sự đáp trả: "Dạ chị ơi, em có khay và gắp ở đây nè, chị lấy gì tùy thích ạ", kèm nụ cười thân thiện. Rồi lựa xong cứ mặc định đi tới chỗ khu mình đang xào thịt, chiên trứng, kêu tính tiền. Trong khi ở cái quầy bên kia, con bé thu ngân đứng ngó mà ngán ngẩm không nói nên lời. Cuối cùng, có những vị lai vãng đến tiệm chỉ để.. đi vệ sinh ké. Có hôm, đám trẻ chạy cái ào vô đi vệ sinh khiến nhân viên không kịp cản. Không xin phép, nói năng gì hết trọi. Xong xuôi, đám trẻ chạy cái ào ra ngoài, tụi tui chỉ biết biết đứng hình. Rồi sau đó xách chổi, xách giẻ đi dọn hộc máu. Nghĩ coi có thấy tức không.. Phận làm nhân viên, muốn chiều khách hàng như chiều con thì phải nhẫn nhịn, bình tâm và mỉm cười thân thiện trong mọi tình huống, chứ biết sao giờ.