Review Phim Honeyland: Chia Sẻ Để Tồn Tại - Mối Quan Hệ Cộng Sinh Với Thiên Nhiên Và Bài Học Cuộc Sống

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi juliusarejuly, 4 Tháng chín 2020.

  1. juliusarejuly

    Bài viết:
    3
    [​IMG]

    *Bộ phim tài liệu Honeyland (Tên Việt hóa: Vùng đất mật ong)

    Người viết: Julius_are_july

    Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển nhu cầu về kinh tế, nhiều ngành nghề như chăn nuôi, làm nông.. ngày càng được công nghiệp hóa, dấu hiệu là Trái Đất đang đối diện với nhiều khủng hoảng bởi lòng tham của con người. Cuộc sống con người đối diện với nhiều thứ hiện đại hơn, với những gì nó mang đến con người lại quên đi mất những điều mà thiên nhiên ban tặng. Với bộ phim tài liệu Honeyland, ở đây không chỉ có câu chuyện về mối quan hệ cộng tác giữa con người và thiên nhiên, mặt khác đó còn là câu chuyện bài học về sự chia sẻ, sự tôn trọng giữa con người - thiên nhiên và con người – con người.

    Trước tiên, mối quan hệ cộng sinh là một mối quan hệ vô cùng quan trọng trong tự nhiên. Khái niệm cộng sinh thuộc lĩnh vực sinh thái học là hiện tượng cùng nhau chung sống trong thời gian lâu dài giữa hai hay nhiều loài sinh vật khác nhau (1). Sự cộng sinh (trong tiếng Anh) là symbiosis một mối quan hệ giữa hai loại của động vật hoặc thực vật, trong đó mỗi cung cấp cho người khác những điều kiện cần thiết cho nó tiếp tục tồn tại (2). Quan hệ cộng sinh là các đối tác luôn luôn cung cấp cho nhau những điều kiện để tiếp tục phát triển, tồn tại, các đối tác tham gia vào mối quan hệ này đều có lợi cho việc sinh tồn của mình. Với những điều như vậy, quan hệ cộng sinh góp phần làm cho đa dạng hóa tự nhiên, thúc đẩy tự nhiên phát triển.

    Honeyland đưa đến một mối quan hệ cộng sinh giữa con người và những con ong, những bài học về tôn trọng tự nhiên, vì chính tự nhiên đã mang đến cho chúng ta nhiều tài nguyên vô giá. Bộ phim tài liệu Honeyland nói đến nhân vật chính là Hatidze Muratova, một trong những người nuôi ong hoang dã cuối cùng ở Châu Âu, cô sử dụng những kinh nghiệm được truyền lại qua nhiều thế hệ để chăm sóc cho đàn ong hoang dã và thu hoạch mật ong. Những con ong có ở khắp nơi, hiện nay mật ong chính là nguồn thực phẩm thu lại nhiều lợi nhuận về kinh tế. Và nghề nuôi ong trở thành một nghề phổ biến mang tính công nghiệp và mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên việc nuôi ong một cách công nghiệp như vậy đang dần dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng về hệ sinh thái trên trái đất, mất đa dạng sinh học, gây ra những hậu quả lớn đến sự suy giảm của dân số ong.

    [​IMG]

    Tiếp đến, đây là một bộ phim tài liệu ấn tượng với những khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, sự chân thực trong từng khoảnh khắc của cuộc sống đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm trí của những người theo dõi bộ phim. Thực hiện bộ phim với khoảng thời gian dài đến 3 năm, 400 giờ cảnh quay, được chỉnh sửa trong vòng một năm, để cho ra đời bộ phim tài liệu này. Mở đầu bộ phim là một cảnh quay cực rộng về một khung cảnh thiên nhiên khô khan của vùng bán sa mạc ở Bắc Macedonia. Nối tiếp là những khung cảnh có góc độ gần hơn, sẽ dẫn chúng ta đi đến cuộc đời của Hatidze Muratova, cách cô sử dụng những kĩ năng và chuyên môn của mình về việc chăm sóc những con ong, sự quan tâm chăm sóc mẹ, sự chia sẻ và xung đột giữa cô với những người hàng xóm, khi họ đang gây tổn hại đến thiên nhiên, đến những con ong của cô. Cô coi những chú ong như những người bạn, là gia đình của mình, để cô cảm thấy không còn sô đơn trong cuộc sống đầy khó khăn, cô độc.

    Tại sao cần chia sẻ trong mối quan hệ cộng sinh này?

    Đầu tiên, những con ong là nguồn thu nhập của cô để giúp cô trang trải cuộc sống. Một trong những quy tắc vàng giữa Hatidze với những con ong khi lấy mật ong của cô đó là chia sẻ một nửa số mật ong lấy được với bầy ong "một nửa cho tôi, một nửa cho các bạn", cô luôn áp dụng quy tắc này khi lấy mật ong từ tổ của chúng. Cho đi là nhận lại Hatidze đã mang đến những thông điệp đang dần mất đi trong cuộc sống hiện đại là hãy chỉ lấy đủ số lượng bạn cần và để lại những thứ gì đó cho ngày mai và những người đã cung cấp cho bạn. Khi lấy đi mật từ tổ ong, chúng cần năng lượng và thức ăn để tiếp tục xây dựng tổ của mình để sống qua mùa Đông khắc nghiệt. Chính vì lí do đó mà Hatidze luôn chỉ lấy một nửa số mật và để lại cho chúng một nửa số mật đó.

