Truyện Ngắn Hoa Cúc Vàng Nắng - Rancho Nguyễn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Rancho Nguyễn, 17 Tháng ba 2022.

  1. Rancho Nguyễn

    Bài viết:
    19
    [​IMG]

    Tác phẩm: Hoa cúc vàng nắng

    Tác giả: Rancho Nguyễn

    * * *

    Xíu và tôi ngồi trước hiên nhà, ngắm những giọt mưa rỉ rả. Đó là một buổi sáng đầu tháng mười hai, mùa Đông gõ cửa rồi mà ông trời vẫn còn sụt sịt. Nhìn mưa thế này, cảm giác như mình đang ngồi trong một sáng mưa nào đó của dĩ vãng, khi bố còn sống, khi tôi chín, mười tuổi, Xíu năm, sáu tuổi gì đó. Mưa của ngày xưa là khoảng thời gian đẹp nhất, bình yên nhất với tôi. Hai chị em ngồi bên góc cửa chờ bố đi làm về rồi sẽ nhảy cẫng lên vì vui sướng, vì thể nào cũng lục lọi trong túi bố ra mấy viên kẹo, cũng có nhiều buổi sáng bình minh mưa chờ mẹ lóc cóc đạp xe dừng trước ngõ sau khi đã bán xong đống khoai lang, có khi mẹ bán thêm rau muống được vài ngàn lẻ mua cho tôi, Bách và Xíu mỗi đứa một gói xôi hay vài trái bắp luộc. Trước sân nhà dẫn ra một ngõ trúc quanh co quen thuộc, Xíu gấp thuyền giấy thả xuống dòng nước đục ngầu, ba con thuyền bơi cạnh nhau chẳng buồn biết đến ngày mai đó chúng sẽ thế nào, sẽ đi đâu, về đâu. Nhưng thuyền chưa cập bến thì đã bị nước mưa làm cho ướt nhẹp.

    Đã lâu lắm rồi tôi mới lại thấy một sáng mưa thật đẹp, khi gia đình đông đủ, khi mẹ đã khỏi bệnh, khi Bách thật sự quay trở về làm lại cuộc đời, chị Nhạn đã thôi không còn ý định tự tử nữa. Tất cả những chuyện buồn đó với tôi giống như một giấc mơ, mà giấc mơ này cứ đeo bám tôi dai dẳng, có tỉnh lại vẫn thấy mình đang sống dằn vặt trong sự oán giận cuộc đời. Lúc bố mất, trời cũng mưa thế này, một buổi chiều mưa tháng năm buồn bã, con ngõ trúc trước nhà lặng im chỉ có những chiếc lá khô vẫn kêu xào xạc rụng xuống đường làng đầy những giọt vàng lấm tấm, khung cảnh hệt như mùa Thu, đẹp nhưng buồn đến nao niết. Khi đó, tôi còn trôi dạt nơi xứ người, lúc về chỉ nghe nỗi đau cào xé tim gan, chuyến tàu trễ hẹn ấy vĩnh viễn không bao giờ có chiếc vé nào cho tôi cơ hội tái hợp với bố.

    Mười mấy năm qua tôi sống với bố chưa đủ dài, chỉ với những kỷ niệm mờ nhạt, xa lắc xa lơ, nhưng qua mỗi câu chuyện mẹ kể đều làm tôi thấy kính trọng và thương bố vô cùng, vì tôi là đứa con gái giống bố nhất, giống tất tần tật và tôi tự hào vì điều đó. Chiều chiều, tôi hay chạy ra đầu ngõ trúc ngóng bố đi làm về, bởi bố về luôn mua quà cho chị em tôi. Hôm thì vài cây kẹo mút, hôm thì một củ khoai lang nướng nóng hổi, hôm lại dăm ba cái lóng mía bé bằng ngón tay cái, tôi và Xíu nhai mỏi cả răng mà cứ thấy nước mía ngọt lịm nơi cổ họng.

