Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề các tác phẩm ngữ văn trong chương trình thi ĐH

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Wall-E, 24 Tháng mười hai 2020.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    595
    Tổng hợp hoàn cảnh sáng tác và chủ đề của các tác phẩm ngữ văn trong chương trình thi ĐH

    Một vấn đề khá đơn giản nhưng lại rất cần thiết đề ghi điểm trong các kì thi các bạn nhé!

    CHƯƠNG TRÌNH 12 CƠ BẢN

    Câu 1: Trình bày hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác của tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    19/08/1945 Chính quyền về tay nhân dân ở Hà Nội, ngày 26/08/1945 Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về đến Hà Nội, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang Hà Nội, Người soạn thảo " Tuyên Ngôn Độc lập"- ngày 02/09/1945 Người thay mặt Chính Phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đọc bản "Tuyên Ngôn Độc lập" tại Quảng trường Ba Đình.

    Hồ Chí Minh viết và đọc tuyên ngôn khi đế quốc thực dân đang chuẩn bị chiếm lại nước ta. Dưới danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc tiến vào từ phía bắc; quân đội Anh tiến vào từ phía nam; thực dân Pháp theo chân đồng minh, tuyên bố Đông Dương là đất " bảo hộ" của Pháp bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, Đông Dương phải thuộc quyền của người Pháp. Tuyên Ngôn độc lập còn đập tan những luận điệu xảo trá của bọn đế quốc Mỹ, Anh, Pháp nhất là Pháp nhằm tái chiếm Đông Dương.

    Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là lời tuyên bố với nhân dân Việt Nam, mà còn tuyên bố với nhân dân thế giới, phe đồng minh và cả kẻ thù của dân tộc về quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam

    Mục đích sáng tác

    TNĐL tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước VN DC CH đồng thờ đập tan luận điệu xảo trá của bọn đế quốc Mĩ, Anh, Pháp.


    Câu 2: Hoàn cảnh ra đời, mục đích và chủ đề tác phẩm "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Bài viết đăng trên tạp chí Văn học số 7 - 1963 nhân kỉ niệm ngày mẩt của Nguyễn Đình Chiểu (3/7/1888).

    Mục đích sáng tác:

    Kỉ niệm ngày mất của nhà văn tiêu biểu, người chiển sĩ yêu nước trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.

    Tác giả bài viết này có ý nghĩa định hướng và điều chỉnh cách nhìn và chiểm lĩnh tác gia Nguyễn Đình Chiểu.

    Thể hiện mối quan hệ giữa văn học và đời sống giữa người nghệ sĩ chân chính và hiện thực cuộc đời

    Đặc biệt nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi của dân tộc.

    •Chủ đề: Qua bài viết, tác giả khẳng định, cuộc đời của NĐC Là cuộc đời của người chiến sỹ đã phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phòng dân tộc. Sự nghiệp thơ ca của ông là minh chứng hùng hồn cho vị trí và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời. Cuộc đời và sự nghiệp của NĐC không chỉ là bài học cho hôm nay mà cho cả mai sau.


    Câu 3: Hoàn cảnh sáng tác, mục đích, nội dung của văn bản "Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, 1/12/2003"

    Hoàn cảnh sáng tác: Cô-phi An-nan viết văn bản này gửi nhân dân toàn thể giới nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12/2003.

    Mục đích sáng tác:

    Trong khi dịch HIV/AIDS hoàn hành, có ít dấu hiệu suy giảm. Nhất là các nước Đông Âu, toàn bộ châu Á, từ dãy núi U-Ran đến Thái Bình Dương.

    Mục đích kêu gọi các cá nhân và mọi người chung tay góp sức ngăn chặn hiểm hoạ, nhận thấy sự nguy hiểm của đại dịch này.

    Triển khai chương trình chăm sóc toàn diện ở mọi nơi.

    Các quốc gia phải đặt vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị.

