Hậu sinh khả úy là gì? Ở một số phân cảnh của bộ phim võ hiệp thường có phân cảnh bậc trưởng bối dùng ánh mắt "hiền lành", tán thưởng đối với tiểu bối phán lời thoại: Hậu sinh khả úy. Hậu sinh khả úy: Khen đời sau - tiểu bối - tài giỏi, nổi bật và tiến bộ. Dịch sâu xa hơn thì trong Hán Việt từ "hậu sinh" có nghĩa người sinh sau, người trẻ tuổi. Còn từ "khả úy" được lý giải là nể phục, kính phục. Hậu sinh khả úy có nghĩa là giới trẻ, lớp người sinh sau thật đáng nể phục, ám chỉ giới trẻ có thể vượt qua được thế hệ trước. Nói về ngữ nghĩa, hậu sinh khả úy giống câu nói Trường Giang sóng sau xô sóng trước - lớp lớp thế hệ về sau đều nổi bật hơn đời trước. Là thành ngữ được bắt nguồn từ cuốn "Luận ngữ – Tử hãn", trong đó có viết đầy đủ là: "Tử viết: Hậu sinh khả úy, yên tri lai giả chi bất như kim dã? Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tư diệc bất túc úy dã dĩ." Dịch nghĩa: "Khổng tử nói: Lớp trẻ có tài cần được úy trọng, nhưng biết đâu tương lai của họ không bằng hiện nay! Nếu đến bốn chục, năm chục tuổi mà chưa có tiếng tăm gì thì không phải úy trọng họ nữa." Lớp trẻ có thể thích ứng nhanh chóng với những sự phát triển của xã hội, có tài năng và tư duy độc đáo, mới lạ. Kế thừa và phát huy những tinh hoa nhân loại đời trước nên họ có kiến thức rộng, suy luận thực tế, khoa học hơn, dám nghĩ dám làm, dám xông pha. Có lòng cầu tiến, hoài bão lớn. Tuy vậy lại thiếu sự khôn ngoan, cẩn trọng, tỉ mỉ của bậc trưởng bối. Dễ bị gục ngã trước thất bại hoặc cám dỗ. Tài năng nhưng dễ tự mãn làm hỏng đại sự. Thế hệ trước có thể chậm chạp, nhưng họ lại có sức mạnh của sự kiên nhẫn và bền bỉ được tôi luyện từ nhiều năm lăn lộn trong trường đời. Chính vì thế, mặc dù lớp trẻ có sức bật tốt, nhưng họ có thành tài, có thật sự vượt lên trong cuộc sống được hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn (thời nay thực khó nói). Vậy nên mới nói: "Hậu sinh khả úy", đáng trọng nhưng không đáng sợ. Câu nói này còn gắn với giai thoại kể về cuộc gặp gỡ của Khổng Tử với một đứa trẻ có tên là Hạng Thao. Đứa trẻ này tuy chỉ mới 7 tuổi nhưng cách ứng xử và trí thông minh lại hơn người. Hạng Thao không những có thể trả lời toàn bộ câu hỏi của thầy Khổng Tử đưa ra mà bên cạnh đó, chính những câu hỏi của Hạng Thao lại khiến Khổng Tử khó xử vì không thể tìm ra câu trả lời nào hợp lý: Khổng Tử đang trên đường đi du lịch thì gặp ba đứa trẻ, trong đó hai đứa đùa nghịch với nhau rất thỏa thích, còn đứa kia chỉ lặng im đứng xem. Khổng Tử thấy lạ mới hỏi tại sao lại không cùng chơi với các bạn. Đứa trẻ điềm nhiên nói: "Đánh vật nhau quyết liệt rất dễ phương hại đến sinh mạng con người, còn cứ lôi kéo xô đẩy nhau thì rất dễ bị thương, dù chỉ kéo rách áo quần thôi, thì cũng chẳng có lợi gì cho cả hai bên, nên cháu không muốn chơi với chúng nó". Một lúc sau, đứa trẻ này dùng đất đắp thành một ngôi thành lũy ngay giữa đường, rồi vào ngồi trong đó. Xe Khổng Tử không thể đi được mới hỏi tại sao lại không nhường lối cho xe đi. Đứa trẻ đáp: "Cháu nghe người ta nói xe phải vòng qua thành mà đi, chứ làm gì có thành lũy lại nhường lối cho xe đi bao giờ". Khổng Tử nghe vậy rất kinh ngạc, cảm thấy đứa trẻ này người tuy còn nhỏ nhưng rất ranh mãnh, mới nói rằng: "Cháu tuy nhỏ mà hiểu biết thật không ít". Đứa trẻ đáp rằng: "Cháu nghe nói, cá con sinh ra được ba ngày đã biết bơi, thỏ con sinh ra được ba ngày đã biết chạy, ngựa con sinh ra được ba ngày đã biết đi theo mẹ, đây là việc rất bình thường chứ có gì lạ đâu." Vì thế, Khổng Tử đã nói: "Hậu sinh khả úy, lớp trẻ ngày nay thật là ghê gớm". Trường Giang sóng sau xô sóng trước hay Tre già măng mọc cũng có ngữ nghĩa tương đương hậu sinh khả úy.