Truyện Ngắn Hồ Yêu - Cỏ

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Mình là cỏ, 1 Tháng sáu 2023.

  1. Mình là cỏ Cỏ

    Bài viết:
    24
    Tên truyện: Hồ yêu

    Tác giả: Cỏ

    Thể loại: Truyện ngắn

    Bìa: Thiết kế bởi Dạ Tước

    [​IMG]

    Lời đề từ


    Ta là yêu nhưng chưa từng hại người, họ là người nhưng mang tâm địa của yêu ma!

    Giới thiệu nhan đề

    Hai chữ Hồ yêu này có thể hiểu theo nhiều cách. Hồ trong chữ "Hồ ly", hồ trong "hồ đồ". Chữ yêu trong "yêu thương", yêu trong "yêu ma". Hãy hiểu nhan đề theo cách mà bạn muốn.

    Giới thiệu truyện

    Trong nhân gian vội vã và vô thường, con người chỉ là một hạt bụi xuất hiện rồi biến mất như chưa từng tồn tại. Nhưng trong kiếp nhân sinh ấy lại có những dằn vặt, những tổn thương xen lẫn trong tình yêu cuồng nhiệt. Có người chọn yêu một người khác, có người chọn yêu bản thân mình. Dù gì vẫn là yêu. Nhưng tiếng yêu ấy sẽ dẫn người ta đến những thế giới hoàn toàn khác biệt. Rốt cuộc nên yêu mình hay yêu người?

    Trong chiếc gương phẳng lặng của cuộc đời, con người luôn muốn soi thấu một người khác nhưng lại không soi thấu được mình. Rốt cuộc người ta phải mang tim gan phèo phổi ra để thiên hạ ngắm nhìn hay sao?

    Kiếp nhân sinh này ta đến thế gian một lần, ta là người hay là yêu? Thế gian đối xử với ta như thế nào cũng không bằng người đó đối với ta như thế nào. Ta không chọn làm người, cũng không chọn làm yêu. Ta chỉ chọn một người.

    Lưu ý: Cốt truyện và nhân vật hoàn toàn hư cấu, không hướng tới bất cứ cá nhân tổ chức nào.
     
    chiqudollLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng sáu 2023
  2. Mình là cỏ Cỏ

    Bài viết:
    24
    Chương 1: Đứa con của rừng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày xửa, ngày xưa trong một ngôi làng nhỏ ven rừng, có một anh chàng tiều phu chạc ba mươi tuổi tên là Cửu. Cửu mồ côi từ nhỏ, sống với bà trong ngôi nhà nhỏ nằm ngay bìa rừng, cách làng mạc không xa. Hằng ngày Cửu vào rừng đốn củi mang xuống chợ bán. Hai bà cháu sống dựa vào rừng. Cửu không mong gì nhiều, chỉ mong cuộc sống có thể bình yên qua ngày.

    Mấy hôm nay, trời làm mưa bão. Bầu trời đen ngòm, đêm không sao không trăng, ngày không thấy mặt trời, ngày hay đêm cũng đều tối chẳng khác nhau là mấy. Nước xối xuống từ bầu trời đen ngòm. Gió đập vào cành hồng đang dậm đỏ trước nhà làm mấy chùm quả trên cành rụng xuống như trút, trải một lớp dày dưới gốc. Cửu ngồi trong nhà, nhìn mưa giọt xuống mái tranh từng giọt tí tách. Đằng xa dãy núi Lã Vọng mờ đi trong mưa.


    Đã ba ngày mưa vẫn không dứt, cứ thế này có khi phải kéo dài thêm mấy ngày nữa. Cửu bần thần, ở nhà lâu ngày chân tay không được vận động đã dã dời cả. Cửu lao động đã quen, nay ngồi lâu một chỗ thì không chịu được. Quay qua quay lại lên nhà xuống bếp cũng cuồng chân.

    Sớm ngày thứ sáu, mưa mới ngớt dần, trời bắt đầu quang quẻ hơn. Cửu dắt con dao quắm vào thắt lưng đi về phía rừng. Đất vừa mưa xong đọng từng vùng sũng nước, có chỗ bở ra như khoai mới luộc, lẫn vào với rêu, đường núi vừa trơn vừa dễ sụp. Cửu phải bám vào mấy nhánh cây mới đi lên được.

