Review Sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Alexandra David Neel

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Hạ Quỳnh Lam, 6 Tháng mười hai 2023.

  1. Hạ Quỳnh Lam

    Bài viết:
    63
    Review sách: "Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng".

    *Giới thiệu chung:


    - Tên sách: Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng.

    - Tác giả: Alexandra David Neel. *

    - Thể loại: Sách chữ, khoa học, tâm linh, huyền học, tôn giáo, tự sự, khác..

    - Dịch giả: Nguyên Phong.

    - NXB: NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

    - Thời gian phát hành: Năm 2022 (tái bản mới nhất).

    - Dung lượng: 165 trang.

    (* Alexandra David Neel là người phụ nữ da trắng đầu tiên du hành khắp Tây Tạng và đến được thủ đô Lhassa. Bà đã dành hơn 12 năm nghiên cứu về Phật học và huyền học tại đất nước này, đồng thời viết nhiều cuốn sách nổi tiếng có giá trị sâu sắc về Tây Tạng).

    [​IMG]

    *Lời tựa:

    "Ngày nay, có lẽ Tây Tạng không còn là một nơi chốn huyền bí, lạ lùng nữa. Người ta có thể du lịch đến thủ đô Lhasa một cách tương đối dễ dàng, nhưng Tây Tạng ngày nay không còn như Tây Tạng cách đây nửa thế kỷ.

    Trước khi qua Tây Tạng, tác giả cuốn sách này, bà David Neel đã là một học giả nổi tiếng về Phật học. Bà nhận thấy truyền thống Phật giáo dù theo Tiểu thừa hay Đại thừa vẫn có những điểm tương đồng, nhưng truyền thống Phật giáo tại Tây Tạng lại dường như khác hẳn nên bà quyết định qua xử này nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Tây Tạng khi đó đang ở trong tình trạng giao thời với nhiều biến động chính trị. Mặc dù quân đội Anh vừa xâm lăng, bắt buộc xứ này phải thông thương với ngoại quốc, nhưng người Tây Tạng vẫn giữ thái độ thù nghịch với tất cả những gì đến từ bên ngoài. Tuy chính sách bế quan tỏa cảng đã bị loại bỏ nhưng nó vẫn được thi hành có phần chặt chẽ hơn.

    Trong cuốn Đường mây qua xứ tuyết, bạn đọc đã theo dõi một tu sĩ Phật giáo, Lạt Ma Govinda, đi khắp Tây Tạng sưu tầm kinh điển, tranh ảnh và học đạo, thì trong cuốn Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, xin mời bạn đọc theo dõi cuộc hành trình của bà Alexandra David Neel, một phụ nữ Pháp, đi khắp xứ này với mục đích tìm hiểu và ghi nhận những sự kiện lạ lùng, huyền bí mà chưa một người ngoại quốc nào được chứng kiến. Không giống như Lạt Ma Govinda chỉ chú trọng vào những tài liệu, kinh điển Phật giáo, bà David Neel đã quan sát tất cả các phép thuật huyền bí, phương pháp tu luyện lạ lùng của nhiều tôn giáo khác nhau."

    *Tóm tắt:

    "Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng" có nội dung chủ yếu là viết về những trải nghiệm tâm linh, những nghiên cứu thực tế của tác giả về Phật giáo và huyền học tại đất nước Tây Tạng, đồng thời là sự lý giải về các hiện tượng huyền thuật bí ẩn.

    Cuốn sách chia làm 6 chương lớn: Chương 1 - Các tu sĩ huyền môn; Chương 2 – Đường vào Tây Tạng; Chương 3 - Huyền thuật và ma thuật; Chương 4 - Các vị tổ Mật Tông; Chương 5 - Các bộ môn huyền thuật khác; Chương 6-Lý thuyết và thực hành.

    Hầu hết tất cả các chương đều ghi chép lại những nhân vật, sự kiện, hiện tượng tâm linh mà tác giả đã chứng kiến hoặc trải qua tại xứ này. Bà đã dành khoảng thời gian rất dài để nghiên cứu về Tây Tạng (dù ý định này chỉ là tình cờ), khi thì tìm đến những tu viện hẻo lánh, khi thì nhập thất trên đỉnh núi Tuyết Sơn kì vĩ và hoang lạnh, được các vị Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp kiến hay gặp gỡ những đạo sĩ huyền môn.

