Hồn quê vương ngõ chiều thu hà nội

Thảo luận trong 'Tản Văn' bắt đầu bởi Trang Izerghin, 28 Tháng chín 2018.

  1. Trang Izerghin Ngơ ngơ, mãi mới vote được cái ảnh.

    Bài viết:
    83
    Chiều chủ nhật oi ả. Tôi đứng dựa lưng vào thành tường sơn màu ghi sáng bóng, vừa nhâm nhi tách café đá, vừa nheo mắt nhìn về phía chân trời chưa tắt nắng. Những ngôi nhà sặc sỡ, cầu kỳ, cao thấp vô tội vạ, khác với ngôi nhà ba gian xây từ dạo 1993 dột nát vẫn gõ nhịp đêm mưa. Căn nhà tôi nhớ đến những ngày oi bức bị nắng hắt xuống qua những hòn ngói vênh khiến bên trong nhà có nhiều đốm sáng nhỏ như bầu trời nhiều sao. Đó là nơi tôi đã sống trong suốt 20 năm cuộc đời.

    Tôi sinh tuổi Dậu, mẹ vẫn đùa đuổi tôi đi xa "bới đất kiếm ăn". Tôi đi thật sau khi kết thúc khóa đào tạo cử nhân, và ít lần trở lại căn nhà xưa cũ. Có những chiều, tôi lướt web qua niềm yêu thích mà bẵng quên những "Chiều chiều ra đứng ngõ sau – Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Có những đêm đọc sách để cửa khép hờ, giọng rao tiếng địa phương của người đàn bà nọ khiến lòng tôi rối bời.

    [​IMG]

    * * *

    Ngày còn nhỏ, được nghỉ hè là lúc bọn trẻ chúng tôi háo hức nhất. Con nhà nghèo, tôi không biết đến những chuyến du lịch tham quan, tắm biển hay đi chơi sở thú, cũng không có bà con họ hàng ở xa để đến chơi nhà. Tôi chỉ biết đó mùa oi bức nhất trong năm, mùa gặt lúa, phơi thóc. Mùa màng, sân đầy những hạt thóc to đều, vàng ươm. Bố mẹ tôi ra ngoài đồng thu hoạch lúa và chở về bằng xe đạp thồ. Sân thóc đầy, anh em tôi đứa lên Mười, đứa mới Bảy tuổi "chịu trách nhiệm" ủi thóc cho khô già, chiều tối cào vun thành đống hình quả núi rồi đậy bạt kín. Những ngày trời âm u, anh em tôi vất vả hơn khi phải xúc thóc vào thúng, sau đó đổ vào bao bã mía và buộc lại.

    Tôi vẫn nhớ có những buổi trưa nắng, anh tôi trèo chót vót lên tận ngọn me hái quả. Tôi đứng dưới há hốc miệng, đợi anh ném quả xuống thì chìa cái nón đã chóc rách ngoài viền mép để hứng. Thằng em nhà chú tôi béo quay. Nó chẳng biết trèo cây, cũng chẳng biết hứng quả. Anh em tôi bắt nạt nó, sai về nhà lấy bột canh mỳ tôm cho cả bọn chấm. Ngồi dưới gốc me hút gió trời, anh tôi thỉnh thoảng lại chạy ù về nhà rũi những đường lượn sóng ngoằn nghèo trên sân thóc.

    [​IMG]

    Tiếng xe thồ chở lúa kêu cọt kẹt. Hai anh em tôi hối hả chạy ra đùn sau những lượm lúa được bố mẹ bó lại, chất lên xe cẩn thận. Anh giục tôi chạy về nhà trước, pha một ca nước me đá lạnh để bố mẹ uống đỡ khát. Tôi muốn lập công nên cuống quýt chạy về nhà, mở lắp che bụi trên bể nước mưa, vục lấy một ca nước mát lạnh.