    Sau trận bão lớn, những cành cây khô rụng đầy xuống mặt đất. Cửu không cần phải vất vả tìm kiếm lâu, chỉ vơ, chặt một lúc là được một bó củi đầy, nặng. Mưa mấy ngày những nhà dưới làng chắc cũng đã hết củi đốt. Chỗ củi này đem về hơ một lúc gần bếp cho ráo bớt nước có thể đem xuống chợ bán được rồi. Nghĩ thế Cửu mừng thầm trong bụng. Anh chàng luồn một cây củi dài qua hai bó thành một cái đòn gánh rồi ghé vai vào, nhấc bổng lên bước từng bước nặng nề. Rừng rậm không có lối mòn, lại trơn trượt Cửu phải vất vả lắm mới có thể đi qua được đám dây leo ướt đẫm quấn quýt chằng chịt vào nhau.

    Được vài bước bỗng nhiên Cửu nghe thấy tiếng kêu rất lạ. Tiếng lêu như bị chẹn ở họng, nghe như tiếng một con sói hoang đang mắc bẫy. Cửu đặt gánh củi xuống dò dẫm đi về phía bụi rậm. Bên trên đám lá rậm rạp có một cành cây dẻ to bị bão quật gãy, tán của nó trùm hết cả lên bụi cây. Cửu lấy hết sức mình kéo cành cây ra khỏi đám lá. Những cái dằm ở chỗ gãy đâm vào tay anh đến tóe máu. Vật lộn một lúc Cửu cũng lôi được cành cây vứt sang một bên. Trong bụi cây vừa bị đè nát, có một sinh vật lông trắng đang nằm thoi thói, lông bê bết máu, tiếng kêu "ri, ri" yếu ớt.

    Cửu vội vạch dứt đứt mấy cái dây leo, gạt chỗ lá dập nát sang một bên. Thì ra là một con cáo nhỏ. Anh vội vã bế nó lên tay, con vật nhỏ bé tội nghiệp hé mắt nhìn anh đầy lòng biết ơn. Cửu vội bứt một ít lá thuốc ngay gốc dẻ đắp lên trên vết thương cho con cáo nhỏ. Rồi anh xé một mảnh áo buộc lại, đặt cẩn thận con vật bé nhỏ lên tay bỏ cả gánh củi mà mang nó về nhà.

    Thấy Cửu về tay không, dáng vẻ vội vã, bà nội lật đật từ trên nhà bước ra hỏi:

    – Cửu, sao thế?

    Cửu đưa con cáo nhỏ cho bà nội xem, và nói:

    – Nội, con phải cứu nó.

    – Bị thương à?

    – Nó nằm trong bụi, thoi thóp?

    – Đặt lên đây, lên đây nào?

    Bà nội đặt con cáo lên bàn, xem xét kĩ lưỡng. Ở làng những người già thường biết rất nhiều bài thuốc dân gian, rừng già ưu đãi cho họ nhiều loại cây quý. Từ nhỏ Cửu đã lớn lên bằng những thứ cây ấy. Bà bảo Cửu đi lấy nước gột sạch vết máu cho nó. Có một mảnh dằm đâm vào chân nó, bà nhẹ nhàng vuốt vuốt rồi bảo:

    – Ngoan ngoan, ta xem cho con. – nói rồi bà vừa nhẹ nhàng rút cây dằm ra.

    Con cáo rên lên khe khẽ. Bà lại vuốt ve nó trấn an:

    – Không sao, nhanh khỏi ta trả con về rừng.

    Mấy đời nhà Cửu đều sống nhờ vào rừng. Từ nhỏ bà đã dạy anh phải yêu quý rừng, bảo vệ rừng như sinh mệnh. Còn rừng còn mạng, mất rừng rồi sẽ mất hết. Thần rừng oai nghiêm vô cùng. Con cái của rừng cho như con gà con sóc, vì mạng sống thì phải lấy nhưng không được tận diệt. Cửu nghe những lời của bà nên lúc nào cũng tin rừng có linh cả. Vì thế ở rừng nhiều hơn ở nhà anh cũng không sẵn bắt, đặt bẫy mà tối ngày chỉ đốn củi khô.

    Tối ấy, bà đặt con cáo nhỏ vào trong cái thúng có lót rơm. Nó nằm im, mắt nhắm nghiền. Thỉnh thoảng Cửu lại ngó vào xem nó còn sống hay không. Cửu tay cầm ngọn đèn dầu đưa sát về phái cái thúng. Con cáo thấy ánh sáng mở mắt, nó nhìn anh chăm chú như thể đang quan sát, thăm dò. Cửu lấy cho nó một ít nước cơm, một ít quả dại đặt bên cạnh. Không biết nó có ăn hay bị lũ chuột tha mà sớm hôm sau Cửu thấy hết sạch.

