Hôn nhân đồng giới hay hôn nhân đồng tính là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học. Hôn nhân đồng giới có khi còn được gọi là "hôn nhân bình đẳng" hay "bình đẳng hôn nhân", thuật ngữ này thường được sử dụng phổ biến từ những người ủng hộ. Hôn nhân đồng giới là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối, đôi khi còn gây ra chia rẽ xã hội sâu sắc. Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng việc hợp pháp hóa kiểu hôn nhân này là để đảm bảo nhân quyền, sự bình đẳng giữa các thiên hướng tình dục và giảm được phân biệt đối xử trong xã hội. Họ cũng cho rằng con nuôi của các cặp đồng tính sẽ được lợi khi cặp đồng tính đó có tình trạng hôn nhân hợp pháp. Những nhóm ủng hộ đồng tính coi bình đẳng hôn nhân là mục tiêu sau khi đã có quyền bình đẳng của người da màu, của phụ nữ và các tôn giáo. Ngược lại, những người khác phản đối hôn nhân đồng giới vì họ cho rằng kiểu gia đình này có những khiếm khuyết (trẻ em được nuôi bởi cặp đồng tính sẽ dễ gặp tổn thương tâm lý và lệch lạc hành vi, hôn nhân đồng tính thường không bền vững, không có khả năng duy trì nòi giống, làm sụt giảm giá trị của hôn nhân trong văn hóa xã hội, thúc đẩy tình trạng làm cha/mẹ đơn thân), do vậy nếu chấp thuận và để hôn nhân đồng tính nhân rộng thì sẽ gây tác hại cho xã hội và trẻ em. Công nhận hôn nhân đồng giới là một vấn đề chính trị, xã hội, nhân quyền và quyền công dân, cũng như vấn đề tôn giáo ở nhiều quốc gia và trên thế giới. Những tranh cãi tiếp tục diễn ra rằng hai người đồng giới có nên được kết hôn, được công nhận một mối quan hệ khác (kết hợp dân sự) hoặc từ chối công nhận những quyền đó. Hôn nhân đồng giới đem đến cho những người LGBT, cũng là những người đóng thuế cho chính phủ, được sử dụng những dịch vụ công và hiện thực nhu cầu tài chính như những cặp khác giới khác. Hôn nhân đồng giới cũng đem đến cho họ sự bảo vệ hợp pháp ví dụ như quyền thừa kế và quyền thăm nuôi. Những lợi ích hoặc tác hại của việc công nhận hôn nhân đồng tính là chủ đề tranh luận của nhiều tổ chức khoa học. Hôn nhân đồng giới có thể được thực hiện một cách đơn giản hoặc theo nghi thức tôn giáo. Nhiều cộng đồng tín ngưỡng trên thế giới đã cho phép hai người cùng giới kết hôn hoặc thực hiện hôn lễ cùng giới, ví dụ như: Phật giáo ở Đài Loan, Úc, Nhà thờ ở Thụy Điển, Giáo hội Presbyterian, Do Thái giáo bảo thủ, Giáo hội Thống Nhất Canada.. Trước khi công nhận hôn nhân đồng giới, nhiều nước đã có luật cho các cặp đồng tính đăng ký sống chung gọi là kết hợp dân sự, quy định quyền lợi và bổn phận của họ như Đan Mạch từ năm 1989, Na Uy năm 1993.