Kết cấu mãnh vỡ trong tiểu thuyết khi tôi nằm chết

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Kim Phi98, 26 Tháng năm 2020.

  1. Kim Phi98

    Bài viết:
    11
    Kết cấu mảnh vỡ trong tiểu thuyết "Khi tôi nằm chết" (As I Lay Duing) Của William Faulkner

    Tóm tắt:

    William Faulkner là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn học Mỹ hiện đại. Các tác phẩm của ông như Âm thanh và cuồng nộ, Khi tôi nằm chết.. đã đóng góp rất lớn trong cách tân tiểu thuyết hiện đại phương Tây. Khi tôi nằm chết là một cuốn tiểu thuyết ngắn, ra đời vào năm 1930 và nó được "liệt" vào bộ tứ tác phẩm hay nhất của ông. Điểm nổi bật nhất trong tác phẩm là nghệ thuật xây dựng kết cấu – kết cấu mảnh vỡ. Các yếu tố được tác giả sử dụng để xây dựng kết cấu phân mảnh đầu tiên phải nói đến sự ráp nối của chủ thể trần thuật, tiếp đến là tài năng sử dụng kỹ thuật dòng ý thức và cuối cùng thời gian trần thuật trong tác phẩm. Từ kết cấu phân mảnh này, Faulker đã tạo nên cách kể chuyện đầy mới lạ và hấp dẫn, cái nhìn đa diện, phức tạp, khúc mắc và đầy khiêu khích, thôi thúc người đọc khám phá thông điệp mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

    Nội dung

    William Faulkner (1897-1962) là tiểu thuyết gia lỗi lạc của nền văn học Mỹ hiện đại. Ông được giới phê bình đánh giá là một trong hai cây bút xuất sắc nhất của nền văn học Mỹ thế kỉ XX, bên cạnh Hemingway. Các tác phẩm của ông như Âm thanh và cuồng nộ; Khi tôi nằm chết.. đã đi sâu vào phản ánh những giây phút khủng hoảng của tâm hồn con người để từ đó giúp người đọc khám phá ra các mặt của hiện thực đời sống. Tiểu thuyết Khi tôi nằm chết (As I Lay Dying, 1930) là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông, mặc dù khiêm tốn về dung lượng nhưng Khi tôi nằm chết đã có những đóng góp rất lớn trong cách tân tiểu thuyết phương Tây hiện đại như: Sự phân mảnh về hệ thống nhân vật, ráp nối cốt truyện, sự phá vỡ trật tự thời gian và cấu trúc trần thuật. Đây chính là những yếu tố để hình thành nên kết cấu mãnh vỡ - đặt trưng nổi bật nhất của tác phẩm.

    "Kết cấu mảnh vỡ hay còn gọi là kết cấu phân mảnh là kiểu kết cấu gắn liền với văn chương hậu hiện đại. Được xây dựng dựa trên tính phân chia, lắp ghép, cắt mảnh nên chúng ta có thể hiểu kết cấu mảnh vỡ (hay còn gọi là phân mảnh) là kiểu kết cấu mà nhân vật, cốt truyện, diễn ngôn, không gian và thời gian nghệ thuật đều bị chia cắt thành những mảnh vụn rời rạc, lỏng lẻo. Nó phá vỡ và đi ngược lại với kiểu kết cấu đơn tuyến của văn học truyền thống". Ở đây tôi chỉ đề cập đến sự phân mảnh trong điểm nhìn nhân vật, kỹ thuật dòng ý thức và thời gian trần thuật trong tác phẩm Khi tôi nằm chết .

