Hình tượng quỷ Behemoth trong văn học

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 10 Tháng sáu 2023.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    1. Hình tượng quỷ Behemoth trong các nền văn hóa

    Hình tượng quỷ Behemoth là một hình tượng đặc sắc, có mặt trong nhiều nền văn hóa. Behemoth((cách viết hiện đại: Behemot) được hiểu là sinh vật khổng lồ. Theo văn hóa truyền thống Do Thái, Behemoth được coi là một biểu tượng cho sức mạnh của Thiên Chúa và là một trong những con quỷ mạnh nhất trong tự nhiên. Behemoth là một sinh vật thần thoại được đề cập trong Sách Job - một tác phẩm trong Kinh Thánh Hebrew từ câu 15 đến câu 24:

    15 Kìa, đó là Bê-hê-mốt, * ta tạo ra nó như đã tạo ra con.

    Nó ăn cỏ như bò đực.

    16 Hãy nhìn sức mạnh nơi hông

    Và sức lực nơi cơ bụng nó!

    17 Nó làm đuôi cứng như cây tuyết tùng;

    Gân đùi nó được dệt lại với nhau.

    18 Xương nó là những ống đồng;

    Tứ chi được làm từ sắt.

    19 Nó đứng đầu trong các công việc của Đức Chúa Trời;

    Chỉ Đấng Sáng Tạo của nó mới có thể cầm gươm đến gần.

    20 Núi non sinh thức ăn cho nó,

    Đó là nơi muông thú chơi đùa.

    21 Nó nằm dưới các bụi gai,

    Trong chỗ trú của đám sậy đầm lầy.

    22 Bụi gai tỏa bóng mát trên nó,

    Cây dương của thung lũng bao quanh nó.

    23 Nước sông có cuồn cuộn, nó cũng chẳng hoảng sợ.

    Nó tự tin dù sông Giô-đanh+ xông vào miệng mình.

    24 Khi nó đang nhìn, ai bắt được nó?

    Hay dùng móc* xỏ mũi nó?

    (Phan Khôi, (), ()) ​

    Ở đây, Behemoth được miêu tả là một con quỷ to lớn và mạnh mẽ, có thể quật đổ các cây cối bằng đuôi của nó. Tuy vậy, trong sách Job không miêu tả rõ việc Behemoth tấn công, làm hại đến con người.

    Trong văn hóa Babylon, Behemoth được mô tả là sinh vật gắn liền với Leviathan trong các cuộc chiến, thực hiện công việc thanh trừng, nuốt chửng kẻ phạm tội và trái đất, và uống nước biển: "The Serpent and Hades share with Leviathan and Behemoth their serpentine form, ambivalent celestial and aquatic assignments, emphasized pairness or even bipartite nature, rabelaisian appetite, and especially the important function of balancing the cosmic water system. Another important feature, devouring men or even serving the abode of the wicked, is shared with archaic serpentine monsters, like Mesopotamian Tiamat, Ugaritic Mot, biblical tannin, who in turn have much in common with Leviathan, on the one hand, and with Sheol-Hades and dragon-like Satan, on the other." (tạm dịch: Rắn và Hades chia sẻ với Leviathan và Behemoth hình dạng rắn, sự phân công thiên văn và thủy văn mơ hồ, và thậm chí là tính lưỡng hợp, cơn thèm ăn và đặc biệt là chức năng quan trọng của cân bằng hệ thống nước vũ trụ. Một đặc điểm quan trọng khác, nuốt chửng con người hoặc thậm chí là phục vụ nơi ở của những kẻ ác, được chia sẻ với những con quái vật rắn cổ điển, như Mesopotamian Tiamat, Ugaritic Mot, tannin Kinh Thánh, người trong đó có rất nhiều điểm chung với Leviathan, một bên, và với Sheol-Hades và Satan giống như rồng, một bên khác) và "Their main function here is just the opposite: They are rather eaters and drinkers than food. They devour sinners and earth, and drink sea waters." (tạm dịch: Chức năng chính của chúng ở đây đối lập với điều đó: Chúng là những kẻ ăn và uống hơn là thức ăn. Chúng nuốt chửng kẻ phạm tội và trái đất, và uống nước biển) (Le Muséon, 2009, tr. 325)