    Chương thứ nhất của cuốn sách kể về cuộc gặp gỡ kì diệu của tác giả với Đức Lạt Lai Lạt Ma thứ 13 của Tây Tạng cùng một vài hiện tượng huyền thuật đặc sắc mà bà vô tình chứng kiến. Chương hai là quá trình tác giả tìm về Tây Tạng – quê hương của huyền thuật và những hiện tượng tâm linh bí ẩn. Chương ba ghi lại những nghiên cứu và trải nghiệm của tác giả với huyền thuật Tây Tạng, về cách thức tu luyện huyền thuật và những mặt tối của việc sử dụng huyền thuật cho mục đích tà ác (giống như ma thuật). Các chương còn lại chủ yếu viết về huyền thuật và các vị tổ Mật Tông (những vị tổ sáng lập giáo phái Mật Tông tại xứ này).

    *Cảm nhận:

    "Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng" là một cuốn sách hay và có giá trị cực kỳ sâu sắc trong lĩnh vực văn hóa, tâm linh, tôn giáo, huyền học và khoa học.

    Thực ra mà nói, cuốn sách này ghi chép lại những trải nghiệm tâm linh, nghiên cứu chuyên tâm về tôn giáo và huyền học Tây Tạng, nó không chứa đựng nhiều yếu tố tình cảm hay bài học nhân đạo mà hoàn toàn là những nghiên cứu và lý giải. Thể loại sách như vậy thường phù hợp với những học giả nghiên cứu, còn với thị hiếu của giới trẻ hiện nay thì không có nhiều. Nhưng mình nghĩ mỗi thể loại sách sẽ có giá trị và sự đặc sắc riêng của nó: Ngôn tình thì giàu yếu tố tình cảm, trinh thám thì giàu kịch tính và chất tư duy, còn cuốn sách này lại là một tác phẩm có giá trị to lớn về văn hóa – tôn giáo – tâm linh phương Đông (chủ yếu là Tây Tạng).

    Đối với cá nhân mình thì cuốn sách này thực sự rất hay. Những trải nghiệm thực tế, sự tìm hiểu và lý giải sâu sắc về các hiện tượng tâm linh, các câu chuyện thú vị xoay quanh những mối nhân duyên ở xứ Tây Tạng có sức hấp dẫn đặc biệt với mình. Bản thân mình cũng là một người rất yêu thích văn hóa – tâm linh và tôn giáo, nên mình cực kỳ tâm đắc cuốn sách này. Đặc biệt là đất nước Tây Tạng – quê hương của huyền thuật và những hiện tượng tâm linh kì lạ, xứ sở của những nét văn hóa độc đáo gắn liền với tín ngưỡng của nhân dân, từ lâu đã là một miền đất có sức hút kì diệu. Không ai biết vì sao xứ này lại thường xuyên xảy ra nhiều sự kiện tâm linh huyền bí như vậy, nhưng với ai ưa thích khám phá về những điều bí ẩn và tôn giáo thì không thể nào bỏ qua Tây Tạng.

    Dù ghi chép nghiên cứu chuyên sâu nhưng cuốn sách thực sự không hề khô khan. Những câu chuyện và trải nghiệm được tác giả kể lại vô cùng thú vị, đôi khi là kịch tính và gây tò mò cho người đọc. Cuốn sách viết theo lối văn tự sự, lời kể rất tự nhiên, mạch lạc. Những trải nghiệm thực tế giống như dẫn chứng cho lý lẽ và quan niệm tôn giáo tại xứ này được trình bày độc đáo và giàu sức thuyết phục. Nội dung các phần có sự liên kết chặt chẽ. Những lý giải và quan niệm cá nhân của tác giả viết lại có tính sâu sắc và logic cao. Những yếu tố đó giúp cuốn sách trở thành bức tranh sống động và kì diệu về xứ sở Tây Tạng – về văn hóa, tôn giáo, huyền học phương Đông.

    Con người luôn luôn có khao khát khám phá những sự kiện huyền bí của thế giới, bởi một sự thật là có rất nhiều điều diệu kỳ đã và đang xảy ra trong cuộc sống mà người ta gọi là "phép thuật", nhưng có thể đó cũng là những hiện tượng tự nhiên vốn hiện hữu một cách khoa học mà chúng ta chưa hiểu hết. "Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng" là một cuốn sách nghiên cứu thực tế về những sự kiện tâm linh và tôn giáo, có giá trị sâu sắc và phong phú trong các tác phẩm viết về Tây Tạng. Cuốn sách rất phù hợp với những ai ưa thích văn hóa – tôn giáo, song có lẽ ai cũng nên đọc một lần để mở rộng hiểu biết của chính mình về thế giới đầy bí ẩn cùng văn hóa phương Đông mang dấu ấn Tây Tạng rõ nét.

