Hình ảnh chiếc cầu trong ca dao về tình yêu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Wall-E, 15 Tháng sáu 2019.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    589
    Đất nước ta sông ngòi chằng chịt, văn hóa sông nước in đậm vào tư duy và sản phẩm nghệ thuật của người bình dân. Chiếc cầu là hình ảnh thân thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt, lao động, tình cảm. Nó bắc qua con mương, cái lạch, dòng sông, nối liền đôi bờ, thành nơi gặp gỡ, hò hẹn, đón đưa. Bên cạnh chiếc cầu bình thường đó còn có chiếc cầu trừu tượng nối những tấm lòng, những trái tim.

    Chiếc cầu bình thường là phương tiện giao thông, là nơi cô gái đứng chờ mong người thương về:

    Thương thương, nhớ nhớ, sầu sầu

    Một ngày ba bận ra cầu đứng trông

    Thấy người nam, bắc, tây, đông

    Thấy người thiên hạ mà không thấy chàng.

    Từ chiếc cầu thực, tác giả dân gian sử dụng phương thức ẩn dụ, mượn chiếc cầu trừu tượng để giãi bày tình cảm của mình:

    Anh về xẻ ván cho dày,

    Bắc cầu sông Cái cho thầy mẹ sang

    Thầy mẹ sang em cũng theo sang

    Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.

    Đây là cách nói bóng bẩy, và chàng trai đã bắc chiếc cầu tình yêu bền chặt từ trái tim chân thành của mình đến với cô gái. Qua đó ta thấy quan niệm của người bình dân xưa: Tình yêu gắn với hôn nhân.

    Chàng trai trong ca dao bắc chiếc cầu tình yêu ngỏ lời với người con gái:

    Hai ta cách một con sông,

    Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

    Hay là:

    Cô kia cắt cỏ bên sông,

    Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

    Chiếc cầu cành hồng chỉ có trong trí tưởng tượng, mang tính ước lệ. Chiếc cầu nên thơ này là sản phẩm của tư duy sáng tạo thẩm mỹ, giúp chàng trai tỏ tình, tán tỉnh cô gái. Lời tỏ tình thật đáng yêu, thổ lộ tấm lòng trân trọng nâng niu người con gái.

    Có khi chiếc cầu được bắc bởi cành trầm.

    Cách nhau có một con đầm,

    Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang

    Cành trầm lá dọc, lá ngang,

    Đố người bên ấy bước sang cành trầm.

    Một cách tỏ tình, tán tỉnh khác cũng dễ thương không kém, nhưng tinh nghịch hơn. Chàng trai bắc chiếc cầu "cành trầm lá dọc, lá ngang" để thử thách cô gái. Chàng trai mong đợi người con gái có bản lĩnh, mong đợi tấm chân tình bền vững.

    Nếu chàng trai bắc chiếc cầu cành hồng, cành trầm thì trong ca dao Nam Bộ, người con gái bắc cầu sợi chỉ giúp người yêu "giảm mối sầu tương tư" :

    Sông cách sông, thủy cách thủy,

    Em xe sợi chỉ, em bắc cây cầu,

    Để cho anh sang mà giảm mối sầu tương tư.

    Sợi chỉ là vật dụng thân quen gắn liền với đức tính chăm chỉ, khéo tay của người con gái. Cô ấy mượn sợi chỉ để bắc chiếc cầu tình cảm đáp lại tình yêu của chàng trai. Đó là tín hiệu yêu đương rất tinh tế của người con gái thùy mị nết na.

    Từ cây rau mồng tơi phổ biến ở nông thôn, các chàng trai bình dân xưa bắc chiếc cầu mồng tơi qua mời cô gái sang chơi. Lời đáp lại của cô gái hơn cả tuyệt vời:

    Gần đây mà chẳng sang chơi,

    Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu

    Mồng tơi chả bắc được đâu,

    Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang.

    Đây quả là chiếc cầu tình yêu gợi cảm nhất!

