Hương Cỏ Dại Tác giả: Sơ Nguyệt Thể loại: Hiện đại, vườn trường. Văn Án Cuộc sống muôn nghìn muôn vẻ, có vui có buồn cũng có hạnh phúc. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tình người tình thân tình bạn tình thầy trò đối với cái Hiền lại thiêng liêng đến vậy! Đó là những ký ức tuổi thơ tươi đẹp mà mãi mãi cái Hiền sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời này.. Dù mai đây có đi đâu về đâu, có thành công như thế nào đi nữa thì khoảnh khắc ấy, giây phút ấy vẫn còn đọng lại mãi trong lòng cái Hiền, đó cũng là động lực để Hiền vượt qua biết bao khó khăn trong tương lai. Link thảo luận góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của Sơ Nguyệt Bấm để xem Cứ mỗi độ thu về, nhìn lá vàng cứ nhẹ rơi giữa khoảng trời mênh mông xanh biếc thì trong tận đáy lòng cái Hiền lại phấp phỏng không yên. Nó buâng khuâng không biết lấy tiền đâu ra để chuẩn bị cho năm học mới.. Nhà cái Hiền nghèo lắm, cha mẹ mất sớm, Hiền về ở với bà ngoại. Hằng ngày Hiền phải đi bộ ba bốn cây số để đến lớp học còn bà ở nhà chầm nón, đan rổ đổi lấy tiền đong gạo nuôi cháu ăn học. Cái Hiền năm nay vào lớp 5, chiếc áo trắng năm rồi đã thâm đen lại và hoe vàng vì quá cũ mà bà mới qua cơn bệnh nặng nên Hiền phải mặc lại chiếc áo ấy để đi học. Và đó cũng là chiếc áo duy nhất, đẹp nhất mà Hiền nâng niu trân trọng mỗi khi đến lớp; Vậy mà vẫn bị bạn bè trêu là ở dơ. Ngày đầu tiên vào lớp, cô Trân là người nổi tiếng dạy học sinh giỏi của trường và được cử làm chủ nhiệm lớp, để chuẩn bị cho buổi khai giảng năm học mới, cô gọi: - Hiền! - Dạ.. ạ.. - Ngày mai em không có áo mới, cô sẽ không cho em vào lớp! Cái Hiền mặt đỏ bừng, lặng lẽ cuối đầu. Nó thừa biết rằng không biết rồi sẽ ra sao trong khi biết tìm đâu ra chiếc áo mới để ngày mai đến lớp, cổ họng nó nghẹn đắng hẳn lại tưởng chừng có ai vừa bóp chặt, da thịt tê rần như ai đang dùng dao cắt vào từng thớ thịt. Cố nén nỗi đau cho nước mắt chảy ngược vào tim, một đứa bé lên 11 tuổi mà phải hứng chịu nỗi đau về vật chất lẫn tinh thần. Trông cô bé thật là tội nghiệp! Mãi cho đến lúc tan học, vẫn như mọi lần Hiền vẫn rảo bước trên con đường quen thuộc nhưng nỗi lo trong lòng mỗi lúc một tăng, con đường dường như chạy dài vô tận, tay chân rã rời, từng bước nặng trĩu, đôi mắt cứ thẫn thờ nhìn về phía chân trời trước một cánh đồng lúa bạt ngàn xanh ngắt. Dưới ánh hoàng hôn, nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt bé nhỏ và hồn nhiên ngây thơ của cô bé là một nỗi buồn tuyệt vọng. Nó cứ lôi cuốn xoắn lấy tâm hồn cô bạn trẻ. Về nhà, cái Hiền mang áo ra sông giặt, nó lấy một mảnh xơ dừa chà cho trắng. Chà được một lúc nó thấy chiếc áo trắng hơn thế là mừng lắm vì ngày mai chiếc áo trắng thì cô sẽ không mắng nữa, nó ra sức cố chà và chà mạnh hơn để làm áo trắng hơn. Bỗng "soạt.. oạt.." một tiếng kéo dài. Thôi rồi.. Trời ơi! Chiếc áo duy nhất mà nó quý nó yêu giờ đã rách tơi, không tài nào vá lại được. Cái Hiền ứa nước mắt: "Rồi mai đây cô sẽ không còn thấy chiếc áo cũ kĩ kia nữa bởi nó đã rách rồi không