    Hằng ngày Cửu vẫn chăm chỉ tắm bộ lông trắng muốt của nó. Thỉnh thoảng anh đút cho nó ăn, an ủi nó và thay thuốc trên vết thương cho nó. Nửa tháng trôi qua, Con cáo dần hồi phục, bộ lông trắng bồng bềnh óng mượt trở lại. Đôi mắt bắt đầu nhanh nhẹn lia láu nhìn quanh nhà. Chân tay cũng bắt đầu hoạt bát. Nó chạy nhảy xung quanh nhìn ngó bà và Cửu làm việc. Con cáo trắng rất quấn người, Cửu gọi nó là Dành Dành [1] . Dành Dành rất ngoan, nó hay nằm trên cái thúng lót rơm bà để góc nhà. Ban ngày nó không đi đâu xa chỉ quanh quẩn theo chân bà hoặc Cửu. Có người lạ tới là nó trốn biệt.

    Buổi sáng trước khi đi làm Cửu thường lấy cơm bỏ vào cái đĩa con cho nó. Dành Dành hay rụi đầu vào lòng bàn tay Cửu như lời cảm ơn. Nó hay ngồi ngay cạnh của nhà như con mèo nhỏ nhìn Cửu đi khuất rồi mới vào. Ở nhà với bà nó hay trèo lên lòng ngồi lọt thỏm. Bà ngồi trên chõng, được một lát đau lưng, mỏi chân lại đứng lên. Nó lại tất bật chạy theo. Có nó trong nhà cũng vui lây, như có thêm đứa trẻ con.

    Ngày còn nhỏ Cửu có nuôi một con chó con, được vài năm con chó mất Cửu khóc ghê lắm. Từ đó Cửu không nuôi con gì nữa. Con người sống cũng gọi là lâu, sợ nuôi rồi, quyến luyến yêu thương lại sinh li tử biệt. Lúc ấy, người ở lại sẽ rất đau lòng. Vậy nên, hai bà cháu cứ thế sống qua ngày, Cửu dần trưởng thành. Trong nhà hai người lớn, không khí dường như lúc nào cũng trầm mặc, yên ắng, tĩnh mịch. Cũng tốt thôi nhưng đôi lúc hơi buồn. Bà nội thấy Cửu cũng đến tuổi lấy vợ, cũng ướm hỏi mấy nơi nhưng ngặt nỗi nhà nghèo quá, nào có cô nào chịu ưng. Năm lần mười lượt đều không thành, âu thì đành chịu, trời cho số thế nào thì hưởng như thế, còn biết làm sao được nữa.

    Buổi chiều, bà nội thường nấu cơm rất sớm đợi Cửu về hai bà cháu cùng ăn. Con cáo nhỏ loanh quanh dưới bếp. Bà tuổi đã cao, người già thường hay lơ đễnh lại hay quên. Năm trước bà hơ củi ngay bếp, rồi quên bẵng đi làm lửa bắt vào cháy cả một gian bếp, may mà Cửu về kịp. Đợt ấy, một mình Cửu sửa lại mất nửa tháng mới xong.

    Hôm nay bà làm cá kho, mùi cá thơm nức bay lẫn trong đám khói rạ leo lên tận đỉnh đồi. Bà vừa nấu vừa nói chuyện với Dành Dành như nói với con:

    – Đợi cá chín bà lấy cho con ăn trước, đợi thằng cháu ta về chắc con đói bụng mất.

    Nói xong bà đứng dậy, dũi thêm củi vào bếp, củi khô bén lửa cháy bùng bùng. Đoạn bà đứng dậy đi tìm cái đĩa nhỏ mọi khi để chuẩn bị cơm cho Dành Dành. Vừa đến sân thì nghe ngoài ngõ có tiếng gọi:

    – Bà nội cu Cửu ơi, có nhà không?

    Ngày ông còn sống, người ta gọi bà bằng tên ông, đến khi ông mất, bố mẹ Cửu mất người ta gọi bà là bà nội cu Cửu. Đời người phụ nữ lấy chồng đến cái tên cũng mất. Còn chồng thì theo chồng, mất chồng thì theo con, mất con thì theo cháu. Cũng may bà còn một thằng cháu ở trên đời.

    Nghe thấy tiếng gọi, bà nheo mắt lật đật đi ra, nhấc cánh cổng rách sang một bên, cất tiếng hỏi:

    – Ai gọi gì nhà tôi đấy?

    – Bà bảo cu Cửu ngày mai xuống chợ gánh cho nhà quan tri huyện hai gánh củi to.

    – Quan tri huyện, nhớ rồi, nhớ rồi.

