Đẹp đúng không? Chúng chính là tinh thể của lần lượt các chất từ trên xuống là phèn nhôm với tỉ lệ cực chuẩn và tạp một số chất (KAl (SO4) 2.12H2O) và diêm tiêu tạp một chút KDP (KNO3 tạp KDP). Nghe thì cực kì phức tạp, nhất là đối với những bạn ghét hóa sẽ thấy nản ngay lập tức khi gọi tên các chất, nhưng hãy khoan đã, hãy thử nán lại và đọc bài viết này của tôi xem sao, biết đâu, các bạn lại tìm thấy cho bản thân một đam mê mới? Như tiêu đề, "học hóa không tốt nhưng vẫn muốn nuôi tinh thể?", trước tiên, tôi xin khẳng định là, nuôi tinh thể không hề liên quan quá nhiều đến môn hóa, trừ việc nguyên liệu là hóa chất ra, thì bản chất của nó thuộc về lý học. Nuôi tinh thể là việc tạo ra môi trường có điều kiện nhiệt độ, áp suất, tạp chất.. phù hợp nhờ vào kĩ thuật khoa học để hình thành tinh thể và giúp nó lớn lên, nói nôm na dễ hiểu tức là, ta tạo ra một dung dịch bão hòa ở nhiệt độ cao, sau đó, khi nhiệt độ hạ xuống, dung dịch ban đầu trở thành dung dịch quá bão hòa, từ đó tạo ra kết tinh (hay còn gọi là tinh thể). Bình tĩnh! Tôi biết là với một số bạn sẽ quay cuồng đầu óc, hãy lên mạng và tra các từ khóa đi nào, tôi thề là nó dễ hiểu cực kì! Thôi thì, để lý thuyết sau, giờ tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách ĐƠN GIẢN nhất để tạo ra tinh thể bằng các nguyên liệu phổ biến trong cuộc sống thường ngày: Tinh thể phèn nhôm. Nguyên liệu gồm có: - Phèn nhôm. (Các bạn cứ ra chợ, hỏi mua 5 nghìn đồng phèn nhôm (chua) / 1 cốc 330ml và 10 nghìn với cốc uống bia siêu to khổng lồ của các ông bố) - Một cái cốc nào đó (như đã chú thích ở trên), với đáy bằng, và nên dùng cốc thủy tinh. - Một chiếc muỗng (thần), đánh dấu riêng để không trùng với đồ dùng gia đình. - Một ấm nước. - Một tấm bìa các - tông nhỏ bé. - Giấy lọc nếu không có? Với một số tập vở có tờ mỏng đầu tiên, có thể dùng được, không thì dùng giấy cứng là lọc được. - Chỉ (quần). Các bước như sau: - Giai đoạn 1: Tạo mầm tinh thể. + Ra chợ và mua lượng phèn nhôm cần thiết. + Giã nhỏ các khối phèn ra cho thật nhuyễn, thật nhuyễn và thật nhuyễn vào, để cho diện tích tiếp xúc giữa các phân tử KAl (SO4) 2 tiếp xúc nhiều hơn các phân tử H2O có trong dung dịch (ngắn gọn: Để tan nhanh trong nước). + Đun nước sôi với lượng bằng 4/5 cốc được chọn. + Lấy cốc ra, rửa thật sạch và lau thật khô, cho lượng nước mới đun sôi vào trước, sau đó mới bỏ phèn vào từ từ và khuấy đều. Cho đến khi khuấy mỏi tay như khuấy cà phê bọt biển (thật ra chỉ cần khuấy 5 phút thôi) mà vẫn không tan thì dung dịch đó trở thành bão hòa. + Cắt miếng bìa sao cho che kín miệng cốc là được. + Để cốc đó vào một nơi không rung lắc như động đất ở miền Bắc khoảng 2 ngày, khi lấy xuống, các