    Trong tiểu thuyết Khi tôi nằm chết, Faulkner đã để nhân vật của mình kể ở ngôi thứ nhất xưng "tôi", từ cái nhìn của nhân vật kể lại tất cả những sự vật xảy ra xung quanh họ, những dòng cảm nghĩ, suy tư như một dụng ý nhằm để câu chuyện trở nên khách quan hơn và đáng tin cậy hơn. Cốt truyện của tác phẩm Khi tôi nằm chết được hợp thành từ 59 phiến đoạn qua 15 điểm nhìn của 15 nhân vật. Trong đó có thể chia ra: Nhân vật chính (Anse, Cash, Darl, Jewel, Dewey Dell, Vardaman), nhân vật phụ (Cora, Tull, Peabody, Samson, Whiftfield, Armstid, Moseley, Macgovan).

    Phiến đoạn - Nhân vật

    1 - Darl

    2 - Cora

    3 - Darl

    4 - Jewel

    5 - Darl

    6 - Cora

    7 - Dewey dell

    8 - Tull

    Sự luân chuyển điểm nhìn trong tác phẩm như một biểu hiện của những mảnh vỡ, điểm nhìn của những nhân vật chính đan xen vào nhau, đan xen với điểm nhìn của những nhân vật phụ, dẫn tới sự rời rạc, khó hiểu. Mở đầu câu chuyện là dưới cái nhìn của nhân vật chính - Darl chúng chỉ kéo dài một trang giấy, phiến đoạn 2 chuyển sang điểm nhìn của nhân vật Cora - nhân vật phụ tại đây cái nhìn của nhân vật cũng chỉ kéo dài gần 3 trang, cũng có phiến đoạn chỉ tồn tại 1 câu và cứ như thế nó chuyển đổi liên tục, từ dòng ý thức của nhân vật này đến nhân vật khác, từ người trong cuộc đến người ngoài cuộc cho đến hết chuyện. Dưới sự soi chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau, sự việc được khắc họa một cách chân thật và nhân vật cũng được nhìn nhận một cách hoàn chỉnh.

    Đồng thời sự đan xen của nhiều giọng điệu khác nhau khiến Khi tôi nằm chết như một bảng giao hưởng trầm bổng, chậm rãi có, dồn dập có, trầm lặng có, bi thương, gay gắt có. Giọng điệu của Darl khi bị giam ở Jackson – một bện viện tâm thần ".. Người anh em Darl của chúng ta đang ngồi trong nhà gian ở Jackson nơi những bàn tay cáu ghét của nó đặt nhẹ trong khoảng im lặng giữa các song sắt, nó sùi bọt mép nhìn ra xa.

    " Vâng, vâng, vâng, vâng, vâng, vâng, vâng, vâng "

    Hay giọng điệu của Vardaman khi nhìn chiếc quan tài bị cuốn trôi:".. Anh ấy đến gần để nhìn tôi và tôi la lên tóm lấy bà ấy Darl tóm được bà ấy và anh ấy chưa trở lại vì bà ấy quá nặng anh ấy vẫn còn phải tiếp tục nắm chắc bà ấy và tôi la lên tóm lấy bà ấy darl tóm lấy bà ấy darl bởi vì trong nước bà ấy có thể đi nhanh hơn một người đàn ông.. " dồn dập, hấp hối.

    Một sự phân mảnh, lắp ghép đó như một dạng trò chơi ráp hình, từ đó mà nội dung câu chuyện cũng chạy theo kiểu trò chơi này, rời rạc, chắp nối. Như ở phiến đoạn 27: Darl đang kể về cuộc hành trình phải đi qua Samson, chiếc cầu để đến Jefferson, phiến đoạn 28: Anse nói về những ẩn ức của hắn, về những chiếc răng, về sự ban ơn của Chúa và chiếc cầu đã sập. Hay phiến đoạn 37: Kể về cuộc tìm kiếm các dụng cụ làm mộc của Casl, sang phiến đoạn 38: Là dòng suy nghĩ của Carl về chiếc quan tài" Nó vẫn không cân. Tôi đã bảo chúng nó nếu muốn chở đi trên xe cho chân bằng thì phải.. ", những câu chuyện đan xen một cách rời rạc, mỗi nhân vật đều chạy theo suy nghĩ riêng của mình, cản trở dòng chảy của truyện, nhưng lại mở ra một cái nhìn khác, một cái nhìn đa chiều, người đọc có thể hiểu hơn về nhân vật, sự việt ở nhiều góc độ. Như vậy, có thể thấy, trong Khi tôi nằm chết của William Faulkner sự ráp nối giữa 15 người kể chuyện là một sự ráp nối rời rạc không chỉ trên bề mặt cấu trúc văn bản, mà còn trong nội dung câu chuyện. Sử dụng kỹ thuật luân phiên điểm nhìn, Faulkner đã tạo nên cách kể chuyện đầy mới lạ và hấp dẫn, cái nhìn đa diện, phức tạp nhưng cũng đầy lôi cuốn.

