Tản Văn Hương Lúa Đồng Chiêm - Lê Gia Hoài

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lê Gia Hoài, 20 Tháng chín 2020.

  1. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Tác phẩm: Hương Lúa Đồng Chiêm

    Tác giả: Lê Gia Hoài

    Thể Loại: Tản Văn

    Một trong những mùi hương quen thuộc mà rất đặc biệt trên các cánh đồng trải dài khắp đất nước Việt Nam làm cho những ai được sinh ra và lớn lên ở các vùng thôn quê đều cảm thấy vô cùng yêu thích đó là hương lúa. Hương lúa – hương của làng quê, hương của thiên nhiên đất trời nơi thôn dã, hương của đồng chiêm bốn mùa mưa nắng là thứ hương nếu ai trong đời không được một lần thưởng lãm, được cảm nhận và để nó thấm vào lòng mình thì có lẽ chưa thể gọi là người Việt Nam – xứ sở của nền nông nghiệp lúa nước trứ danh trên bản đồ thế giới.

    Vòng đời của cây lúa nước được bắt đầu từ việc lựa chọn, ngâm ủ thóc giống cho đến khi hạt thóc giống nảy mầm, những mầm thóc giống được gieo nở thành mạ, những cây mạ non được cấy vào đất và từ cây mạ lúa bắt đầu sinh trưởng, phát triển thành cây lúa cứng cáp khỏe mạnh. Lúc trưởng thành cây lúa bắt đầu đẻ nhánh, phân hoa đòng (làm đòng), trổ bông và hạt lúa chín vàng. Lúc lúa chín vàng sau khoảng 90 đến 120 ngày gieo cấy (tùy giống lúa) là lúc người nông dân được thu hoạch thành quả lao động của mình. Tất nhiên hạt lúa được dân quê tôi gọi là hạt vàng, hạt ngọc không chỉ bởi nó là nguồn lương thực chính nuôi sống con người mà nó còn là hình ảnh đại diện cho nền văn minh của dân tộc Việt từ xưa cho đến nay.

    Tôi yêu hương lúa bắt đầu từ hương mạ non. Mùi mạ non thơm thoảng, dịu nhẹ, man mác, ngầy ngậy, nó vừa thanh sạch lại vừa bình dị, là mùi của hương đồng cỏ nội, mùi của tiết xuân mới chớm. Mùi hương ấy thật khó mà cảm nhận bằng khứu giác mà phải cảm nhận bằng cảm xúc của tâm hồn, bằng sự tinh tế của tất cả các giác quan thì mới thấu, mới đọng được nó vào trong tâm tưởng vào trong tấm lòng mình được. Khi đã cảm được mùi hương mạ non theo từng làn gió mơn man ngoài đồng nội đưa lại ta mới thấy một cảm giác thật dễ chịu biết bao! Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà mùi hương mạ non lại được một nhạc sĩ nổi tiếng đưa vào lời một bài hát cũng khá nổi tiếng để diễn tả tình cảm của đôi tình nhân ngày mới quen nhau ".. Mùi mạ non hương tóc em biết bao kỷ niệm, nhắc lại thấy thương.." (Thanh Sơn). Có lẽ hương mạ non là mùi hương khởi đầu cho một quá trình sinh sôi nảy nở và đơm bông kết trái của không chỉ cây lúa mà cả tình yêu lứa đôi của các thôn nam, thôn nữ một thời quá vãng.

    Khi cây lúa đến độ trưởng thành là lúc thân cây khỏe nhất, dáng cây đẹp nhất mà ta vẫn gọi "lúa đương thì con gái". Trong thân cây lúa những hạt thóc đang được ấp ủ mà người quê vẫn gọi là đòng đòng. Những nhánh đòng đòng giấu mình bên trong thân lúa giống như những cô gái thẹn thùng e lệ, ngượng ngùng chờ ngày có người đến ngỏ lời thương. Lúc này trên những cánh đồng là một màu xanh nên thơ trải dài bất tận ngút ngàn tầm mắt ta nhìn. Cả đồng lúa mơn man một màu xanh nhẹ nhàng như thế, một màu xanh dịu dàng nhưng không kém phần tinh tế. Có những lúc cơn gió kia vội vàng thổi làm cho đồng lúa như múa reo vì những lá lúa non đua nhau phấp phới như múa như reo hay chính là nó đang vùng vẫy, nổi dậy để lớn lên.