    Có thể thấy cách cô tôn trọng đàn ong, khi mà với cô đó là nguồn sống giúp cô có những khoản thu để phục vụ cho cuộc sống. Nhưng đây là một mối quan hệ cộng sinh không được chặt chẽ và mong manh của cô với những con ong. Khi nó có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài. Những nguyên tắc của cô đã thay đổi về cơ bản, cuộc sống không còn vắng lặng mà thay vào đó là sự ồn ào, khi gia đình du mục nhà Hussein chuyển đến ở gần Hatidze. Cô chào đón và sẵn sàng truyền những kinh nghiệm nuôi ong lấy mật của mình cho họ. Tuy nhiên, với việc muốn nuôi ong với một quy mô lớn, thu lại nhiều lợi nhuận hơn. Họ đã phá vỡ những nguyên tắc chính trong việc chăm sóc ong của cô là chỉ lấy một nửa, để lại một nửa cho bầy ong để những con ong của họ không tấn công tổ ong của cô, cũng như để dành cho những con ong có đủ số mật để có thể xây dựng tổ của mình. Tuy nhiên, Hussein, người cha của gia đình, đã luôn lấy hết số mật ong từ những tổ ong của mình, khiến những con ong không thể tiếp tục cung cấp đủ số mật cần thiết để nuôi chúng, dẫn đến việc những con ong bị kích động, bị chết và tấn công tổ ong của Hatidze. Ở đây có thể thấy rõ những thất bại của gia đình du mục Hussein, họ đã có những quyết định sai lầm khi không lắng nghe những lời khuyên đến từ Hatidze.

    Chính những hành động sai lầm của mình khi không tuân theo nguyên tắc mà gia đình du mục đã nhận được những thất bại trong công cuộc nuôi ong của mình. Làm ảnh hưởng đến đời sống của bầy ong, giảm số lượng ong ở môi trường tự nhiên. Với Hatidze, cô luôn sống theo nguyên tắc của mình, "chia sẻ với những con ong với thiên nhiên chính là chìa khóa cho sự sống của cô ấy". Đó chính là sự thành công của cô, khi bầy ong hoàn toàn tin tưởng cô, chúng không tấn công cô khi cô lấy mật. Sự chia sẻ trong mối quan hệ cộng sinh với thiên nhiên là hết sức cần thiết, vì chính thiên nhiên đã mang đến những nguồn cung cho con người. Nếu không chia sẻ, mà chỉ quan tâm đến những lợi nhuận của mình đó là sự ích kỉ, một việc không tốt ảnh hưởng xấu đến việc đa dạng môi trường tự nhiên.

    Không chỉ là câu chuyện của người nuôi ong, đó còn là câu chuyện về cách sống.

    Honeyland không chỉ truyền đạt thông điệp về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Bộ phim tài liệu còn là câu chuyện cách sống của con người, một cách gần gũi, những thước phim nói về Hatidze trong những mối quan hệ với gia đình, và những người hàng xóm.

    Cuộc sống ở một nơi còn nhiều khó khăn như vậy, người mẹ đang nằm liệt giường là niềm hạnh phúc của cô. Khi xem Honeyland, có thể thấy được những đoạn hội thoại giữa cô và mẹ không được dễ nghe, mà thay vào đó là sự hơi cục cằn và thẳng thắn. Chính nhờ đó cũng thấy được, tình yêu mà Hatidze dành cho mẹ, cô luôn chăm sóc, quan tâm mẹ một cách chu đáo nhất cho đến khi mẹ cô chút hơi thor cuối cùng. Trong những lần phải vượt qua những quãng đường dài, khắc nghiệt của vùng bán xa mạc Bắc Macedonia, di chuyển trên những chuyến tàu để lên khu chợ ở trung tâm. Hatidze bán những hũ mật ong mà mình thu hoạch được, và lấy số tiền đó để trang trải, mua nhu yếu phẩm cho cuộc sống của hai mẹ con. Cách cô quan tâm đến người mẹ trong một cảnh phim rất ngắn là cô đã sẵn sàng để mua cho mẹ của mình một cái quạt cho mẹ, trong khi đắn đo để mua cho mình hộp thuốc nhuộm tóc cho mái tóc được che kín hàng ngày bởi chiếc khăn của cô. Trong một cảnh của bộ phim, Hatidze đã hỏi mẹ tại sao bà từ chối những lời đề nghị kết hôn đến với cô. Bà Nazife đã trả lời Hatidze rằng bà ấy không bao giờ từ chối chúng, nhưng người cha quá cố của Hatidze thì có. Bà luôn muốn con gái mình được hạnh phúc, "nếu ta chết con có thể kết hôn, lấy một người đàn ông", "con có thể hỗn, nhưng hầu hết con luôn thật lòng tốt với ta".. Ở những khung cảnh cuối cùng của bộ phim, là khoảnh khắc buồn nhất, khi mẹ Hatidze qua đời. Đó là một nỗi đau lớn cô phải gánh chịu, vì với cô mẹ mang đến cho cô sự an tâm trong cuộc sống, đưa ra những lời khuyên, động viên cho Hatidze khi cô gặp phải những rắc rối với những người hàng xóm, "con sẽ không kết hôn, nếu mẹ qua đời con sẽ không biết làm như thế nào" . Có thể nói đó là khoảnh khắc đau buồn trong tâm trạng của Hatidze, nhưng cuối cùng có thể thấy được sự mạnh mẽ ở trong cô, khi cuộc sống của cô không cô độc, những con ong sẽ là người bạn, là gia đình của cô.

