Bình Luận Hình Ảnh Dòng Sông Trong Ca Khúc Của Trịnh Công Sơn

Thảo luận trong 'Văn Thơ' bắt đầu bởi NS Trần Văn lộc, 15 Tháng tám 2018.

  1. NS Trần Văn lộc VĂN THƠ NHẠC

    Bài viết:
    41
    Điểm lại những tác phẩm thơ và nhạc ta thấy hình ảnh dòng sông được rất nhiều nghệ sĩ đưa vào tác phẩm của mình như một hình ảnh nghệ thuật để qua đó biểu hiện tình cảm với quê hương, với tuổi thơ của mình như: "Trở lại dòng sông tuổi thơ" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, "Nhớ con sông quê hương" của thi sĩ Tế Hanh.. Trong ca từ của nhạc sĩ Trịnh công Sơn hình ảnh dòng sông cũng được nhắc đến khá nhiều lần, vậy "dòng sông" của Trịnh công Sơn có gì khác "dòng sông" của những nhạc sĩ, thi sĩ khác.

    [​IMG]

    Nói đến ca từ của Trịnh công Sơn nhiều nhà phê bình đã từng nói rằng đó là những lời thơ mang tính nghệ thuật rất cao, nhất là nghệ thuật tu từ được nhạc sĩ vận dụng rất sáng tạo, những so sánh, nhân hóa rất mới lạ mà trước đó chưa một nhà văn, nhà thơ nào viết, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều trong ca từ của 600 nhạc phẩm mà ông đã để lại cho đời, ở đây tôi chỉ nói đến hình ảnh dòng sông.

    Tạm bắt đầu từ ca khúc "Lời của dòng sông" tác giả viết: "dòng sông đêm thắp nến, mặt trời quên dấu chim" Hình ảnh mặt nước sông đêm phản chiếu lung linh ánh đèn thành phố ấy ai cũng nhìn thấy nhưng để nói lên bằng nghệ thuật ẩn dụ dòng sông thắp nến thì chưa ai nói được, nhưng đó chỉ là cảm nhận ban đầu bằng thị giác, hãy nghe ông nói về dòng sông như một nhà thông thái sống lâu, biết nhiều, thấu đạt nhiều lẽ vô thường trong trời đất: "người tìm về dòng sông, hỏi thăm về đời mình.."

    Câu hát làm tôi liên tưởng đến tác phẩm: "câu chuyện dòng sông" của Herman Hess (nhà văn Đức) Dòng sông trong tác phẩm đó như một nhà hiền triết đã dạy cho nhân vật chính của câu chuyện đạt đến giác ngộ sau bao nhiêu năm đi tìm đạo không có kết quả. Nhưng thôi, trở lại với Trịnh công Sơn, người hỏi thăm về đời mình chỉ nhận được câu trả lời: ".. hoang vu dòng nước lũ.." buồn như hình ảnh "Tràng giang" của Huy Cận nhưng là cái buồn của quê hương bị bỏ hoang vì chiến tranh..

    [​IMG]

    Trong thời chiến nổi đau khi nhìn thấy quê hương bị tàn phá bởi bom đạn thường ám ảnh Trịnh công Sơn cả trong giấc ngủ, ông thường gặp ác mộng vào ban đêm "tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm khi quanh tôi mọi người đã yên ngủ. Và tôi đã đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh" (Lời tựa trong tập nhạc "Tự tình khúc" )

    Vậy nên trong ca khúc của ông hình ảnh quê hương thấm đẫm nổi buồn chiến tranh, chết chóc "Em đi qua cầu, tiếng súng vang theo, làng mạc, quê hương có dáng buồn rầu.. Một dòng sông sâu chở hồn thương đau.." (Em đi trong chiều) Dòng sông quặn đau vì bom đạn tàn phá quê hương, mang dáng dấp một bà mẹ Việt Nam héo hon đau khổ.. Nhưng ta cũng biết nhạc Trịnh công Sơn đâu chỉ có một chủ đề phản chiến, ông cũng có nhiều ca khúc ca ngợi cuộc đời mà ông yêu thương hết mình, dù có là tình yêu thương của tên tuyệt vọng (*)