    – Này, nhà quan tri huyện đúng là bồ tát sống đấy nhé. Đã nhận tận ba đứa mồ côi rồi giờ biết nhà mụ Phượng què đông con lại nghèo rách nên nhận cho một đứa về nuôi hộ. Mà bà biết không làm cơm rình rang cho cả làng này đều biết. Từ giờ đố nhà ai còn dám coi thường thằng Cò Đen nữa nhé.

    – Ờ, ờ Cò Đen.

    – Gớm thật, cái thằng đúng là phúc bảy mươi đời, vớ ngay được danh con nuôi quan tri huyện. Nhà ấy không con, ba đứa trước nhận đều là con gái cả, sau này gia tài vào tay nó cả chứ ai. Cái vị trí ấy á, khối người mong đấy.

    – Ờ, ờ.

    – Chuyện với bà chán thật đấy, chỉ biết ờ. Thôi tôi đi về, mà này nhớ gánh cho nhà quan đấy, công tôi gọi là hai hào. Cả lần trước tôi đánh mối cho mấy nhà nữa đấy.

    – Được được, hai hào.

    – Bà nhớ đấy nhé!

    Nói rồi người phụ nữa nguây nguẩy đóng cái cửa rách, quay lưng đi về phía làng. Bà nội cũng quay vào, bấy giờ bà mới nhớ ra nồi cá kho vẫn còn đượm lửa trên bếp, vội vã đi vào. May thật, đám củi khô chưa cháy hết, như là được ai tời ra khỏi bếp. Bà nhìn quanh quất, chỉ có Dành Dành ngồi ở góc, bà bảo với nó như thể nói với chính mình cho yên tâm:

    – May là có Dành Dành, không lại cháy bếp của bà lần nữa.

    "Đúng là mình già lẩn thẩn rồi, ai lại đi nói chuyện với một con cáo. Lại còn cho rằng con cáo có thể được việc nữa chứ". Bà lão nói rồi lại tự nhủ với mình như vậy. Tối hôm ấy Cửu về muộn, gánh củi đầy nặc nè làm anh trầy cả vai. Cửu ngồi bên cái đèn dầu, đắp lá thuộc vào vết bầm. Dành Dành nằm bên, mắt lim dim. Nó đợi khi Cửu lên giường đi ngủ mới về ổ rơm, cuộn tròn, cái đuôi trắng che hết cả mặt, đầu, tai.

    Cứ như thế, dễ đến gần hai tháng Dành Dành sống cùng bà cháu Cửu. Mấy hôm nay vào mùa, một mình Cửu gặt hết hai sào ruộng nhà, rồi lại phơi, đánh rơm lên đống, mệt bở hơi tai. Tối ấy bà thay vào ổ cho Dành Dành mớ rơm mới còn thơm mùi lúa chín. Bà vuốt ve nó rồi bảo với Cửu:

    – Mấy hôm nữa, gặt hái xong con đưa Dành Dành trở lại rừng đi. Con của rừng phải trả lại với rừng.

    Cửu nghe thấy thế lưỡng lự:

    – Hay là ta để nuôi thêm đi nội.

    – Con người hay con vật, để lâu sẽ quyến luyến khó rời. Sợ là ở lâu với chúng ta nó không về được nữa.

    – Vậy ta để nuôi nó luôn được không nội?

    – Không được, nó là của rừng, rừng mới là nhà của nó.

    Cửu ỉu xìu như cái bánh đa ngâm nước, anh chàng lại chỗ ổ của Dành Dành bế nó lên tay, dụi trán mình vào mũi nó bảo:

    – Mày sắp phải về nhà rồi. À không, được về nhà.

    Dành Dành dụi đầu lên trán Cửu, hôm ấy nó nằm trong ổ hướng mắt về phía Cửu, không rời. Không biết nó có hiểu câu chuyện không nhưng từ hôm sau nó ít quấn người hơn hẳn. Thấy Cửu chuẩn bị đi đâu nó không dòm ngó đi theo chân nữa mà ngồi vắt vẻo xa xa trên gác mái hoặc chỗ nào đó dễ quan sát.

    Ngày mùa Cửu bận rộn suốt, làm ngày làm đêm, hết của nhà lại đi làm mướn. Cửu sức vóc to lớn, quen làm việc nặng, anh làm một lần bằng ba bốn người làm. Ai ai cũng thích có Cửu làm việc, giá không tăng thêm mà việc thì được gấp đôi.

    Hết cả mùa lúa, Cửu đi sớm về khuya, không ngừng nghỉ. Anh rất ít ở nhà vì thế Dành Dành yên tâm phần nào, nó lại quấn quýt vào chân Cửu. Cửu vuốt bộ lông trắng muốt của nó xuýt xoa:

    – Lông mày thật mềm, ấm và trắng như một quả bông.