    Có những ngày oi ả, trời bỗng đổ mưa bất chợt. Bố mẹ tôi ướt lướt thướt từ ngoài đồng cố chở chuyến xe lúa về nhà. Ở nhà, anh em tôi cũng hối hả đứa cào, đứa quét thóc vun thành đống rồi đóng bao. Bố mẹ về, cả bốn người tập trung khênh từng bao thóc lên góc hè. Xong sân thóc, hai đứa nghịch đắp gạch đất vào khe thoát nước ở điểm dốc cuối góc sân. Anh tôi bảo cái sân bị ngập nước ấy là bể bơi. Hai đứa lăn lộn, vầy nước mưa thỏa thích. Đám bạn trong xóm tíu tít gọi hú nhau ngoài ngõ. Anh em tôi bỏ cái sân đầy nước lao ra ngoài đường, chạy vào những nhà quen có ống thoát nước xối mạnh từ trên cao xuống. Tiếng cười đùa ngày ấy non nớt, thơ ngây.

    * * *

    Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi tiếp tục theo học một trường đại học ở thủ đô. Từ đây, tôi bắt đầu làm quen với những bỡ ngỡ, nỗi nhớ nhà. Nhà tôi leo người. Ông bà nội mất sớm. Anh trai tôi sớm tự lập và cũng có gia đình riêng. Dù đã lớn nhưng bố mẹ vẫn lo lắng cho tôi từng li từng tí. Với tôi, mỗi dịp về quê cuối tuần là một kỷ niệm đáng nhớ.

    Chiếc xe khách cuối ngày dừng lại ở ngã ba, cánh cửa mở rộng cho hành khách bước xuống. Bóng tay người đàn ông đen, gầy giơ lên vẫy. Tôi đeo túi xách nặng lệch vai tiến lại, leo tót lên xe. Không phải bác xe ôm vẫy khách, đó là cảnh bố đợi đón tôi.

    Con đường ở quê không ánh sáng điện trở nên sẫm tối. Bố tôi vừa thận trọng quan sát đường, vừa kể chuyện mấy sào lúa bị đổ sau trận bão chập tối hôm trước. Tôi ngồi sau xe chẳng nói gì. Đôi mắt đeo kính cận dày cộm, gườm gườm nhìn đám lúa đổ gần bên đường dưới ánh sáng đỏ quạch từ chiếc xe Angel cũ nát của bố. Bao nhiêu năm, làng quê chẳng đổi khác nhiều. Gia đình tôi vẫn làm nông nghiệp, con đường đất ngày xưa vẫn còn, đồng lúa vẫn đổ rạp sau mỗi mùa mưa bão. Chỉ những người thân tôi đổi thay, người già đi, người trưởng thành hơn.

    [​IMG]

    Sau bữa cơm tối muộn, cả nhà quầy quần bên nồi ngô luộc khói nóng nghi ngút, nói đôi ba câu chuyện rồi ai vào giường người nấy ngủ. Ở Hà Nội, phải đến 10 giờ tối đám sinh viên chúng tôi mới lâu nhâu ra đường ngồi uống trà đá, trà chanh vỉa hè. Còn ở quê, mọi người vẫn giữ thói quen ngủ sớm. Sắp vào mùa, mẹ bảo ngủ sớm lấy sức, dăm bữa nữa đi cắt lúa đêm. Từ ngày đi học xa, tôi ít phải đụng chân, đụng tay vào việc đồng áng. Có lần nhớ nhà, đêm ngủ tôi mơ theo mẹ ra đồng gặt lúa dưới ánh đèn pin sạc điện đeo ở trước trán.