bạn sẽ thấy các mầm tinh thể. (thật ra, vì tôi thường dùng hũ hóa chất nguyên chất để nuôi, nên có lúc chỉ cần nửa ngày là ra mầm rồi) + Mầm sẽ bám lên thành hoặc dưới đáy của cốc, các bạn nhẹ nhàng lấy một chiếc cốc khác, lấy giấy lọc quấn hình phễu rồi đổ từ từ dung dịch chảy theo thành phễu (lưu ý: Nhớ là quấn thành cái phễu sao cho lối chảy xuống nhỏ vô cùng, nha). Thì, bạn sẽ được một cốc dung dịch và một đống mầm, nhiệm vụ của bạn là chọn "bé mầm" nào đẹp, đều, và chuẩn nhất đem đi nuôi. Mầm đẹp và với phèn nhôm chất lượng thì sẽ có hình lục giác đều (hình benzen á, ahihi) => Hoàn thành giai đoạn 1, các bạn sẽ được thành phẩm là một "bé mầm" dễ thương nhất và một cốc dung dịch. (Đôi lời chọc ghẹo từ chủ bài viết: Nếu như các bạn muốn ra mầm đẹp như cái hình đầu tiên ấy, thì cũng đơn giản thôi, hãy lấy máy tính, nháp, wikipedia, và cân điện tử bỏ túi ra, và lần lượt tính các bước như sau: Lên mạng tra độ bão hòa của phèn, lấy cân m nước tỉ lệ thuận với m phèn theo tỉ lệ đó, rồi tính m dung dịch, m chất tan để ra C%, sau đó so sánh với độ tan S, tính xong thì đổ vào cốc, đun nước sôi ở nhiệt độ hợp lý, đổ vào, khuấy tan các kiểu thì ngon lành cành đào ha) - Giai đoạn 2: Nuôi mầm để trở thành tinh thể. + Các bạn lấy chỉ (quần) một đoạn vừa đủ, cột thật chặt vào mầm (thắt vài ba nút gì đó, chặt là được), đầu còn lại sợi chỉ các bạn cột vào một thanh bút chì (cái gì đó đừng dài mà tròn, mất công lăn long lóc), đặt yên trên miệng cốc, sao cho mầm ở giữa dung dịch. + Đợi chờ. + Cứ sau 3 ngày (nếu "bé mầm" ở dơ) hoặc 1 tuần thì các bạn lọc lại dung dịch một lần để loại bỏ bụi bẩn (các bạn vẫn có thể dùng cái bìa cũ cắt sao cho nó có chỗ cột sợi chỉ được nhưng vẫn che được cốc, trên mạng có hướng dẫn nhé). + Cứ như vậy cho đên khi hết sạch dung dịch (có phần nâng cao về việc nuôi tiếp sau khi hết dung dịch cũ, nhưng mà nếu có cơ hội, mình sẽ viết một bài khác sau và nhét link ở dưới bài này). + Các bạn lôi "ẻm" ra, cắt phần chỉ thừa đi rồi lấy giấy ăn lau nhẹ nhàng (bạn nào mà khó ở thì lấy con dao nho nhỏ, mở nước cũng nho nhỏ vô cái chỗ mọc thừa đó, rồi nhẹ nhàng cạo ra và cạo thật nhanh, mất công lõm mất, nó xấu). + Để bảo quản, cái bạn lại tiếp tục đi ra chợ, mua cái sơn móng tay không màu về, bôi một lớp lên thì sẽ tránh được việc bị môi trường tác động vào. => Hoàn thành giai đoạn hai bạn được gì? Chính là tinh thể phèn nhôm đó (không phải như hình đầu tiên đâu nhé, nó là "hoa khôi mầm trong làng nuôi hóa học" đó, lên mạng và tra "tinh thể phèn nhôm" các bạn sẽ nhận hình ảnh là một khối đa giác đều đẹp đẽ. Thì, trên đây là các bước cụ thể mà mình phải ngồi đơ ra tầm nửa tiếng để nhớ lại mọi thứ về