    Kỹ thuật dòng ý thức là một đặc trưng trong phong cách hành văn của Faulkner, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kết kếu phân mảnh. Theo V. E Khalizep trong Dẫn luận nghiên cứu văn học thì khi suy nghĩ về một điều gì đó, con người thường không thể hiện ý nghĩ của họ dưới một hình thức ngữ pháp rõ rệt, từ ngữ và câu không trọn vẹn, nghĩa là nó dường như lan man và khó kiểm soát – biểu hiện của dòng ý thức. Vậy độc thoại nội tâm suy cho cùng cũng là một quá trình chịu sự tác động của dòng chảy ý thức nên hình hài cũng như thanh âm của nó đơn giản chỉ là một hình dung hỗn độn trong dòng ý thức của nhân vật. Khi tôi nằm chế, tôi nhận thấy những lời độc thoại nội tâm tồn tại khắp nơi, nó vừa là lời trần thuật của 15 nhân vật trực tiếp nói với chính mình, vừa là lời của những nhân vật được đề cập qua điểm nhìn của chủ thế trần thuật. Do đó, những lời đối thoại và độc thoại đều nằm trong những lời của độc thoại nội tâm và chịu sự chi phối mạnh mẽ của dòng chảy ý thức, tạo nên tính tự nhiên và chân thực của đời sống nội tâm nhân vật.

    Trong dòng ý thức của con người luôn tồn tại cái ý thức lẫn vô thức, vì vậy ta chia độc thoại nội tâm của nhân vật ra làm hai dạng: Độc thoại nội tâm trong ý thức và độc thoại nội tâm trong vô thức.

    Độc thoại nội tâm trong ý thức được hiểu một cách đơn giản là những ý nghĩ của nhân vật xuất hiện trong dòng chảy một cách có ý thức. Nhân vật xác định được mình suy nghĩ gì, có điều nó không được thốt ra thành lời như đối thoại và độc thoại mà thôi. Ngay từ những phần trần thuật đầu tiên của Darl ở đầu tác phẩm, những lời độc thoại nội tâm được hiện lên trong điểm nhìn trần thuật của anh" Một thợ một giỏi. Addie Bundren chắc chẳng mong có một chiếc hộp tốt hơn thế này để nằm vào. Nó sẽ làm cho bà thêm tự tin và được an ủi. " . Và nó tồn tại bất chợt trong dòng suy nghĩ của Darl một cách có ý thức, bởi vì Darl biết rằng bà Addie sẽ cần nó và ý nghĩ ấy xảy ra tức thời trong dòng ý thức của chính Darl. Khi nhìn thấy Cash đóng búa và cưa cái hòm chết tiệt thì trong dòng ý thức của Jewel hình thành một suy nghĩ dưới dạng độc thoại nội tâm có ý thức" Chỗ ấy chắc má phải nhìn thấy anh ấy. Ở đó mỗi hơi thở của má chất đầy những tiếng cưa tiếng búa, ở đó má có thể nghe tiếng anh ấy bảo: Xem này. Xem này, xem cái đồ con đóng cho má có đẹp không này . "Trong ý thức của Jewel, a hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra. Lời độc thoại nội tâm có ý thức cũng được thể hiện qua dòng ý thức từ Cora khi bà đặt ra một giả định bà cũng sẽ chết đi nhưng không tiện nói ra trong lúc đối thoại với chồng của bà ".. khi tôi nằm xuống trong ý thức về bổn phận và sự tưởng thưởng của tôi, tôi sẽ được vây quanh bởi những khuôn mặt thân.. Có lẽ, nếu họ không nhất quyết phải bốc xếp xe gỗ cuối cùng ấy thì họ đã có thể đặt bà ấy lên xe ngựa trên một tấm chăn và qua sông trước đã rồi sau đó mới dừng lại cho bà ấy có thời gian để chết, như thể họ để cho bà ấy chết cái chết của người công giáo . "

