Review Phim In The Mood For Love (2000) - Vương Gia Vệ: Câu Chuyện Tình Hồng Kông Dở Dang

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi NavaNov, 2 Tháng tám 2020.

  1. NavaNov

    Bài viết:
    10

    Tên tiếng Anh: In the mood for love

    Năm sản xuất: 2000

    Thể loại: Lãng mạn

    Quốc gia: Hồng Kông

    Đạo diễn: Vương Gia Vệ


    [​IMG]

    (Nguồn ảnh: Internet)

    Vẫn là câu giới thiệu quen thuộc - mình là fan của đạo diễn người Hồng Kông Vương Gia Vệ. Và Tâm trạng khi yêu (In the mood for love) là bộ phim đầu tiên đưa mình đến với vị đạo diễn này.

    Tâm trạng chung của mình khi xem In the mood for love là dở dang một cách trọn vẹn và hoàn hảo một cách khó chịu.

    Dở dang một cách trọn vẹn:

    [​IMG]


    (Nguồn ảnh: Internet)

    Có thể nói xuyên suốt bộ phim là những dở dang nối tiếp nhau. Lần đầu xem mình có cảm giác nghẹn ngào tiếc nuối vô cùng khi mà đến cuối cùng mọi thứ vẫn chỉ là "dở dang". Đúng người, không đúng thời điểm. Nhân vật nam chính - ông Châu do Lương Triều Vỹ thủ vai và nhân vật nữ chính - bà Trần do Trương Mạn Ngọc thủ vai bắt đầu mọi thứ bằng việc đúng thời điểm và dần kết thúc mọi thứ bằng việc sai thời điểm. Cùng một ngày, cùng một khu nhà trọ, họ cùng chuyển đồ vào và cùng bắt đầu cuộc sống mới ở đây như hai người hàng xóm. Cùng lúc bà Trần đi mua cháo cũng là lúc ông Châu đi làm về, hai người ngược đường nhau trên chiếc cầu thang nhỏ hẹp ở khu trọ dưới bóng đèn chiều loang màu vàng đỏ. Cùng lúc họ đang trên đường là một cơn mưa Hồng Kông bất ngờ ập tới trong sắc đỏ đặc trưng của đô thị.

    "I didn't think you'd fall in love with me." ( "Em đã không nghĩ rằng anh sẽ phải lòng em") - cuối cùng họ đã thừa nhận cảm xúc thật sự của mình.

    Nhưng.

    Ngay khi họ có thể thừa nhận cảm xúc thật sự của mình thì mọi thứ lại bắt đầu trở nên sai thời điểm. Khi anh ấy mua dư một vé thì có vẻ cô ấy lại không muốn đi cùng. Khi cô đến tìm anh để sẵn sàng ở bên anh thì anh đã rời đi rồi. Khi cô tìm anh thì anh không ở đó, khi điện thoại reo lên cũng không phải lúc anh có thể nghe. Hết lần này đến lần khác, cuối cùng họ chấp nhận đó là cuộc sống và mỗi người bước tiếp cuộc đời của mình.

    Lúc xem đến đoạn kết mình đã luôn mong hai nhân vật có thể gặp nhau ít nhất một lần để giải thích: Em đã luôn tìm kiếm anh / anh đã luôn mong đợi em. Và sau này mình mới biết đã thực sự có một đoạn phim dài khoảng 4 phút mà ở đó hai người thực sự gặp nhau và đoạn phim đó chưa từng được sử dụng. Mình - sau 4, 5 lần xem đi xem lại bộ phim - nhận ra rằng mong muốn ban đầu của mình thật không đúng và rằng thật may mắn vì đoạn phim đó chưa bao giờ được sử dụng. Bởi chính sự dang dở mới làm cho bộ phim trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết. Đó là cuộc sống. Và hai nhân vật cũng không thật sự cần gặp nhau để giải thích những chuyện mà mỗi người họ đều hiểu quá rõ rồi.

    Hoàn hảo một cách khó chịu:

    [​IMG]


    (Nguồn ảnh: Internet)

    Với mình bộ phim này mang lại cảm giác mâu thuẫn như vậy. Mình vừa thấy nó thật hoàn hảo vừa thấy thật khó chịu.

    Cảm giác khó chịu đầu tiên là phần lớn cảnh quay trong phim bị đóng khung lại trong những khung cửa sổ, khung bờ tường, cầu thang, lối hành lang nhỏ hẹp. Thậm chí lúc hai người đứng nói chuyện trên phố, mình đã nghĩ không còn cái "khung" nào cả thì vẫn có những song sắt của cánh cổng đổ bóng đè lên họ. Lẽ nào tình yêu lại khó khăn đến thế? Lẽ nào nhân vật cứ bị kìm nén trong những khuôn khổ quá hẹp ấy mãi?

    Cảm giác khó chịu thứ hai (và cũng đồng thời cảm thấy thú vị) là việc vợ của ông Châu và chồng của bà Trần chưa bao giờ lộ mặt. Mọi cảnh quay về họ đều là giọng nói chuyện qua điện thoại, quay từ sau lưng, chỉ quay mái tóc.. Mình đã rất tò mò về diện mạo của họ và chờ đợi một cảnh quay họ lộ diện nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Nghĩ cũng đúng thôi, khuôn mặt họ đâu có ý nghĩa gì, việc họ làm mới là những gì thúc đẩy các tình tiết trong phim.

    Cảm giác khó chịu thứ ba là việc cả bộ phim ai cũng ngoại tình, kể cả nhân vật phụ. Chồng của bà Trần và ông Châu có chiếc cà vạt giống hệt nhau. Vợ của ông Châu và bà Trần có chiếc túi xách giống nhau. Đúng vậy, chồng và vợ của hai nhân vật chính ngoại tình với nhau. Ông chủ của bà Trần cũng là người hết lần này đến lần khác nhờ bà ấy mua quà cho vợ mà mặc định là mỗi lần đều sẽ mua hai món quà giống hệt nhau để tặng cho cả người ông đang ngoại tình. Vậy thì tại sao hai nhân vật chính không làm thế? Họ đã có những lúc thật sự ở bên nhau nhưng cuối cùng lại quyết định không muốn giống như vợ/chồng của mình và đã đấu tranh dằn vặt bởi suy nghĩ đó. Lần đầu tiên việc ngoại tình phần nào đó được khán giả ủng hộ nhưng nhân vật lại quyết định từ chối.

    Ngần đó sự khó chịu kìm nén khi theo dõi bộ phim đã khiến cảm xúc của người xem cũng bị dồn nén theo và thật sự thở hắt ra khi nghe những lời cuối phim: "He remembers those vanished years. As though looking through a dusty window pane, the past is something he could see, but not touch. And everything he sees is blurred and indistinct." ( "
    Anh ta nhớ lại những năm tháng đã qua. Như thể nhìn qua một tấm kính phủ bụi mờ, quá khứ là thứ gì đó anh ta có thể nhìn thấy nhưng lại không thể chạm vào. Và tất cả mọi thứ anh ta thấy đều mờ nhạt và không rõ ràng. ")

    Về nhạc phim

    Theo mình thì nhạc phim là một trong những yếu tố quan trọng mang đến sự thành công cho bộ phim.

    I'm in the mood for love của Bryan Ferry thật sự là một lựa chọn quá hoàn hảo.

     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...