Hướng dẫn trả lời câu hỏi phụ cho tác phẩm Tây Tiến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alena de Merville, 27 Tháng tám 2021.

  1. Alena de Merville

    Bài viết:
    2
    Những kiểu câu hỏi phụ thường gặp trong tác phẩm "Tây Tiến" của Quang Dũng là:

    1. Vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn

    2. Tinh thần bi tráng

    3. Vẻ đẹp hình tượng người lính (hào hoa, hào hùng)

    Sau đây, mình sẽ đưa ra gợi ý cho từng câu hỏi phụ một

    1. Vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn

    Cảm hứng lãng mạn trong văn học là cảm hứng khẳng định cái tôi tràn đầy cảm xúc và lý tưởng. Nó hướng tới cái đẹp, sự vui vẻ, lạc quan, vượt lên trên những điều tầm thường của cuộc sống. Nó đề cao nguyên tắc chủ quan, phát triển cao độ trí tưởng tượng. Đây cũng chính là cảm hứng chủ đạo trong sáng tác văn học, nhất là những năm 1945-1975 (đây là phần khái niệm, nếu không có thời gian, có thể bỏ qua ). Để làm nên một "Tây Tiến" thành công, không thể không kể đến vẻ đẹp của cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm. Những biểu hiện cụ thể của nó có thể kể đến như cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ tha thiết về bức tranh thiên nhiên Tây Bắc và đồng đội Tây Tiến của tác giả. Chính những cảm hứng này đã chi phối và dẫn dắt, khơi gợi những kỉ niệm của nhà thơ. Cảm hứng ấy chi phối ngòi bút Quang Dũng hướng đến Tây Bắc với vẻ đẹp vừa dữ dội hiểm trở, vừa thơ mộng trữ tình. Đặc biệt là bức tranh thi vị của Tây Bắc trong đêm sương hay trong màn mưa, trên đường đi Châu Mộc. Cảm hứng ấy còn được thể hiện qua việc khắc họa tinh thần dũng cảm, sự tếu táo của những người chiến sĩ vượt lên trên hiện thực khó khăn, gian khổ trước mắt. Ngoài ra, nó còn được thể hiện qua phương diện nghệ thuật với những hình ảnh thơ thi vị cùng với những liên tưởng phong phú như: "Hoa về", "mùa em", "hoa đong đưa".. Với người nghệ sỹ, điều khó khăn nhất là để lại dư ba trong lòng độc giả nhưng với tác giả Quang Dũng, chỉ bằng một bài thơ với nguồn cảm hứng lãng mạn tuôn trào trong lồng ngực, dấu ấn của ông đã in đậm trên bước đường văn học dân tộc cũng như với người đọc muôn thuở.

    2. Tinh thần bi tráng

    Tinh thần bi tráng trong tác phẩm văn học được thể hiện ở việc nhà văn khi miêu tả hiện thực không né tránh cái "bi" (cái gian khổ, cái đau thương) những "bi" mà không "lụy" bởi có sự khắc họa nét hào hùng khi hướng tới ve đẹp phẩm chất, tâm hồn của con người (đây là phần khái niệm, nếu không có thời gian, có thể bỏ qua ). Tinh thần bi tráng trong tác phẩm được thể hiện trước hết ở việc khắc họa hiện thực gian nan, vất vả trên chặng đường hành quân của các chiến sĩ. Họ phải đi qua nhiều địa hình hiểm trở, xuyên qua màn sương dày đặc, đối diện với thú dữ, thậm chí phải đối mặt với tử thần vì vất vả, bệnh tật hay bom rơi đạn lạc. Ngoài ra, nét bi tráng còn được thể hiện qua hiện thực trong chặng đường chiến đấu. Những nấm mồ tử sĩ nằm rải rác khắp nơi, thậm chí khi mất đi còn không có cả manh chiếu để chôn cất là những hình ảnh khắc họa rõ nét hiện thực đầy cay đắng ấy. Nhưng vượt lên trên hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh, người lính Tây Tiến vẫn mang vẻ đẹp hào hùng, át đi nét bi lụy với tinh thần chủ động thích ứng với hoàn cảnh, sự dũng cảm, lý tưởng sống cao đẹp. Họ đối diện với hiểm nguy, với cái chết có thể cận kề với một tâm thế nhẹ nhàng, đầy thanh thản, không chút lo lắng. Bên cạnh hình ảnh của những người chiến sĩ, giọng điệu thơ hào hùng cùng các biện pháp tu từ và một loạt các từ Hán Việt chính là vũ khí sắc bén giúp nhà thơ Quang Dũng thể hiện trọn vẹn tinh thần bi tráng của tác phẩm.

    3. Vẻ đẹp hình tượng người lính (hào hoa, hào hùng)

    Sự nghiệp của nhà thơ Quang Dũng không đồ sộ như những nhà thơ khác nhưng chỉ với tác phẩm "Tây Tiến" đã đủ làm nên tên tuổi của ông trong nền văn học kháng chiến nước nhà. Nét độc đáo trong thơ Quang Dũng không chỉ bởi trong thơ có nhạc, có họa mà còn bởi sự tài hoa trong việc xây dựng hình tượng những người lính vừa mang vẻ đẹp hào hoa, vừa mang vẻ đẹp hào hùng. "Hào hoa" là vẻ đẹp thanh lịch, lãng mạn, mộng mơ. Nó được thể hiện nỗi nhớ thương thường trực về quê hương trong tâm hồn người lính và những rung cảm tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên của mảnh non cao Tây Bắc. Ngoài ra, vẻ hào hoa ấy còn được nhận thấy ở tâm hồn bay bổng, đầy những liên tưởng thú vị đầy màu sắc và âm thanh. Bên cạnh vẻ đẹp hào hoa phong nhã, vẻ đẹp hào hùng chính là yếu tố giúp cho hình tượng người chiến sĩ trở nên hoàn mỹ. Đó là tinh thần vượt lên trên khó khăn, gian nan, đối diện với thử thách với một tâm thế vô cùng lạc quan, dù phải đối diên với hiện thực vất vả vẫn giữ cho mình lý tưởng sống cao đẹp. Hai vẻ đẹp tưởng như trái ngược nhau, lại hòa hợp, thống nhất trong hình hài những người lính Tây Tiến, tạo nên nét rất riêng của những chàng trai xuất thân là học sinh sinh viên của xứ Hà Thành. Điều đó đã góp phần tạo nên vẻ đẹp bất tử cho hình tượng người lính thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
     
    Porcus Xuchiqudoll thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...