Sự khác nhau giữa đọc truyện và kể chuyện Người sử dụng tiếng Việt thường bị nhầm lẫn giữa truyện và chuyện, không hiểu ngữ nghĩa của chúng, khi nào thì dùng truyện và khi nào dùng chuyện, đặc biệt là sự khác nhau giữa chuyện và truyện như thế nào. Không chỉ trong cách nói chuyện thường ngày mà hiện nay trên tivi, trong các cuốn sách thương mại bày bán ngoài sạp – nhà sách, thậm chí là trên giảng đường.. cũng có rất nhiều người bị nhầm lẫn khi sử dụng hai từ truyện và chuyện, phần lớn không hiểu chúng có ý nghĩa như thế nào. Nhầm lẫn giữa CHUYỆN và TRUYỆN Nhiều người nhầm lẫn giữa chuyện và truyện. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này có nhiều, nhưng dễ thấy là: 2 từ này có ý nghĩa và âm đọc rất gần nhau (/ch/ và /tr/ có thể chuyển hóa cho nhau, người miền Bắc không phân biệt được 2 phụ âm này) Chúng ta thường nói "đọc truyện", "đọc truyện đêm khuya", "đọc truyện ngắn", "quyển truyện" hoặc xem phim truyện.. và viết như thế mới đúng. Trong khi đó chúng ta lại nói và viết: Kể chuyện, trò chuyện, đặc biệt là "kể chuyện cảnh giác", "kể chuyện đêm khuya", câu chuyện của tôi.. Tuyệt đối không được viết là: Câu truyện của tôi, câu truyện này, trò truyện, kể truyện cảnh giác.. Riêng đối với từ "truyện cổ tích" thì cũng có thể viết "chuyện cổ tích" vì cái này không có sự phân biệt rõ nên viết chuyện cổ tích hay truyện cổ tích? Hãy tiếp tục đọc bên dưới để giảng giải trường hợp này nhé! Về từ nguyên, chuyện và truyện đều bắt nguồn từ một từ Hán là 傳 mà một trong các âm đọc phổ biến của nó hiện nay là truyện, nghĩa gốc là "sách của hiền nhân làm ra" (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển). Tuy nhiên, trong tiếng Việt hiện đại, chuyện và truyện hoàn toàn khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), chuyện có nét nghĩa đầu tiên là "sự việc được kể lại". Còn truyện có một trong hai nét nghĩa là "tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn". Phân biệt TRUYỆN và CHUYỆN Có thể phân biệt TRUYỆN VÀ CHUYỆN ở một số phương diện sau: Thứ nhất, truyện thuộc lĩnh vực văn chương, như trong các từ: Truyện ngắn, truyện dài, truyện trinh thám, truyện tranh.. Còn chuyện lại thuộc các lĩnh vực khác, như trong: Chuyện vui, chuyện tình, chuyện đời, chuyện vẩn vơ, chuyện tầm phào. Thứ hai, truyện tồn tại ở dạng văn bản, liên quan đến các hoạt động viết, xem, đọc, thưởng thức, như trong: Tác phẩm truyện, văn bản truyện, viết truyện, đọc truyện, thưởng thức truyện.. Trong khi đó, chuyện chủ yếu tồn tại ở dạng ngôn ngữ nói, liên quan đến các hoạt động nói, kể, nghe, như trong: Kể chuyện, nói chuyện, trò chuyện, buôn chuyện, hóng chuyện. Thứ ba, truyện thường cụ thể, chặt chẽ, có tính hệ thống, có thể định lượng (bao nhiêu chữ, câu, trang sách), có tính chọn lọc về ngôn ngữ. Còn chuyện thường mơ hồ, ít chặt chẽ, khó định lượng, ít chọn lọc về ngôn ngữ. Chẳng hạn, với khái niệm chuyện đời, ta rất khó để xác định đó là chuyện gì, có những nội dung gì, dài ngắn bao nhiêu. Với trường hợp chuyện/truyện cổ tích, chuyện/truyện dân gian, có thể hiểu, khi là chuyện, đó là tác phẩm còn tồn tại trong dân gian. Còn khi đã là truyện thì những tác phẩm ấy đã được sưu tầm, cụ thể hóa thành văn bản hoặc in thành sách. Ta cũng nên lưu ý: Viết như các trường hợp: Câu truyện, kể truyện, nói truyện, thưởng thức chuyện, sáng tác chuyện, tác phẩm chuyện.. là KHÔNG ĐÚNG. Tổng kết Truyện được cụ thể bằng văn bản Chuyện thường được kể lại Hãy phân biệt rõ chuyện và truyện để khi con cái bạn hỏi bạn phải trả lời rõ ràng để chúng không bị nhầm lẫn khi sử dụng trong việc học tập và cuộc sống nhé! ST.