    Ước gì sông rộng một gang,

    Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

    Chiếc cầu tình yêu mà cô gái bắc qua mời chàng trai sang chơi, được làm bằng dải yếm. Đó là vật thân thiết, rất riêng tư của người con gái và cũng chỉ bắc cho một người duy nhất.

    Chiếc cầu dải yếm là hình tượng ẩn dụ để cô gái chủ động bày tỏ, bộc lộ tình yêu rạo rực, cháy bỏng nhưng đằm thắm, vượt qua khỏi sự chi phối của lễ giáo phong kiến khắt khe. Đó là tiếng nói tự do trong tình yêu.

    [​IMG]

    Chiếc cầu xinh

    Có chiếc cầu trắng như vầng trăng non in ngần trên nền trời Huế, có chiếc cầu được xây bằng đá xanh đẹp như một giấc mộng, có chiếc cầu sáu vài mười hai nhịp, nắng mênh mang.. những chiếc cầu có thật trong văn chương và hiện hữu trong cuộc đời. Mời đến với một chiếc cầu nên thơ nhất, gợi cảm nhất, đẹp đẽ nhất, chỉ có trong ca dao:

    "Ước gì sông rộng một gang

    Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi."

    Vâng, chiếc cầu dải yếm!

    Chiếc cầu đặc biệt chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của người con gái với một niềm ước mơ hồn nhiên, chân thật "ước gì sông rộng một gang", đã là sông thì có thể bắc cầu! Sông nhỏ bé nên cầu cũng xinh xẻo và mỏng manh như thế!

    Rõ ràng đây là chiếc cầu độc nhất vô nhị, dù nó được tạo từ vải thô, tơ lụa hay gấm là thì dải yếm vẫn một vật gắn bó mật thiết, luôn quấn quýt trên thân hình người con gái; chất liệu mềm mại ấy lại có sức mạnh vô song..

    "Thuyền anh ngược thác lên đây

    Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền."

    "Trời mưa trời gió kìn kìn

    Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông."

    "Kiếp sau đừng hóa ra người

    Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân."

    Vâng, là "dải yếm" chứ không là "cành hồng", là "ngọn mồng tơi", là "sợi chỉ".. những chất liệu bắc cầu trong trong lời ca cất lên từ các chàng trai:

    "Dải yếm."

    Minh chứng cho tình cảm chân tình và nồng thắm, chiếc cầu tình yêu ấy chở cả hơi ấm và nhịp đập trái tim người con gái, mời gọi một cách ý nhị "cho chàng sang chơi" mà vẫn không kém phần mãnh liệt!

    Đặt câu ca dao trong hoàn xã hội phong kiến lúc bấy giờ, khi mà tình cảm riêng tư của nữ giới còn chịu nhiều trói buộc khắt khe bởi bao nhiêu luật tục thì niềm mơ ước của cô gái bình dân kia mới mạnh mẽ, táo bạo và tự tin làm sao! Nhưng biết đâu, đôi khi, đó chỉ là ước ao thầm kín, chỉ là thổn thức trong tim nhưng rồi được gió đêm mang đi, hòa vào ngàn lau xào xạc, vào cỏ nội hoa đồng như vô vàn mơ ước viển vông đang chấp chới bay bay..

    "Ước gì có cánh như chim

    Bay cao liệng thấp đi tìm người thương."

    "Ước gì ăn ở một nhà

    Ra vào đụng chạm kẻo mà nhớ thương.."

    Chiếc cầu lãng mạn nhất của ca dao đã dắt ta đến với tâm hồn trẻ trung, dạt dào, thiết tha của người con gái thuở xưa để đôi khi ta có thêm chút dũng khí để mà bộc bạch niềm khát khao đến cháy bỏng của mình- một niềm khát khao như lửa cứ âm thầm cháy mãi trong đêm..

    [​IMG]
     
    LieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 24 Tháng mười 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...