còn làm trò cười cho chúng bạn và từ nay cô cũng không còn thấy em đến lớp nữa, cô không còn phải cấm không cho em vào lớp". Cái Hiền với hai hàng nước mắt chảy dài nhìn chiếc áo luyến tiếc, Hiền vẫn muốn tiếp tục đi học để thỏa lòng ham muốn của mình mà sao khó quá, nó chỉ còn một cách là chấp nhận số phận. Nó sang bên kia sông hái mớ rau, mò cua bắt ốc giúp bà làm bữa cơm chiều. Đang mải mê với công việc thì nó nghe chân mình ran rát, nhấc chân lên thì ra là giẫm phải mảnh chai vỡ, máu ra lếch phếch. Cái Hiền lê chân máu qua cầu về nhà và được bà bó muối cho khỏi sưng. Nhìn cháu đớn đau mà lòng bà quặn thắt, ruột gan nhói đau bà cũng gắn chịu đựng. Bà đã tần tảo sớm hôm, cực khổ gian lao, biết bao đắng cay bà đều không quãng ngại nhưng chỉ cần nghĩ đến đứa cháu cưng của bà phải vất vả là bà không sao chịu nổi. Đã nhiều đêm bà khóc thầm thương cho số phận của cái Hiền, rồi không biết ngày nào bà sẽ ra đi mãi mãi bỏ lại một mình cái Hiền bơ vơ giữa chợ đời nhiều cạm bẫy. Bà ước gì mình trẻ mãi để cùng đứa cháu dại khờ sống trọn đời bên nhau để cái Hiền khỏi phải cô đơn. Những trăn trở khó nhọc hiện rõ lên những nếp nhăn trên khuôn mặt của bà, đặt biệt là ánh mắt bà chứa đựng một nỗi buồn thầm kín mà bà để bụng chứ không bao giờ nói ra dù chỉ một lời.. Thấy vậy, thằng Tuấn nhà bên cạnh đem cho cái Hiền một chai thuốc đỏ với bông băng và chỉ cách làm để vết thương không bị nhiễm độc. Nhà Tuấn cũng chỉ đủ ăn nhưng mẹ Tuấn ngoài nghề may ra còn phải làm thuê kiếm thêm tiền trang trải trong gia đình. Trong những ngày này mặt cái Hiền lúc nào cũng buồn buồn. Chiều nó thường ra bờ sông nhìn hoàng hôn buông xuống của buổi chiều cuối thu sao mà tê tái quá. Nó ngồi phục xuống thở dài mãi cho đến lúc trăng lên cao, nó ngước lên đếm những ngôi sao sáng nhất mà không có ngôi sao nào dành cho mình cả. Nó nhìn về một phương mong chờ một phép lạ sẽ đến làm thay đổi tất cả, nhưng nó biết chắc rằng những điều nó mong là mãi mãi không bao giờ có được mà đó chỉ là sự ảo tưởng, một ước mơ siêu thoát hay sự trốn chạy khỏi thực tại nghiệt ngã này. Trăng cứ sáng, sao cứ lấp lánh bao trùm tất cả cảnh vật và cả nỗi lòng của cái Hiền cùng với những giọt lệ bi thương luôn gắn liền với số phận trớ trêu.. Mãi cho đến lúc ngoại gọi: - Hiền à! Vào ngủ đi con. - Dạ! Ngoại ngủ sớm cho khỏe, một chút con vào. Nó nhìn trăng như gửi vào đó tất cả những tâm sự thầm kín mà nó không bao giờ dám thở than với ai và cũng không dám mở lời vì ngoại đã gặp quá nhiều khổ đau. Những trăn trở cứ dằn xé trong lòng cùng nỗi niềm xót xa khi Hiền nhớ về cái ngày ấy trên lớp.. Trăng sáng vằng vặc như chứng minh cho tấm lòng cô bé là trong sáng, ngây thơ. Lúc ấy cũng là lúc trời trở gió, từng cơn se lạnh làm ngoại đau trở lại. Cái Hiền rất sợ khi gió đông về nó thoáng nghĩ chuyện phải xa ngoại mãi mãi và vĩnh viễn không bao giờ gặp lại như ba mẹ nó vậy, nó cảm thấy sợ hãi cô đơn, cứ một lúc lại gọi: "Ngoại ơi, ngoại đừng bỏ con nghe ngoại!". Một tiếng gọi như níu kéo tình thâm của những con người đã từng