    Chiếc giường gỗ đặt ở góc nhà, hướng ra phía cổng là chỗ tôi ngủ. Tôi chọn góc đó là bởi ngày còn nhỏ đã có suy nghĩ rất ngây thơ rằng nằm chỗ gần cổng để có đứa nào í ới thì chạy tót đi chơi cho nhanh. Tôi bật cười nằm nhớ lại chuyện này, chuyện nọ. Cánh tay thuận vắt ngang trán nhìn lên những khe sáng nhỏ từ những viên ngói nhiều năm bị xô lệch trên mái nhà. Tôi nằm yên nghe tiếng gáy như xẻ gỗ của bố sau một ngày tưới nhựa đường ngoài nắng, tiếng đàn chó mới đẻ cắn au au, tiếng ếch kêu ồm ộp. Nửa đêm, đứa cháu mới được hai tháng tuổi khóc đòi ti mẹ. Tôi nghe tiếng chị dâu giọng khàn khàn hát ru con i ỉ. Tiếng vỗ mông trẻ bồm bộp chậm dần rồi lịm vào thinh không. Giọng hát ru như hấm hứ trong cổ họng chị bỗng làm tôi nhớ về những ngày còn thơ dại.

    Tôi chẳng thể nhớ cái thuở còn ti mẹ đã quấy khóc, đòi ăn thế nào, hay thuở biết bò, tập đi tôi làm cả nhà vui vẻ ra sao. Chỉ còn nhớ cái thuở vẫn quần đùi, áo may ô trốn ngủ trưa, đi bêu nắng. Mẹ gọi khe khẽ hỏi xem tôi đã ngủ chưa nhưng chẳng bao giờ tôi lên tiếng đáp lại, vờ như đã ngủ rất say. Tôi nằm im, nín đợi dăm ba phút cho bố mẹ ngủ say thì trốn. Cánh cửa gỗ bị mối xông kêu kèn kẹt, mẹ mở mắt thấy bóng tôi thì hỏi, và bao giờ tôi cũng nói dối: "Con đi đái mà mẹ". Sau đó, cái bóng đen đổ dưới ánh nắng, chạy mất dạng cùng tiếng cười giòn tan.

    Tôi theo cái Hiền, thằng Đạt đi đào giun câu cá. Cái Hiền mang chai đựng cá, thằng Đạt đào giun, còn tôi đi ngắt lá khoai nước để bọc giun lại. Buổi chiều, tôi trở về nhà với bình cá đựng bằng vỏ chai nước bé. Bố chẳng đánh tôi bao giờ, chỉ cần chạm phải cái nhìn sắc như lườm của bố là đủ sợ. Sợ bố nhưng tôi vẫn không bỏ được những buổi đi chơi trưa với đám bạn.

    Còn mẹ không ưa tôi chơi mấy trò của con trai. Nhưng trớ trêu là trong xóm toàn con trai nên mỗi chiều tôi đều tham gia đá bóng, bắn bi "cho đủ người".

    [​IMG]

    Thỉnh thoảng, thằng Đạt, cái thằng cao lớn nhất hội hay rủ bọn tôi về nhà nó xem đĩa phim hoạt hình. Nhiều hôm mải xem, mẹ gọi về ăn cơm tôi mới sực nhớ ra trời đã tối. Người lớn hay dọa cây ruối già nhà ông Duy mọc thò hẳn ra đường có ma. Tôi chẳng biết có ma quỷ thật trên đời hay không nhưng vẫn thấy rờn rợn tóc gáy. Thằng Đạt đưa tôi về đến cổng. Bao giờ nó cũng đứng lại như đợi chờ một điều gì đó. Tôi đoán chắc nó chưng hửng đợi nghe tôi bị bố mẹ mắng. Còn nó nghĩ gì chẳng ai biết.

    Một ngày đầu tháng Chín, khi tôi lên bảy tuổi, mẹ thông báo về việc tôi sắp vào lớp Một. Mẹ bỏ hết những bộ đồ cầu thủ đá bóng vào ngăn tủ như giấu tiệt nó đi mãi mãi. Sau đó, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng có hình hoa thêu màu hồng và chiếc váy xòe xanh đậm. Tôi cũng như những đứa trẻ khác, muốn mùa hè cứ dài mãi để được nô đùa, bêu nắng, chơi bắn bi.. Hầu như ngày nào đến lớp tôi cũng khóc. Ngày ấy, tôi ghét đi học.