    Như vậy, hình tượng Behemoth trong đa số nền văn hóa đều có kích thước khổng lồ, mạnh mẽ và mang thân phận tiêu trừ cái ác. Điểm độc đáo của hình tượng này nằm ở việc trong các nền văn hóa, Behemoth không hẳn được xem là sinh vật thần thoại như các con quỷ khác mà được xem như ký hiệu sức mạnh, quyền lực của Chúa. Behemoth hung hãn, mạnh mẽ và hiện diện trong nơi ở của những kẻ độc đoán.

    2. Hình tượng quỷ Behemoth trong "Nghệ nhân và nàng Margarita"

    Behemoth trong "Nghệ nhân và nàng Margarita" là một hình tượng thú vị, đầy sức hút và cũng đầy tính hài hước. Behemoth được miêu tả là một con mèo lớn, tay sai của Woland, có khả năng nói chuyện và thích làm trò để giải trí cho mình và đồng bọn của mình. Behemoth thường có những hành động khá kì quặc và hài hước, như đóng giả làm người, thích nhậu rượu và hút thuốc lá. Sự hài hước ấy như một cách để bộc lộ rõ sự thông minh của con mèo này và qua hình tượng Behemoth, tác giả Mikhail Bulgakov muốn châm biếm, giễu nhại và đưa ra những lời chỉ trích gián tiếp đối với những thiên kiến, niềm tin sai lầm của xã hội Liên Xô thời kì đó, đặc biệt là về tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản. Cũng nhờ tính hài hước, sắc sảo mà hình tượng Behemoth trong tác phẩm này đã trở thành một biểu tượng văn hóa được nhiều độc giả yêu thích và nhắc đến đến ngày nay.

    Hình tượng quỷ Behemoth trong tác phẩm này còn đại diện cho sự chính trực và phản kháng. Behemoth trong "Nghệ nhân và nàng Margarita" được miêu tả là một con mèo thông minh và luôn thích quan sát, nó thường đưa ra những lời khuyên đúng đắn và cân nhắc, đồng thời cũng giúp đỡ những nhân vật được cho là chính diện trong tác phẩm. Behemoth thể hiện tính cách chính trực của mình thông qua các hành động, như việc giúp đỡ và bảo vệ những người yếu thế, chống lại những hành vi bất chính của những kẻ xảo trá. Behemoth thể hiện tinh thần phản kháng khi luôn đấu tranh chống lại sự thống trị và đóng vai trò như một kẻ thanh trừng cái ác, bảo vệ những người bị áp bức và bị kìm kẹp. Behemoth trong tác phẩm này thể hiện một phong cách sống không bị ràng buộc, tự do tư duy và luôn kiên định với các giá trị nhân văn và đạo đức.

    Tuy nhiên, Behemoth cũng là một biểu tượng cho sự mưu mô và thù địch, đặc biệt trong việc thực hiện những hành vi lừa đảo, phá hoại và đạt được mục tiêu của những kẻ xấu xa và độc ác. Behemoth thường sử dụng trí tuệ và khả năng thuyết phục của mình để giúp Voland đạt được mục tiêu, đồng thời cũng thường đưa ra các phương án mưu mô và thủ đoạn xảo quyệt để lừa lọc và gài bẫy kẻ thù. Do đó, Behemoth trong tác phẩm của Bulgakov là một hình tượng hết sức phức tạp và đa chiều, kết hợp lưỡng hợp giữa sự chính trực và mưu mô, từ đó thể hiện rõ ràng các tính cách, bản chất khác nhau của con người và xã hội.

