Chia sẻ Hãy Đọc Bài Viết Nếu Bạn Không Muốn Sống Một Cuộc Đời Lãng Phí!

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Ann54, 31 Tháng tám 2021.

  1. Ann54

    Bài viết:
    0
    Bất tử Vĩnh Hưng vượt thoát khỏi sự băng hoại của thời gian đó là hồng ân chỉ có ở những kiệt tác, vậy điều gì đã làm nên phước phần đó trong vở kịch kinh điển của William Shakespeare- "Romeo và Juliet"? Chắc hẳn, đó chính là nhờ vào tình yêu của hai người, họ đã đến với nhau dẫu thù hận của hai dòng họ Montague và Capulet tồn tại ngàn đời. Dẫu tình yêu muôn đắng cay nhưng họ đã thực sự sống là chính mình, sống trọn vẹn đến hơi thở cuối cùng mà không bị trói buộc bởi định kiến nào. Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta đang là chủ nhân của cuộc đời mình hay đang sống như Rando Kim đã viết trong tác phẩm "Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu" : "Lối sống bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác là lối sống nô lệ cho ánh mắt người đời."

    Cuộc sống là một bức họa đa màu, là một bản hòa ca muôn giai điệu, lúc trầm lúc bổng, lúc buồn lúc vui, là "bể cạn sông sâu", là ánh sáng và bóng tối, là những góc khuất và sự thật. Cũng bởi sự đa thanh đa sắc đó mà mỗi người có một lối sống, một quan điểm khác nhau. Rất nhiều trong số đó đã chọn sống một cuộc đời "bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác", sống theo lề thói của xã hội và trói chặt mình trong vòng tròn định kiến của những người dẫu không sống chung trong cuộc đời của mình, ấy thế, ta vẫn nguyện dâng hiến tất thảy, nhỏ là thời gian, công sức, lớn hơn là những ước mơ, hoài bão và khát vọng của bản thân, sống một kiếp "nô lệ" đánh mất đi sự tự do và cái tôi của chính mình vì chủ nhân của ta là "đôi mắt của người đời" -một thế giới hoàn toàn xa lạ với những hủ tục, định kiến và lối tư duy đã được định sẵn. Hẳn, không ai sinh ra muốn sống một kiếp "nô lệ" kham khổ, đó cũng chính là thông điệp mà Rando Kim muốn gửi gắm đối với chúng ta: Hãy sống cuộc đời của chính mình đừng sống vì một ai khác nếu bạn không muốn dâng hiến sự tự do của cuộc đời bạn.

    "Cảm ơn vì đã cho tôi mỗi ngày được sống", hồng ân lớn nhất mà Thượng Đế ban tặng cho loài người đó chính là sự sống. Sự sống vốn quý giá bởi nó hữu hạn và không một ai trong chúng ta có thể "vượt thoát" quy luật vĩnh hằng đó của sự sống, chúng ta chỉ sống được một lần duy nhất, thế nên phải sống hết mình, sống trọn vẹn với những khát vọng, hoài bão và lí tưởng của bản thân. Có như vậy, ta mới có thể khai phá và phát huy tận độ năng lực của chính mình, phá bỏ những giới hạn để thỏa sức theo đuổi mục tiêu và ước mơ, sống trọn vẹn và sải cánh bay tự do trên khung trời khát vọng như đàn hải âu trở về với nơi nghiễm nhiên thuộc về nó. Vì không có một lằn ranh và định kiến nào tự kẻ khác, ta mới là chính ta, tự tin và bản lĩnh, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân và không ngừng sáng tạo ra cái mới để cống hiến cho xã hội những gì tinh hoa nhất. Bởi sớm giác ngộ và bước chân ra khỏi những định kiến xưa cũ, nhà văn Murakami đã vượt thoát khỏi những thứ văn chương tầm thường, ông đã viết về cái chết nhẹ nhàng và thản nhiên như một luật "bất thành văn" trong sáng tác, cái chết luôn mang âm hưởng ghê sợ và tan thương là lí do mà hiếm ai viết về nó và xem nó như một điều cấm kị trong văn học. Nhưng trong kiệt tác "Rừng Na Uy", cái chết của những người trẻ nối tiếp nhau như một điều hiển nhiên và truyền tải một nhân sinh quan mới: "Giản dị như sự thật/Như bốn mùa/Như sống chết". Chính Murakami đã khai sáng ta đến với một chân lí mới: Chết không hoàn toàn tách biệt với sự sống mà nó là một phần của sự sống. Chết làm cho ta thêm trân trọng sự sống hơn tất thảy. Chỉ có khi ta đủ bản lĩnh để bước chân ra những lề thói cũ, ta mới có thể đón nhận một thế giới mới nơi có vô vàn những triết lí và nhân sinh quan đẹp đẽ, thiêng liêng.

