Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc đi tham quan, học tập, làm việc ở khắp mọi nơi đã trở thành thú vui, hay là điều quen thuộc không thể thiếu với mỗi người chúng ta. Nếu bạn chỉ đi trong nước thôi thì không có gì phải nói. Nhưng nếu bạn muốn đi nước ngoài, thì điều kiện cần là gì? Đó chính là bạn phải có Hộ Chiếu. Thế Hộ Chiếu là gì? Công dụng như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé! Hộ Chiếu Có Nghĩa Là Gì: Theo nghĩa Hán - Việt: - Hộ: là dân cư, nhà, họ - Chiếu: là giấy chứng nhận. Hiểu đơn giản nhất thì Hộ Chiếu chính là giấy chứng nhận nguồn gốc bản thân về họ tên, nơi cư ngụ.. Trong đó, có sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm cá nhân, quốc tịch của người được cấp. Và được sử dụng như một loại giấy tờ tùy thân để xuất nhập cảnh, hay còn gọi là chứng minh thư quốc tế để ra nước ngoài và trở về Việt Nam. Còn theo định nghĩa của cơ quan nhà nước, thì Hộ chiếu là Giấy Phép Ðược Quyền Xuất Cảnh khỏi đất nước, và Ðược Quyền Nhập Cảnh trở lại từ nước ngoài. Tên Tiếng Anh là: Passport. Tên Tiếng Pháp là: Passeport. Tên Tiếng Nhật là: パスポート (Pasupōto). Tên Tiếng Trung: 护照 (Hùzhào). Các thông tin phổ biến có trên Hộ Chiếu bao gồm: + Loại Hộ Chiếu - Mã Quốc Gia - Số Hộ Chiếu + Họ và tên + Quốc tịch + Ngày tháng năm sinh + Giới tính - Nơi Sinh + Ngày tháng năm được cấp và Ngày tháng năm hết hạn. + Nơi Cấp + Ảnh đi kèm (4x6) + Chữ ký Dựa vào những thông tin này mà có thể xác định được các thông tin cá nhân của chủ sở hữu. Thủ tục làm làm Hộ Chiếu (Thủ tục làm Passport) : Tờ khai xin được cấp hộ chiếu (hay còn được biết đến là mẫu X01) Ảnh làm hộ chiếu 4x6 dành cho passport (hoàn toàn khác với cỡ hình thẻ 4x6, các bạn nên lưu ý). Rửa khoảng 8 tấm, sẽ dán vào hồ sơ 6 tấm, 2 tấm còn lại.. làm sơ-cua. Sổ hộ khẩu của người xin được cấp hộ chiếu, Sổ tạm trú KT3 (đối với những bạn hộ khẩu tỉnh). Bản gốc Chứng minh nhân dân (không được quá 10 - 15 năm kể từ ngày cấp, nếu quá hạn hoặc gần quá hạn thì lên công an quận làm mới lại) Trường hợp làm hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi, cần có bản sao giấy khai sinh và giấy chứng thực từ địa phương cư ngụ. Nơi làm: Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh - Công an Tp. HCM. Địa chỉ: 196 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Hồ Chí Minh Ở Việt Nam, Hộ Chiếu (Passport) Có Bao Nhiêu Loại? Dù có bạn cũng chưa một lần đi nước ngoài (như mình), nhưng chắc hẳn các bạn ai cũng trang bị sẵn cho mình một cuốn Hộ Chiếu cả rồi đúng không nào? Thế các bạn có biết hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu loại Hộ Chiếu chính không? Mách nhỏ nhé, có ba loại sau đây: 1. Hộ Chiếu Màu Xanh Lá (tên Tếng Anh: Popular Passport) : - Đây là Hộ Chiếu phổ thông, được cấp cho đa số công dân có quốc tịch Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Thường thì những bạn có ý định du lịch nước ngoài hay đi du học, công tác thì sẽ được cấp loại hộ chiếu phổ thông có màu xanh lá này. - Chỉ cần bạn cung cấp CMND đối với người lớn/ Giấy Khai Sinh đối với trẻ em (bản gốc hoặc bản sao có công chứng), và Sổ hộ khẩu thì sẽ được cấp Popular Passport, không cần điều kiện gì phức tạp. - Popular Passport chỉ cấp cho công dân từ 14 tuổi trở lên, với thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. - Còn trẻ em từ 9 - 14 tuổi, thời hạn Popular Passport chỉ có 5 năm. Cả hai trường hợp này đều không được gia hạn thêm thời gian. Đối với trẻ em dưới 9 tuổi, Popular Passport không được cấp riêng mà phải ghép chung với cha hoặc mẹ. Và khi đi phải đi chung với ba hoặc mẹ, người được ghép chung trên Passport với bé. Ví