    3. Đặc điểm Behemoth dưới góc nhìn hiện thực huyền ảo huyền thoại

    Behemoth và tính nghịch dị trong ngoại hình

    Về phương diện ngữ nghĩa, nghịch dị (Grotesque), từ nguyên: Grotta, nghĩa là cái hang, động. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, "nghịch dị là một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, cái giống như thực với cái biếm họa. Nghệ thuật nghịch dị là một kiểu ước lệ đặc thù: Nó công nhiên và chú ý trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên, [..] Kiểu hình tượng nghịch dị vốn có trong thần thoại và trong nghệ thuật cổ sơ của mọi dân tộc. Ở thế kỉ XX, chất nghịch dị trở thành hình thức tiêu biểu của nghệ thuật, kể cả một loại khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa (chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực). Ở kiểu hình tượng nghịch dị hiện đại chủ nghĩa, thế giới quen thuộc với ta bỗng chốc biến thành thế giới thù địch, xa lạ, ở đó ngự trị cái vô nghĩa giống như một sức mạnh siêu nhân không thể hiểu được, một tất yếu vô điều kiện biến con người thành con rối, chất nghịch dị ở đây trở thành nỗi sợ sống, trở thành ý thức về sự phi lý sinh tồn" (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2004, tr. 141-142). Từ những quan niệm nêu trên, chúng tôi cho rằng nghịch dị trước hết là thế giới quan, là nghệ thuật, là thủ pháp. Nghịch dị là một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, là sự hòa trộn của cái hài với cái kinh dị, cái giống như thực với cái biếm họa, bình thường và bất thường, lạ lùng, kỳ quặc. Nghệ thuật nghịch dị là một kiểu ước lệ đặc thù: Nó công nhiên và chú ý trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên. Hạt nhân quan trọng nhất của nó là tính lưỡng trị, tính nước đôi, tính chưa hoàn kết. Hơn thế nữa, mĩ học của nghịch dị là mĩ học của "cái xấu đẹp để". Vì nó phá vỡ nhận thức thông thường của chúng ta về cái đẹp, cái hài hòa, cái trật tự và cái có ý nghĩa, buộc chúng ta phải tìm ra cảm giác ngoài những phạm trù quen thuộc của cái đẹp và cái đã biết.

    Về phân loại, ta có thể chia nghịch dị gồm có cả nghịch dị truyền thống và nghịch dị hiện đại. Nghịch dị truyền thống kể từ khi nó ra đời đến thế kỉ XIX, phát triển qua nghịch dị thời Phục hưng, nghịch dị của chủ nghĩa lãng mạn. Còn nghịch dị hiện đại gắn với thế kỉ XX. Nghịch dị hiện đại có hạt nhân cơ bản đó là sự méo mó, xấu xí, bất thường, quái dị, kì ảo và đầy tính phi lí. Như vậy, khi nghiên cứu về nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2012, chúng tôi dựa trên cả lí thuyết nghịch dị của Bakhtin, của Kayser và cả Phillip Thomson, Tarmachenko. Đồng thời, chúng ta cần làm rõ với các khái niệm liên quan như hiện thực nghịch dị, tư duy nghịch dị, văn học nghịch dị. Hiện thực nghịch dị là hiện thực trộn lẫn giữa cao thượng và thấp hèn, tốt và xấu, thiện và ác, thật và ảo, bi và hài, cái bình thường và bất thường, phi thường. Đời sống nghịch dị sinh ra những trạng thái nghịch dị. Nhà văn thông qua tư duy nghịch dị của mình phát hiện ra toàn bộ hiện thực nghịch dị ấy. Tư duy nghịch dị là kiểu tư duy đối lập, tương phản nhưng không phải là kiểu đối lập của những mâu thuẫn, có cái này phải có cái kia, mà thực chất theo khuynh hướng tha hóa, phi lí. Cái nhìn nghịch dị là cái nhìn mang tính chủ quan của nhà văn. Muốn có cái nhìn nghịch dị, nhà văn cần phải có tư duy nghịch dị để phát hiện ra cái nghịch dị. Nghịch dị tồn tại như thế nào, do đâu mà có, qua đó cảnh báo để đề xuất thay đổi. Văn học nghịch dị là một khuynh hướng, một trào lưu gắn với hiện thực nghịch dị.