việc nuôi tinh thể ĐƠN GIẢN nhất. Nếu bạn nào muốn thử sức với những thứ có màu sắc hoặc là hình dáng thú vị hơn thì sau đây mình sẽ liệt kê một số chất thường dùng, màu sắc nguyên thủy (không tính màu thực phẩm) và hình dáng của chúng trong "môn" nuôi tinh thể: - CuSO4, thường dùng là CuSO4, 5H2O. Nếu bạn nào bị lừa mua CuSO4 khan thì hãy nhớ tới bài viết này (bởi vì là dùng khan thì các bạn phải hòa tan vào nước, rồi cô cạn cho bay hết nước, rồi mới được đồng (II) sunfat để làm tinh thể, rắc rối nhỉ? Phân biệt thì khan màu trắng, ngậm nước màu xanh dương). Cái chất này màu xanh dương đậm cực đẹp nha, hình dáng thì để dễ hình dung thì là hình bình hành (hiếm gặp hình thoi, nếu có thì tạp). - NiSO4. Mình không khuyến khích những bạn vụng về dùng chất này, vì chất này khá ảnh hưởng đến sức khỏe nếu như sử dụng hay tiếp nhiều thì hên xui bị ung thư (theo mạng). Vì mình là một đỗ nghèo khỉ nên chưa mua về thử, nhưng mình biết, nó có tinh thể hình lập phương với các đỉnh được san phẳng (tra mạng), với màu xanh lục đậm cực kì, nhưng vẫn đẹp. - K3Fe (CN) 6. Mình đã thử và thành công mỹ mãn dù nuôi em hơi lâu (vài tháng á mà). Màu đỏ máu với dung dịch và màu đen đỏ tùy vào tỉ lệ. Tinh thể chất này, na ná như thạch anh. Gốc xyanua (CN) độc á? Mình biết chứ, nhưng khi liên kết với các ion thì cũng bớt độc rồi nha. - KNO3, như hình thứ 2. Độ hòa tan chất rất lớn, nên cân nhắc tra mạng trước khi làm (các bạn có thể tìm thấy nó trong thuốc súng đó). - NaCl, nuôi hơi cực, mỗi tội là đẹp tên hãy tra mạng hình dáng, mình không biết tả sao cả. - Vân vân và mây mây. Và đó là bài thực hành đầu tiên, cũng như cơ bản nhất với những bạn nào đọc xong mà có hứng thú với việc nuôi tinh thể. Hãy tìm hiểu thêm. Với những kĩ thuật nâng cao hơn như: Kĩ thuật cấy mầm vào đá, kĩ thuật nuôi đa tinh thể, kĩ thuật pha dung dịch mới để nuôi mầm, kĩ thuật cấy mầm vào vỏ trứng, xử lý các vấn đề thường gặp khi nuôi, kĩ thuật nuôi đĩa tinh thể, kĩ thuật nuôi bông tinh thể tạp KDP.. Như đã nói, nếu có cơ hội, mình sẽ viết và chèn link vào bài viết. Bài viết này do chính chủ post lấy kinh nghiệm bản thân để hoàn thành, nếu có sai sót hay ý nào thiếu, hãy bình luận để tôi rút kinh nghiệm. Rất cảm ơn các bạn đã đọc.
Đúng là một bài chia sẻ cực kỳ hữu ích. Mình cũng có một vài người bạn của mình nuôi tinh thể CuS04 nên cũng muốn một lần thử (cơ mà chưa có thời gian + kiếm thức) Nhờ bài viết của bạn mà mình đã biết nhiều hơn đến thú vui này. Nhất định trong tương lai mình sẽ thử qua ^^
Cảm ơn bạn đã đọc TvT tôi viết mà lòng khá lo vì giới trẻ giờ ít hứng thú với khoa học ấy, tôi viết bài này vừa để truyền cảm hứng cũng như luyện lại tay nghề thôi, hhh.