    Lời độc thoại nội tâm của Peabody khi ông ý thức về cái chết" Tôi nhớ khi tôi còn trẻ tôi tin rằng chết là một hiện tượng của thân thể; bây giờ tôi biết nó chỉ là một chức phận của linh hồn - và chức phận linh hồn của những người chịu cảnh mất người thân. Những kẻ hư vô chủ nghĩa nói nó là kết thúc, những kẻ chính thống chủ nghĩa nói nó là khởi đầu; trong khi thật ra nó không hơn một kẻ tá điền đơn độc hay một gia đình rời khỏi một đất đai hay một thị trấn. "

    Những dòng độc thoại nội tâm cũng được xuất hiện trong dòng ý thức từ lời trần thuật của người đã chết là bà Addie, khi nghĩ về tội lỗi của mình " Tôi đã nghĩ về ông ấy như tôi nghĩ về tôi cũng ăn mặc bằng tội lỗi, ông ấy trông đẹp hơn vì quần áo mà ông ấy đổi lấy tội lỗi đã được thánh hóa. Tôi đã nghĩ về tội lỗi như quần áo mà chúng tôi cởi bỏ ra để nặn và ép dòng máu khủng khiếp thành tiếng vọng đau khổ của cái từ chết chóc cao trên không trung. Rồi tôi lại nằm với Anse - tôi không nói dối lão: Tôi chỉ từ chối như tôi đã từ chối bầu sữa với Cash và Darl, khi chúng đã lớn - nghe mặt đất tối tăm nói những lời vô thanh. ". Bà ý thức được điều mình làm và bà đã không giấu giếm Anse.

    Những lời độc thoại nội tâm cũng chính là những lời trần tình, bộc bạch tâm sự dưới sự tác động của dòng chảy ý thức được cất lên từ nội tâm nhân vật như một cuộc đối thoại với chính họ. Tất cả cũng chỉ để hướng đến một ai đó (kể cả chính mình) đang chăm chú lắng nghe và sẵn sàng để chia sẻ. Cũng chính vì vậy, những lời độc thoại nội tâm vẫn luôn hiện hữu trong dòng ý thức của nhân vật (ráp nối, hỗn loạn) và nhân vật vẫn luôn ý thức rất rõ trạng thái nội tâm của chính mình.

    Trong đời sống tinh thần con người, ngoài thế giới ý thức ra vẫn còn tồn tại trong đó thế giới vô thức, trong đó tâm tư con người và được biểu hiện thông qua trạng thái không bình thường trong tâm lý nhân vật, sự lỡ lời, những hồi ức, giấc mơ.. Độc thoại nội tâm vô thức tồn tại dưới dạng khi một nhân vật nhớ lại một điều gì đó trong hồi ức, có thể là một kỷ niệm hay một ám ảnh đối với nhân vật. Khi Darl nhúng bầu vào gầu nước và uống, mặc cho Anse hỏi" Thằng Jewel đây? ", dòng hồi ức của anh quay về với tuổi thơ qua lời độc thoại nội tâm:" Khi còn bé tôi lần đầu biết uống nước ngon hơn biết bao nhiêu khi được đựng một lúc trong chiếc gầu bằng gỗ tuyết tùng. Hơi ấm, với một mùi ngai ngái như cơn gió nóng tháng Bảy mang mùi của những cây tuyết tùng. Cần phải ngâm ít nhất sáu tiếng, và uống bằng một chiếc bầu. Đừng bao giờ nên uống nước từ đồ đựng bằng kim loại. "