dụ, bé làm chung Passport với ba, mà ba không đi thì bé cũng không đi được. 2. Hộ Chiếu Màu Xanh Ngọc Bích (Tên Tiếng Anh: Official Passport) : - Đây là Hộ chiếu Công vụ có màu xanh đậm hơn so với hộ chiếu phổ thông, chỉ được cấp cho những trường hợp đặc thù ra nước ngoài làm việc theo sự phân công của chính phủ. Thời gian chỉ khoảng 5 năm. - Nếu có Official Passport, bạn không cần phải xin thị thực ở nước muốn đến, hơn nữa bạn còn được ưu tiên đi qua cổng đặc biệt lúc nhập cảnh, tất nhiên là phải chấp hành đúng quy định của quốc gia mà bạn đến. - Đối tượng được cấp của Official Passport là cán bộ, công chức làm việc ở các cơ quan nhà nước. Ngoài ra còn có sĩ quan, quân nhân làm trong quân đội, công an ra nước ngoài để làm nhiệm vụ được yêu cầu từ chính phủ. 3. Hộ Chiếu Màu Đỏ (tên Tiếng Anh: Diplomatic Passport) : - Đây là Hộ chiếu Ngoại giao, là loại "chứng minh thư" chỉ dành cho các quan chức cấp cao, thường được sử dụng để hoàn thành các công việc, nhiệm vụ được giao từ tổ chức chính phủ tối cao của nhà nước. Thời hạn của Diplomatic Passport cũng là 5 năm, có nó bạn cũng được miễn thị thực nhập cảnh, và được ưu tiên đi qua cổng đặc biệt theo quy định của quốc gia mà bạn đặt chân đến. - Những người được cấp Diplomatic Passport thường giữ chức vụ cao trong hệ thống cơ quan của nhà nước. Chẳng hạn như Bộ trưởng, thứ Trưởng của Bộ Tài Chính, Bộ Nội Vụ, Bộ Công An hay Bộ Tư Pháp. Cấp bậc thấp nhất được cấp Diplomatic Passport là bí thư, phó bí thư hoặc Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh. 4. Hộ Chiếu Thuyền Viên (Tên Tiếng Anh: Seaman's Passport) : - Được cấp cho công dân Việt Nam là thuyền viên, sử dụng để xuất nhập cảnh tại cảng biển quốc tế các nước theo tuyến hàng hải quốc tế (theo tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa). - Cơ quan cấp hộ chiếu thuyền viên là Cục Hàng hải. Những Định Nghĩa Khác Liên Quan Đến Hộ Chiếu Mà Bạn Chưa Biết 1. Hộ Chiếu Đen Là Gì? - Đơn giản chỉ là màu sắc được lựa chọn cho cuốn Hộ chiếu của một vài quốc gia mà thôi. Các quốc gia châu Phi như Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Zambia, Botswana, Burundi, Gabon, Angola, Malawi.. đều dùng hộ chiếu đen - màu sắc hiếm có. Tuy nhiên, màu sắc này cũng xuất hiện trên hộ chiếu của các nước mà họ coi đen là màu sắc quốc gia của mình như New Zealand chẳng hạn. 2. Hộ Chiếu Điện Tử Là Gì (E-Passport) ? - Hộ chiếu điện tử (E-passport / Passport sinh trắc học) khác với hộ chiếu thông thường là ở con chip được gắn thêm. - Các thông tin được lưu trong con chip này là thông tin cá nhân như: Tên tuổi, ngày tháng năm sinh, giới tính, số hộ chiếu.. và dữ liệu sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt, móng mắt) của cá nhân sở hữu quyển hộ chiếu. Trên các passport điện tử sẽ có biểu tượng của một con chip được giản thể như trong ảnh dưới đây. - Theo tài liệu ICAO 9303, chỉ có tấm ảnh kĩ thuật số của chi tiết sinh trắc học là được lưu trên con chip. Việc so sánh dữ liệu trên chip với dữ liệu thật sự của chủ sở hữu passport sẽ được tiến hành bằng các hệ thống hiện đại ở hải quan để đảm bảo tính an toán. Tất nhiên, giao thức để kết nối không dây giữa passport và hệ thống này (contactless card) cũng được chuẩn hóa để mọi quốc gia có thể sử dụng nó dễ dàng và không gây trở ngại cho người đi du lịch. Thậm chí các nhà sản xuất passport khác nhau cũng phải sử dụng chung chuẩn này luôn. - Hiện có nhiều nước đã bắt đầu triển khai E-Passport hoặc lên kế hoạch đưa ePassport vào sử dụng cho công dân mình. Mỹ, Canada, một số nước ở Nam Mỹ, hầu hết khu vực liên minh Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan đều đã bắt đầu áp dụng loại hình hộ chiếu mới, Ấn Độ thì đang lên kế hoạch cho tương lai. - Trong số các nước Đông Nam Á thì đã có 5 nước là Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã sử dụng ePassport. Lào cũng chuẩn bị dùng ePassport cho các nhà ngoại giao vào đầu năm 2016, tới giữa năm sau thì phổ biến ra cho mọi người dân bình thường. - Riêng Việt Nam, theo dự kiến, từ đầu năm 2020, hộ chiếu điện tử sẽ được phát hành thử nghiệm và tới 1.7. 