    Nội dung

    HIV/ AIDS là nạn đại dịch gây tỉ lệ tử vong cao, tốc độ lây lan nhanh và chưa tìm ra thuốc đặc hiệu điều trị, trở thành hiểm hoạ cho đời sống nhân loại.

    Là người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất, Cô- phi An- nan kêu gọi các quốc gia và toàn thể nhân dân thế giới nhận thấy sự nguy hiểm của đại dịch này và tích cực chung tay góp sức ngăn chặn, đẩy lùi hiểm hoạ.


    Câu 4: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề bài thơ Tây Tiến

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Quang Dũng là nhà thơ tài hoa tinh thông nhiếu lĩnh vực nghệ thuật nhưng nổi bật hơn cả là thơ ca. Thơ ông thể hiện cái tôi hào hoa thanh lịch, giàu chất lãng mạn. Nhắc đến Quang Dũng ta không thể quên "Tây Tiến" một thi phẩm đặc sắc trong đời thơ của ông. Bài thơ có hoàn cảnh ra đời dưới đây:

    1. Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Quang Dũng gia nhập bộ đội. Năm 1947, ông tham gia đoàn quân Tây Tiến với chức vụ đại đội trưởng.

    2. Tây Tiến là đơn vị bộ đội thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, địa bàn hoạt động suốt miền núi Tây Bắc từ Châu Mai, Châu Mộc sang Sầm Nứa cho tới miền Tây Thanh Hoá. Ngày ấy nơi đây còn rất hoang vu, hiểm trở, núi cao sông sâu.

    3. Những người lính trong đoàn quân Tây Tiến năm ấy chủ yếu là học sinh, trí thức ra đi từ những mái trường, từ phố phường Hà Nội chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, chết vì sốt rét nhiều hơn là vì súng đạn. Tuy vậy, các anh vẫn phơi phới tinh thần lạc quan anh hùng.

    4. Người lính mang trong mình sự trẻ trung khoẻ khoắn, hào hoa, thanh lịch. Ở họ vừa cháy bỏng lí tưởng "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" vừa mang trong mình nét lãng mạn mộng mơ. Nét độc đáo này của người lính "Tây Tiến" đã thực sự làm hồn thơ Quang Dũng rung động.

    5. Cuối năm 1948 Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, khi dự hội nghị toàn quân ở Phù Lưu Chanh tác giả bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm kháng chiến cùng đồng đội ở đơn vị cũ trong những tháng năm ở miền biên cương Tây Bắc. Những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy đã rung lên những dây tơ xúc cảm trong tâm hồn nhà thơ viết nên bài thơ "Tây Tiến". Bài thơ ban đầu có tựa đề "Nhớ Tây Tiến" in trong tập thơ "Mây Đầu Ô"

    Chủ đề: Qua bài thơ, tác giả Quang Dũng ca ngợi vẻ đẹp của người lính Tây Tiến, cũng là vẻ đẹp của những người lính trong kháng chiến chống Pháp. Qua đó còn thể hiện tình cảm sâu nặng của nhà thơ với đơn vị Tây Tiến, với cảnh vật và con người Tây Bắc một thời gắn bó.


    Câu 5: Nêu hoàn cảnh sáng tác và chủ đề bài Việt Bắc

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Việt Bắc là quê hương cách mạng, là căn cứ địa vững chắc của cuộc kháng chiến, nơi đã che chở đùm bọc cho Đảng, Chính Phủ, bộ đội trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ,Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện trọng đại này, Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc.

    Bài thơ viết tháng 10 /1954, được in trong tập Việt Bắc (1947 - 1954)

    Chủ đề: VB là khúc tình ca về cách mạng, về kháng chiến mà cội nguồn sâu xa là tình yêu đất nước, niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lý thủy chung của dân tộc.


    Câu 6: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề đoạn trích "Đất nước"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Trường ca "Mặt đường khát vọng" Hoàn thành ở chiến khu Trị -Thiên năm 1971 và in lần đầu năm 1974..

