Hướng dẫn soạn: Hương Sơn phong cảnh ca - Chu Mạnh Trinh, bộ Chân trời sáng tạo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Vân Yên, 26 Tháng chín 2023.

  1. Vân Yên

    Bài viết:
    6
    I, Tác giả:

    - Tên: Chu Mạnh Trinh 朱孟楨 (1862-1905) tự Cán Thần 幹臣, hiệu Trúc Vân 竹雲

    - Quê: Làng Phú Thị, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

    - Cuộc đời: Đậu tiến sỹ triều Thành Thái (1892). Làm quan qua các chức: Tri phủ Lý Nhân, rồi án sát Thái Nguyên, án sát Hưng Yên, tổng cộng 10 năm (1893-1903). Sau đó cáo quan về làng, hai năm sau thì mất ở tuổi 44. Chu Mạnh Trinh có cốt cách một nhà Nho tài tử. Ông làm quan, nhưng chính sự phản động thời ấy nước mất dân cùng, bất công đầy rẫy, không cho phép ông thi thố hoài bão nước giàu dân mạnh, ông thành viên quan lười, thích ngao du hát xướng, xây dựng đình chùa, làm thơ vịnh truyện.

    - Đặc điểm sáng tác: Chu Mạnh Trinh tiêu tao tinh tế, ông thiên về nội tâm cá thể hơn là hiện thực xã hội. Đọc tác phẩm ông cũng cần một sự lắng lại, cảm thông, lắng nghe cho kỳ được một nỗi u hoài giăng mắc trong câu thơ. Bên cạnh đó tác phẩm ông còn thể hiện tình yêu thiên nhiên.

    II, Tác phẩm:

    - Thể loại: Hát nói

    - Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được trích trong tập thơ Việt Nam ca trù biên khảo do Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huệ biên soạn.

    Nội dung: Cảnh đẹp Hương Sơn và cảm xúc của nhân vật trữ tình.

    - Nghệ thuật:

    +Từ ngữ phong phú, gợi hình gợi cảm.

    + Lời thơ giàu cảm xúc

    + Hình ảnh đẹp, gợi cảm

    Câu 1: Xác định bố cục của bài thơ.

    - Phần 1: 4 câu đầu: Cái nhìn bao quát của chủ thể trữ tình khi đặt chân đến Hương Sơn.

    - Phần 2: Câu 5 đến câu 16: Miêu tả cụ thể phong cảnh Hương Sơn theo bước chân của chủ thể trữ tình nhập vai trong "khách tang hải".

    - Phần 3: Còn lại: Tư tưởng từ bi, bác ái và tình yêu đối với cảnh đẹp đất nước của tác giả.

    Câu 2: Nêu một số từ ngữ để khái quát vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn gợi tả qua các đoạn thơ.

    Gợi ý:

    Vẻ đẹp thoát tục

    Vẻ đẹp diễm lệ

    Vẻ đẹp diệu kỳ

    Vẻ đẹp vĩnh hằng bất chấp mọi biến đổi của thế giới bên ngoài..

    Câu 3: Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ và cho biết đó là những dạng chủ thể nào?

    Gợi ý:

    Chủ thể trữ tình trong bài thơ có hai dạng:

    - Chủ thể ẩn: Không xuất hiện trực tiếp, người đọc chỉ cảm nhận được có một ai đó đang quan sát và rung động trước phong cảnh Hương Sơn.

    - Chủ thể nhập vai: Qua cụm "khách tang hải".

    => Hai chủ thể xuất hiện xen kẽ trong bài thơ, có lúc độc lập cũng có lúc hòa vào nhau.

    Chủ thể trữ tình tự nhận mình là "khách tang hải" ngắm cảnh Hương Sơn bằng cái nhìn và tâm thế của vị khách đến từ cõi trần tục. Từ cõi trần tục nhiều phiền lụy bước vào một thế giới khác hẳn như bước vào cảnh bụt thiêng liêng, thoát tục nên đã có cảm xúc mạnh mẽ: "Khách tang hải giật mình trong giấc mộng". Việc nhập vai vào chủ thể "khách tang hải" giúp bộc lộ một cái nhìn tươi mới, cảm xúc ngạc nhiên, sự sốt thậm chí choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ thú của Hương Sơn.

