Hiểu như thế nào về pháp luật và nhà nước?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi taphuclam2000, 4 Tháng mười 2021.

  1. taphuclam2000

    Bài viết:
    2
    Mối quan hệ giữa nhà nướcpháp luật từ xưa đến nay luôn là mối quan tâm của nhiều người. Nhà nước và pháp luật luôn có mối quan hệ đặc biệt trong lý luận và thực tiễn.

    Định nghĩa về pháp luật và nhà nước

    Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một bộ máy được đặt ra chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực hiện chức năng quản lý đặc biệt với mục đích nhằm duy trì trật tự xã hội, thực hiện mục đích bảo vệ địa vị của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp.

    Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ trong xã hội.

    Nguồn gốc ra đời của pháp luật và nhà nước

    Xã hội cộng sản nguyên thủy sống dựa vào hình thức săn bắt và hái lượm. Trong quá trình sống của con người ngày một phát triển dẫn đến nhu cầu của con người ngày càng gia tăng đòi hỏi một sự cải tiến về mặt công cụ lao động từ đó dần chuyển qua hình thức chăn nuôi và trồng trọt là tăng năng suất lao động dẫn đến sự dư thừa của cải.

    Do giá trị hàng hóa trao đổi không ngang bằng nên con người thường có nhu cầu trao đổi hàng hóa với nhau, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của tiền và phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Xã hội đã được phân chia thành 2 giai cấp: Thống trị và bị trị, giai cấp thống trị ra sức bóc lột giai cấp bị trị dẫn đến xảy ra những mâu thuẫn dẫn đến việc giai cấp bị trị vùng lên đấu tranh giành quyền lợi của mình.

    Mâu thuẫn giữa các tầng lớp giai cấp là không thể điều hòa được, vì vậy để xoa dịu giai cấp bị trị thì giai cấp thống trị đã tiến hành tổ chức ra một thiết chế quyền lực mới nhằm bảo vệ cho lợi ích cho giai cấp của mình đồng thời duy trì trật tự và ổn định xã hội, từ đó nhà nước được hình thành và ra đời. Để có thể duy trì trật tự xã hội và giúp giai cấp thống trị quản lý nhà nước thì cần có công cụ quản lý công cụ đó là pháp luật và từ đó pháp luật được ra đời.

    Mối quan hệ giữa pháp luật và nhà nước

    Mối quan hệ giữa pháp luật và nhà nước được thể hiện cụ thể qua sự thống nhất giữa nhà nước và pháp luật; sự khác biệt giữa pháp luật với nhà nước và sự tác động qua lại giữa pháp luật và nhà nước được quy định như sau:

    Thứ nhất: Sự thống nhất giữa pháp luật và nhà nước

    Pháp luật và nhà nước là hai hiện tượng xã hội luôn gắn liền cùng với nhau, do đó nguyên nhân về sự ra đời của nhà nước cũng chính là nguyên nhân làm xuất hiện và tồn tại nên pháp luật. Nhà nước và pháp luật là những hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, chúng đều là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp.

    Pháp luật và nhà nước sẽ chỉ ra đời và tồn tại khi trong xã hội xuất hiện những điều kiện nhất định, điều kiện đó chính là có sự tư hữu, xã hội phân chia thành giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, pháp luật và nhà nước có sự thống nhất mật thiết với nhau.

    Thứ hai: Sự khác biệt giữa nhà nước và pháp luật

    Nếu nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực công là phương thức - hình thức tồn tại của xã hội có giai cấp thì pháp luật chính là hệ thống các quy phạm đã được nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các hành vi và các mối quan hệ xã hội của con người. Nhà nước là sự đại diện cho sức mạnh còn pháp luật là đại diện cho ý chí. Nhắc đến nhà nước là nhắc đến yếu tố con người cùng cơ chế bộ máy còn pháp luật là nói đến các quy tắc hành vi.

    Hình thức của nhà nước là cách tổ chức quyền lực và là những phương pháp được đề ra nhằm tổ chức quyền lực nhà nước. Hình thức của nhà nước bao gồm 3 yếu tố: Hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước, chế độ chính trị. Hình thức của pháp luật là cách thức mà giai cấp nắm quyền lực nhà nước sử dụng nhằm nâng ý chí của giai cấp mình lên thành pháp luật. Ba hình thức pháp luật được lịch sử ghi nhận là: Tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản pháp luật.

    Thứ ba: Sự tác động qua lại của Nhà nước và pháp luật.

    Sự tác động của nhà nước đến pháp luật trước hết được thể thể hiện ở việc nhà nước ban hành, thay đổi, hủy bỏ, hoàn thiện pháp luật, bảo vệ pháp luật ra khỏi sự vi phạm, bảo đảm pháp luật và đưa pháp luật áp dụng vào đời sống. Pháp luật chính là sản phẩm trực tiếp của hoạt động nhà nước mang trong mình vai trò điều chỉnh hoạt động của nhà nước và các mối quan hệ xã hội. Mặt khác, về cơ bản hoạt động của nhà nước mang tính pháp lý.

    Pháp luật là mục đích tồn tại của nhà nước và là phương tiện kiểm soát hoạt động của nhà nước, xác định rằng các giới hạn là cho phép hay không cho phép; đảm bảo sự kiểm soát đối với nhà nước bằng pháp luật và quy định về cơ cấu tổ chức bên trong và các hoạt động của nhà nước, của cơ quan nhà nước. Dựa vào pháp luật mà nhà nước có thể tiến hành thực hiện các nhiệm vụ, chức năng, các chính sách đối nội và đối ngoại của mình, xác định chế đội chính trị, kinh tế, xã hội và quy chế pháp lý đối với các cá nhân. Mọi hoạt động của nhà nước đều xuất phát bắt nguồn từ chế độ pháp luật, trong các hình thức pháp luật và các trình tự thủ tục pháp luật.

    Pháp luật mang trong mình vai trò nhằm củng cố và hoàn thiện nhà nước để thích ứng sự phát triển một cách khách quan của xã hội. Không một chế độ nhà nước nào có thể thực hiện được nếu thiếu đi pháp luật hay ngoài pháp luật. Sự hoàn thiện tiến bộ hay lạc hậu, trì trệ của pháp luật sẽ ảnh hưởng và kéo theo sự hoàn thiện hay trì trệ, lạc hậu của nhà nước và ngược lại. Việc đổi mới, hoàn thiện nhà nước và pháp luật chỉ thực sự có ý nghĩa và phát huy hiệu quả khi được tiến hành song song, đồng bộ dựa trên cơ sở giám sát và quá trình tham gia đánh giá khách quan của toàn xã hội. Hiệu lực, hiệu quả của nhà nước và pháp luật tác động phụ thuộc lẫn nhau.
     
    Last edited by a moderator: 4 Tháng mười 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...