    Thức tỉnh tinh thần dân tộc của tuổi trẻ đô thị miền Nam, giúp thanh niên vùng địch tạm chiếm nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ, hướng về nhân dân đất nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhập với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.

    Đoạn trích nằm ở phần đầu chương V của trường ca


    Chủ đề: Bằng sự vận dụng đầy sáng tạo hình thức thơ trữ tình – Chính trị, đoạn trích đã quy tụ mọi cảm nhận, mọi cái nhìn, quy tụ vốn liếng sách vở cũng như trải nghiệm cá nhân của người nghệ sỹ để làm nên một tuyên ngôn về tư tưởng, đó là tư tưởng "Đất nước là của Nhân Dân"

    Câu 7: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề bài "Sóng"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). In trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

    Là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

    Chủ đề: Qua hình tượng "sóng", trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hoà hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người

    Câu 8: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề bài "Đàn ghi ta của Lor - ca"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Rút trong tập "Khối vuông Ru – bích"

    Thể hiện tư duy thơ Thanh Thảo: giàu suy tư, nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực.

    Chủ đề: Qua hình tượng Lor – ca và tiếng đàn ghi ta, tác giả diễn tả cái chết bi tráng đột ngột của người nghệ sỹ đấu tranh cho tự do và cách tân nghệ thuật. Đồng thời, bày tỏ nỗi đau xót sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tên tuổi và sự nghiệp Lor – ca.


    Câu 9: Xuất xứ và chủ đề "Người lái đò sông đà"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Xét về hoàn cảnh sáng tác có thể xem "Người lái đò sông Đà" nói riêng và tập "tùy bút sông Đà" nói chung khẳng định một bước chuyển hoá mới của văn chương Nguyễn Tuân trước thực tế mới của đất nước. Có người đã khẳng định tập sách này là dấu son mới mẻ trong văn nghiệp của nhà văn họ Nguyễn. (Thời kì này văn học đòi hỏi phản ánh chân thực hùng hồn cuộc sống mới, con người mới). Đến với cuộc sống, ông khám phá theo cách của mình. "Người lái đò sông Đà" là một tùy bút đặc sắc trong 15 thiên tùy bút của tập sách và một bài ở dạng phác thảo.

    Tác phẩm in trong tập "Sông Đà" (1960) gồm 15 bài tùy bút, một bài ở dạng phác thảo.

    Đây là kết quả của chuyến nhà văn "xê dịch" lên Tây Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp nhất là chuyến đi lên miền Tây 1958.
    Vẻ đẹp uy nghi kì vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc với dòng sông Đà và những con người Tây Bắc, những con người tài hoa trí dũng đã khơi nguồn cảm hứng mãnh liệt để Nguyễn Tuân viết tùy bút sông Đà. Đó cũng chính là "chất vàng mười trong tâm hồn vùng Tây Bắc" mà nhà văn kiếm tìm được khi phỉ chí hải hồ của một người nghệ sĩ săn tìm cái đẹp và đi trong tâm trạng có quê hương.

    Xét về hoàn cảnh chủ quan: tác phẩm vốn là cách khám phá cái đẹp của Nguyễn Tuân vẫn là cách thay đổi thực đơn cảm giác của ông, song cái đẹp đó không còn chỉ dừng lại ở sự thưởng thức của cái tôi cá nhân phục vụ cho cá nhân mà mở rộng biên độ đến với cuộc đời, đến với người lao động bình thường. Trước đây văn chương ông thu vào độ hẹp, giờ toả ra độ rộng.

    "Người lái đò sông Đà" là một bài tùy bút đầy chất thơ, là một công trình khảo cứu công phu và điều tra xác thực về Tây Bắc. Nguyễn Tuân đã vận dụng những tri thức sâu rộng của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật khác nhau để cung cấp cho người đọc những hiểu biết bổ ích lí thú vè ngọn nguồn lai lịch, địa thế hiểm trở của con sông Đà cũng như phương thức vượt thác leo ghềnh, công cuộc chinh phục thiên nhiên của người lao động Tây Bắc.