    Câu 4: Phân tích diễn biến tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ.

    Gợi ý: Có thể trình bày diễn biến cảm xúc của chủ thể trữ tình qua từng phần của bài thơ.

    - Phần 1: Thành kính, ngỡ ngàng và xúc động trước vẻ đẹp như nơi cõi Phật của toàn cảnh Hương Sơn.

    - Phần 2: Chủ thể trữ tình chuyển sang quan sát cụ thể từng chi tiết, cảnh quan phong cảnh Hương Sơn, say mê với vẻ đẹp thanh khiết, trong ngần của thiên nhiên cũng như sự hòa quyện giữa thiên nhiên và những công trình kiến trúc tài hoa của con người. Cái đẹp ở đây đã đạt đến độ thánh thiện và thoát tục khiến "khách tang hải giật mình".

    - Phần 3: Chủ thể trữ tình phát biểu trực tiếp cảm xúc: "Càng trông phong cảnh càng yêu!"

    Câu 5: Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Phân tích hiệu quả của cách xây dựng hình ảnh, sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ đối với việc thể hiện cảm hứng ấy.

    Gợi ý:

    - Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là ngợi ca thiên nhiên đất nước tươi đẹp qua đó gửi gắm tình yêu đối với giang sơn hữu tình được tạo hóa ban tặng.

    - Hiệu quả của cách xây dựng hình ảnh, sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ đối với việc thể hiện cảm hứng ấy:

    + Từ ngữ: "Đệ nhất động" => mượn từ của danh nhân, bậc Đế Vương để bày tỏ tình cảm tôn vinh vị thế đặc biệt của cảnh đẹp Hương Sơn.

    + Từ ngữ: "Thú Hương Sơn ao ước", "giật mình trong giấc mộng", "ai khéo họa hình" => trực tiếp thể hiện khao khát mãnh liệt, cảm xúc chân thực, lâng lâng..

    + Phép điệp từ "non non, nước nước, mây mây..", "này.. này" => thể hiện vẻ đẹp kỳ vĩ, hài hòa, muôn hình muôn vẻ muôn màu sắc bày ra trước mắt.

    + Phép so sánh, ẩn dụ: "Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt", "gập ghềnh mấy lối uốn thang mây" => cho thấy cảnh tượng diễm lệ huyền ảo.

    + Nhân hóa: "Cá nghe kinh" => sự vật như có linh hồn, sống động và hòa hợp

    + Câu hỏi tu từ: "Hỏi rằng đây có phải?" => Bâng khuâng, mơ màng, hư hư thực thực.

    Câu 6: Nhận xét về vai trò của vần và nhịp trong bài thơ.

    Gợi ý:

    - Vai trò của vần: Tạo nên sự liên kết về mặt âm thanh theo chiều dọc cho bài thơ, vần chân: Nay - mây mây, phải - trái, kinh - kình; vần lưng: Mây mây - đây, kình - mình.. Bên cạnh đó lối gieo vần liền từng cặp câu theo lối hát nói còn tạo âm điệu trầm bổng réo rắt, thể hiện cảm xúc thiết tha của chủ thể trữ tình trước cảnh đẹp Hương Sơn.

    - Vai trò của nhịp: Cách ngắt nhịp trong bài thơ theo thể hát nói khá đa dạng. Sự đan xen câu dài, ngắn, cách ngắt nhịp trong mỗi câu thơ lúc nhanh lúc chậm lúc khoan thai khi gấp gáp như bước chân du khách thưởng lãm phong cảnh núi rừng tươi đẹp, phù hợp với niềm bay bổng của tâm hồn du khách lúc như tỉnh lại có lúc như mơ.

    Câu 7: Câu trả lời dựa trên trải nghiệm cá nhân.

    (Tất cả đều chỉ là gợi ý, các bạn học sinh hãy từ đó mà phát triển, nghiên cứu, sáng tạo, không nên chỉ tập trung vào một đáp án nhất định nào. Chúc các bạn học tốt)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...