    Khi nhìn thấy Cash đóng đinh mẹ vào hòm, Vardaman có những dòng độc thoại nội tâm hết sức vô tư trong lớp vỏ vô thức của ý thức: " Đó không phải là bà ấy. Tôi đứng đó, nhìn. Tôi đã thấy. Tôi nghĩ đó là bà ấy, nhưng không phải. Đó không phải là mẹ tôi. Bà đi đâu mất khi có một người nào khác nằm vào giường bà và kéo chăn lên. Bà đi đâu mất rồi, "Liệu bà có lên tận thành phố không?" "Bà ấy đi xa hơn thành phố" "Liệu những con thỏ ấy và những con ôpôt ấy có đi xa hơn thành phố không?" "Chúa tạo ra những con thỏ và những con ôpôt. Ngài làm ra mưa. Tại sao Ngài phải làm ra một chỗ khác cho chúng đến nếu bà ấy chỉ là một con thỏ. Và thế là Cash đóng đinh cái hòm rồi, bà ấy không phải là con thỏ.. Và như vậy nếu bà ấy không phải là con thỏ bà ấy không thể thở trong cái hòm ấy và Cash sắp sửa đóng đinh nó lại. Và như vậy nếu bà ấy để cho anh ấy đóng đinh thì đó không phải là bà ấy. Tôi biết. Tôi ở đó mà. Tôi thấy khi đó không phải là bà ấy. Tôi đã nhìn thấy. Họ nghĩ đó là bà ấy và Cash đóng đinh nó lại."

    Những lời độc thoại nội tâm vô thức còn được thể hiện qua một tình trạng bất ổn trong tâm lý của nhân vật Dewey Dell. Đó là một nỗi ám ảnh trong tâm thức của cô, khiến cô luôn trong trạng thái lo âu, lời nói và hành động của cô chỉ được thốt lên qua sự cảm nhận, hình dung trong trạng thái hồi ức và tưởng tượng trộn lẫn vào nhau thành lời:

    "Giả sử tôi bảo anh ấy quay lại. Anh ấy sẽ làm như tôi nói. Anh ấy có biết anh ấy làm theo những gì tôi nói hay không? Có lần tôi đã ngồi thức với một khoảng trống đen ngòm đổ xô vào bên dưới tôi. Tôi không thể nhìn. Tôi không thể thấy Vardaman đứng lên ra chỗ cửa sổ và cố gắng đâm dao vào con cá, máu nó phun vọt ra, xì xì như hơi nước nhưng tôi không thể nhìn. Anh ấy sẽ làm như tôi nói. Anh ấy luôn luôn nhìn thế. Tôi có thể thuyết phục anh ấy làm bất cứ việc gì. Anh biết là tôi có thể mà. Giả sử tôi bảo quay lại đây. Đó là khi tôi chết lúc đó. Giả sử tôi nói. Chúng ta sẽ đi New Hope. Chúng ta sẽ không được vào thành phố. Tôi đứng lên và cầm lấy con dao từ con cá đang phun trào máu vẫn đang xì xì, và tôi giết Darl." Rồi cho đến ngôn ngữ của giấc mơ, những dòng độc thoại của Dewey Dell giống như viết lại dòng hồi ức của giấc mơ vô định vị, khó nắm bắt.