    Chủ đề: Ngợi ca vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên và nhất là vẻ đẹp của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc. Qua đây ta cảm nhận được tình yêu đất nước say đắm, thiết tha, một sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần cù, công phu và tài hoa, uyên bác trong việc dùng chữ nghĩa của nhà văn.


    Câu 10: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề bút ký "AĐĐTCDS"

    Hoàn cảnh sáng tác.

    Bút ký được viết năm 1981 in trong tập sách cùng tên.

    Tác phẩm có 3 phần, đoạn trích nằm phần thứ nhất.

    Chủ đề: Từ những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp bằng vốn kiến thức phong phú về địa lý, lịch sử, văn hóa, tác giả đã khám phá và ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương, kinh thành Huế, cũng là vẻ đẹp của quê hương, đất nước.


    Câu 11: Nêu hoàn cảnh sáng tác và chủ đề "Vợ chồng A phủ"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    "Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn xuất sắc của Tô Hoài viết về đề tài miền núi Tây Bắc được in trong tập "Truyện Tây Bắc" - 1953

    "Truyện Tây Bắc" gồm 3 truyện "Cứu đất cứu mường", "Mường giơn", "Vợ chồng A Phủ"

    Tác phẩm là kết quả của những đợt nhà văn thâm nhập thực tế cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người vùng Tây Bắc, đánh dấu sự chín muồi về tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Sau chuyến đi dài 8 tháng cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952), ông đã sống gắn bó và nghĩa tình với đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Hmông, có những hiểu biết sâu sắc về mảnh đất miền Tây". "Kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi 8 tháng ấy là đất nước và người miền Tây đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều quá". "Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi. Đó là một ám ảnh mạnh mẽ thúc đẩy tôi sáng tác"

    Tác phẩm đã thể hiện một cách xúc động cuộc sống tủi nhục của đồng bào miền núi Tây Bắc dưới ách phong kiến và thực dân. Họ - mà tiêu biểu là bà lão Ảng (Cứu đất cứu mường), gia đình ông Mờng và dân làng Mường Giơn (Mường Giơn ), Mị và A Phủ ("Vợ chồng A Phủ") bị tước đoạt tài sản, bóc lột sức lao động và xúc phạm nhân phẩm. Trong cảnh đau thương tột cùng đó, cách mạng đã đến với họ và họ đã thức tỉnh.

    "Truyện Tây Bắc" là một thành công của Tô Hoài trong việc nhận thức, khám phá hiện thực kháng chiến ở một địa bàn đặc biệt vùng cao phía Tây Bắc tổ quốc đặc biệt là những khám phá mới mẻ sâu sắc về số phận và tâm hồn người lao động nghèo miền núi Tây Bắc trên hành trình đến với cách mạng. Tác phẩm in rõ dấu ấn phong cách nghệ thuật đặc sắc của Tô Hoài: màu sắc dân tộc đậm đà, chất thơ, chất trữ tình thấm đượm, ngôn ngữ và lời văn giàu tính tạo hình.

    Tác phẩm được giải nhất về truyện, kí (đồng hạng với Đất Nước đứng lên của Nguyên Ngọc) giải thưởng của hội Văn Nghệ Việt Nam 1954-1955.

    Truyện kể về quá trình tự vươn lên đổi đời và sự thức tỉnh cách mạng của hai thanh niên người Mèo: Mị và A Phủ, thoát khỏi kiếp đời nô lệ trong tay cha con thống lí Pá Tra ở Hồng Ngài để tìm đến khu du kích mới ở Phiềng Xa trở thành những du kích dũng cảm chiến đấu giữ bản làng.

    Chủ đề: Thông qua số phận của Mị và A Phủ, tác giả thể hiện tấm lòng yêu thương, cảm thông số phận người dân miền núi, trân trọng vẻ đẹp tiềm tàng của họ, ngợi ca ý nghĩa nhân đạo của sự nghiệp giải phóng con người thoát khỏi tối tăm và áp bức.