    Những năm cấp hai, tôi xa nhà, ở với dì Sáu tít ngoài thị xã để học. Ngày về nhà ít dần, chỉ có thứ bảy hoặc chủ nhật tôi mới được gặp bố. Trong ký ức của tôi đó là những buổi chiều ngập nắng và rộn tiếng cười. Chiều thứ bảy nào cũng vậy, khoảng bốn giờ là bố lại chạy xe gắn máy ra nhà dì Sáu đón tôi, trên đường về ghé trường tiểu học đón Bách và Xíu. Tôi ngồi sau lưng bố ôm chặt lấy Xíu, mãi cho đến khi bố chở tới tận rừng Sim. Rừng Sim nằm trên đường về nhà tôi, cách con ngõ trúc dẫn vào làng khoảng năm trăm mét. Lần nào đi ngang nơi này, bố cũng dừng lại gởi xe nhà chú Thoảng bạn của bố rồi dắt ba chị em vào rừng hái sim.

    Rừng rộng mênh mông, hoa sim và hoa dủ dẻ mọc lan ra cả lối đi. Men theo con đường mòn dưới những tàng cây ngập nắng, bố đi trước với Bách, tôi và Xíu theo sau, tới chỗ nào nhiều sim nhất, bố thường trèo tít lên ngọn cây để bẻ cho tôi những trái sim tím thẫm, căng mọng. Rồi bố hát, bài "Những đồi hoa sim tím". Bài hát tha thiết ấy như hoài vọng về một kỷ niệm nào đó và mỗi lần nghe làm tôi thêm nhớ da diết cái làng nhỏ của mình cho những năm tháng rời quê nhà đi lang bạt khắp nơi. Có nhiều đêm đứng ở ngã tư đường, giữa một thành phố không quen, tôi nhìn lên trời, lại thấy những vì sao tuổi thơ treo lơ lửng trước con ngõ trúc và rơi từng giọt, từng giọt vàng xuống vạt hoa cúc bên nhà.

    Nhà tôi trồng hoa cúc, nghề trồng hoa có từ khi nào, tôi không biết, chỉ nhớ lúc ba bốn tuổi chạy lon ton theo chị Nhạn ra vườn chơi, tôi đã thấy bố đang chăm sóc cho những thảm hoa, hoa nở rộ nhất là những tháng cuối năm khi mùa Tết bắt đầu vô tư, hăm hở mời chào. Tôi nhớ, bố từng thích những buổi sáng ấy, những buổi sáng mở cửa ra là thấy mấy bụi hoa vàng rực nối đuôi nhau tỏa nắng dưới ánh mặt trời sáng bừng một góc sân, một mảnh vườn. Về điểm này thì tôi không giống bố, tôi thích bông dủ dẻ hơn, bông dủ dẻ cũng có màu vàng y hệt hoa cúc, để trong túi áo thơm đến tận ba ngày. Mỗi khi cùng bố lang thang rừng Sim thể nào tôi cũng hái bông dủ dẻ nhét đầy hai túi áo như để nghe mùa Hạ đang về.

    Buổi sáng nay, trời lại mưa. Mái tôn trước hiên nhà bị gió thổi tung rớt xuống, tôi loay hoay che tạm tấm bạt vải Xíu lấy từ trong nhà kho ra cho mưa đỡ tạt. Những công việc này trước đây nếu không có bố thì Bách sẽ làm thay tôi, nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày Bách bỏ nhà đi bụi, việc gì cũng đặt lên đôi vai của tôi và Xíu.

    "Giá mà bây giờ anh Bách có ở đây thì chị em mình đã sửa lại được mái tôn rồi chị nhỉ."

    Xíu nói bâng quơ khi nhìn những giọt mưa vô hồn thi nhau rơi xuống đất. Chị Nhạn có lẽ đang thơ thẩn đâu đó ngoài vườn chắc không nghe thấy lời Xíu nói, vì chị mắc bệnh trầm cảm thêm chứng hoang tưởng, có lúc không nhận ra mẹ, có khi lại gọi tôi bằng một cái tên xa lạ nào đó khiến tôi đau thắt lòng.

    Từ ngày bố mất, mẹ sống khép kín hơn, tôi thường ở bên cạnh mẹ, trò chuyện với mẹ, đôi khi hứng chịu những cơn giận dữ vô cớ của mẹ, bệnh đau nửa đầu khiến mẹ không còn là mẹ mà tôi biết nữa, trong nhà lúc nào cũng đầy những hộp thuốc, đơn thuốc và giấy hẹn tái khám của bác sĩ. Tôi đón nhận tất cả những điều đó như đón nhận từng vết thương của số phận, bởi tôi đã đủ lớn để nhận ra một điều, mỗi năm qua đi có biết bao thay đổi, tuổi thơ ngày xưa đã từng rất đẹp chỉ có một con đường cùng nhau bước đi nhưng lớn lên rồi trước mắt ta là muôn nẻo đường đời, mọi thứ không còn giống như xưa nữa, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu ngã rẽ.