    Tóm lại, tính nghịch dị trong ngoại hình là việc "nhân vật có hình dạng bị biến thể khác thường so với người bình thường." (Trương Thị Kim Anh, 2018, tr. 85). Nhân vật thường có tính nghịch dị thường có các biểu hiện như bị biến dạng ở một số bộ phận hoặc cả cơ thể, hình dạng thì ma quái trộn lẫn người, có những chấn thương về mặt tâm lý, mặc cảm thực tại.

    Behemoth và tính lưỡng hợp trong tính cách

    Về khái niệm "lưỡng hợp" có phương diện ngữ nghĩa, ta có thể lý giải theo cách sau. Từ "lưỡng" (兩), trong tự điển Hán Việt của Thiều Chửu có nghĩa là hai, đôi, còn từ (合) lại mang ý nghĩa "hợp, như đồng tâm hợp lực 同心合力 cùng lòng hợp sức" hay có thể hiểu đơn giản là góp lại. Với quan điểm của Hoàng Phê, từ "hợp" có nghĩa là "gộp chung lại thành một cái cùng loại nhưng lớn hơn", hay "tập hợp gồm tất cả các phần tử của hai tập hợp khác, trong quan hệ với hai tập hợp ấy" (Hoàng Phê, 2003, tr. 465). Như vậy, xét về mặt ngữ nghĩa, "lưỡng hợp" có nghĩa là sự kết hợp hay gộp lại giữa hai yếu tố khác nhau về phương diện tính chất, đặc điểm của đối tượng. Cụ thể ở đây có thể đề cập đến tính lưỡng hợp trong tính cách, có nghĩa là sự khác nhau giữa hai khía cạnh bất kỳ trong tính cách của đối tượng.

    Dấu ấn của tính lưỡng hợp của một số nền văn hóa, văn học trên toàn thế giới vô cùng phong phú và đặc sắc. Nếu ở trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, chúng ta đã thấy sự hiện diện của lối tư duy tam vị nhất thể, trong thần thoại Hy Lạp là hệ thống phả hệ thần vô cùng đa dạng.. Với văn hóa lâu đời của Mỹ Latin, con người ta đã nhận thấy sự xuất hiện của lối tư duy lưỡng hợp, lưỡng tính. Cụ thể, ta có thể đặt vấn đề này trong mối tương quan trong nhân vật anh hùng văn hóa Hunahpú và Xbalanqué trong sử thi Popol Vuh. Theo như tác giả Nguyễn Thành Trung, "tính lưỡng hợp có một dấu ấn đặc trưng của khu vực văn hóa châu Mỹ Latinh cổ đại và còn ảnh hưởng nhiều đến văn học hiện đại (Đó là tính song trùng trong mô hình quan niệm Marquez trong Trăm năm cô đơn khi ông xây dựng sự đan xen thực và ảo, cặp anh em nhà Buendia giống nhau như đúc đến nỗi khi chết họ bị đặt nhầm quan tài.)" (Nguyễn Thành Trung, 2010). Như vậy, tính lưỡng hợp là một dấu ấn đặc trưng của khu vực Mỹ Latinh từ thuở hồng hoang cho đến những bước chân đầu tiên của Chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo trong văn chương Mỹ Latin hiện đại. Xét về phương diện đặc điểm, tính chất của Chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo, ta nhận thấy nó đã có sự đan xen, lưỡng hợp giữa yếu tố thực và ảo. Hai yếu tố này tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đên tư duy sáng tạo nghệ thuật của người việt thông qua những hình tượng đối lập, tương phản trong một đối tượng hay phương diện cụ thể. Ví dụ, sự lưỡng hợp giữa thiện - ác, bản năng - ý thức, hữu hình - vô hình.. được bắt gặp rất nhiều trong các tác phẩm văn học Mỹ Latin. Lối tư duy ấy đã xuất phát từ xa xưa, sâu thẳm trong nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng mang tính chất đối lập lẫn nhau "Con người nhận ra mối tương quan sự vật đắp đổi lẫn nhau, có mối quan hệ nhân quả: Mặt trời – mặt trăng, ngày – đêm, sáng – tối, đực – cái, người – vật, đàn ông – đàn bà.. Tư duy tổng hợp và biện chứng nguyên sơ ấy tạo thành phương pháp mà các nhà khoa học gọi là tư duy lưỡng hợp", (Phạm Đức Dương, 2013). Như vậy, tính lưỡng hợp xuất phát từ lối tư duy lưỡng hợp của con người cổ đại trước những hiện tượng tự nhiên trong những mối tương quan đối lập lẫn nhau. Từ đó, lối tư duy ấy đi sâu vào nhận thức của con người thông qua các hình ảnh văn hóa, hiện tượng đời sống. Đi sâu vào khám phá văn chương, nơi nhân vật văn học hiện lên với những sắc thái, đường nét đậm nhạt khác nhau, nhưng lối tư duy, tính chất lưỡng hợp vẫn hiện hữu rõ ràng trong từng khía cạnh.