    "Cô ấy tìm thấy hạnh phúc và sự đồng hành trong mọi sinh vật sống xung quanh mình. Cô ấy sẽ tiếp tục tìm thấy hạnh phúc hết lần này đến lần khác miễn là cô ấy còn sống." (4) – Kotevska.

    Hatidze là một người tình cảm, hiểu biết và cô luôn tôn trọng tự nhiên. Đó là lí do tại sao có những xung đột nhỏ giữa cô và gia đình hàng xóm. Khi thời điểm gia đình du mục Hussein đến ở gần nhà Hatidze, cô chào đón họ một cách nồng nhiệt, và tốt bụng. Cô đã sẵn sàng chỉ dạy cho người hàng xóm những kinh nghiệm trong việc nuôi ong một mình. Nhưng họ lại hướng tới một quy mô lớn, năng suất hơn, nuôi ong một cách công nghiệp hơn. Dù vậy họ lại mắc những sai lầm quan trọng trong công việc này là không nghe theo những lời khuyên của Hatidze. Là lấy hết số mật có trong tổ ong, không để lại cho chúng một nửa như lời Hatidze. Một nguyên nhân khiến những con ong cảm thấy bị căng thẳng, bỏ đi và tấn công bầy ong của Hatidze. Hay sự nguy hiểm của việc phá rừng, đốt rừng để làm nông nghiệp của gia đình nhà Hussein cũng gây ra nhiều bất đồng với Hatidze. Vì với cô những hành động đó là những việc ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, sự đa dạng sinh học của môi trường hoang dã, giảm đi một lượng lớn những con ong hoang dã. Sự thất bại trong việc nuôi ong, hay chăm sóc gia xúc khiến cho họ bị sụp đổ và lại bắt đầu hành trình du mục của mình ở một vùng đất khác.

    Ở đây có thể thấy một so sánh lớn giữa những con ong và con người: Có sự tương đồng.

    Con ong giống như Hatidze hay gia đình du mục Hussein, luôn cần mẫn để tìm kiếm những nguồn thu nhập như những con ong thợ để chăm sóc cho những con ong chúa là gia đình của mình. Hay cuộc xung đột giữa Hatidze và người hàng xóm là một ví dụ phản ánh điển hình cho sự tranh chấp trong tự nhiên. Khi Hatidze là là những con ong đến từ trước đó, gia đình Hussein là những con ong đến sau, nhưng bằng một cách nào đó những con ong đến sau này tấn công vào bầy ong đã ở trước đó. Sau tất cả, những con ong luôn tồn tại và chiến đấu bảo vệ tổ của mình. Đó là một so sánh thú vị khi phản ánh con người và những con ong.

    Honeyland mang đến một màu sắc đặc biệt, không phải là những thước phim có sự dàn dựng nên mang đến cảm giác chân thực đọng lại. Qua Honeyland, không chỉ nói đến vùng đất mật với hình ảnh người nuôi ong hoang dã cuối cùng, không chỉ là sự chia sẻ, quan hệ cộng tác với tự nhiên, cảnh báo về biến đổi khí hậu và mất cân bằng sự đa dạng hệ sinh thái. Mà bộ phim còn mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của con người nơi thiên nhiên hoang dã, hình ảnh gia đình, sự chia sẻ, tôn trọng tự nhiên và bảo tồn tự nhiên. Hatidze nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cô coi công việc của mình như một phương tiện để khôi phục sự cân bằng của hệ sinh thái.

    Bộ phim tài liệu Honeyland đã nhận được nhiều sự khen ngợi từ các nhà phê bình, trên trang web tổng hợp đánh giá Rotten Tomatoes, bộ phim giữ tỷ lệ phê duyệt 100% dựa trên 114 đánh giá, với điểm trung bình là 8, 41/10. Honey còn được đề cử tại giải thưởng Oscar 2020 cho hạng mục Phim tài liệu hay nhất và Phim Quốc tế xuất xắc nhất. Trang New York Time còn gọi Honeyland"Oscar game changer" khi đây là bộ phim tài liệu đầu tiên được để cử ở hạng mục Phim Quốc tế xuất sắc nhất.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng chín 2020
  2. juliusarejuly

    Bài viết:
    3
    Mong mọi người ủng hộ mình ạ! LUV U ALL!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...