    Có những hôm, tôi thấy mẹ ngồi một mình sau vườn chuối nhìn bốn đứa con của mẹ, mỗi đứa như một chiếc thuyền thả mình trong dòng nước xoáy, trôi đi, không biết nơi nào là bến bình yên để thuyền neo đậu.

    Chị Nhạn đang thơ thẩn trước cửa phòng chị, ánh mắt cứ nhìn mải miết lên trần nhà như muốn tìm kiếm điều gì, tôi không biết. Ngày xưa, trong mắt tôi, chị Nhạn luôn là cô gái có mái tóc dài khi xõa vai, khi uốn xoăn quyến rũ. Chị học giỏi, hát hay, lại biết chơi guitar. Ở trường chị luôn dẫn đầu khối, lúc đó tôi cũng học chung trường với chị nhưng chỉ là cái bóng lặng lẽ bên chị. Mẹ nói tôi sinh ra vốn có thể chất dẻo dai, khỏe khoắn còn chị Nhạn thì yếu đuối, mỏng manh. Chị cần phải được yêu thương, che chở. Và tôi đã thực hiện đúng cái lý thuyết như nhà văn Nam Cao từng nói Kẻ mạnh là kẻ cưu mang người khác trên đôi vai mình.

    Tôi đã nhường chị tất cả những gì có thể bởi đơn giản, chị cần được yêu thương. Ngay cả sau này Quân xuất hiện, tôi cũng chỉ là sản phẩm tặng kèm khi Quân nhắc đến chị. Quân ở gần nhà tôi mới trở về từ Sài Gòn, Quân lớn hơn chị Nhạn một tuổi, chị lại lớn hơn tôi hai tuổi, thành ra tôi là Út. Ngày Quân công khai chuyện tình cảm với chị Nhạn, tôi cảm nhận trong đôi mắt biếc của chị ngời lên niềm hạnh phúc tràn đầy. Đôi mắt ấy đã từng đi vào thơ Quân, cái miệng nhỏ xinh xinh và cả cái giọng thỏ thẻ, ngọt ngào, tất cả đều thành thơ. Quân lãng mạn, tinh tế, lại hết lòng yêu thương chị Nhạn, chắc chắn sẽ rất hợp với tâm hồn chị. Chỉ có tôi là không ai thèm quan tâm đến, xưa nay tôi quan tâm người khác, lo lắng cho người khác thì nhiều hơn.

    Mỗi lần gặp Quân là một cảm xúc khác nhau, ở những khoảnh khắc tôi chưa thể hiểu được đó là thứ tình cảm gì thì hình ảnh tốt đẹp của anh luôn nằm trong ký ức tôi. Có lẽ chị Nhạn là người hạnh phúc nhất trên thế gian, Quân yêu chị còn hơn cả bản thân mình và đặc biệt anh chưa bao giờ làm chị khóc. Tôi cũng muốn một lần như thế, lẽ nào tôi đang ghen với hạnh phúc của chị. Chẳng phải tôi vẫn mong được nhìn thấy chị hạnh phúc đó sao, vậy thì chắc chắn người đó là Quân rồi. Tôi đâu thể ích kỷ chỉ nghĩ cho mình, hạnh phúc còn là nụ cười dành cho người tôi thương yêu nhất và chị Nhạn mới cần hạnh phúc hơn tôi.

    Trong ngày đính hôn, tôi đứng cạnh chị, nhìn chị trong bộ váy trắng tinh khôi. Tôi thấy chị thật đẹp, chị quả thật rất xứng với Quân. Tôi buột chặt tiếng khóc của mình và để những giọt nước mắt làm nhòe đi niềm hạnh phúc mà tôi từng gọi đó là mối tình đầu thơ ngây. Nước mắt sẽ làm tôi yếu mềm, tôi tự nhủ, chỉ lần này thôi, sẽ không khóc nữa. Vậy mà..