    Nổi bật trong tính cách của Behemoth chính là sự lưỡng hợp trong tính cách, sở hữu những tính cách mang tính đối lập, nhưng rõ ràng trong quá trình miêu tả, Bulgakov đã rất thành công khi xây dựng một hình tượng nhân vật độc đáo. Trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của nhà văn M. Bulgakov, ta nhận thấy hình tượng Behemoth - vốn là tên của một con quỷ trong Kinh Thánh nhưng được hiện diện trong hình dáng của một con mèo đen huyền bí với những tính cách độc đáo. Trong tiểu thuyết, chúng ta không khó để bắt gặp những chi tiết hay yếu tố hiện thực huyền ảo đặc trưng của Chủ nghĩa Mỹ Latin. Chính điều này đã trở thành mảnh đất phong phú để Bulgakov sáng tạo ra loạt nhân vật độc đáo, kì lạ với đủ loại tính cách, Behemoth cũng nằm trong số đó. Chính vì là một trong những thành viên trong đoàn tùy tùng của chúa tể Voland nên Behemoth tất nhiên chính là một con quỷ, mặc dù mang hình dáng của con mèo nhưng Behemoth có sự lưỡng hợp trong tính cách ranh ma của bọn ma quỷ và sự khờ khạo bình thường của một con mèo. Bên cạnh đó, Behemoth cũng có sự lưỡng hợp giữa bản năng và ý thức, khi trong quá trình hiện diện ở Moskva, mèo đen thể hiện rõ ý thức của một con quỷ trong những hành động của mình trong kế hoạch thanh trừng của Voland. Thế nhưng, đôi lúc Behemoth cũng khiến chúng ta lầm tưởng nó là chỉ là một con mèo bình thường với những hành động mang tính bản năng của loài mèo. Behemoth vốn là con quỷ có kích thước khổng lồ được nhắc đến trong sách Job, hay tên của một trong những vị hoàng tử địa ngục, là tội đồ của sự phẫn nộ. Chính vì vậy, mà ta không cảm thấy gì lạ lẫm khi cùng với Koroviet.. Behemoth trở thành một trợ thủ đắc lực của Voland trong chuyến "công tác" ở Moskva, vậy nên Behemoth chính là đại diện của các ác với những hành động trừng phạt, hành hạ con người, thậm chí còn là hung thủ của loạt những vụ án khiến cảnh sát phải đau đầu tìm kiếm sự thật bí ẩn về đoàn tùy tùng của nhà ảo thuật hắc ám Voland. Thế những, hành hành động mang tính ác đấy thật chất lại là thiện khi mục đích của nó là hướng đến cái tốt, nhằm đem lại sự thanh trừng, tiêu diệt cái xấu xa cho xã hội Moskva.

