Review Phim Jojo Rabbit – Hài Kịch Đen Về Chiến Tranh Nhưng Không Phản Cảm

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi MTrang1102, 3 Tháng tám 2023.

  1. MTrang1102 Ờm …

    Bài viết:
    394
    Phim: Jojo Rabbit (Jojo thỏ đế).

    Thể loại: Hài kịch, chính kịch.

    Năm phát hành: 2019.

    Đạo diễn: Taika Waititi.

    Diễn viên chính: Roman Griffin Davis, Scarlett Johansson, Thomasin McKenzie, Taika Waititi, Archie Yates..

    Reviewer: MTRang.

    Hài kịch đen là một thể loại nhạy cảm, ranh giới giữa phản cảm và châm biếm ý nghĩa trong thể loại này là cực kì mong manh, đòi hỏi các nhà làm phim phải cực kì tinh tế và có cách kể chuyện mượt mà, không gây quá nhiều tranh cãi cho dư luận, nhưng chắc chắn một điều rằng đây là thể loại khiến không một bộ phim nào là không để lại tranh cãi. Và bộ phim Jojo Rabbit trước khi nhận được giải thưởng danh giá cho kịch bản phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải lớn nhất hành tinh Oscar 2020, cùng các giải thưởng lớn quốc tế khác. Thì nó đã từng bị nhiều người đánh giá tiêu cực và lên án khi vẽ ra một nhân vật độc tài chính trị có thật một cách ngô nghê – Adolf Hiter, cùng cái nhìn vô cùng hài hước về chiến tranh. Nhưng người ta đã nói "Đừng đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó", đúng như vậy thật, nếu mình chỉ coi đoạn đầu với tràn ngập phân cảnh hài đen vui nhộn và hình ảnh tếu táo, thì khi phân đoạn đôi giày đỏ kinh điển nhất của bộ phim hiện lên như một cú tát đánh thẳng vào mặt mình, nó làm cho tất cả nụ cười mà mình đã cười trở thành một sự thật cay đắng và nghiệt ngã.

    [​IMG]

    Tóm tắt nội dung sơ lược:

    Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Caging Skies" của nhà văn Christine Leunens, phim kể về cậu bé Jojo và mẹ mình là Rose sống trong giai đoạn cuối thế chiến thứ hai và dưới chế độ Đức Quốc xã của Hitler. Cha của Jojo là một người lính đang chiến đấu ở Ý và đã bị mất liên lạc từ lâu, tuy nhiên Jojo với tâm hồn ngây thơ vẫn đặt niềm vào Phát xít – thứ đã đưa ra những lời tuyên bố sẽ mang về quyền lợi cho đất nước và giúp Đức vượt qua giai đoạn khó khăn. Cậu bé Jojo quyết định tham gia trại hè huấn luyện của quân Phát xít cùng với người bạn mà Jojo đã tưởng tượng ra, mang hình dáng Adolf Hitler để trò chuyện. Tuy nhiên, cậu bé Jojo vốn hiền lành và nhát gan nên những bài huấn luyện giết chóc tàn ác ở trong trại khiến cậu bé không thể thực hiện được mà luôn tỏ ra sợ sệt. Sau cậu bị trả về nhà vì bị chấn thương, ở nhà cậu lại biết được mẹ cậu đang bí mật bảo vệ cô bé Elsa – là người Do Thái mà Phát xít Đức đang săn lùng để tàn sát. Tại đây, Jojo đã phải đấu tranh tư tưởng rằng đâu mới là đúng, tại sao trong khi đất nước của mình đang tung hô và truyền bá chủ nghĩa Phát xít, tàn sát người Do Thái thì mẹ mình lại đi ngược lại, bảo vệ họ và tuyên truyền chống lại Đức Quốc xã.

    Thể loại hài kịch đen là gì?

    Thể loại hài kịch đen có tên gọi tiếng Anh là Dark Comedy. Thuật ngữ này lần đầu được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1935 bởi nhà văn André Breton – cũng là người khai sinh ra chủ nghĩa siêu thực, khi ông giải thích các tác phẩm của nhà văn Jonathan Swift về bài luận A Modest Proposal – nội dung chủ yếu là châm biếm chính trị của người Ireland. Thuật ngữ này càng trở nên phổ biến hơn vào năm 1965, khi một cuốn sách với tựa đề "Dark Comedy" xuất hiện bởi ba nhà văn Edward Albee, Thomas Pynchon và JP Donleavy cùng nhau viết nên tuyển tập những đoạn truyện ngắn, sau đây được đánh giá là cuốn sách đầu tiên của thể loại hài kịch đen (dark comedy).

