Kafka đã là người mở đầu cho khuynh hướng viết về thân phận con người trong xã hội phi lý. Ông là người đã sớm có những cảm nhận sâu sắc và thấm thía về sự tha hóa, nỗi lo âu, sự lưu đày và cái chết của con người thời hiện đại, về việc thế giới ngày càng trở nên vô hình và bí ẩn, về sự thù địch của hoàn cảnh đối với con người. Truyện ngắn "Hóa thân" đã xây dựng được một hình tượng đầy ám ảnh về thân phận con người cô đơn, lạc loài phải sống kiếp lưu đày ngay trong ngôi nhà thân yêu của mình. G. Samsa - nhân vật chính của truyện - vốn là một nhân viên chào hàng cần mẫn và nghiêm túc, là chỗ dựa và niềm tự hào của gia đình.. song một sáng tỉnh dậy, Samsa "thấy mình đã biến thành một côn trùng khổng lồ. Lưng anh rắn như thể được bọc một lớp giáp sắt, anh nằm ngửa dợm nhấc đầu lên nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng phân chia làm nhiều đốt cong cứng đơ, tấm chăn bông đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn. Chân anh nhễu ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vùng vẫy bất lực trước mắt anh". Và tiếp đó là những chuỗi ngày ê chề, đau khổ và bi đát của Samsa. Những người thân trong gia đình, từ bố, mẹ tới cô em gái Grete mà anh vô cùng yêu quý bỗng dưng trở thành những người xa lạ: Họ khiếp sợ, khinh bỉ và căm thù anh. Còn anh, sau cuộc hóa thân, đã có dịp để ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình - cuộc đời mà trước đây, mải miết chạy theo guồng quay của cuộc sống, dường như chưa bao giờ anh kịp suy nghĩ. Từ đôi mắt họ, anh mới choàng tỉnh ra bao nhiêu điều: Anh nghĩ tới những người bạn đồng nghiệp "sống như cung tần mĩ nữ.. mình chạy suốt sáng quay lại khách sạn để ghi số các đơn hàng, thấy chúng mới ngồi vào bàn điểm tâm". Anh nghĩ tới lão chủ dị bợm và tự dưng chán ghét cái nghề của mình, anh nghĩ tới mẹ, em gái và bố, đặc biệt là bố, sao lại có sự thay đổi nhanh đến như vậy, "đây có đúng là người cha mà anh đã từng hình dung.. Bố anh, người thường mệt mỏi nằm bẹp trên giường.. người thường khoác áo ngủ nằm dài trên tràng kỷ không thể đứng dậy nổi..", vào những dịp hiếm hoi ra đường "ông quấn kín người trong chiếc áo bành tô dầy cộm, lê bước nặng nhọc với sự trợ giúp của chiếc gậy cán cong..". Giờ đây, đứng trước mặt anh là một người đàn ông đường bệ và đầy uy quyền, tin rằng "để đối xử với anh thì chỉ có những biện pháp hà khắc nhất mới thích hợp". Mọi sự nỗ lực của Sạmsa nhằm làm cho mọi người hiểu mình, nhằm bày tỏ tình cảm đối với những người thân, chỉ càng đào sâu thêm hố ngăn cách: Từ sự kinh hoàng, sợ hãi trước sự biến dạng của anh, mọi người chuyển sang thái độ ân cần, thương hại, rồi nhanh chóng trở nên thờ ơ và cuối cùng hoàn toàn trở nên xa lạ, không những thế họ còn xem anh như một vết nhơ, một nỗi nhục nhã, một sự đe dọa đối với cuộc sống của mình. Cả gia đình tỏ ra nhẹ nhõm, sung sướng như trút được gánh nặng trước cái chết của anh. Chúng ta hãy chú ý tới chi tiết này, chi tiết nói về sự nỗ lực của Samsa vượt lên trên mọi nỗi đau thể xác, sự mặc cảm xấu hổ về hình hài của mình để lết đến bên cạnh cô em gái, tìm cách an ủi, động viên cô khi cô chơi đàn, tâm sự với cô về những dự định tốt đẹp của anh dành cho cô.. Song những tình cảm đẹp đẽ ấy của anh không những không ai cảm nhận được, không ai hiểu được, mà hành động của anh còn là nguyên cớ làm bùng lên sự giận dữ của cả nhà, dẫn đến quyết định: Anh phải chết. Rõ ràng, Samsa và gia đình, đồng loại đã là những con người hoàn toàn xa lạ. Họ không cùng một "kênh" giao tiếp, họ thuộc về những thế giới khác nhau. Cảm giác xa lạ của con người về thế giới còn được đẩy lên một mức cao hơn - sự xa lạ với chính mình. Hình tượng đầy ám dụ - G. Samsa bị biến thành bọ, chính là biểu tượng bi đát về sự tha hóa, lạ hóa của con người. Không những không cắt nghĩa được thế giới, mà ngay với chính bản thân mình, con người cũng không thể hiểu nổi. Cuộc sống sẽ đi về đâu, khi ngay cả chính mình cũng không còn là mình, không thể tự lí giải - mình là ai? Trong đời sống tinh thần người phương Đông, với cái nhìn nhất thể về vũ trụ, với quan niệm "thiên nhân tương đồng", con người dù cô đơn vẫn còn có một điểm tựa tinh thần, đó chính là thiên nhiên. Đến với thiên nhiên, hòa mình trong đó, con người không chỉ tìm được sự thảnh thơi trong tâm hồn, mà còn có cảm giác như được trở về với ngôi nhà thân yêu, đầy ấm cúng của mình. Vì thế, khi muốn diễn tả sự cô đơn cực độ, các nhà thơ cổ phương Đông thường đặt con người trong một không gian rộng lớn vô biên, xa lạ. Ở đó, họ không tìm thấy một hình ảnh gì thân thuộc, gần gũi với mình, con người như lạc vào một không gian, một thời gian nằm ngoài dòng chảy của cuộc đời. Bài thơ bất hủ của Trần Tử Ngang cũng phần nào nói lên điều ấy: "Tiền bất kiến cổ nhân. Hậu bất kiến lai giả. Niệm thiên địa chi du du. Độc thương nhiên nhi thế hạ" ( "Đăng U Châu đài ca"). Như vậy, nếu như trong nghệ thuật phương Đông, nỗi cô đơn của con người thường được tô đậm trong sự đối lập với không gian mênh mông xa lạ, thì trong sáng tác của F. Kafka cũng như các nhà văn chương Tây sau này, con người cô đơn, lạc lõng ngay trong những không gian quen thuộc và gần gũi nhất. Con người xa lạ ngay giữa cuộc sống cộng đồng, xa lạ với người thân, thậm chí với chính mình. Vì thế, dù hình ảnh con người cô đơn, lạc lõng vốn không phải là hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm trong đời sống văn học song đến Kafka, nó vẫn tiếp tục tạo nên những xúc động lớn lao.