    Bà nội nhìn Cửu lại nhìn Dành Dành, chậm chạp nhấp một ngụm nước chè xanh đặc trong cái chén cũ, khẽ thở dài. Sớm hôm sau, Cửu dậy sớm đặt Dành Dành vào cái giỏ tre buộc dây lại. Anh sợ nó nhảy ra lúc đi đường. Vừa đi anh vừa nói với nó như thể là an ủi nó hay chính là an ủi mình.

    – Mày về nhà rồi, thần rừng thần núi sẽ che chở cho mày, đừng đi xa, đi lạc. Sau này tao sẽ thường xuyên đến thăm mày.

    Cửu đi xuyên rừng đến gần chỗ lần trước nhặt được Dành Dành. Anh tháo giỏ, Dành Dành ngó nghiêng nhìn xung quanh. Anh nhấc nó ra, vuốt ve nó thêm lần nữa rồi đặt nó xuống đất thảm cỏ mềm:

    – Đi đi, về nhà của mày đi.

    Dành Dành dụi đầu vào chân anh, nhìn xung quanh, nửa như quen thuộc nửa như xa lạ. Nó hít hít mấy đám cỏ cây rồi lại ngẩng lên nhìn Cửu.

    – Về nhà của mày đi, đi đi.

    Dành Dành đứng tần ngần, nó dán mắt vào khuôn mặt của Cửu. Cửu đẩy Dành Dành về phía trước một trút rồi lấy giỏ tre, quay gót đi. Được vài bước anh còn ngoái lại nhìn nó thêm lần nữa. Con cáo trắng nhỏ vẫn đứng đó nhìn theo. Anh ngoắc ngoắc tay vừa như xua đuổi vừa như vẫy gọi.

    Những ngày sau đó, mỗi lần Cửu vào rừng đốn củi đều tìm kiếm Dành Dành xem nó sống như thế nào, có thể trở về như trước đây không? Nhưng tuyệt nhiên Dành Dành không xuất hiện, nó đã trốn biệt tăm đâu mất. Có lẽ nó đã tìm được đường về nhà rồi. Rừng già nhất định sẽ bảo vệ cho nó.

    Chú thích:

    [1] Dành Dành: Tên gọi khác là Bạch Thiên Hương, mọc nhiều trong rừng rậm, không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn có hiệu quả trong đông y. Hoa thường nở vào mùa xuân và đến giữa mùa hè. Hoa dành dành mang ý nghĩa về tình yêu trong sáng, tinh khôi.
     
    chiqudollLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 22 Tháng sáu 2023
  3. Mình là cỏ Cỏ

    Bài viết:
    24
    Chương 2: Duyên nợ, chợ đời

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thời gian thấm thoắt trôi đi, ban đầu vắng Dành Dành Cửu có cảm giác cũng như trước đây mất đi cún cưng thuở bé. Cái trống vắng lấp đầy cả trong tấm trí. Nhưng thời gian chính là liều thuốc hữu hiệu nhất để xoa dịu mọi vết thương, kể cả vết thương lòng. Lâu dần, mọi thứ cũng trở về trước đây như lúc con cáo trắng nhỏ chưa xuất hiện. Cửu vẫn vào rừng đốn củi, mang xuống chợ bán.

    Hôm nay nhà quan tri huyện có chuyện vui. Quan huyện phu nhân bao ngày tháng trông ngóng cuối cùng cũng hạ sinh con đầu lòng. Cửu được thuê gánh củi tới. Nhà quan to lắm, đường đi lối lại loằng ngoằng Cửu phải có người dẫn mới biết đường. Cửu gánh củi tới bỏ vào bếp, người ở trong phủ bảo Cửu đợi ở đấy rồi lấy tiền trả. Cửu ngồi bên bậc thềm lau mồ hôi nhễ nhại. Đằng xa, có thằng bé con chừng hơn mười tuổi đang còng lưng gánh nước. Cửu thấy thế thương tình thằng bé liền đỡ hộ nó, mang vào gian bếp. Nó cảm ơn Cửu rối rít, thấy thế Cửu hỏi:

    – Người ở trong phủ nhiều như thế sao thằng nhóc như em lại phải xách nặng thế?

    – Em làm quen rồi, mấy việc này đều của em cả.

    – Em tên là gì thế?

    – Em tên là Cò, ở nhà gọi là Cò Đen nhưng từ ngày vào đây bố mẹ nuôi bảo em tên là Phúc, à Vạn Phúc.

    – Con nuôi?

