Tản Văn Hoài Niệm Chi Lăng - Nguyễn Thành Luân

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi NguyenThanhLuan1995, 8 Tháng mười một 2023.

  1. NguyenThanhLuan1995 Seiringan

    Bài viết:
    58
    Hoài Niệm Chi Lăng

    Tác giả: Nguyễn Thành Luân

    Thể loại: Tản văn, Bộ đội


    [​IMG]

    Thời gian luôn trôi nhanh biến mọi thứ trở thành kỷ niệm.

    "Những chiếc khăn màu thổn thức bay

    Những bàn tay vẫy những bàn tay

    Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt

    Buồn ở đâu hơn ở chốn này?"

    Đó là cảnh hàng ngàn người đưa tiễn những người chiến sĩ vừa mới nhập ngũ chúng tôi lên xe để đến nơi chúng tôi sẽ sống trong hai năm tới - Chi Lăng, Tịnh Biên, An Giang.

    Trong chúng tôi ai cũng nhớ nhà lại thêm mọi thứ trong doanh trại lạ lẫm làm chúng tôi ai nấy cũng đều buồn bã và bỡ ngỡ. Còn nhớ lúc vừa mới vào, do mọi thứ không quen nên chỉ được một tuần là tôi bắt đầu đổ bệnh. Đó là lúc tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên với anh tiểu đội trưởng Lê Văn Khang.

    Khuya hôm ấy, tôi lên cơn sốt cao, đồng chí cùng giường phát hiện được liền báo với tiểu đội trưởng. Trong cơn mê do sốt, tôi cảm nhận được những bàn tay ấm áp của đồng đội đỡ tôi từ giường tầng trên xuống, sau đó anh Khang dìu tôi đi: "Cố lên, anh đưa em lên y tá." Đó là những lời của anh Khang nói. Có lẽ là vậy tôi cũng không nhớ rõ lắm do cơn sốt.

    Anh Khang là một người hơi nóng tính nhưng không giận lâu, là người hơi khô khan nhưng chân chất, ăn nói hơi thô kệch nhưng lời nói luôn chân thật. Bình thường để quản lý tiểu đội nên anh Khang cũng hay nghiêm khắc nhắc nhở những ai sai phạm. Nhưng khuya hôm ấy, anh Khang đã bộc lộ bản tính chân thật của mình là một người ân cần, biết quan tâm người khác.

    Tôi còn nhớ cái cảm giác vừa ấm vừa mát khi anh Khang dùng khăn ấm lau mình cho tôi, chiếc khăn lau từ cổ lan dần xuống bả vai rồi đến nách là nơi nóng sốt nhiều nhất rồi lau hết sau lưng, một cảm giác dễ chịu, thoải mái và bình yên như những khi nằm bệnh ở nhà được cha mẹ lo cho từng ly từng tí, thật an ủi và ấm lòng làm sao cho những người xa quê như tôi.

    Sau khi uống thuốc thì tôi được anh Khang dìu dắt về giường ngủ. Tôi biết là một tiểu đội trưởng thì anh Khang còn phải gác đêm, ngủ không đủ giấc thế mà anh còn hy sinh giấc ngủ của mình để giúp tôi, làm sao tôi quên được hình ảnh của một người anh dù nhỏ tuổi hơn tôi nhưng lại như một ngươi anh trai chăm sóc và che chở cho đứa em nhỏ và làm sao tôi trả được tình cảm ấy, tôi chỉ có thể khắc sâu trong tim mà thôi.

    Tối hôm ấy là đêm tôi cảm thấy mình như đang ở nhà và ngủ một giấc ngon lành đến sáng. Sáng hôm ấy, mặc dù đã hết sốt nhưng do vẫn còn bị cảm và chóng mặt nên tôi vẫn còn nằm lừ trên giường, mọi người ai cũng đến hỏi thăm tôi đã khoẻ chưa, còn sốt không..

    Tôi tự hỏi "tại sao tình đồng đội lại ấm áp và hạnh phúc đến thế này?" và càng hạnh phúc hơn khi tôi nhìn thấy bóng dáng anh Khang, hình như anh vừa mới đi đâu đó. Anh bước lại gần tôi với quầng thâm trên mắt đưa cho tôi hộp cháo, thì ra anh sợ tôi đói không có sức, anh bảo tôi ăn đi rồi còn uống thuốc. Cũng nhờ sự chăm sóc tận tình của anh mà tôi đã khoẻ lên nhiều chỉ trong vài ngày.

    Vài ngày sau khi tôi đã khoẻ, báo quân đội có phỏng vấn chiến sỹ mới và tôi là người được chọn. Khi được hỏi về cảm nhận của em đối với tiểu đội trưởng, tôi đã kể về câu chuyện của anh Khang mà tôi xem như một người anh tận tình chăm sóc cho những đứa em chiến sĩ mới của mình, sau đó anh Khang cũng được mời lên phỏng vấn:

    "Tại sao em là một tiểu đội trưởng phải thường xuyên gác đêm, thiếu ngủ mà lại bỏ thời gian của mình ra chăm lo cho một người chiến sĩ mà mình biết chưa lâu?" Chị phóng viên hỏi.

    - Anh Khang gãi đầu trả lời một cách chân chất và lúng túng: "Em đâu biết đâu, tiểu đội trưởng cũ của em làm sao thì em làm vậy. Trong đây em coi ai cũng là anh em."

    Từ ấy, tôi biết thế nào là tình đồng chí, đồng đội. Có thể nói: "Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng."

    Đột nhiên tôi lại cảm thấy buồn, tôi biết rồi anh Khang cũng sẽ ra quân, rồi đồng đội cũng sẽ mỗi người một nơi, có buổi tiệc nào mà không tàn:


    "Hoa nở để mà tàn

    Trăng tròn để mà khuyết

    Bèo hợp để chia tan

    Người gần để ly biệt."

    Nhưng nếu chúng ta biết trân trọng từng giây, từng phút thì dù sau này có xa cách mỗi người một phương trời, ta cũng không bao giờ hối tiếc điều gì vì ta đã sống hết mình từng giây, từng phút và khi thời gian trôi qua dù bao lâu đi nữa thì những kỷ niệm đẹp vẫn luôn còn mãi trong ta.

    (Chi Lăng, 4/2020)

    - Hết-
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...