    Cũng trong năm đó, tôi bị bỏng nước sôi khắp vùng bụng khi với tay lấy bình nước mẹ vừa rót từ phích ra để nguội trên cửa sổ cao. Còn quá nhỏ để xử trí khi bị bỏng rát, tôi gào khóc dữ dội, gọi mẹ. Những ngón tay non nớt kéo áo ra cho khỏi nóng đã làm tuột lớp da bụng mỏng. Mẹ hoảng hốt ôm lấy tôi, gọi anh trai tôi ra vườn hái lá khoai giã nát đắp vào bụng. Tôi "được" nghỉ học một tuần nhờ vết bỏng đó.

    Sang tuần mới, tôi phụng phịu theo mẹ đến trường học. Tôi nghỉ học gần hai tuần lễ. Vừa bước vào lớp, các bạn nhao nhao chỉ trỏ khiến tôi òa khóc, cứ đứng nép sau lưng mẹ. Cô giáo dỗ dành, dẫn tôi về chỗ ngồi học. Giờ ra chơi, cái Hân, bạn thân với tôi trong lớp hỏi tôi còn đau không, nó còn tò mò đòi xem cái bụng bị bỏng. Bảy tuổi đã biết xấu hổ, tôi không cho ai đụng vào người cả. Thằng Hiếu, cái thằng tinh quái nhất lớp kéo váy, tốc lên rồi rêu rao khắp lớp "chúng mày ơi cái Trang mặc quần sơ nít". Chẳng ai để ý đến "bệnh nhân", thay vào đó là cả lớp hùa vào trêu trọc đến khi tôi òa khóc nức nở. Trường ở gần nhà, tôi cứ vừa lau nước mắt, vừa bỏ học đi về.

    Tiếng lạch cạch mẹ dậy uống nước làm tôi giật mình. Vẫn như ngày tôi còn nhỏ, mẹ chui vào trong màn soi đèn bắt muỗi rồi vén mép màn lại cẩn thận:

    – Ngủ đi không mai lại không có sức đi buộc lúa đổ cho mẹ đâu.

    * * *

    Nghỉ Tết cũng là một dịp đáng nhớ. Không còn là một đứa trẻ nhưng tôi vẫn háo hức những ngày Tết đến. Đó là dịp tôi được ở nhà lâu hơn với gia đình. Về quê, chiếc xe máy chẳng được ngó ngành đến. Tôi mở khóa bếp phụ, nơi cất những thứ đồ cũ kỹ để lấy chiếc xe đạp cũ tôi đã sử dụng suốt ba năm học phổ thông. Mặc chiếc áo khoác đồng phục cũ, đi chiếc xe đạp cũ, tôi hỏi mẹ nhìn mình trông có giống vài năm trước. Mẹ cười thật hiền. Đôi mắt ươn ướt thương tôi những ngày xa nhà.

    29 Tết, ở nhà tôi, việc quét mạng nhện, dọn dẹp là đấng mày râu lo. Tôi chở mẹ đi sắm Tết. Ra chợ, nào mua hương trầm, hoa quả; nào đặt giò, mua khoai tây, cà rốt, mộc nhĩ, miến, măng khô, thịt lợn, đỗ xanh.. Chợ Tết quê bình yên, giản dị. Năm nào cũng thế nhưng không khí mùa xuân vẫn nhộn nhịp, vui tươi.