    Một trong những đoạn độc thoại nội tâm thể hiện tính chất tức thời của dòng chảy ý thức tồn tại một cách vô thức đã được Faulkner viết ra bằng ý nghĩ của Vardaman. Khi đưa chiếc quan tài qua sông, nó bị nước xoáy cuốn trôi, Vardaman đã có những hốt hoảng trong ý thức hỗn độn giống như dòng nước lũ chảy xiết được thể hiện qua những lời trần thuật cũng chính là lời đối thoại, độc thoại một chiều, đây chính là lời độc thoại nội tâm mang tính vô thức, không kiểm soát được lời nói của mình, nó miên man, miên man:

    "Cash cố gắng nhưng bà ấy bị rơi xuống và Darl nhảy phốc xuống lội trong nước và Cash la lên nắm lấy bà ấy và tôi vừa la vừa chạy và la và Dewey Dell la tôi Vardaman mày vardaman mày vardaman, và Vernon chạy vượt qua tôi vì ông ta vừa thấy bà nổi lên và bà ấy lại chìm xuống nước và Darl vẫn chưa bắt đươc bà ấy.

    Anh ấy đến gần để nhìn tôi và tôi la lên tóm lấy bà ấy Darl tóm được bà ấy và anh ấy chưa trở lại vì bà ấy quá nặng anh ấy vẫn còn phải tiếp tục nắm chắc bà ấy và tôi la lên tóm lấy bà ấy darl tóm lấy bà ấy darl bởi vì trong nước bà ấy có thể đi nhanh hơn một người đàn ông.. và bởi vậy tôi biết anh ấy đã tóm được bà bởi vì anh ấy đi chậm và tôi chạy xuống nước để giúp và tôi không thể ngừng la bởi vì Darl khỏe và đang nắm chắc bà ấy dưới nước ngay cả bà ấy quẫy anh ấy cũng không buông bà ra anh ấy đang nhìn tôi và anh ấy đã nắm được bà ấy và bây giờ ổn rồi bây giờ ổn rồi bây giờ ổn."

    Những hình ảnh, sự kiện bị biến dạng bởi lớp ngôn từ phi lôgic thốt ra từ dòng suy nghĩ liên miên, nối đuôi nhau tuôn trào dữ dội như một sự lặp đi lặp lại cấu trúc ý nghĩ giống như một điệp khúc không ngớt và buông ra một cách vô thức. Dòng chảy ý thức của Vardaman cho thấy tính chất tức thời của ý thức như thể cậu bé đang viết chính tả cho suy nghĩ bằng lớp ngôn từ vô thức không đầu không đuôi không chấm không phẩy và phân biệt với nhau bằng những khoảng trống vô định vị của của dòng ý thức bất định. Vì thế mà tạo nên tính tự nhiên và chân thực trong dòng chảy ý thức của Vardaman.

    Như vậy, độc thoại nội tâm trong vô thức là phương diện thể hiện thế giới nội tâm con người vô cùng phức tạp. Nó phức tạp hơn cả dạng độc thoại nội tâm trong ý thức, nó bộc lộ một tâm thức sâu thẳm khôn cùng bị chìm lắp dưới cái hữu thức tạo nên dòng suy tư lộn xộn, rối rắm, các ý nghĩ dính chặt vào nhau không kiểm soát được, hoặc những lời chưa hoàn thành và vẫn còn mung lung trong suy nghĩ, cũng như một sự đấu tranh nội tâm hết sức dữ dội từ ý thức nhân vật.