    [​IMG]

    Thể loại này sau được đón nhận rộng rãi và phát triển cực mạnh ở giới làm phim Châu Âu, các chủ để phổ biến của hài đen chính là giết chóc, bạo lực, chiến tranh, tình dục, tham nhũng, đói nghèo, bệnh tật, nạn phân biệt chủng tộc, giới tính và các vấn đề không hay về chính trị. Đặc điểm của hài kịch đen là gây cười một cách không lành, lấy những vấn đề nhạy cảm ra để gây hài, tuy chỉ đơn giản mang tính giải trí đơn thuần, nhưng dần thể loại được đón nhận như một nghệ thuật mới lạ, kích thích tư duy và tính châm biếm đầy ý nghĩa.

    Nhắc đến giai đoạn lịch sử đen tối nhất của nước Đức, không ai không biết về Phát xít Đức. Sự rùng rợn và những hành động giết chóc mà chủ nghĩa tàn độc ấy gây ra là quá đỗi khủng khiếp, người ta luôn nhắc về sự kiện thanh trừng người Do giáo của Đức Quốc xã với một thái độ căm phẫn và thương xót cùng cực. Nhưng bộ phim mà mình nhắc đến đây lại dùng tội ác của Phát xít Đức để gây hài, kể một câu chuyện về chiến tranh một cách bỡn cợt và hài hước. Từ màu phim tươi sáng, hình ảnh nhân vật chỉnh chu và có phần lố lăng để gây cười đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là một bộ phim hài đúng nghĩa và nó lấy chủ đề chiến tranh nhạy cảm ra để đùa. Mới nghe qua thôi mà nhiều người đã thắc mắc, vậy có gì ở một tác phẩm lấy sự kiện kinh hoàng nhất lịch sử ra để đùa mà giành được giải thưởng cao ở giới chuyên môn đến vậy?

    Lướt qua hàng hà các bộ phim nổi tiếng kể về giai đoạn Đức Quốc xã, bộ phim nào cũng cực nặng nề về tâm lý và hình ảnh, nhằm phơi bày tội ác đó một cách trần trụi nhất. Nhưng ở Jojo Rabbit cũng lấy bối cảnh tương tự, xem qua tưởng chừng bộ phim sẽ lại kể bằng những hình ảnh đau thương và tăm tối, nhưng cách mà bộ phim kể lại cực kì nhí nhỏm, xem nhẹ cái chết khi Jojo gia nhập trại huấn luyện. Câu chuyện về chiến tranh tàn khốc đã được kể thông qua đôi mắt của cậu bé hồn nhiên Jojo, vô cùng tươi sáng và hùng dũng một cách cực tinh nghịch. Bên cạnh đó, khi đặt những đứa trẻ vào tình cảnh chiến tranh như trại huấn luyện trong phim, nơi đào tạo ra những công cụ giết chóc phục vụ chiến tranh, ta sẽ thấy sự tàn ác của người đứng đầu cuộc chiến vô nghĩa ấy. Rằng những đứa trẻ sinh ra vốn mang bản chất hồn nhiên và ngây thơ như tờ giấy trắng đã bị một tư tưởng sai lệch của người lớn đầu độc như thế nào. Ở đó, có những đứa trẻ đã thành công bị tiêm nhiễm tư tưởng tàn ác đó, và lác đác là những đứa trẻ vẫn giữ được tâm hồn ngây thơ và có phần nhút nhát trước cái ác, trong đó có Jojo. Cậu bé không dám ra tay giết một sinh vật nào dù bị bạn bè trêu chọc. Jojo đã nghĩ rằng bản thân mình là kẻ hèn nhát và vô dụng trong một xã hội vô nhân tính đó, điều này càng làm cậu thêm lo lắng hơn khi cậu bị thương tật sau tai nạn ngốc nghếch và bị trả về nhà. Jojo càng khủng hoảng tâm lý, suy nghĩ rằng mình sẽ là ai nếu không trở thành một cổ máy giết người mà đế quốc đang đào tạo hướng người dân của mình đến.

    Hình tượng Hitler trong phim.

    Sự đầu độc của một nhà nước độc tài lên đầu óc một đứa trẻ là quá khủng khiếp, đến mức Jojo sùng bái lý tưởng của Phát xít. Nếu ở mỗi đứa trẻ thơ đều có cho mình một người bạn tưởng tượng, thì ở Jojo lại tưởng tượng ra người bạn là Hitler, ông được vẽ ra vô cùng ngớ ngẩn và đáng ngưỡng mộ đối với cậu bé, khác xa với sự khát máu mà ông ta đã gây ra cho xã hội loài người trong hiện thực. Nhưng ta hoàn toàn có thể hiểu và không thể trách cứ một đứa trẻ hồn nhiên như Jojo được, vì cậu bé thậm chí còn quá nhỏ để hiểu chiến tranh là gì, cậu chỉ dung nạp những lời nói và lý tưởng mà chính phủ Đức đã tuyên truyền.