    Như vậy, thông qua lối tư duy lưỡng hợp vốn hình thành lâu đời trong nhận thức của con người cổ đại, tính lưỡng hợp trở thành những đặc điểm quan trọng của Chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo. Từ những sự đan xen, đối lập giữa các yếu tố trong các khía cạnh của cụ thể được hình thành dựa trên nền tảng của cái thực và ảo, tính lưỡng hợp trở thành những đặc trưng tiêu biểu góp phần tạo nên sự phong phú của dòng văn học hiện thực huyền ảo, là cái nôi để cho ra đời những huyền thoại trong văn học. Behemoth trong Nghệ nhân và Margarita cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, xuất phát từ hình tượng con quỷ trong Kinh Thánh cho đến hình ảnh con mèo trong văn hóa Slav của Nga, mèo đen Behemoth mang những đặc điểm lưỡng hợp trong tính cách. Đó là sự lưỡng hợp giữa thiện - ác, bản năng - ý thức và ranh ma - khờ khạo.

    Behemoth và tính phi lý trong hành động

    Phi lý (absurdism) được xem là phạm trù cơ bản nhất của chủ nghĩa hiện sinh, bên cạnh với tính nổi loạn. Khái niệm này đã được các nhà hiện sinh đề cập tới, trong đó có J. P. Sartre, được Trần Thái Đỉnh suy luận rằng: "Hiện sinh phi lý vì sự lựa chọn của ta không bao giờ có lý do, hoàn toàn vô điều kiện, hoàn toàn ngẫu nhiên và hoàn toàn phi lý" (Trần Thái Đỉnh, 1968, tr. 54). Từ đó, Albert Camus đã tiếp nhận cái phi lý từ J. P. Sartre, lý giải cái phi lý như là một sự lý tính sáng suốt khi nhận biết được đâu là những giới hạn của nó và có sự nhận định lại rằng: "Bản thân thế giới là không thể nhận biết bằng lý tính, đó là tất cả những gì có thể nói. Mà, cái gọi là phi lý chính là sự đối lập của thế giới phi lý tính, hoàn toàn câm lặng trước ước muốn mang tính bản nguyên về cái hiển nhiên vang lên từ trái tim con người lý tính. Cái phi lý đặt căn nguyên trên cả con người và thế giới. Đây là tất cả những gì tôi có thể biết rõ ràng trong cái vũ trụ vô hạn nơi tôi đang phiêu bạt" (Albert Camus, 2005, tr. 21). Sự phi lý có thể vừa là một trạng thái hiện sinh, vừa là một sự nhận thức bản thể đến từ một đối tượng nào đó, đối với chính mình.

    Trong triết học, người ta từ lâu đã quan niệm rằng những gì tồn tại mà đi ngược lại hoàn toàn với quy luật tự nhiên thì bị xem là "phi lý", tức là sự không trùng khớp với bất kỳ sự logic tự nhiên nào. Ban đầu, "phi lý" được hiểu theo nghĩa là "bất hài hòa", sau đã chuyển sang nghĩa "bất hợp lý", dùng để chỉ một trạng thái, hành động không hợp lý thường xuyên bắt nguồn từ những sự tha hóa, những điều không thể tự giải quyết của cá nhân, của xã hội. "Cái phi lý là tình trạng hiện sinh bắt nguồn từ sự đối lập giữa tồn tại người, luôn nuôi dưỡng khát vọng đạt tới cái đơn nhất, tính tất yếu, trật tự của thế giới mà con người đang tồn tại" (Nguyễn Thị Thúy Hồng, 2008, tr. 55). Hay nói một cách khác rằng, tất cả những điều gì có khả năng chống lại sự điều khiển của lý trí, lại càng không thể giải thích ra được bằng tư duy thông thường, thì ta đều coi đó là sự phi lý, hay phi logic. Cái phi lý tự bản thân nó đã là một nghịch lý, mà trong đó, nó đặt con người vào những tình thế cần đưa ra sự lựa chọn: Giữa thiện hay ác, giữa hợp lý hay bất hợp lý, giữa phần "người" hay phần "con", giữa nhân tính và phi nhân tính..