    Một trong những yếu tố khiến cho nghệ thuật luôn hấp dẫn người đọc là sự sáng tạo vượt lên giới hạn của hiện thực. Sự mở rộng biên độ thời gian trong tác phẩm nhờ kỹ thuật đồng hiện thời gian. Theo Đặng Anh Đào "Trong dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương lai xuất hiện cùng một lúc, không bị ngăn cách, liên tục như một dòng chảy, nó là hiện tượng mà người ta gọi là thời gian đồng hiện". Tiểu thuyết Khi tôi nằm chết, thời gian đồng hiện thể hiện rất rõ ràng, nó được Faulkner xây dựng dựa theo kỹ thuật dòng ý thức. Ở những lời độc thoại nội tâm qua dòng hồi ức của Tull khi nghe Anse nói "Bà ấy sắp đi rồi" đã gợi về sự ra đi của mẹ ông, tại lúc này có sự đồng hiện giữa quá khứ - hiện tại ".. đến một ngày bà nhìn quanh và sau đó bà đi và nằm xuống trên giường rồi kéo chăn lên và nhắm mắt lại." Các con phải chăm sóc bố cho thật tốt, "Bà nói" Tôi mệt quá "

    Hay khi Darl nhúng bầu vào gầu nước và uống, mặc cho Anse hỏi" Thằng Jewel đâu? ", dòng hồi ức của anh từ hiện tại quay về quá khứ, về với tuổi thơ qua lời độc thoại nội tâm: " Khi còn bé tôi lần đầu biết uống nước ngon hơn biết bao nhiêu khi được đựng một lúc trong chiếc gầu bằng gỗ tuyết tùng. Hơi ấm, với một mùi ngai ngái như cơn gió nóng tháng Bảy mang mùi của những cây tuyết tùng. Cần phải ngâm ít nhất sáu tiếng, và uống bằng một chiếc bầu. Đừng bao giờ nên uống nước từ đồ đựng bằng kim loại.

    Từ đó, ta thấy trên trục diễn tiến thời gian, cột mốt phân định giữa qua khứ và hiện tại dừng như bị xóa nhòa. Cái nhìn được phóng chiếu, mở rộng ra và dòng suy nghĩ miên man của nhân vật cũng bị đồng hóa. Nó dẫn đến hàng loạt những đoạn văn lời kể, lời đối thoại của nhân vật bị trộn lẫn vào nhau. Nhiều đoạn còn không có dấu chấm, dấu phẩy, trộn lẫn giữa hiện thực và quá khứ. Đồng hiện thời gian như một phương thức "hiện thực hóa quá khứ" mở ra những chiều kích khác nhau trong sự nhìn nhận các sự kiện, nhân vật. Tổ chức thời gian đồng hiện theo kỹ thuật dòng ý thức vừa tạo nên sự linh hoạt trong mạch kể chuyện vừa là một phương pháp dùng để soi sáng những chuyển biến tâm thức của con người.

    Kết luận:

    Tóm lại, việc William Faulkner xây dựng kết cấu mảnh vỡ trong Khi tôi nằm chết đã đem lại nhiều hiệu quả thẩm mỹ cho cuốn tiểu thuyết này. Đóng góp công sức vào việc cách tân tiểu tiểu hiện đại, mở rộng điểm nhìn trần thuật, phát triển kỹ thuật dòng ý thức và thời gian đồng hiện trong tác phẩm. Chính sự phát triển đến đỉnh cao này, đã tạo nên sự tan vỡ trong kết cấu, tạo nên cách kể chuyện đầy mới lạ và hấp dẫn, cái nhìn đa diện, phức tạp, khúc mắc và đầy khiêu khích, thôi thúc người đọc khám phá thông điệp mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

    Tài liệu tham khảo:

    1. William Faulkner, Khi tôi nằm chết, Hiểu Tân dịch, NXB Hội Nhà Văn

    2. Lăng Đức Lợi, Dòng ý thức Khi tôi nằm chết như một cách thức xây dựng nhân vật, Khoa Văn học, 2014

    3. Tiểu luận Thời gian trần thuật trong âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner - Tài liệu, ebook, giáo trình
     
    LieuDuong, Admin, Jodie Doyle1 người nữa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng sáu 2020
  2. Kim Phi98

    Bài viết:
    11
    Đây là bài tiểu luận do mình nghiên cứu. Mong mọi người ủng hộ ạ
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...