    Sau khi chị Nhạn đính hôn được hai tuần thì bố mắc bệnh nan y. Căn bệnh Alzheimer đã lấy đi toàn bộ ký ức thân thuộc và những sở thích đơn giản của bố với cuộc sống này. Cả gia đình khóc ngất, chỉ tôi là không, tôi mạnh mẽ đến mức cắn môi để từng giọt nước chảy ngược vào tim rồi tự hứa với lòng, mình sẽ vượt qua được thôi mà . Nhưng tôi đã sai khi nghĩ vậy. Những ngày này lang thang rừng Sim, đâu cũng toàn ký ức. Mô đất kia, ngày xưa là nơi tôi và Xíu rượt đuổi nhau để chờ bố lom khom đi tìm bông dủ dẻ cho tôi. Phiến đá đó, Xíu hay ngồi nũng nịu trong lòng bố, hỏi xem bố thương ai nhất và bao giờ bố cũng nói bố thương Xíu nhất trên đời làm tôi vừa cầm chùm hoa sim tím trên tay vừa mỉm cười hạnh phúc. Nhưng với tôi, giờ đây tiếng gọi bố nghe hiu hắt, buồn thiu, tôi đã học cách nói được tiếng bố từ mười bảy năm trước, mười bảy năm sau tôi lại phải học cách quên đi tiếng gọi thân yêu ấy. Đó là một mùa Hè buồn bã. Lòng tôi cũng ngập đầy lá rụng, thơ thẩn giữa màu hoa tím biếc.

    Mười tám tuổi, tôi vẫn lang bạt giữa những chuyến đi-về: Sài Gòn-Đà Lạt. Trước ngày giỗ bố đầu tiên, tôi nghĩ liệu mình có còn đủ dũng khí để quay về nơi ấy, nơi đã ôm ấp bao kỷ niệm thân thương nhưng cũng chứa đầy ắp nỗi buồn. Một tuần trước, tôi nhận được lá thư của Xíu cũng là ngày tôi biết chị Nhạn mắc bệnh trầm cảm. Chị Nhạn - một thư ký văn phòng giỏi, cuộc sống quanh chị lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, lại có Quân luôn bên cạnh thật lòng yêu chị. Nhưng cuộc đời mà tôi biết chưa bao giờ là màu hồng.

    Theo thời gian, nó sẽ vắt kiệt sự tươi mới và hạnh phúc trong cảm xúc con người. Tuổi trẻ của tôi được trải nghiệm qua mỗi cung đường, mỗi chuyến đi, còn chị Nhạn, đã bao lần chị tâm sự với tôi rằng chị rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, chỉ là chị không đủ mạnh mẽ như tôi để đón nhận hay buông bỏ thứ mình cần buông bỏ. Từ sau khi bố đi, Quân không còn liên lạc với chị nữa. Quân biến mất như chưa từng xuất hiện, không lý do, không một lời tạm biệt. Anh lịch sự đến thế kia mà. Tôi gọi điện nói với chị. "Thôi, đừng tìm kiếm làm gì nữa chị. Mọi chuyện trên thế gian này không phải chuyện nào cũng có câu trả lời rõ ràng đâu. Tình yêu chẳng qua cũng chỉ là một đời hoa, nó đẹp lúc mầm non mới ủ, còn khi hoa tàn, héo rũ thì chúng ta nên cho vào ký ức, chị à." Tôi nói câu đó, lòng nghẹn thắt.

    Gia đình, mỗi khi nghĩ đến, tôi lại thấy xót xa. Ở một góc trời nào đó có thể mẹ cũng đang ngồi nhớ tôi, ngồi nghĩ về tương lai cho những đứa con của mẹ. Chỉ có vạt hoa cúc bên hông nhà là vẫn vô tư ngủ vùi trong nắng. Càng thấu hiểu điều ấy, tôi càng quay cuồng với hàng tá việc trang trải cho cuộc sống nơi xứ lạ. Tôi dành dụm, tiết kiệm từng đồng tiền lẻ, để mỗi lần nhớ rừng Sim hoa tím, lại quay về làng, lại lúi húi vào rừng tìm bông dủ dẻ, để nghe mùa Hạ về hệt như hồi còn nhỏ.

    Và Đà Lạt thân thương đã dang rộng vòng tay chào đón đứa con lang bạt là tôi. Đi một vòng đời đủ để tôi nhận ra, Đà Lạt vẫn còn những mối ân tình mà tôi chưa bao giờ trả nổi, gia đình, bạn bè, ngõ trúc quanh co, rừng sim hoa tím, những chiếc xe đạp chở đầy bông dủ dẻ, chở đầy hoa cúc vàng nắng và ngọn đồi có bố đang yên nghỉ. Ở đó tôi sẽ tìm thấy những hình ảnh xôn xao của làng quê mà chẳng thể bắt gặp ở bất cứ đâu.

