Văn chương là một phần tất yếu trong cuộc sống. Nhưng trong thời đại kinh tế thị trường, các môn Anh, Toán, Lý, Hóa ngày càng được đề cao thì rất nhiều bạn trẻ đặt ra câu hỏi: Học Văn để làm gì ? Vậy theo bạn: Học Văn Để Làm Gì? Để giải đáp câu hỏi đó, các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu "học Văn là học gì?". Từ đó, tôi chắc chăn bạn sẽ hiểu học Văn để làm gì nhé! 1. Học Văn là gì? Văn là văn hóa, văn chương và ngôn ngữ. Như vậy, học Văn không chỉ là học chữ (học ngôn ngữ) mà còn học làm người, là học cảm xúc đẹp, học cách cảm, cách nghĩ. 2. Học Văn để làm gì? Trong cuộc sống, bất cứ ai trong xã hội, dù là một người nông dân, công nhân hay kĩ sư, bác sĩ, doanh nhân, tổng giám đốc, chủ tịch nước, tổng thống.. ai cũng phải nói, phải đọc, phải giao tiếp, ứng xử, phải rèn luyện đạo đức, nhân cách. Nghĩa là ai cũng phải vận dụng văn học trong cuộc sống của mình. Bởi: - Một người nông dân nếu không biết đọc, không biết viết thì khó có thể tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào công việc nhà nông của mình nên năng suất lao động sẽ không cao. - Một người bác sĩ nếu không có đạo đức, nhân cách sẽ dễ dàng bán rẻ lương tâm, coi người bệnh như "con bệnh", "con mồi" mà vẫn chưa thỏa mãn lòng tham không đáy. - Một ông giám đốc mà nói năng rườm rà, ấp úng thì sẽ mất hết uy tín với người dưới. Một vị tổng thống diễn thuyết trước toàn thể nhân dân mà nói giọng đều đều, chẳng có ngữ điệu thì sẽ mất hết khí thế cho người nghe. *Như vậy, học Ngữ Văn trong nhà trường nhằm đạt những mục tiêu cơ bản là: - Học Văn để bồi dưỡng bốn kĩ năng cơ bản, cần thiết với mỗi người Bốn kĩ năng đó là: Đọc, viết, nói nghe. Trong đó, mục đích lớn nhất của học Văn là rèn luyện kỹ năng nói (thuyết trình) và viết (như viết đoạn văn, bài văn cảm thụ TPVH, làm nghị luận văn học, làm nghị luận xã hội (bàn về một tư tưởng đạo lý hoặc một vấn đề xã hội). - Học Văn để học năng lực thưởng thức cái hay, cái đẹp của văn chương Thông qua việc phân tích, cảm nhận tác phẩm văn chương mà bồi dưỡng cho học sinh những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Học sinh không chỉ được rèn luyện năng lực phân tích, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật, mà còn biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. - Học Văn để biết làm người Nghĩa là học Văn là học giá trị sống. Học Văn để bồi đắp cảm xúc đẹp chân thiện mĩ để trau dồi cảm xúc con người, để biết yêu thương, biết ngưỡng mộ cái thiện và ghét cái ác, cái xấu xa. -Học Văn để nâng cao giá trị bản thân Không ai muốn một cuộc sống mờ nhạt, vô vị, đều đều, không có gì nổi bật, mà luôn muốn cuộc sống sôi động, khẳng định được giá trị riêng của bản thân mà ai cũng muốn trò chuyện, kết bạn, hợp tác, lắng nghe. -Đồng thời, học Văn còn để bồi đắp tình yêu tiếng Việt, để giữ gìn, bảo vệ, phát triển tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn như: Các tác phẩm Văn học dân gian (truyền thuyết, truyện cổ tích, bài vè, ca dao dân ca), các tác phẩm về chủ đề quê hương, gia đình, mái trường, tình bạn.. (Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ, Quê hương – Đỗ Trung Quân) các