    Ở đó hình ảnh dòng sông rất đẹp trong sự so sánh rất sáng tạo của ông: "Con sông là thuyền, mây xa là buồm".. "những dòng sông nối đôi tay liền với biên khơi.." (Bốn mùa thay lá) Đọc câu hát dường như ta thấy nhạc sĩ đang đứng trên núi cao nhìn xuống phong cảnh bên dưới, một phát hiện rất lý thú về thế giới thiên nhiên tươi đẹp mà ta đang sống nhưng nhiều khi vì bận bịu công việc mà ta lãng quên nó. Đôi khi dòng sông trong ca từ của Trịnh công Sơn như một biểu tượng của triết lý: Dòng sông như một chứng nhân lịch sử, như một sự tuần hoàn vô tận của cuộc sống, như một dòng trôi mãi mãi không ngừng nghỉ của thời gian mà so với cuộc đời của con người chỉ là một khoảnh khắc thật nhỏ bé, vô nghĩa "ngồi bên dòng sông nhớ đời mình, một trăm năm sau mãi ngủ yên, khi ngàn lá vẫn còn xanh, khi đời sống vẫn bình yên" (Ngồi bên dòng sông)

    Dòng sông cũng là biểu tượng về cội nguồn của dân tộc, như dòng lịch sử đất nước để ta chiêm nghiệm lại quá khứ hào hùng của dân tộc mình: "Một ngày mùa đông, một người Việt Nam ra bên dòng sông nhớ về cội nguồn, nhớ về đoạn đường từ đó ra đi, nhớ về biển rộng, thuyền ghe lướt sóng, nhớ về nghìn trùng nòi giống của chim" (Ngụ ngôn mùa đông). Sông cùng với núi cũng là biểu tượng của chân lý không gì thay đổi được, đó là câu thành ngữ: "sông cạn đá mòn" mà chúng ta không xa lạ gì, Trịnh công Sơn cũng đã đưa thành ngữ này vào ca từ của ông như một cách vận dụng văn học dân gian mà các nhà nghệ sĩ lớn thường làm: "sông cạn đá mòn..

    Làm sao, làm sao ta gặp được nhau.." (Tình khúc ơ bai) Nói đến tình khúc: Đó cũng là một chủ đề lớn trong nhạc Trịnh công Sơn. Sống trong đời ai mà không có tình yêu, nghệ sĩ càng cần tình yêu hơn vì đó là nguồn cảm hứng sáng tác từ muôn đời nay của nhân loại, vậy trong mảng đề tài này hình ảnh dòng sông của Trịnh công Sơn được ví von ra sao? "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa" (Tình xa) Dòng sông luôn trôi mãi nên nó thường gợi lên sự ra đi, sự chia ly, bắt đầu từ suối khe trong rừng sâu nó bỏ đi ra biển lớn và nước thì chảy xuôi không bao giờ quay lại giống như những người tình lần lượt đi qua đời ta "Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người.." (Người đi qua đời tôi -Phạm đình Chương) Câu hát cũng làm tôi liên tưởng đến một ca khúc khác: "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt" (Thu hát cho người _Vũ đức Sao Biển) Nhưng đôi khi ta thấy dòng sông "bị" ví như kẻ ở lại, kẻ chờ đợi với dòng sông tuy vẫn chảy miệt mài trong lòng sông nhưng thân mình sông thì vẫn mãi còn đấy nên so với trăng thì: "con sông là quán trọ và trăng là tên lãng du.."