    Giữa mùa xuân đàn én nhỏ chao nghiêng

    Vẫy đôi cánh làm vui thêm đồng bãi

    Lúa lên xanh mơn mởn thì con gái

    Em ra đồng bất chợt đồng xanh thêm.

    Mưa xuân bay lất phất mưa dịu êm

    Làm tươi mát dấu chân em trên cỏ

    Cả cánh đồng uốn mình theo chiều gió

    Lộc biếc tràn về lúa trổ thành bông.

    Như tấm thảm màu xanh trải rộng đến tít chân trời, lúa đương thì con gái đưa hương ra khắp cánh đồng làm sống dậy cả một vùng trời mùa xuân bắt đầu đến độ nồng đượm. Hương lúa thì con gái thật thanh khiết, tươi non, trong trắng, ngọt ngào, thân thuộc, quyến rũ như mùi hương trinh nữ vừa tròn đôi tám. Mùi hương thuần khiết, lãng mạn và tươi nguyên ấy chẳng có thứ nước hoa nào trên đời này có thể sánh được. Nó làm ta đê mê, ngây ngất, làm ta thấy lâng lâng cảm xúc bình yên, dịu nhẹ, thấy trân trọng và yêu hơn những miền quê chở đầy mưa nắng nhưng cũng đầy vẻ đẹp của hương đồng gió nội, của tình làng nghĩa xóm.

    Qua bao ngày chăm bón. Lúc xuân đã vãn, hạ nhón gót chân trở về cũng là lúc lúa chín vàng bông. Cả đồng lúa tràn ngập sắc vàng, có chỗ vàng tươi, có chỗ vàng sẫm, có chỗ vàng xen lẫn xanh. Nhìn những bông lúa hạt vàng chúc chỉu đậu trên những gié lúa uốn hình cầu vồng mà nỗi lòng các cô, các bác nông dân như phấn chấn, rạng rỡ và hân hoan biết bao nhiêu. Khi lúa chín cả cánh đồng được ví như "biển vàng mênh mông". Mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua làm sóng lúa xao động đuổi nhau hết lớp này đến lớp khác nhìn sao mà thích mắt, sao mà thấy ấm no hạnh phúc đến vậy. Lúc này lúa đồng chiêm cho ta một mùi hương thật đặc biệt. Hương lúa chín thơm nồng, thơm ấm, thơm ngạt thơm ngào, thơm tươi, thơm mới.. Cái mùi thơm chắc nịch, ám ảnh rất đặc trưng của hồn quê đất Việt ấy khiến ai xa quê cũng thấy nhớ đến nao lòng. Đâu chỉ có vậy, mùi hương ấy còn như lời thơ lãng mạn, như điệu hát bay bổng, như điệu nhạc du dương thôi thúc lòng người hãy trở về với quê hương bản quán, với đất mẹ xanh trong, với nơi chôn rau cắt rốn chứa chan kỷ niệm một thời thơ ấu. Mùa lúa chín vàng, hạt gạo dẻo thơm đã đi vào trong thơ của Trần Đức Đủ như một hình tượng rất đẹp về cuộc sống mặc dù gặp nhiều gian khó nhưng vô cùng đáng tự hào của bao thế hệ người dân Việt nơi thôn quê.


    "Dẻo thơm hạt gạo quê hương

    Có cả" năm nắng mười sương "người trồng

    Từng bông rồi lại từng bông

    Trĩu cong như dáng lưng còng mẹ ta

    Cho con ngày tháng nở hoa

    Từng trong gian khổ bước ra với đời

    Dù đi cuối đất cùng trời

    Vẫn mang hương lúa, tình người quê ta".

    Còn gì đẹp hơn khi nhìn thấy những cánh đồng lúa rộng thẳng cánh cò bay, một nét đẹp của cội nguồn dân tộc mà mỗi chúng ta nên tìm về để chiêm ngưỡng cũng như gìn giữ nó. Tôi yêu hương lúa đồng chiêm đâu chỉ bởi nó là hương vị của quê hương, hương vị của tuổi thơ một thời gian khó mà nó còn là hương vị của niềm tin, hi vọng và tình yêu với làng quê, đất nước thân thương nơi tôi đã được sinh ra, trưởng thành và nên người. Một nét đẹp giản dị mộc mạc mang màu xanh của hòa bình, màu vàng của ấm no hạnh phúc cần được trân trọng, lưu giữ và lan tỏa tới cuộc sống của cộng đồng dân tộc Việt không chỉ ở trong nước mà còn trên khắp năm châu bốn biển.

    Ngày 18/03/2020


    Lê Gia Hoài.

    [​IMG]
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...