    Cửu hơi sững sờ. Ai cũng biết trước đây, hai vợ chồng quan huyện vất vả đường con cái. Cầu tự khắp nơi không có con nên nhận nuôi tận ba đứa trẻ làm con nuôi. Người ta đều đồn con nuôi quan tri phủ như chuột sa chĩnh gạo, ăn trên ngồi chốc, không biết đến bụi bặm là gì. Bây giờ lại thấy thằng bé xách nước đến còng cả lưng.

    – Này Vạn Phúc, nhanh lên ra dọn mấy cái bàn để bày cỗ. Còn anh kia ra đây nhận tiền mà về.

    Cửu lật đật đi tới nhận tiền, người làm lại dẫn anh đi qua lối cũ trở ra. Qua sân chính mấy đứa tầm tuổi thằng Cò cũng tất bật bưng bê dọn dẹp. Thằng Cò đen xòe bàn tay nhỏ đen nhẻm vẫy vẫy chào anh. Nhận tiền xong Cửu lang thang ra chợ, hàng quán đông đúc, nhộn nhịp. Từ lúc đi ra từ nhà quan tri huyện Cửu cứ như người đần. Vị bồ tát sống mà bấy lâu mọi người ca tụng rốt cuộc là người như thế nào?

    Cửu rẽ vào quán quen gọi một đĩa lạc với cút rượu con nhâm nhi một lát. Ra về lại mua thêm vài cái bánh rán nóng hổi bọc trong lá chuối khô dành cho bà. Vừa đi hắn vừa huýt sáo, nhìn ngắm lũ trẻ con đang háo hức chuẩn bị đèn trung thu. Bất thình lình một thứ gì đâm sầm vào hắn. Cửu định thần lại nhìn xuống đất, một cô gái vô cùng xinh đẹp giản dị trong bộ quần áo nâu sòng.

    Hắn đưa tay đỡ cô gái trở dậy, hỏi:

    – Cô không sao chứ?

    Cô gái trả lời khe khẽ:

    – Không sao, cảm ơn anh.

    Cửu gật đầu, phủi phủi lại quần áo rồi đi tiếp. Cô gái đuổi theo phía sau, hỏi với:

    – Anh gì ơi, cho tôi hỏi.

    Cửu dừng lại:

    – Cô hỏi gì?

    – Tôi muốn hỏi đường đến núi Lã Vọng

    – Cô một mình thân gái lên núi đó làm gì?

    – Chẳng giấu gì anh, tôi từ xa tới, cả nhà đã chết hết vì dịch bệnh. Tôi lưu lạc đến đến biết ít bài thuốc, nghe dân vùng này nói trên núi Lã Vọng có lá thuốc, muốn lên xem thử. Biết đâu có thể thể mưu sinh.

    – Được, vậy tôi dẫn cô đi, nhà tôi ngay gần chân núi Lã Vọng. Mà cô tên là gì? Tôi hỏi cho dễ gọi – Cửu nói thêm như giải thích.

    Cô gái ngập ngừng rồi đáp:

    – Bạch Thiên Hương.

    Hai người vừa đi vừa trò chuyện rất tâm đầu ý hợp. Cửu đưa cô gái lên núi hái lá thuốc. Dần dần quen thuộc, cách vài ngày hai người lại lên núi một lần. Thiên Hương hái thuốc còn Cửu thì chặt củi. Cứ thế ngày qua tháng lại, xem chừng cả hai đều có cảm tình. Nhưng Cửu cũng không dám ngỏ lời, Thiên Hương xinh đẹp như vậy còn mình nghèo sợ người ta chê cười.

    Một ngày nọ hai người lên núi như thường lệ. Thiên Hương vì mải với cây tam thất [2] trên gò cao mà trượt chân ngã xuống. Một bên chân bị tảng đá sắc xé một miếng chảy máu. Cửu thấy thế vội cõng cô trở về. Đến nhà trời cũng xẩm tối. Cửu đành bảo Thiên Hương nếu không phiền cứ ở lại một đêm sáng sớm mai anh sẽ đưa cô trở về.

    Tối hôm ấy Cửu xuống bếp làm cơm, hôm nay có cá rô đồng chiên giòn với rau muống luộc chấm tương. Bà nội vừa bỏm bẻm nhai vừa gắp thức ăn cho Thiên Hương. Nàng ăn ngon lành lắm. Ăn uống xong xuôi Cửu cẩn thận dọn dẹp giường chiếu cho khách, vừa gãi đầu gãi tai bảo:

    – Nhà không có đàn bà, bừa bộn thế đấy, Thiên Hương thông cảm.

    – Không sao, em ở một mình từ nhỏ cũng quen rồi.

    – Mà tôi chưa biết nhà của Thiên Hương nữa?