    Đối với trăng thì sông là kẻ ở lại vì thế sông mới lên tiếng trách móc: "trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về" (Biết đâu nguồn cội) Với nghệ thuật nhân hóa Trịnh công Sơn đã mang lại cho bài hát một phong cách hồn nhiên, nhí nhảnh rất dễ thương và mới lạ. Cũng tương tự như thế đối với con người, sông cũng là kẻ ở lại: "Đôi chân ta đi sông còn ở lại" (Một cỏi đi về) vì vậy nên khi xa quê hương người ta hay nhớ về con sông quê hương, con sông tuổi thơ chất chứa nhiều kỷ niệm của mình (Nhớ con sông quê hương -Tế Hanh)

    [​IMG]

    Dòng sông trong nhạc Trịnh công Sơn còn được xem như là một cuộc tình nên khi cuộc tình đó đi qua ông bèn thốt lên: "Có một dòng sông đã qua đời" (Lời của bài hát trùng tên) Dù người tình đã ra đi nhưng tâm hồn nghệ sĩ vẫn rất độ lượng, không bao giờ oán trách, hận thù mà vẫn cảm tạ những khoảng khắc hạnh phúc mà người tình đã mang đến cho ta (Tạ ơn) "Dù đến rồi đi, tôi vẫn xin tạ ơn người.. Qua con sông nhớ người đã xa.." lại một lần nữa hình ảnh dòng sông như một nhắc nhở về cuộc tình.

    Với hơn sáu trăm ca khúc, chắc chắn còn nhiều hình ảnh ví von thú vị khác về dòng sông trong ca từ của Trịnh công Sơn nhưng "vốn liếng" của người viết cũng có hạn nên xin được tạm kết thúc ở đây vậy. Chúng ta ai cũng biết ca từ của Trịnh công Sơn mang một phong cách riêng, một kiểu diễn đạt, một kiểu dùng từ không giống mọi người nên có nhiều khi khó hiểu, vì thế không ai có thể nói mình hiểu hết ca từ của Trịnh công Sơn.

    Mỗi người có một cách hiểu khác nhau, chủ yếu ta cảm thấy hay, thấy giống với tâm trạng của mình, đừng nên thắc mắc tại sao nhạc sĩ viết thế này mà không là thế khác.. tôi cũng vậy thôi. Tôi không bàn đến giai điệu, nhạc Trịnh công Sơn hay ở ca từ, vậy nên nghe nhạc của ông phải nghe thật kỷ từng lời, từng câu rồi ngẩm nghĩ mới thấm thía cái hay ấy.

    Chính vì thế người hát phải hiểu nội dung ca từ ấy, hát chính xác từng từ, hát rõ mới truyền tải được cái hay đến người nghe vì có khi người nghe chưa được đọc văn bản bản nhạc ấy bao giờ. Thực tế đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng, có đẳng cấp đã hát sai ca từ của Trịnh công Sơn. Tôi có thể dẫn ra vài trường hợp chính tai tôi đã nghe như: Ca sĩ Bảo Yến hát: "hương trầm hãy còn bay, ta thắp nốt chiều nay" (Ru ta ngậm ngùi) "Hương trầm còn bay" nghĩa là hương còn đang cháy thì cần gì thắp nữa, vô tình đã làm câu hát sai nghĩa đi rất nhiều và cũng mất luôn cái riêng của Trịnh công Sơn. Một trường hợp khác với ca sĩ Tuấn Ngọc hát bài "Chiều một mình qua phố" trong bài có một từ mang cái khác lạ nhất về cách dùng từ của Trịnh công Sơn là từ "nắng khuya" thì vô tình ca sĩ đã làm mất đi khi hát nhầm "có khi nắng mưa chưa lên" câu hát trở nên bình thường không còn gì đáng nói nữa.

    Cuối cùng, một lần nữa xin mượn lời của người nhạc sĩ tài hoa hiếm có ấy xin kết thúc bài viết này "Tôi không bao giờ quên cái hiệu lệnh muôn đời cái ta đáng ghét", tôi chỉ là một fan Trịnh công Sơn xin mạo muội nói lên những suy nghĩ chủ quan của mình, xin tìm được tiếng nói đồng cảm của bạn đọc vậy thôi, nếu có gì sai sót xin được lượng thứ.

    (*) Ý trong lời tựa của Trịnh Công Sơn

    [​IMG]

    Trịnh Công Sơn

    Trần Văn Lộc​
     
    Tài PhạmTinh Tổng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 23 Tháng chín 2018
Trả lời qua Facebook
Đang tải...