    Câu 12: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề "Vợ nhặt"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Tác phẩm đề cập đến nạn đói năm 1945. Năm 1940 Nhật xâm chiếm Đông Dương bắt nhân dân ta nhổ lúa trông đay. Bọn thực dân sau khi thua ở Đông Dương thì ra sức bóc lột nhân dân để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới bọn địa chủ cường hào ở nông thôn ngày càng ức hiếp dân lành. Mất mùa vì hạn hán, lũ lụt xảy ra thường. Bởi thế đến xuân Ất Dâu năm 1945 nạn đói chưa từng có trong lịch sử đã cướp đi hơn hai triệu đồng bào ta. Những cảnh chết đường chết chợ, tha phương cầu thực diễn ra hết sức thê lương. Trong hoàn cảnh đó con người biết chia sẻ cho nhau miếng ăn là cả một nghĩa cử đầy hào hiệp.

    Mặt trận Việt Minh đã vùng dậy tổ chức nhân dân phá kho thóc Nhật cứu giúp người nghèo và tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8.

    Truyện ngắn "Vợ nhặt" có tiền thân là một truyện dài nằm trong dự định của Kim Lân - tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Nhưng sau đó mất bản thảo, thất lạc và Kim Lân muốn dồn đọng lại nội dung ý tưởng trong một tập truyện ngắn – đó là lí do "Vợ nhặt" truyện ngắn độc đáo ra đời. Sau khi hoà bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào một phần cốt trụyên cũ và viết truyện ngắn này. Truyện chứa đựng dung lượng hiện thực lớn mà nhà văn lấu bối cảnh hiện thực năm đói 1945. Nhưng điều mà nhà văn muốn gửi gắm không chỉ là hiện thực thê thảm của năm đói mà ông muốn thắp sáng vẻ đẹp tình người trong những năm tháng tối tăm, thê thảm ấy. Tác phẩm được hoàn thành ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công. Truyện được in trong tập "Con chó xấu xí" (1962).

    Chủ đề: Thông qua tác phẩm, nhà văn đã phản ánh và trân trọng những con người bần cùng, lương thiện. Trong hoàn cảnh đói kém khủng khiếp do bọn thực dân phong kiến gây ra, họ đã cưu mang đùm bọc lấy nhau, dành cho nhau hạnh phúc và hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn mà cách mạng đem đến.

    Câu 13: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề "Rừng xà nu"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Được viết năm 1965, in trong tập "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc"

    Tác phẩm ra đời trong bối cảnh đế quốc Mĩ bắt đầu ồ ạt đổ quân vào miền nam với các chiến dịch càn quét, giết hại, phá hủy quy mô lớn.

    Chủ đề: Rừng xà nu là câu chuyện về quá trình trưởng thành Trong nhận thức cách mạng của một con người, cũng như của đồng bào Tây Nguyên. Chân lý tất yếu mà họ nhận ra là, chỉ có dùng bạo lực cách mạng mới có thể đè bẹp bạo lực phản cách mạng.


    Câu 14: hoàn cảnh sáng tác và chủ đề "Những đứa con trong gia đình"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Nguyễn Thi gắn bó với nhân dân miền Nam và thực sự xứng đáng với danh hiệu: Nhà văn của người dân Nam Bộ. Nhân vật của Nguyễn Thi có cá tính riêng nhưng tất cả đều có những đặc điểm chung "rất Nguyễn Thi". Đó là:Yêu nước mãnh liệt, thủy chung đến cùng với Tổ quốc, căm thù ngùn ngụt bọn xâm lược và tay sai của chúng, vô cùng gan góc và tinh thần chiến đấu rất cao- những con người dường như sinh ra để đánh giặc ;Tính chất Nam bộ: thẳng thắn, bộc trực, lạc quan, yêu đời, giàu tình nghĩa. Tác phẩm tiêu biểu của ông là : Người mẹ cầm súng , Những đứa con trong gia đình ...

    Tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác với tư cách là một nhà văn- chiến sĩ ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng năm 1966. Sau được in trong Truyện và kí NXB Văn học Giải phóng, 1978.

    Chủ đề: Qua hồi ức của Việt khi bị thương về những thành viên trong gia đình, tác giả ca ngợi tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của một gia đình, cũng là của nhân dân miền nam trong kháng chiến chống Mĩ.


    Câu 15: Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề "Chiếc thuyền ngoài xa"

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Chiếc thuyền ngoài xa viết năm 1983 là truyện ngắn in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thường , truyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.
    Nhan đề: Nghệ thuật nhìn xa, nhìn gần thì cái trần trụi, hiện thực cuộc sống bị phơi bày. Khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống thì nghệ thuật mới thiết thực.

    Chủ đề: Bằng tài năng và tấm lòng của một nhà văn, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện tình yêu tha thiết đối với những cảnh đời, thân phận trớ trêu của con người và gửi gắm chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời; Người nghệ sỹ không thể nhìn đời một cách giản đơn, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện và nhiều chiều.

    Câu 16: hoàn cảnh sáng tác, tóm tắt và chủ đề " Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

    Hoàn cảnh sáng tác

    Hồn Trương Ba ,da hàng thịt được Lưu Quang Vũ viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới công diễn

    Từ một cốt truyện dân gian ,Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại ,đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.

    Tóm tắt: Trương Ba, một người làm vườn tốt bụng, khoẻ mạnh, giỏi đánh cờ bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại ,nhập vào thể xác hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ thể xác hàng thịt, hồn Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái : lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cũng cảm thấy xa lạ...mà bản thân Trương Ba cũng đau khổ vì phải sống xa lạ, giả tạo.Đặc biệt ,thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải là của bản thân ông.Trước nguy cơ tha hoá về nhân cách và sự phiền phức phải mượn thân xác của kẻ khác,Trương Ba quyết định trả lại thân xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết.

    Ý nghĩa tư tưởng:

    Qua đoạn trích, Lưu Quang Vũ đã truyền đi bức thông điệp: Được sống làm người quí giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mà mình vốn có càng quí giá hơn.Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống theo lẽ tự nhiên ,hài hoà thể xác và tinh thần . Con người phải biết luôn đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân ,chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quí.


    Câu 17: Vi hành - Nguyễn Ái Quốc

    Hoàn cảnh ra đời:

    Tháng 6/1922 thực dân Pháp mở hội đấu xảo thuộc địa tại Mác xây. Chính phủ Pháp đưa vua Khải Định sang dự nhằm lừa gạt nhân dân Pháp: Vua An Nam hoàn toàn quy phục mẫu quốc sang đây tạ ơn, tình hình Đông Dương ổn định nên họ ủng hộ cuộc đầu tư lớn vào Đông dương. Trước sự kiện ấy, những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã lên tiếng phản đối. Nguyễn Ái Quốc là một trong những người yêu nước Việt Nam có nhiều bài báo, truyện ngắn đăng trên các báo như " Lời than vãn của Bà Trưng Trắc" "Những trò lố hay là Va ren và Phan Bội Châu", "Vi hành". Tác phẩm "Vi hành"được viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo nhân đạo cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp số ra ngày 19/2/1923.

    Tác phẩm viết nhằm vạch mặt Khải Định, một kẻ ngu dốt, lố lăng, một tên bù nhìn vô dụng,đồng thời Nguyễn Ái Quốc cho nhân dân Pháp thấy rõ những thủ đoạn xảo trá của thực dân Pháp.


    CHƯƠNG TRÌNH 12 NÂNG CAO

    Câu 18. Hoàn cảnh ra đời "Đất Nước" ( Nguyễn Đình Thi):

    Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Ông viết sách thảo luận triết học, viết văn làm thơ, soạn nhạc ở lĩnh vực nào cũng lưu được dấu ấn trong nền nghệ thuật đương đại của Việt Nam. Bạn đọc đặc biệt nhớ đến Nguyễn Đình Thi với những sáng tác thơ ca về đất nước vất vả đau thương nhưng tươi thắm vô ngần, trong đó có thi phẩm "Đất nước".