    Trong Huyền thoại Sisyphe, Camus xem Sisyphe như là "anh hùng phi lý". Sisyphe bị thần linh kết án phải lăn một tảng đá lên đỉnh núi nhưng khi tảng đá lên gần tới đỉnh núi, nó lại lăn xuống và điều đó khiến Sisyphe lại quay trở lại chân núi để tiếp tục lăn tảng đá đó lên. Việc làm đó của ông ta cho thấy được mức độ hoàn hảo nhất của một con người phi lý. Mặc dù đã nhận thức được "sự không thể" của vấn đề, ông ta vẫn đấu tranh và phản kháng lại, nhằm một mục đích thách thức lại chính sự vô lý, phủ định lại thần linh và chuyển động vốn dĩ của tảng đá. Sự tồn tại của con người, cũng như vạn vật vì thế bị buộc vào cái phi lý, giống như cái cách "phi lý" và Sisyphe phải đối diện.

    Trong Nghệ nhân và Margarita, Behemoth cũng là biểu hiện cho sự phi lý đó thông qua việc thực hiện mọi hành động, cử chỉ một cách khó lường và gây đến những sự choáng ngợp đến cho độc giả. Behemoth luôn hành động theo sự ưa thích và cảm giác của chính nó, và hầu như không quan tâm đến mức độ, tính chất của những điều đó. Con mèo đen ấy không hành động dựa trên bất cứ quan điểm đạo đức hay một trạng thái hợp lý nào của ý thức, mỗi lần nó xuất hiện, đều mang đến những sự bất ngờ khác nhau, một cách đáng sợ và tàn ác riêng. Đến với Moskova, với khả năng biến hóa thành bất cứ hình dạng nào mà không cần đến sự chuẩn bị trước, Behemoth đảo lộn mọi suy nghĩ ban đầu thường trực trong đầu của một con người khi nghĩ về một con mèo đen. Có nhiều điều vô cùng bất hợp lý trong những việc mà nó đưa ra quyết định, chẳng hạn như tuy rằng nó có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác nhưng lại thường xuyên giở những trò tinh quái, nghịch ngợm của mình ra để bắt họ tự thú, cũng như là nhắc nhở họ về những điều mà họ luôn muốn giấu kín, không muốn bộc lộ ra bên ngoài. Có một vài hành động, tưởng vô lý nhưng đều là những mánh khóe hài hước và trêu chọc, cũng có những hành động vô lý mà hết sức đáng sợ và nguy hiểm đến từ con mèo này - như sự sao chép lại những ý tưởng về bản chất của Behemoth trong huyền thoại. Như vài lần giết người vô tội vạ ở thành phố Moscov, không có lý do chính đáng để làm việc ấy, như lại cũng có lúc trở thành một con mèo hết sức lịch thiệp cho thấy được những sự phi lý trong những hoạt động xung quanh của Behemoth.

    Nói chung, với những hành động, cử chỉ, hành vi mâu thuẫn với suy nghĩ bên trong, với những quy chuẩn đạo đức thông thường, và khả năng biến hình bất hợp lý, nhân vật Behemoth đã hiện lên như một dấu hiệu của sự châm biếm, giễu nhại. Những chi tiết, sự kiện kì dị đến mức phi lý mà nhân vật này tạo ra đã một phần nào đó khắc họa được tính chất của một Behemoth huyền thoại lồng ghép trong một thế giới "hiện thực huyền ảo" đầy nhiệm màu.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...