    Tình yêu của Romeo và Juliet bất tử hóa không phải chỉ bởi sự hy sinh và hai người dành cho nhau mà nó còn vượt lên trên mọi bờ cõi và xóa bỏ thù hận ngàn đời của hai dòng họ Montague và Capulet. Chính tình yêu thương vượt thoái khỏi mọi lề lối ấy đã hóa giải những thứ xấu xa và tàn ác, để con người sống thêm yêu thương và trân trọng nhau. Dẫu Romeo và Juliet có chết đi, song, một niềm an ủi rằng cái chết ấy không vô nghĩa bởi nó đã cảm hóa mọi thù hận và đã tố cáo sự xấu xa và tàn ác của vòng dây trói buộc mang tên "định kiến", nó đã siết chặt lấy sự sống của những người yêu nhau và đẩy họ đến bước đường cùng, đó là cái chết. Sẽ chẳng có nghĩa lí gì nếu ta sống mà không thể yêu những gì ta yêu. Vượt thoát khỏi "đôi mắt người đời" là cách để ta vững bước trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của chính mình.

    Jack Ma-cha đẻ của tập đoàn Alibaba, trước khi trở thành vị tỉ phú mang tầm ảnh hưởng lớn thì Alibaba- "đứa con" của ông bị xem là một phát minh điên rồ, chính nhờ sự kiên định của bản thân, Jack Ma đã đi đến cùng với ước mơ của mình, bỏ ngoài tai những lời nói của người khác về những rủi ro, mạo hiểm của "đứa con tinh thần". Và giấc mơ ấy đã thành hiện thực, khi Alibaba không ngừng phát triển và mang về món hời khổng lồ. Nếu ta không thể vượt thoát những định kiến thì cuộc đời sẽ không xuất hiện một kì tích nào cả. Hãy vượt thoát và bỏ ngoài tai những lời chỉ trích và phê phán của người khác bởi nó khiến ta bất lực và buông xuôi những lí tưởng của chính mình, khiến ta cảm thấy thiếu tự tin về năng lực của bản thân.

    Có một câu nói nổi tiếng, rằng: "Sống ở đời đau khổ nhất là nhìn người khác sống và sống để người khác nhìn." Hãy sống cuộc đời của chính mình, bởi lẽ dù ta có sống theo lối mòn của người khác, soi mói cuộc sống của họ hay sống dưới "ánh mắt người đời" thì nó cũng khiến ta đau khổ. Chẳng có một "nô lệ" nào trên thế gian tự hào vỗ ngực rằng hắn ta là kẻ hạnh phúc cả. Sống vì người khác ta sẽ đánh mất đi bản sắc của chính mình, sống mờ nhạt hòa vào đám đông của xã hội, để khi Thần Chết gõ cửa ta chẳng thể mang cho Ngài một cái li tràn đầy sự sống, để khi trở về với Đất Mẹ ta cũng chỉ là một hạt cát vô danh với hậu thế.

    Thế nhưng, sống cuộc đời của chính mình không đồng nghĩa với lối sống lập dị, xem mình là trung tâm của vũ trụ, sống là chính mình nghĩa là dẫu ta ở trong đám đông cũng không "hòa trộn" làm một với những cá thể khác, vẫn gìn giữ sắc màu, cá tính và phong cách của bản thân. Và sống cuộc đời vượt thoát khỏi những định kiến xưa cũ cũng không phải là lối sống phũ bỏ hết những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, mà nó là lối sống tốt đẹp biết phát huy cái tốt và tiếp thu chọn lọc cái mới để cất riêng cho bản thân mình. Hãy theo đuổi những giấc mơ của chính mình và tự do sải cánh ước mơ nhưng cũng không quên một điều rằng giấc mơ cũng có giới hạn: Đó là đao đức và thuần phong mỹ tục.

    Trong xã hội ngày nay được tiếp thu với nền văn hóa văn mình và tiến bộ đã tôi luyện nên lối tư duy sắc sảo, đáng ngưỡng mộ của nhiều người. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng còn rất nhiều kẻ đang miên man kiếp sống làm nô lệ cho "ánh nhìn của người khác", họ sợ sệt trước những định kiến và lời nói của những người xung quanh, họ đáng thương hơn đáng trách bởi luôn cố làm hài lòng người khác thay vì làm hài lòng chính mình. Và xấu xa thay những kẻ không sống cuộc đời của họ mà chỉ biết soi mói những người xung quanh, xem việc hạ bệ người khác là niêm vui của bản thân. Dẫu là ai trong số họ cũng khó có thể sống hạnh phúc, yên vui.

    Cuộc đời cũng như tảng băng trôi vậy, ba phần nổi, bảy phần chìm, ta sẽ không thể nhìn thấy hết được những phần "trôi nổi" của cuộc sống bằng cái nhìn trực diện và phiến diện. Hãy xem xét kĩ những lời nói của người khác, đôi khi, đó cũng là lời khuyên chân thành và giúp ích cho ta trên bước đường thành công. Hơn hết, muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì ta phải chịu đựng những cảm giác mà không phải ai cũng có thể vượt qua. "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" thì sao ta không sống là chính mình?
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...