    [​IMG]

    Về đến nhà, tôi đạp xe lên nhà ngoại cách nhà một cây số, biếu ông bát cháo gà nóng mới nấu chín, nhân tiện cắt lá dong về chuẩn bị gói bánh chưng. Bà tôi không còn nữa. Chỉ còn ông ngoại sống cùng gia đình nhà cậu út. Ông tôi cũng đã ngoài 80, tuy đãng trí nhưng chẳng bao giờ quên nhắc tôi chuyện cũ: "Ngày bé, ông bế mày nhiều nhất. Mẹ đi cấy vùng cá, ở nhà ông bế cứ khóc oe oe, ông lại bế ra đồng gọi" Hương ơi, về cho cái bé bú tí". Tôi nghe câu chuyện đó của ông không biết bao nhiêu lần, nhưng chẳng bao giờ dám ngắt lời khi ông hào hứng kể. Mắt ông rưng rưng lệ, cổ họng hút thuốc lào nhiều, vướng đờm nên thỉnh thoảng ông lại húng hắng ho.

    Sang ngày 30 Tết, buổi sáng tôi thường giúp mẹ thay rửa bát hương trên bàn thờ. Xong việc, tôi ngồi chồm hỗm xem bố mẹ gói những chiếc bánh chưng xanh, vuông vức.

    [​IMG]

    Mẹ kể ngày xưa ông bà nội mất sớm, nhà tôi lại nghèo. Sống với cụ, bố phải làm đủ nghề: Thợ xây, phu hồ, và còn gói bánh chưng để cụ bán.. nên giờ bố làm gì cũng khéo.

    Ngày Tết, dù trời lạnh, tôi cũng dậy sớm lạch cạch chuẩn bị làm mâm cơm cúng. Mùa lạnh, tay mẹ tôi chạm nước bao giờ cũng ửng đỏ và ngứa ngáy. Tự tay đứa con gái 20 tuổi cũng làm được việc ra trò. Tôi bắt đầu từng việc, từng việc một. Tôi sắp bát đũa vào mâm; bóc lá bánh chưng, cắt thành 6 góc hình tam giác; thái khoanh giò lụa; bày một đĩa dưa hành mẹ muối vàng, một đĩa thịt gà nấu đông; ngâm mộc nhĩ, măng, miến để nấu canh; gọt cà rốt, su hào xào chung với lòng gà. Mâm cơm cúng đã xong xuôi. Tôi rót rượu ra ba chén nhỏ, châm lửa thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên.

    Tết sang ngày mồng 4 cũng bớt đi không khí. Tôi lo chuyện đi chợ, nấu nướng và sắp món làm hóa vàng. Tôi lớn rồi nhưng bao giờ bố cũng treo giải nếu mọi người khen món ăn ngon, bố sẽ có thưởng.

    * * *

    – Trời tối rồi, sao cậu không bật điện lên cho sáng?

    [​IMG]

    Tiếng nói lanh lảnh của cô bạn cùng phòng kéo tôi trở lại Hà Nội những ngày tháng xa quê. Tôi thở dài khi nghĩ đến những chuỗi ngày bận bịu sắp tới.
     
    NavaNovĐặng Châu thích bài này.
  2. NavaNov

    Bài viết:
    10
    Vô tình click vào bài viết của Trang và chất văn giản dị nhưng thấm đã cuốn mình đọc đến hết. Cảm giác thật buồn. Và lạ lùng hơn là mình cũng không biết tại sao buồn. Qua những dòng của Trang mình có thể thấy dù cuộc sống khó khăn nhưng bạn có một tuổi thơ trọn vẹn theo đúng nghĩa "tuổi thơ dữ dội" - có bạn bè, có nhiều kỷ niệm; hơn thế nữa Trang cũng là một cô bé được yêu thương - được ông yêu thương, được ba má và anh thương. Tuổi thơ có thể đã qua đi rồi không lấy lại được nhưng những người yêu thương thì vẫn ở đó và tiếp tục yêu thương vô điều kiện vậy mà cảm giác đôi khi vẫn thật buồn nhỉ, giống như là có gì đó mất mát vậy. Buồn là vì những ngày tháng khó khăn cô độc giữa thành phố lớn mỗi ngày chăng? Nếu là thế thì mình chúc Trang sẽ mạnh mẽ để coi những khó khăn đó chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ mà mình cần chinh phục mỗi ngày trước khi về với gia đình thân yêu nhé.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...