    Bài thơ có hoàn cảnh ra đời dưới đây:

    Bài thơ được sáng tác trong một khoảng thời gian khá dài từ 1948 đến 1955 gần súôt cuộc kháng chiến chống Pháp. Hai tác phẩm tiền thân là "sáng mát trong như sáng năm xưa" (1948) và "Đêm mittinh" (1949). Đến năm 1955, Nguyễn Đình Thi đã chọn lọc những ý tứ đặc sắc của 2 bài thơ trên, bằng ngòi bút tài hoa và xúc cảm mãnh liệt về quê hương đất nước,ông đã cho ra đời bài thơ "Đất nước", bài thơ được in trong tập "Người chiến sĩ" (1958). Thi phẩm được viết từ sự tổng hợp nâng cao các mảng sáng tác trong những thời điểm khác nhau nhưng người đọc không hề nhận thấy dấu vết của sự chắp vá, lắp ghép mà cảm nhận được mạch thống nhất bởi tác giả viết bằng cảm xúc nhất quán về đất nước, con người Việt Nam. "Đất nước" là một chỉnh thể nghệ thuật, một bài thơ liền mạch ghi lại cả một quá trình cảm xúc, suy nghĩ của người chiến sĩ – nhà thơ Nguyễn Đình Thi về tổ quốc, nhân dân anh hùng bất khuất trong những năm kháng chiến chống Pháp. Đây là một áng thơ hay vào bậc nhất của thơ ca kháng chiến tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Đình Thi khi viết về đất nước. Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bài thơ là niếm tự hào, ngợi ca dân tộc, con người Việt Nam từ trong "bùn lầy" và "máu lửa" đã vùng lên chiến đấu quật cường bất khuất, hào hùng "rũ bùn đứng dậy sáng loà" trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.


    Câu 19. Hoàn cảnh ra đời "Tiếng hát con tàu" - Chế Lan Viên

    Bài thơ được Chế Lan Viên viết vào năm 1960 in trong tập thơ "Ánh sáng và phù sa". Đó là thời điểm miền Bắc sau năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hối hả bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Cuộc vận động người miền xuôi lên xây dựng cuộc sống mới ở miền núi những năm 58-60 của Đảng đã cổ vũ khích lệ rất lớn cho bao văn nghệ sĩ, giúp họ nhận thức được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, ý thức được trách nhiệm lớn lao của người cầm bút với nhân dân đất nước. Bao bạn bè đã lên đường nhưng Chế Lan Viên vì ốm nặng mà không thể ra đi. Lòng ông cháy bỏng khát khao được đến với cuộc đời rộng lớn, hoà nhập vào tổ quốc bao la.

    Sự kiện kinh tế chính trị của Đảng khi ấy chỉ là cái cớ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhà thơ. Chế Lan Viên không minh hoạ thuần túy, không hô hào suông cho chủ trương chính sách của Đảng mà diễn tả những tình cảm sâu nặng của một người nghệ sĩ. Bài thơ là lời mời gọi là khát vọng lên đường đến những miền đất xa, đến với đất nước bao la nhân dân vĩ đại; đồng thời là khúc hát về lòng biết ơn, tình yêu và sự gắn bó với nhân dân, đất nước của một hồn thơ khi được trở về với ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật.


    CHƯƠNG TRÌNH LỚP 11

    Câu 20: VỘI VÀNG

    "Vội vàng" là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước cách mạng rút trong tập "Thơ Thơ" (1938). Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt, khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống.