truyện về kĩ năng sống, giá trị cuộc sống (Quà tặng cuộc sống – nhiều tác giả), các tác phẩm văn học cách mạng, văn học hiện thực trước cách mạng (Lão Hạc – Nam Cao, Tắt Đèn – Ngô Tất Tố, Chí Phèo – Nam Cao) ; sử thi, trường ca; các tác phẩm văn chính luận (Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh, Quân trung từ mệnh tập – Nguyễn Trãi).. Đây là những thể loại, những tác phẩm Văn học kinh điển mà mỗi người nên đọc và cần tìm đọc. Những tác phẩm văn học này còn đem đến cho ta sức mạnh về tinh thần hơn cả sức mạnh vật chất. -Học Văn để tự lập, để thành công Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần sử dụng đến năng lực viết, nói (thuyết trình) thuyết phục, nghe tích cực, tinh tế, đi vào lòng người, ai cũng tâm phục khẩu phục. Học Văn sẽ giúp ta rèn luyện tư duy ngôn ngữ; tư duy phản biện, tư duy trình bày. Người giao tiếp thành công là người không cần văn thơ hoa mĩ mà là logic, ấn tượng, thuyết phục lôi cuốn người nghe. Kĩ năng xã hội này sẽ giúp nhiều cho bạn khi vào đời, khi có những tình huống khó khăn, khi phỏng vấn xin việc, khi thuyết phục đối tác, khi lãnh đạo, điều hành cơ quan, công ty. Người xưa từng nói: Phúc đến từ tâm và họa đến từ miệng. Vậy, học văn để giúp bạn nói đúng (đúng lúc, đúng chỗ), nói hay (để đạt điểm cao, để giúp công việc hiệu quả), có kỹ năng tự tin giao tiếp cũng như trong việc bày tỏ các ý kiến của mình. Nói chung, học Văn là "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình". Vậy bạn đã biết các cách, các phương pháp học văn hiệu quả nhất là gì? Mời các bạn đọc tiếp trang chia sẻ bên dưới nhé! (Còn nữa)
3. Cách học Văn hiệu quả -Đọc, hiểu sâu để thấy hết được cái hay cái đẹp của tác phẩm đó. Một trong những phương pháp học hiệu quả nhất là: Đọc kĩ tác phẩm. Đọc lần thứ nhất để "bì phu" (mới sờ tới phần "da" của tác phẩm), đọc lần thứ hai hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, là cách đọc "cốt nhục" (hiểu được xương, thịt của tác phẩm). Đọc đến lần thứ ba, thứ tư để hiểu, cảm, thấm chất "tuỷ" của tác phẩm. Để nhớ lâu, có ấn tượng tốt về tác phẩm văn học thì một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của người học nhiều cảm xúc đẹp. Giây phút đó trí tưởng tượng của người học sẽ được "bay lên" cùng những vần thơ giàu tính họa, tính nhạc, hoặc được sống với những nhân vật trong văn xuôi, kịch. - Tự học, tự đọc sách ở nhà. "Cuộc sống là một trường học lớn", kiến thức nhân loại là khổng lồ, và nó ngày càng tăng lên theo thời gian. Cho nên nếu không học, không đọc sách sẽ thụtt lùi và bị đào thải. Chỉ bằng cách học, học nữa, học mãi, bạn mới có thể khẳng định được giá trị bản thân giữa hàng vạn, hàng triệu người. Việc học văn cũng vậy, "không có nấc thang cuối cùng". Ngoài những bài thầy cô dạy trên lớp, người học còn phải học những điều ở sách vở và cuộc sống. Và sách là "người thầy thứ hai" giúp ta mở ra những "chân trời mới". Ngoài các tác phẩm Văn học trong nhà trường, các em cần phải tìm đọc sách ở nhà và có kĩ năng đọc sách mỗi ngày. Tuy nhiên, các em cũng cần chọn đọc sách phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi, nhu cầu; và chọn sách tốt để