    "Chị ơi, anh Bách bỏ nhà đi luôn rồi."

    Xíu nói với tôi vào một buổi sáng mưa tháng mười hai. Buổi sáng đó, mở mắt ra, tự dưng tôi thấy lạc lõng, chơ vơ, nghe hơi thở mình váng vất, chẳng biết bấu víu vào đâu. Bách bỏ đi thật sao, trước giờ nó có như vậy đâu. Mẹ nói Bách đang hái cà phê cho một nông trường ở Đắc Lắk, tự nhiên theo lời rủ rê của đám bạn trở thành giang hồ chuyên hành nghề cướp giật. Đêm đêm nằm cạnh mẹ, tôi thấy mẹ khóc thầm, mẹ không còn giận vô cớ, không cáu bẳn nữa nhưng là đang sống trong sự dằn vặt bản thân mình. Nhiều lúc tôi chỉ muốn ước tất cả là một giấc mơ, tỉnh lại rồi mọi thứ sẽ quay về thời điểm bắt đầu, khi gia đình tôi đã từng rất hạnh phúc.

    "Hôm qua em đọc báo, báo nói công an đang truy nã băng cướp của anh Bách đó chị. Nếu bị bắt, sẽ ngồi tù ít nhất từ năm năm đến bảy năm, còn ra đầu thú sẽ giảm nhẹ hình phạt, làm sao khuyên anh Bách đây chị. Giá mà chị Nhạn vẫn như ngày xưa, chắc chắn chị Nhạn sẽ có cách khuyên anh Bách."

    Giọng Xíu lọt thỏm giữa bình minh mưa, nghe như tiếng nấc.

    "Ừ, nếu chị Nhạn là chị Nhạn hồi đó.."

    Tôi bỏ lửng câu nói, đặt bàn tay mình lên bàn tay Xíu, siết nhẹ, nghe đắng đót, cay cay mỗi khi nhìn vào mắt Xíu. Cũng như lúc này tôi chỉ nghe thấy tiếng lòng mình đang thổn thức. Cũng như khi Bách gọi cho tôi vào một buổi sáng mùa Đông, Bách đã hỏi.

    "Chị yên tâm.. em đi rồi em sẽ về.. Lúc về, chị em mình có thể vào rừng Sim một lần không chị?"

    Bách ngập ngừng, nói giọng đứt quãng nhưng tôi nhận ra tất cả mọi thứ đều đã quá xa xôi. Hình như đã lâu lắm rồi, tôi và Bách chưa có lấy một ngày bình yên.

    "Em không muốn lang bạt nữa đâu chị, chỉ muốn về thôi, làm người đàn ông duy nhất của gia đình, làm chỗ dựa cho những người phụ nữa mà em yêu thương. Bây giờ em mỏi chân rồi, em sẽ dừng lại, sẽ về với rừng sim hoa tím, hãy thay em nói lời xin lỗi mẹ giùm em nha chị."

    Những lời cuối cùng Bách nói khiến lòng tôi cảm thấy nhẹ bẫng. Dù ngày mai đó sẽ rất lâu mới đến. Nhưng hãy cứ nghĩ rằng có xa xôi gì đâu khi chúng ta vẫn cùng ngắm một vầng trăng trong đêm mười sáu tròn viên mãn.

    Cái Tết đầu tiên về lại làng, những ngày cuối năm, tôi chở hoa cúc ra chợ bán. Giữa dòng người hối hả ngược xuôi trong buổi chợ đặc biệt này, tôi thấy mùa Xuân vẫn hồn nhiên vô tư khoe những sắc màu rực rỡ và mới mẻ của nó lên từng ngã tư, góc phố. Nghe thoảng trong làn gió lạnh mùa Đông vẫn rất ấm áp vì biết yêu thương chưa bao giờ rời xa. Tôi mang nụ cười của Bách, của Xíu vào buổi sáng bình yên ấy, chợt thấy Bách đã trở về, ngồi dưới vạt hoa cúc bên hiên nhà. Mùa Xuân bỗng hát bài tình ca.

    The End
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
    Last edited by a moderator: 17 Tháng ba 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...