mất đi tình ruột thịt, đó là tiếng réo gọi của sự khao khát và rất sợ mất đi tình cảm thiêng liêng trong sáng mà mãi mãi muôn đời chỉ có một và chỉ một trên đời mà thôi. Niềm vui, niềm hạnh phúc và sự ấm áp khi được chở che chỉ thật sự đến với con người khi họ được sống bình yên bên những người thân yêu nhất. Hôm ấy, ngoại thèm bát cháo thịt, ngoại bảo Hiền cắt mớ rau ra chợ bán rồi mua thuốc, mua thịt và gạo về nấu cho bà bát cháo. Cái Hiền đội thúng rau ra chợ, nó bối rối đứng ngồi không yên khi người mua chỉ lác đác vài người. Nếu khôngcó nhiều người mua thì không sao đủ tiền mua gạo nấu cháo và thuốc cho bà. Nó đang nhẩm tính và nhìn dòng người qua lại. Bỗng có tiếng gọi: - Em ơi, lấy cho cô hết mớ rau này! Cái Hiền mừng quýnh quay phắt lại, bó hết mớ rau vừa cột vừa thổ lộ: - May nhờ có cô mua giúp mà bữa nay bà em có được bát cháo thịt và chén thuốc.. Tức thì nó đưa bó rau cho người mua. Lúc ngẩn đầu lên cả nó và người mua đều sững sờ không ngờ lại gặp nhau giữa một nơi không ai hẹn trước, người mua rau lại là cô Trân. Cái Hiền luống cuống mặt đỏ ửng, cuối đầu. Cô bảo Hiền cầm hết số tiền lẻ mà cô có trong túi mua thịt, gạo và thuốc cho bà; cô còn dặn nó phải cho nhiều tiêu và hành vào cháo. Cô hỏi Hiền sao không đi học, nó thành thật đáp: "Vì em không có áo..". Hóa ra là như vậy, cô nhẹ nhàng đặt tay lên vai Hiền và bảo nó cứ việc đến lớp cô không đuổi đâu vì cô chỉ dọa vậy thôi chứ có bao giờ cô lại đuổi một đứa học trò ngoan hiền ra khỏi lớp. Cái Hiền vui sướng như là đi hội chạy đi mua những thứ cần thiết rồi đội cái thúng lên đầu chạy thẳng một mạch về nhà. Ngày hôm sau cô Trân đến nhà Hiền, một ngôi nhà lụp xụp ở cuối xóm, cô vừa bước vào thì Hiền chạy ngay ra đón cô vào nhà. Cô Trân mới làm quen với lớp chưa biết rõ gia cảnh của từng bạn và nhất là Hiền nên mới có sự trách lầm như thế. Cô trao cho Hiền món quà, vô bảo mở ra. Ồ! Đó là một chiếc áo mới tinh. Thật không ngờ niềm vui và ước mơ của cái Hiền lại đến một cách quá bất ngờ như thế. Còn gì vui sướng hơn khi ngày mai cái Hiền có chiếc áo mới đi học và tiếp tục thực hiện ước mơ học thật giỏi trên con đường học vấn để mai sau trở thành người hữu ích cho xã hội để gặt hái được những hoa trái ngọt ngào của chiến thắng và thành công. Thật là một ước mơ giản dị: "Có chiếc áo mới để đi học" của Hiền cuối cùng cũng đến với cô bé. Khuôn mặt hồn nhiên ngây thơ mà đầy lo lắng giờ đây được thay bằng những nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc. Kể từ dạo ấy, ngày nào cô Trân cũng như người mẹ hiền vỗ về đứa con thân yêu, cô giúp Hiền trong học tập, cô lo mọi thứ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập.. Cô còn đỡ đần bà nhiều việc để Hiền học. Nhiều lúc cái Hiền thầm nghĩ: "Mình là người hạnh phúc nhất trên đời vì được sống trong tình yêu thương của bà và diễm phúc thay khi mình được cô - người mẹ hiền thứ hai vỗ về trong những lúc cô đơn, buồn tủi luôn cần đến sự che chở yêu thương". Từ đó bà, cái Hiền và cô Trân sống bên nhau những ngày vô cùng hạnh phúc. - Hết -