    *Trích dẫn:

    - "Người có đời sống tâm linh phong phú cũng là người đang đi trong nẻo luân hồi nhưng đã có mục đích rõ rệt. Họ biết mình muốn đi đâu và có sẵn một bản đồ chỉ dẫn. Họ biết trước những mục tiêu ngắn hạn phải đạt, những cạm bẫy bên dường phải tránh. Họ tập trung tư tưởng vào mục đích cao cả trước mặt và luôn luôn tiến bước không ngừng. Đôi khi họ cũng vấp ngã, có khi họ bị cám dỗ hay lạc hướng nhưng họ luôn luôn đề cao cảnh giác để định hướng trở lại và quyết tâm tiến đến mục tiêu đã đề ra. Vì đời người quá ngắn, Thần Chết đã tấn công họ trước khi họ đạt được mục tiêu nhưng cái ý chí cương quyết tiếp tục con đường đã định giúp họ ý thức về giai đoạn tạm thời giữa các cõi sống. Thân thể họ có thể tan rã nhưng cái ý chí vẫn còn nguyên vẹn dưới trạng thái năng lực tâm linh, và cái năng lực này sẽ tiếp tục hướng dẫn họ chuyển kiếp đầu thai vào một cơ thể khác để hoàn tất tâm nguyện quá khứ. Đó là trường hợp của các vị hóa thân tại Tây Tạng.

    -" Thông thường, đầu óc con người luôn luôn bị dao động bởi các luồng suy nghĩ khác nhau. Ngay khi người ta đang làm một chuyện gì đó thì trong đầu cũng nảy sinh rất nhiều suy nghĩ khác biệt lao chao như ngọn đèn trước gió. Có thể vì những suy nghĩ này cũng chỉ hiện ra rồi biến mất, không để lại dấu vết gì nên người ta không ý thức đến chúng. Chính vì không làm chủ được mà người ta sống thụ động, không ý thức. Các sức mạnh tâm linh được tập trung bởi suy nghĩ, do đó bị hao tán và không tạo được ảnh hưởng gì quan trọng. Để tập trung suy nghĩ, ta phải biết cách loại bỏ những suy nghĩ không cần thiết, chỉ giữ trong tâm một suy nghĩ duy nhất mà thối. Khi sức mạnh của suy nghĩ được tập trung, nó sẽ gia tăng cường độ và tạo ra những hiện tượng của tâm thức vô cùng đặc biệt. Việc tập luyện để kiểm soát suy nghĩ, tập trung nó vào một điểm duy nhất, chính là căn bản của hầu hết các bộ môn huyền thuật Tây Tạng. "

    -" Nhiều người đã hỏi tôi tại sao Tây Tạng lại có nhiều hiện tượng huyền bí khác hẳn những nơi chốn khác? Đây là một câu hỏi có nhiều cách trả lời tùy theo quan niệm mỗi người. Tôi tin rằng địa dư là một trong những yếu tố chính đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để huyền thuật có thể phát triển. Có lẽ do ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi những rặng núi hiểm trở nên xứ này đã gìn giữ được những truyền thống cổ xưa. Có lẽ vì nằm ở trên cao, dân cư thưa thớt so với cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ nên không gian xứ này lúc nào cũng hết sức yên tĩnh. Bất cứ ai đến đây cũng đều cảm nhận được sự tĩnh lặng mênh mông bao trùm lên mọi vật.

    Trong thời gian sống tại đây, tiếng động ồn ào nhất mà tôi được nghe chỉ là tiếng thác nước hay tiếng rì rào của gió thổi qua những hàng cây. Phải chăng chính vì sự tĩnh lặng tuyệt đối này mà tư tưởng con người dễ tập trung, khuếch đại, giúp người ta có thể phát triển được các khả năng đặc biệt? Phải chăng cuộc sống tại những nơi phồn hoa đô hội với hàng triệu làn sóng suy nghĩ hỗn tạp đã tạo ra những rung động lộn xộn, huyên náo, đầy ô nhiễm, làm hao tán khả năng tập trung, phá hoại tâm trí con người? "

    -" Những hiện tượng được ghi nhận trong cuốn sách này hoàn toàn khác lạ với quan điểm thông thường của người phương Tây. Vì mối người trong chúng ta đều là sản phẩm của thời đại mà chúng ta đang sống, mỗi người đều tự tạo cho mình một quan niệm riêng – được xây dựng trên nên tảng giáo dục và tập quán xã hội. Mỗi khi có một sự kiện gì xảy ra, người ta thường cố gắng giải thích, sắp xếp dựa trên quan niệm đó. Nếu có thể chấp nhận được thì người ta sẽ giải thích nó theo những nền tảng hợp lý nhất.

    Nếu không thể giải thích hay chấp nhận thì người ta sẽ loại bỏ nó đi. Sự phủ nhận là điều mà tôi gọi là thành kiến, và chính thành kiến đã giới hạn sự hiểu biết của con người."

    (Cảm ơn vì đã ghé qua)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...