    [​IMG]

    Nhưng nhà làm phim không chỉ tạo ra nguyên mẫu ấy chỉ để chọc cười và châm biếm Hitler, sự tinh tế của điện ảnh đã thể hiện qua từng bộ trang phục của ông ta. Lúc đầu, khi tình tiết vẫn còn chậm rãi và hài hước thì nhân vật Hitler hiện ra với đồ sáng màu và thái độ vẫn ngô nghê hài hước nhưng càng về sau khi tình tiết đã tăng dần, sự thật tàn độc của chiến tranh càng hiện rõ ra trong mắt Jojo thì hình tượng Hitler tưởng tượng trong đầu của cậu cũng thay đổi bằng trang phục tối màu, và trở về đúng với trang phục lịch sử cũng như thái độ cáu gắt và độc tài của ông ta cũng hiện ra rõ hơn. Chi tiết tinh tế ấy đã cho thấy sự trưởng thành trong tâm hồn Jojo, rằng sau bao chuyện xảy ra trước mắt, cậu đã hiểu thế nào là chiến tranh và thế giới mà cậu sống đã không còn tươi sáng như trong suy nghĩ ngây thơ lúc đầu của mình nữa.

    Mối gắn kết giữa người với người.

    Sau khi Jojo bị trả về nhà vì mang thương tật, cậu bé phát hiện ra Elsa – cô gái người Do Thái đang ẩn nấp ở trong nhà. Hai người họ sống trong một căn nhà nhưng lại đối nghịch nhau từ thân phận cho đến tư tưởng, một người ủng hộ Phát xít tàn sát người Do Thái và người kia lại là người Do Thái. Ban đầu, họ đối đầu với nhau như cách những đứa trẻ đối nghịch thường làm, như dọa dẫm và chơi xấu nhau, nhưng càng về sau, vốn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ và dù mang tư tưởng gì thì hai đứa trẻ ấy cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến vô nghĩa. Cả Elsa và Jojo dần kết nối đồng điệu lại với nhau bởi bản chất lương thiện của cả hai, mà không còn sự dè chừng nào. Giữa Elsa và Jojo hiện lên như mối quan hệ chị em thân thiết dù không máu mủ, thậm chí còn mang thân phận là kẻ thù của nhau. Elsa chia sẻ về tình yêu thương của mình và đồng cảm cho những vết sẹo thương tật trên mặt Jojo. Qua tình bạn với Elsa mà tâm lý đã bị Phát xít tiêm nhiễm của Jojo đã dần học lại được những bài học về nhân sinh và tình yêu thương nhân loại.

    [​IMG]

    Bộ phim đã cố gắng xoa dịu nỗi tổn thương của con người sau sự kiện kinh hoàng ấy, rằng dù mình là người Do Thái hay người Đức, thì tất cả chúng ta đều là con người sống trong một xã hội chung, đều có quyền được yêu và hạnh phúc. Tất cả những đứa trẻ cũng vậy, dù được sinh ra từ cộng đồng người Đức hay người Do Thái thì chúng vẫn chỉ là những tâm hồn ngây dại, luôn muốn kết nối giữa người với người với nhau một cách hòa bình.

    Hình ảnh người mẹ Rose của Jojo.

    Trong khi bộ phim tràn ngập cảnh hài đen về chính trị và cái ác, thì hình ảnh người mẹ Rose của Jojo hiện lên làm người xem an tâm về sự nhân tính duy nhất trong phim. Rose là nhân vật đầy tuyệt vời với vai trò làm mẹ và là một công dân có tư tưởng thoát khỏi chế độ Phát xít. Thoạt đầu, người xem có cảm nhận cô không quan tâm gì đến chiến tranh và thoải mái tự tại sống, cô là nhân vật sáng nhất phim với tính cách đồng nhất về sự lương thiện và nuôi dạy Jojo một cách tốt nhất, cô không phản bác hay cố tìm cách dập tắt niềm tin mãnh liệt của cậu con trai dành cho Hitler, mà luôn tránh nhắc về nó và khuyến khích sự can đảm hồn nhiên của cậu.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá chủ quan và thả lỏng cảm xúc khi thưởng thức một bộ phim hài đen đầy sâu sắc này. Điềm báo về cái chết dần dần xuất hiện, nó không đột ngột mà xuất hiện một cách chậm rãi và cảnh báo cho bạn biết trước một thứ gì đó sắp xảy ra. Mẹ Jojo tuy tuyệt vời là thế, nhưng bà cũng chỉ là nạn nhân của chế độ Phát xít, bà cũng chỉ là một người mẹ đơn thân lo lắng cho tương lai của con trai. Cảm nhận thấy cái sai trái của Đức Quốc xã, bà bộc lộ từng hành động nhỏ phản đối Phát xít như che giấu người Do Thái ở nhà mình.