đọc. Phải sàng lọc lấy những cái hay, cái đẹp, cái tốt mà học, chứ không phải thấy cái gì cũng "bắt chước". - Cân bằng các thú vui giải trí khác đặc biệt là game online, trò chơi điện tử, dành nhiều thời gian đọc những quyển sách hay và bổ ích, có giá trị bồi dưỡng tâm hồn và phù hợp với lứa tuổi cùa các em đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn hay nâng cao kiến thức. Một lời khuyên dành cho bạn là: Hãy tìm đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng, uy tín. Chắc chắn dần dần bạn sẽ muốn học ngữ văn đấy! Các tác phẩm văn học bất hủ mà chúng ta nên đọc như: - Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh - Dế Mèn phiêu lưu Kí (Tô Hoài) - Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán) - Văn thơ của Hồ Chí Minh - THơ của Tố Hữu - Thơ viết về Hồ Chí Minh - Tủ Sách về những nhà Khoa học, danh nhân tài ba thế giới, Sách về Kĩ năng sống; Sách hạt giống tâm hồn. 4. Học để thi môn Ngữ Văn Theo định hướng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 (bắt đầu từ năm học 2020-2021 với lớp 1; từ năm học 2021-2022 với lớp 6; từ năm học 2022-2023 với lớp 10), cái cốt lõi mà các em cần nhớ, hiểu vận dụng là kiến thức về thể loại (gọi là mã thể loại) + năng lực thực hành tiếng Việt và tạo lập văn bản. Những văn bản được giảng trên lớp chỉ là mẫu để hình thành và rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe đối với từng thể loại văn học. Còn khi thi (thi cuối kì, thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp) thì sẽ là đọc hiểu những văn bản tương tự để đánh giá đúng năng lực đọc - hiểu, cảm thụ văn chương của các em. Bởi thế, các em cần có năng lực đ ọc - hiểu văn bản: Thể loại, chủ đề, đề tài, ngôn ngữ, cảm xúc, thái độ, của người viết, bài học, thông điệp, cách ứng xử của bản thân. Như vậy, tự học, tự đọc, tự ôn luyện ở nhà, tự tìm giải các dạng đề Đọc hiểu cần là thói quen của chính các em. Nhà văn M. Góc-ki (người Nga) đã nói "Văn học là nhân học". Học Ngữ Văn để biết yêu quý tiếng nói dân tộc mình, đất nước mình và giúp chúng ta đi đến thành công nhanh hơn. Là một giáo viên Văn đứng trên bục giảng hơn hơn 16 năm, tôi khẳng định rằng: Môn Văn trong nhà trường phổ thông trong bất kì thời đại nào, bất cứ quốc gia nào, đều luôn giữ một vị trí rất quan trọng: Học Văn Là Một Phần Tất Yếu Của Cuộc Sống!
Dành cho những bạn luôn coi thường môn Văn: - Khi bạn tìm hiểu một văn hóa mới - > bạn học ngôn ngữ của họ -> văn học không chỉ là vài con chữ, nó còn chứa đựng cả văn hóa. - Khi bạn là nhà khoa học, bạn nghiên cứu ra 1 vấn đề/sản phẩm -> bạn cần viết báo cáo, viết thuyết minh -> lúc này không học văn thì biết bố cục thế nào? Viết kiểu gì? Trên đây mẫn chỉ lấy hai ví dụ nghe hơi mĩ miều đê các bạn thấy được học văn rất quan trọng, còn trong đời sống thì nhiều lắm luôn. Chính vì vậy hãy hiểu đúng môn văn và yêu quý nó nhé.
Bạn nói chuẩn luôn. Muốn thành công thì phải có trí tuệ, người ta gọi là IQ. Muốn từ việc lớn đến nhỏ đều như ý, thì phải học giao tiếp, học ứng xử, học cách diễn đạt.. ng ta gọi là EQ. Học văn sẽ giúp con đường đến thành công ngắn hơn, suôn sẻ hơn và thuận lợi hơn. Phải không các bạn?