    – Nhà em có một cái chòi nhỏ dựng cách làng một quãng, nhà chẳng có gì, em ngại lắm nên không giới thiệu với ai.

    – Nếu.. nếu Thiên Hương không chê.. thì.. thì.. về ở cùng tôi cho vui.

    Cửu nói thế tưởng là nói bông đùa vậy. Ai ngờ Thiên Hương đồng ý thật. Hai bên đều nghèo, nhà Cửu cha mẹ đều về bên kia cả, họ hàng còn vài người xa xôi. Thiên Hương thì chẳng còn ai nên anh chỉ làm mâm cơm nho nhỏ mời láng giềng hàng xóm, cúng cáo tổ tiên. Cứ thế họ trở thành vợ chồng.

    Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy không khá giả nhưng rất êm ấm. Hằng ngày hai vợ chồng vẫn lên núi hái Củi và lá thuốc. Cửu vẫn mang xuống chợ bán đều. Lần nào trở về cũng nhớ mua thêm một gói bánh rán ngọt lịm cho bà và cho vợ. Hôm nay Cửu đang đứng xếp hàng mua bánh thì thấy người ta đứng nháo nháo chỉ trỏ phía xa:

    – Úi kìa, phu nhân quan huyện đi lễ chùa đấy, mới sinh được có mấy tháng mà người đã gọn gàng thế kia rồi.

    – Đúng là người nhà quan, nhìn như thần tiên vậy.

    – Tâm sinh tướng mà, mặt đến là phúc hậu, mấy đứa con nuôi có phúc quá. Mà trời cũng thương cuối cùng cũng sinh được một mụn con đẻ, lại còn con trai chứ lại.

    Cửu lách qua đám đông nhìn lướt qua, gương mặt phu nhân cười đạo mạo, tay dắt đám trẻ đi qua chợ. Có một cái xe ngựa đón ở cuối đường kia chắc họ đang đi đến đấy. Cửu cũng chẳng tò mò nữa, cho gói bánh vào cái giỏ trở về. Một hôm Thiên Hương bàn với chồng:

    – Mình này, em tính lấy thêm dây mây về đan thêm rổ rá mang xuống chợ bán, dây mây vừa dai vừa bền, tuy có hơi khó lấy nhưng làm được chắc là đắt hàng đấy.

    – Nếu mình muốn làm, hai vợ chồng lên núi lấy về làm thử trước.

    – Em muốn đan rổ rá, nếu được cả giỏ xách nữa.

    – Được, như mình nói.

    Nói là làm, hai vợ chồng hôm sau lên núi lấy dây mây. Dây mây nhiều gai, lấy được nó rất vất vả. Những việc nặng nhọc như chặt dây, dóc lá khuân vác Cửu nhận hết về mình. Tối về chân tay anh bị gai mây cào xước cả. Thiên Hương xót lắm nàng ngồi thắp đèn, bôi thuốc dấu lên chỗ đau cho chồng. Cửu cười hờ hờ bảo với vợ:

    – Mình không phải lo, cái này ba hôm là hết thôi.

    Thiên Hương lườm yêu chồng rồi lại xuýt xoa bôi thuốc dấu. Hôm sau nàng mang chỗ cây mây đã chặt về chẻ ra thành sợi dẹt, vừa bằng đầu đũa mang ra sân phơi cho khô. Buổi tối cả nhà quây quần nhặt những sợi lớn không sâu không gãy đặt riêng ra để chuẩn bị đan rổ rá với giỏ xách. Cửu vừa ngồi nhặt vừa kể chuyện hôm trước xuống chợ:

    – Mấy hôm tôi xuống chợ thấy phu nhân quan huyện dẫn ba đứa con nuôi đi chùa cúng phật. Chúng ăn bận sạch sẽ như tiểu thư, công tử ngoan ngoãn đi sau gót phu nhân.

    – Rồi sao mình?

    – Tôi chỉ thắc mắc, lần trước khi phu nhân sinh con đầu lòng tôi thấy chúng ở nhà tri phủ ăn mặc nhếch nhác lắm, mà làm việc không khác gì người ở.

    Bà nội thở dài bảo:

    – Chuyện đời, không biết được trắng đen, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.

    Thiên Hương cũng gật đầu:

    – Phải đấy mình, thôi mình phận con ong cái kiến cứ an phận thủ thường cho yên.

    Cửu gật gật đầu lại cắm cúi nhặt dây mây với vợ. Bà nội hắng giọng rồi hát một điệu hát ru cổ, nghe tiếng cất lên giữa đêm vang vọng ra cả căn nhà:

    Cái cò cái vạc cái nông

    Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò,

    Không, không! Tôi đứng trên bờ

    Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi

    Chẳng tin ông đứng ông coi

    Mẹ con nhà nó còn ngồi đấy kia! [Ca dao dân gian]

    Cửu nghe thế thì lầm bầm bảo:

    – Nội hát gì mà nghe não nùng thật chứ.