    Hình ảnh những người phản đối Phát xít bị trừng phạt bằng cách treo cổ xuất hiện đột ngột, nhưng khung hình chỉ hiện lên là những đôi chân đung đưa giữa không trung. Lúc này, lần đầu tiên người xem mới cảm nhận được cái chết hiện diện trong bộ phim rõ rệt và trầm lắng đến vậy. Khung hình từ đó chỉ bắt lấy đôi chân người mẹ và đó cũng chính là điềm báo khiến mình giật mình nhất. Khi đôi chân mang đôi giày đỏ quen thuộc của Rose liên tục được bắt cận và cuối cùng là hiện lên tím ngắt, đung đưa giữa không trung. Khung cảnh bộ phim lập tức chuyển sang màu sắc đen tối hoàn toàn và người xem như bị chính tiếng cười cợt từ đầu phim đến giờ đánh thẳng vào lương tâm mình. Đây chính là ngôn ngữ điện ảnh tuyệt vời nhất trong lòng mình, rằng không cần quá nhiều lời thoại để miêu tả cái chết hay hình ảnh máu me kinh hoàng, chỉ đơn giản dùng hình ảnh đôi giày đỏ tinh tế và nghệ thuật để kể một tình huống ám ảnh nhất, khiến người xem phải ám ảnh tột độ về cái chết được phim dàn xếp từ đầu đến cuối quá đỗi hợp lý và cài cắm tài tình.

    [​IMG]

    (Sau khi cái chết của những người phản đối Phát xít xuất hiện, thì khung cảnh kể từ đó chủ yếu bắt nhiều vào đôi giày của Rose)

    [​IMG]

    (Và bùm! Một cú đánh thẳng vào mặt khán giả, chuyển hướng hoàn toàn bộ phim hài kịch thành chính kịch)​

    Đây chính tình tiết đã thay đổi tâm lý của Jojo một cách rõ rệt nhất, cậu bé đã đau khổ thế nào khi mất đi người mẹ tuyệt vời nhất của mình – cũng là người thân duy nhất của cậu, dẫu vậy Jojo hoàn toàn bất lực và đành đổ lỗi là do mẹ đã che giấu Elsa – người Do Thái, nhưng lần nữa, Jojo lại không dám tàn nhẫn giết ai đó. Jojo đã trưởng thành nên cậu bé nhận ra rằng thứ giết chết mẹ mình không phải là người Do Thái mà là chính Đế Quốc xã mình từng tin tưởng. Jojo tập trưởng thành trong suy nghĩ, bằng chi tiết đá văng người bạn tưởng tượng Hitler đi, cậu thay đổi trang phục Phát xít và trở thành người nhà với Elsa. Một chi tiết đánh dấu sự trưởng thành nhất trong Jojo chính là chấp nhận sự thật nước Đức đã thua thảm hại, và nói ra sự thật cho Elsa biết (dù trước đó cậu không dám nói vì không muốn Elsa rời bỏ mình đi). Jojo đã trưởng thành và hành động lương thiện như mẹ mình, cậu bé cúi người và cột dây giày cho Elsa như cách mẹ cậu vẫn làm cho mình, thay lời chia tay để cô bé trở về với gia đình sau khi chiến tranh đã kết thúc. Lúc này cậu bé không còn là một công cụ cho chiến tranh nữa mà đã trở thành một con người đúng nghĩa, tràn đầy niềm tin về yêu thương và hạnh phúc phía trước. Phân đoạn Elsa và Jojo nhảy một điệu nhảy ngẫu hứng trước khi từ biệt nhau, như một hy vọng sáng sủa vừa được thắp lên về một niềm tin hạnh phúc và hòa bình. Sau khi chiến tranh đã qua đi, và đây là lúc con người phải học cách vượt qua nỗi đau và tổn thương một cách tích cực.

    [​IMG]

    Bộ phim Jojo Rabbit đã kể một câu chuyện về chiến tranh qua đôi mắt trẻ con một cách vô cùng hợp lý và giàu ý nghĩa. Bằng cách kể một câu chuyện bằng hình ảnh không hề nặng nề như tưởng tượng mà cố làm lố những hành động tàn ác ấy lên để chọc cười khán giả, người xem lại bớt đi phần nào chua xót và đau lòng, nhưng chắc chắn khi bộ phim kết lại, bạn sẽ phải liên tục suy nghĩ về vấn đề nhân đạo và ý nghĩa của bộ phim một cách vô cùng ám ảnh.

    Nếu bạn muốn xem một bộ phim về chiến tranh nhưng không quá nặng nề và bi thảm thì Jojo Rabbit là lựa chọn tốt mình khuyến khích nên coi, tuy là hài kịch đen nhưng tầng ý nghĩa mà phim để lại là vô cùng sâu sắc và tinh tế.

    -Hết-​
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng tám 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...