2020 sẽ triển khai cấp tới người dân. 3. Hộ Chiếu Quyền Lực Là Gì? - Hộ chiếu quyền lực là chỉ thứ hạng hộ chiếu của các quốc gia, khi công dân nước đó có thể nhập cảnh mà không cần xin thị thực trước, hoặc đến nơi mới xin. Hộ chiếu của quốc gia nào được nhập cảnh nhiều nước trên thế giới nhất, mà không cần xin thị thực hoặc đến nơi mới xin, thì hộ chiếu của quốc gia đó được xem là quyền lực nhất. - Theo Henley Passport Index, là một bảng xếp hạng toàn cầu của các quốc gia theo quyền tự do đi lại cho công dân của họ (công dân có thể dùng hộ chiếu nhập cảnh mà không cần xin thị thực, hoặc được quyền xin thị thức trực tiếp), thì năm 2020, 10 quốc gia tiêu biểu sau có hộ chiếu quyền lực là: Nhật Bản (vi vu đến 191 quốc gia, và vùng lãnh thổ mà không cần thị thực, hoặc có thể làm thị thực ngay tại điểm đến), Singapore (đi được 190 quốc gia và vùng lãnh thổ), Hàn Quốc và Đức (189 quốc gia và vùng lãnh thổ), Italy và Phần Lan, Tây Ban Nha, Luxembourg, Đan Mạch (187 quốc gia và vùng lãnh thổ) ; Thụy Điển và Pháp (186 quốc gia và vùng lãnh thổ) ; Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ireland, Áo (185 quốc gia và vùng lãnh thổ) ; Mỹ, Anh, Na Uy, Hy Lạp (184 quốc gia và vùng lãnh thổ) ; New Zealand, Malta, Cộng hòa Czech, Canada, Australia (183 quốc gia và vùng lãnh thổ) ; Slovakia, Lithuania, Hungary (181 quốc gia và vùng lãnh thổ). - Slovakia, Lithuania, Hungary cùng đứng vị trí thứ 10 với 181 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực cho công dân của 3 nước này. - Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu là Afghanistan với 26 quốc gia miễn thị thực hoặc xin thị thực khi đến. - Việt Nam nằm ở vị trí thứ 88, đồng hạng Campuchia với quyền miễn thị thực hoặc xin thị thực khi đến tại 54 quốc gia trên thế giới. 4. Hộ Chiếu Đặc Biệt Là Gì? - Hộ chiếu đặc biệt là chỉ loại hộ chiếu được cấp cho những cá nhân đặc biệt, và chúng đặc biệt thêm ở chỗ chỉ giới hạn cấp cho 500 người trên toàn thế giới, và không phải ai cũng được cấp. - Cơ quan cấp hộ chiếu đặc biệt là Dòng chiến sĩ toàn quyền Malta và được Đức Giáo hoàng Paschal công nhận năm 1113, khi đó được hiểu là tấm vé thông hành cho phép đi lại tự do ở nhiều quốc gia. - Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta có quan hệ ngoại giao với 106 nhà nước, điều này có nghĩa là, tất cả những quốc gia đó đều chấp nhận loại hộ chiếu ngoại giao này như là một giấy tờ nhận dạng hợp lệ. - Cuốn hộ chiếu còn liệt kê các đặc điểm sinh trắc học và phù hợp với tiêu chuẩn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). - Đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao đặc biệt này phải là: Thành viên của Hội đồng Tối cao (chính phủ), những người đứng đầu hoặc nhân sự của Cơ quan Ngoại giao (bao gồm cả vợ/chồng cùng con cái chưa đến tuổi thành niên của họ) và với một số ít ngoại lệ như các nhân vật cấp cao chịu trách nhiệm trong nhiều chiến dịch đặc biệt của dòng tu. - Các hộ chiếu này chỉ có hiệu lực trong 4 năm và liên quan chặt chẽ đến thời gian thực hiện nhiệm vụ do Dòng tu giao phó. Mong những thông tin trên sẽ hữu ích cho các bạn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Love All!