    Những sợi dây mây đã được Thiên Hương nhặt ra cẩn thận từng sợi một. Nàng tỉ mỉ ngồi đan thành những cái rổ mây, giá mây. Lại mang sợi ra đập mềm bện thành giỏ xách. Chẳng mấy chốc thành phẩm đã hoàn thành. Cửu bàn với vợ sáng sớm mai sẽ mang xuống chợ bán thử mẫu trước. Đằng nào mai Cửu cũng xuống chợ bán củi.

    Sáng sớm Cửu buộc mấy cái rổ rá, giỏ mây lên gánh củi chất cả lên vai. Nhìn cái gánh củi nặng là toòng teng đủ thứ Thiên Hương muốn đỡ giúp mà Cửu không cho. Đến chợ Cửu giúp vợ bày hàng ra một một miếng vải cũ anh đã cắt sẵn từ cái chăn không dùng tới ở nhà. Mọi người rất tò mò với mấy thứ đồ mây này, trước giờ họ đã quen dùng đồ tre chưa thấy người ta dùng dây mây bao giờ. Thứ dây mây gai góc thế mà cũng làm thành đồ được. Họ xúm đen xúm đỏ vào xem thử nhưng bảo mua về dùng thì cũng hơi ái ngại. Được cái Thiên Hương lấy giá rất rẻ, mỗi cái mới có hai hào, bằng một nửa đồ tre. Thế là người ta cũng tặc lưỡi dùng thử xem sao.

    Chưa bán được bao nhiêu thì đám đông đã giãn ra xúm xít về hướng góc chợ đằng xa. Cửu tò mò quá cũng chạy lại xem sao. Ở giữa đám đông Cửu thấy thằng Cò Đen đứng co ro ở giữa vòng tròn, bên cạnh mẹ nuôi nó, tri huyện phu nhân đang quệt nước mắt. Bà con xúm xít bàn tán bảo thằng Cò Đen ăn cháo đá bát người ta nuôi nó từ lúc bần cùng đến giờ mà lớn lên đủ lông đủ cánh thì đòi về báo đáp mẹ đẻ. Thằng Cò Đen không khóc cũng không nói, nó ôm cái tay nải chỉ cúi đầu im lặng, mặc người ta chỉ trỏ.

    Cửu lách qua đám đông đi ra, đám đông chen lấn xô đẩy như lũ sói hám mồi vớ được miếng ngon cứ bám vào không nhúc nhích. Có người còn lên tiếng nói thay cho phu nhân

    – Tội phu nhân, nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà.

    – Đủ lông đủ cánh muốn bay đấy phỏng?

    – Mấy người hay ho quá nhỉ, một đám người lớn bắt nạt một đứa trẻ con.

    – Ái dà, lại còn có kẻ bênh nữa kia, chắc người nhà phỏng? Hay nhận được lợi lộc gì?

    – Bà đừng có mà quy chụp, ai cũng hám lợi lộc như bà nhé, cái ngữ bà ấy thấy sang là bắt quàng làm họ, úi sời, tôi lạ gì.

    – Bà bảo ai thấy sang bắt quàng làm họ, hả? Hả?

    Cửu lắc đầu, lách người ra khỏi đám đông lộn xộn. Bất chợt vấp phải một thân hình to lớn đứng bên ngoài. Là lão Trương đồ tể, lão chuyên giết gà, giết chó thuê. Bàn tay hắn to tướng như tay khỉ, nhuốm biết bao nhiêu là máu. Đôi lông mày rậm rạp, mặt vuông bạnh trông rất dữ tợn. Thấy hắn, Cửu vội né sang một bên đi biến.


    (Còn tiếp)

    Chú thích:

    [2] Cây tam thất được coi là dược liệu quý không chỉ có công dụng bồi bổ sức khỏe mà còn điều trị một số bệnh, đặc biệt là ung thư.
     
    chiqudollLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng sáu 2023
  4. Ivy 2023

    Bài viết:
    1
    Sr bạn Cỏ, tính tặng bạn 10k cf nhưng vì không rành chuyển thế nào mà có 11 xu hà! Thôi động viên bạn tiếp tục viết tiếp nhá!
     
    Mình là cỏ thích bài này.
  5. Mình là cỏ Cỏ

    Bài viết:
    24
    Cảm ơn Ivy đã động viên, vô cùng trân quý tình cảm của bạn
     
    Ivy 2023 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...