    Câu 21: TRÀNG GIANG (HUY CẬN)

    Năm 1939 vào một chiều thu, Huy Cận đứng ở bờ năm bến Chèm (Hà Nội), lặng ngắm toàn cảnh sông Hồng mênh mông tĩnh vắng, chạnh nhớ tới kiếp người nhỏ bé nổi trôi giữa dòng đời vô tận. Một nỗi buồn ngờm ngợp dấy lên từ đáy hồn thi sĩ, bủa trùm trời đất và lòng người. Nỗi buồn vừa gợi hứng sáng tác, vừa là cốt lõi của cảm xúc thơ. Huy Cận đã từng tâm sự: "Tôi có thú vui thường vào chiều Chủ nhật hàng tuần đi lên vùng Chèm, Vẽ để ngoạn cảnh sông Hồng và Hồ Tây. Phong cảnh sông nước đẹp gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Tuy nhiên bài thơ không chỉ do sông Hồng gợi cảm mà còn mang cảm xúc chung về những dòng sông khác của quê hương". Đến với "Tràng Giang" ta như đến với một bức tranh thiên nhiên sông nước hầu như đã trở thành cổ điển, mà linh hồn của nó là một nỗi buồn đìu hiu mênh mang. Qua mỗi khổ thơ, tác giả điểm thêm một nét buồn nào đó. Tất cả những nét buồn ấy cứ trở đi trở lại vẫn là bát ngát mênh mông mà hoang vắng và có một cái gì đó tàn lụi, cô đơn, bơ vơ trôi nổi, chia lìa, phiêu bạt. Đây là nỗi buồn cô đơn rợn ngợp của cá thể trước không gian 3 chiều bao la, luôn luôn có niềm khát khao hoà hợp cảm thông giữa người và người trong tình đất nước và tình nhân loại.


    Câu 22: ĐÂY THÔN VĨ DẠ (HÀN MẶC TỬ)

    Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" tiêu biểu cho những vần thơ sáng trong mĩ lệ đặc biệt hiếm có trong thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc tử. Được biết trong thời gian làm công nhân sở Đạc Điền Quy Nhơn, Hàn thầm yêu Hoàng Kim Cúc – con gái ông chủ sở, cô gái Huế chơi đàn nguyệt rất hay. Nhà hai người ở gần nhau, cùng đi chung một lối sau đó Hoàng Cúc theo cha về Vĩ Dạ - một vùng quê thơ mộng ở ngoại ô Huế. Hoàng Cúc là người yêu trong đơn phương, lặng thầm của Hàn thi sĩ. Mùa hè 1939 người anh họ của Hoàng Cúc là Hoàng Tùng Ngâm (bạn Hàn Mặc tử) viết thư về Huế báo cho Cúc biết Tử mắc bệnh nan y và đang điều trị tại trại phong Tuy Hoà, khuyên Cúc viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn trong trắng bất hạnh. "Thay vì viết thư thăm tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái danh thiếp. Trong ảnh có mây, có nước, có cô gái chèo đò với chuyến đò ngang, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mất lời thăm hỏi Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau một thời gian tôi nhận được bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" và một bài nữa do Ngâm gửi về" (Thư Hoàng Cúc gửi Quách Tấn ngày 15/10/1971). Chính Hoàng Cúc cũng không ngờ "trí tưởng tượng của thi nhân quá khác thường"

    Bài thơ lúc đầu có tựa đề "Ở đây thôn Vĩ Dạ" và được in trong tập "Thơ Điên". Đây là thi phẩm được xếp vào hàng kiệt tác của thơ ca lãng mạn Việt Nam 30-45, là một bức tranh tuyệt đẹp về Vĩ Dạ và xứ Huế được thêu dệt bằng những xúc cảm lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú của một tâm hồn nghệ sĩ giàu mộng mơ, yêu tha thiết cảnh sắc và con người Huế, khát khao sự sống, tình yêu nhưng mang nỗi đau lớn về sự chia lìa. Ở đó có sự hài hoà tuyệt đẹp giữa mộng và thực trong thơ Hàn.

    Tổng hợp
     
    Muối thích bài này.
    Last edited by a moderator: 19 Tháng mười hai 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...